Trung Quốc: Ra tay chống tham nhũng trong quân đội (Kỳ I): Những vụ án điển hình
Tuesday, March 25, 2014 10:31 AM GMT+7
Ngày 20/03, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hongkong) đưa tin, Thượng tướng Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương vừa bị bắt để phục vụ điều tra tham nhũng "bán quân hàm lấy tiền".

Ông Từ Tài Hậu được coi là thân tín của nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương Giang Trạch Dân; là đồng minh của ông Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; và là người ủng hộ ông Bạc Hy Lai, nguyên ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trùng Khánh.

Thượng tướng Từ Tài Hậu là Phó Chủ tịch quân ủy trung ương trẻ nhất Trung Quốc (năm 2004) cho dù khi đó ông đã bước vào tuổi 61. Vì cho tới nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào của Trung Quốc đề cập tới vấn đề này nên những tin đồn xung quanh Thượng tướng Từ Tài Hậu tiếp tục được dư luận bàn luận. Bởi diễn ra trong bối cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân uỷ trung ương Tập Cận Bình đang quyết tâm chống tham nhũng trong quân đội.

Những đồn đoán về số phận của Thượng tướng Từ Tài Hậu (là thành viên quân ủy trung ương năm 1999 và giữ chức Phó Chủ tịch quân ủy trung ương từ năm 2004 đến khi về hưu tháng 11/2013) bắt đầu xuất hiện sau khi Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội bị bắt và điều tra tham nhũng cách đây hơn 2 năm (tháng 01/2012). Bởi nguyên Phó Chủ tịch quân ủy trung ương được cho là đứng sau quá trình thăng quan tiến chức nhanh chóng của Trung tướng Cốc Tuấn Sơn.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn từng tặng con gái Thượng tướng Từ Tài Hậu một thẻ tín dụng trị giá 20 triệu NDT làm quà cưới cách đây mấy năm. Do đó, nhiều khả năng sau khi Thượng tướng Từ Tài Hậu bị bắt và thẩm vấn, Bắc Kinh sẽ công bố kết quả điều tra tham nhũng đối với Trung tướng Cốc Tuấn Sơn.

Thượng tướng Từ Tài Hậu

Một trong những nguyên nhân khiến dư luận đồn đoán về việc bắt giữ Thượng tướng Từ Tài Hậu bởi ông vắng mặt tại 2 kỳ họp thường niên của Chính hiệp và Quốc hội được tổ chức thượng tuần tháng 3 vừa qua. Theo giới chuyên môn, mặc dù quân đội Trung Quốc đã cải thiện chế độ hưu trí và bố trí việc làm cho cựu quân nhân trong một thập niên vừa qua, nhưng việc mua bán quân hàm vẫn diễn ra đối với nhiều quan chức cấp cao và đây là việc “bình thường” trong thời gian Thượng tướng Từ Tài Hậu tại vị. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, gần như các quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc đều do Phó Chủ tịch quân ủy trung ương Từ Tài Hậu cất nhắc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng, Thượng tướng Từ Tài Hậu đã kiếm hàng chục triệu USD bằng cách "bán quân hàm" cho những sĩ quan có nhu cầu trong quân đội. Điều đáng nói là việc mua quan bán chức trong quân đội không những diễn ra ở cấp cao nhất, mà còn lan tràn ở cấp địa phương. Đang có 2 luồng dư luận khác nhau trong việc bắt giữ Thượng tướng Từ Tài Hậu.

Có tin nói rằng, những người ủng hộ ông Từ Tài Hậu trong quân đội đã kêu gọi khoan dung đối với nguyên Phó Chủ tịch quân ủy trung ương vì Thượng tướng đang bị ung thư - cũng tương đương với lĩnh án tử hình. Và họ đã đưa ra tiền lệ của cố Phó Thủ tướng Hoàng Cúc - được tha trong một cuộc điều tra tham nhũng do ông bị ung thư tuyến tụy. Nhưng cũng có tin cho biết, việc không truy tố ông Từ Tài Hậu sẽ gây phẫn nộ trong công cuộc cải cách quân đội, khi tham nhũng được coi là vấn nạn trong giới tướng lĩnh. Và đây sẽ là thách thức lớn đối với ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng bởi ông Từ Tài Hậu là người phụ trách nhân sự cấp cao của quân đội từ 2004 đến 2013.

Vụ án Cốc Tuấn Sơn

Tháng 01/2012, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn bị tạm giữ và tên của ông bị xóa khỏi website Tổng cục hậu cần một tháng sau đó. Nhưng phải đến tháng 0 1/2014, cuộc điều tra đối với Trung tướng Cốc Tuấn Sơn mới chính thức được công bố. Ngày 16/01, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn bị điều tra tham nhũng là người dốt về quân sự, nhưng giỏi nịnh cấp trên. Có tin nói rằng, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn đã tham nhũng tới 20 tỷ NDT (hơn 3 tỷ USD), sở hữu hơn 300 biệt thự và căn hộ, cùng 5 bồ nhí đều là ca sĩ, minh tinh điện ảnh và MC truyền hình.

Trung tướng Cốc Tuấn Sơn

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng từng đưa tin chi tiết về cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Trung tướng Cốc Tuấn Sơn bởi đây là một động thái chưa từng có tiền lệ trong hàng ngũ cấp cao quân đội Trung Quốc. Cuộc sống xa hoa của Trung tướng Cốc Tuấn Sơn bị báo chí phanh phui trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội. Chỉ riêng tại một trong các biệt thự của Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, cảnh sát đã phải dùng tới 4 xe tải để chở đồ, trong đó có tượng bằng vàng. Trung tướng Cốc Tuấn Sơn được cho là đã khai với các nhân viên điều tra rằng, ông có kế hoạch dùng biệt thự và căn hộ sở hữu làm quà tặng “cho các đối tác”.

Cho tới nay mới chỉ có tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng và tạp chí Tin tức Tài chính đưa tin, bài cùng ảnh đậm nét về lối sống xa hoa của Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc chỉ đưa tin ngắn và chung chung về vấn đề này. Theo các nguồn tin của tạp chí Tin tức Tài chính, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn là người từng phụ trách các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của quân đội, và đã nhận được các lợi ích lớn về kinh tế bằng cách tìm kiếm “khoản lót tay" trong các vụ bán đất của quân đội. Anh trai Trung tướng Cốc Tuấn Sơn là người thiết lập các nhà máy để sản xuất hàng hóa cho quân đội, đã xây 7 biệt thự cho gia đình ông Cốc Tuấn Sơn tại quê nhà ở thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam. Riêng biệt thự của Trung tướng Cốc Tuấn Sơn tại thành phố Bộc Dương rộng gần 1 ha và được xây dựng giống Tử Cấm Thành.

Một trong những chi tiết được dư luận đặc biệt quan tâm là việc làm giả lý lịch của ông Cốc Tuấn Sơn. Tuy chỉ là người bình thường chết vì bệnh năm 1990, nhưng ông Cốc Nhan Sinh, bố đẻ Trung tướng Cốc Tuấn Sơn bỗng trở thành “Liệt sỹ Vũ Hoa Đài”, từng là “cảnh vệ của Thủ tướng Chu Ân Lai”, được viết sách ca ngợi, xây lăng hoành tráng rộng tới 6 mẫu đất. Trông coi, quét dọn lăng là những quân nhân thuộc quân khu Bộc Dương… Việc này diễn ra sau khi Trung tướng Cốc Tuấn Sơn thuê “một dàn nhà văn, nhà thơ, viết kịch, dựng phim” với giá cao để ông dựa vào “lý lịch cách mạng” thăng quan tiến chức.

Chỉ trong 8 năm, ông Cốc Tuấn Sơn đã 5 lần được thăng chức - từ cán bộ hậu cần ở bộ đội địa phương, được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục nhà đất và cơ sở vật chất, thuộc Tổng cục Hậu cần, rồi Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách công tác xây dựng (2009). Hai năm sau (2011), ông Cốc Tuấn Sơn được phong hàm Trung tướng và đây là thời điểm huy hoàng nhất trong sự nghiệp quân ngũ của quan tham này. Trong quá trình lên tới đỉnh cao quyền lực, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn đã đưa 4/5 em ruột vào làm cán bộ quân đội, cùng 6 cháu trai và 7 cháu gái làm việc hoặc đang học trong quân đội để tiện bề tiến thân.

Vụ án Vương Thủ Nghiệp

Gần 8 năm trước (30/06/2006), giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, Phó đô đốc Vương Thủ Nghiệp, Phó Tư lệnh hải quân Trung Quốc, tiền nhiệm của Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, đã bị quân ủy trung ương cách chức. Khi đó, ông Vương Thủ Nghiệp là sĩ quan quân đội cao cấp nhất bị kết án vì tham nhũng tại Trung Quốc.

Phó đô đốc Vương Thủ Nghiệp

Được biết, ông Vương Thủ Nghiệp đã nhận hối lộ hơn 20 triệu USD, và nuôi cùng một lúc 5 tình nhân, tất cả đều xuất thân từ quân đội. Những người này thuộc đoàn văn công quân khu Nam Kinh, đoàn văn công Tổng cục chính trị, đoàn văn công quân khu Bắc Kinh, Học viện quân sự, và Tổng cục chính trị. Một trong số những tình nhân này đã có con với ông Vương Thủ Nghiệp và yêu cầu được cung cấp 3 triệu NDT. Nhưng ông Vương Thủ Nghiệp chỉ đồng ý đưa 1 triệu NDT và đứa con đó không được thừa nhận là hợp pháp.

Quyết định kể trên đã khiến cô nhân tình viết đơn tố cáo và ông Vương Thủ Nghiệp bị bắt ngày 23/12/2005. Khi bị thông báo về việc bắt giữ, ông Vương Thủ Nghiệp đã tìm cách mở chiếc cặp, nhưng bất thành. Trong cặp có 2 khẩu súng ngắn của Đức và ông Vương Thủ Nghiệp định dùng để tự sát. Khi nhân viên điều tra lục soát nhà ông Vương Thủ Nghiệp ở Bắc Kinh và Nam Kinh đã tịch thu 52 triệu NDT và 2,5 triệu USD, được giấu trong tủ lạnh, lò vi sóng và máy giặt. Ngoài ra, trong két sắt ở phòng làm việc của ông Vương Thủ Nghiệp cũng có tới 50 triệu NDT. Giới truyền thông cho biết, một trong những công trình lớn nhất mà ông Vương Thủ Nghiệp từng phụ trách thi công là trụ sở mới của quân ủy trung ương. Tòa nhà 10 tầng này có các đường hầm nối với các cơ quan chính phủ và kinh phí xây dựng lên đến hơn 1 tỷ NDT.

Vụ án Cục trưởng tình báo quân đội

Thiếu tướng Cơ Thắng Đức, nguyên Cục trưởng tình báo quân đội đã bị kết án tử hình vì tội tham nhũng, lạm dụng công quỹ (100 triệu NDT) và quan trọng nhất là liên quan tới việc bảo kê cho “Vua buôn lậu” Lại Xương Tinh (như cấp biển số quân đội để hợp pháp hoá số xe hơi nhập lậu) hoành hành trong một thời gian dài. Lại Xương Tinh đã lợi dụng tối đa mối quan hệ với ông Cơ Thắng Đức bởi người này đã cấp cho hắn “giấy thông hành, giấy phép đặc biệt” của tình báo quân đội - được phép ra vào tất cả những nơi không được phép! Nhờ những ngoại lệ chưa từng có kể trên nên Lại Xương Tinh không những nhanh chóng trở thành người giầu nhất Trung Quốc, mà còn sớm chuẩn bị để đào tẩu sau khi bị phát hiện.

“Vua buôn lậu” Lại Xương Tinh

Gần 2 năm trước (18/05/2012), Tòa án Nhân dân thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến đã tuyên phạt “Vua buôn lậu” Lại Xương Tinh mức án chung thân vì tội buôn lậu và đưa hối lộ. Nếu không có thỏa thuận trước đó giữa Canada và Trung Quốc thì Lại Xương Tinh sẽ phải lĩnh án tử hình. Trong khi Lại Xương Tinh nhận án chung thân, có tới 14 người hữu quan bị tuyên tử hình.

Lại Xương Tinh cho rằng, một trong những nguyên do khiến công việc làm ăn của Tập đoàn Viễn Hoa bị bại lộ là do bị con trai một quan chức cấp cao của Quân đoàn 31 chơi xấu. Sau khi bị Lại Xương Tinh từ chối đưa 100 triệu NDT (tiền hối lộ), Chu Ngưu Ngưu, con trai của Phó chỉ huy trưởng Quân đoàn 31 đã lập tức bỏ ra 30.000 NDT để đưa bằng được bức thư tố giác của mình tới tay người có trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương.

Sở dĩ Chu Ngưu Ngưu làm càn như vậy vì hắn nợ Hồ Đại Tào, quan chức cấp cao của quân khu Phúc Châu 14.000.000 NDT và số tiền này đã đến hẹn phải trả, nhưng hắn không có khả năng. Khi còn là Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến, ông Tập Cận Bình từng tuyên bố, vụ án Lại Xương Tinh sẽ được kết thúc trước khi khai mạc Hội nghị toàn thể TW 5 khóa 15 (cuối tháng 09/2000) và lễ kỷ niệm 51 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (01/10/2000).

Từ tháng 12/1995 đến tháng 05/1999, Lại Xương Tinh đã tổ chức buôn lậu đồ nội thất cao cấp, xì gà, xe hơi, dầu thô, dầu thực vật, hóa chất, vật liệu dệt và nhiều hàng hóa khác với tổng giá trị 27,395 tỉ NDT (khoảng 4,35 tỉ USD), trốn thuế tới 13,9 tỉ NDT. Người ta đã làm rõ 64 quan chức từng được Lại Xương Tinh hối lộ với tổng số tiền trên 39,13 triệu USD. Đây là vụ án buôn lậu, trốn thuế, đưa hối lộ và tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc kể từ năm 1949.

Để gây ảnh hưởng, tạo uy tín, tại phòng tiếp khách của Tập đoàn Viễn Hoa, Lại Xương Tinh cho treo những bức ảnh lớn chụp với nguyên Phó Chủ tịch quân uỷ Trung ương Lưu Hoa Thanh, nguyên Phó Thủ tướng Lý Lam Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vương Hán Bân, Lý Thiết Ánh.

 

(Còn tiếp)

Đông Ngàn-Từ Sơn

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.