Trung Quốc: Ra tay chống tham nhũng trong quân đội (Kỳ II): Nhiều quyết sách được ban hành
Wednesday, March 26, 2014 10:35 AM GMT+7
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Thượng tướng Từ Tài Hậu bị bắt hôm 15/03 khi đang điều trị bệnh ung thư bàng quang tại Quân y viện 301 ở thủ đô Bắc Kinh và bị giam giữ bí mật để phục vụ công tác điều tra. Ngoài ông Từ Tài Hậu, vợ cùng con gái và thư ký riêng của Thượng tướng cũng bị bắt và việc này diễn ra đúng ngày Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban cải cách quốc phòng.

Giới quân sự nhận định, việc ông Tập Cận Bình đảm nhận vị trí lãnh đạo Ủy ban cải cách quốc phòng cho thấy, các cải cách quốc phòng có thể sẽ làm thay đổi cơ cấu chỉ huy trong lực lượng vũ trang Trung Quốc và điều này ảnh hưởng đến lợi ích của các nhóm quyền lực trong quân đội. Tin này xuất hiện ngay sau khi tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin (17/03), Bắc Kinh đã ngưng điều tra tham nhũng đối với ông Từ Tài Hậu vì Thượng tướng đang bị ung thư giai đoạn cuối.

Những nhận định khác nhau

Ông Từ Tài Hậu là một trong 3 Phó Chủ tịch quân ủy trung ương dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân uỷ trung ương Hồ Cẩm Đào. Được biết, việc mua bán chức vụ và quân hàm trong quân đội Trung Quốc lan tràn trong thời kỳ ông Từ Tài Hậu tại vị, trong đó giá của hàm Thiếu tướng khoảng vài triệu NDT (giai đoạn 2000-2002) và tại thời điểm này Thượng tướng Từ Tài Hậu là Bí thư Ủy ban Kiểm tra và kỷ quật trong đảng bộ quân đội. Nhiều người cho rằng, Chủ tịch quân ủy trung ương Tập Cận Bình muốn thông qua việc bắt giữ Thượng tướng Từ Tài Hậu để chứng minh rằng, ông là người thực quyền chứ không giống như người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, luôn bị coi hữu danh vô thực trong quân đội.

Từ Tài Hậu và Bạc Hy Lai trong một phiên họp

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng cho rằng, ông Tập Cận Bình kiểm soát quân đội tốt hơn so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Trong cuộc phỏng vấn ngày 14/1, ông Robert Gates cho rằng, ông Hồ Cẩm Đào “đã không kiểm soát tốt” quân đội Trung Quốc. Trước đó (13/01), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng, Trung Quốc đã sẵn sàng thể hiện sức mạnh cơ bắp sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và Chủ tịch quân uỷ trung ương muốn trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ như ông Mao Trạch Đông.

Giới bình luận cho rằng, tình trạng tham nhũng trở nên tồi tệ hơn trong quân đội Trung Quốc suốt thập kỷ qua và với tư cách phụ trách công tác tổ chức, nhân sự và chính trị trong quân đội, Thượng tướng Từ Tài Hậu phải chịu trách nhiệm Và đó là một trong những lý do tại sao ông Tập Cận Bình từ khi trở thành Chủ tịch quân ủy trung ương lại bắt đầu một chiến dịch truy quét tham nhũng chưa từng có trong quân đội Trung Quốc. Nếu Thượng tướng Từ Tài Hậu bị xét xử thì ông sẽ trở thành quan chức cao cấp nhất của quân đội Trung Quốc phải đứng trước vành móng ngựa với tội danh tham nhũng, cho dù diễn ra ở tòa án binh và không được công bố rộng rãi.

Ngày 15/01, tờ Thời báo Hoàn cầu từng cho rằng, nạn tham nhũng nghiêm trọng đã xảy ra trong quân đội, đặc biệt là lĩnh vực hậu cần, nhưng các tiết lộ về cuộc chiến chống tham nhũng của quân đội vẫn được giữ kín để không làm xấu đi hình ảnh của quân đội. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã đề ra nhiều quy định mới nhằm hạn chế số lượng cũng như thương hiệu ôtô dành cho lãnh đạo chỉ huy cấp cao của quân đội. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội được giữ bí mật để bảo vệ "hình ảnh trước công chúng" của quân đội Trung Quốc. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã bước vào giai đoạn “lớn hơn nhiều so với dự kiến” khi tập trung vào quân đội, nơi vốn dĩ được coi là bất khả xâm phạm.

Các quy định cụ thể

Ngày 13/01, hãng Reuters cho biết, ông Tập Cận Bình đã phê duyệt thông tư, quy định quân đội chỉ được phép chọn các thương hiệu nội địa khi mua xe công để cắt giảm chi tiêu và ủng hộ hàng hóa sản xuất trong nước. Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố: tham nhũng là mối đe dọa đối với sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó Tân Hoa xã cho rằng, tham nhũng trong đội ngũ sĩ quan cao cấp quân đội Trung Quốc có thể làm suy yếu những nỗ lực đằng sau hậu trường. Gần 2 năm trước (tháng 04/2012), Chính ủy Tổng cục Hậu Cần quân đội Trung Quốc, tướng Lưu Nguyên, người được coi là bạn thân của ông Tập Cận Bình từng có một loạt bài phát biểu nhằm thắng vào nạn tham nhũng trong quân đội. Tướng Lưu Nguyên (con trai cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ) từng tuyên bố: Không quốc gia nào có thể đánh bại Trung Quốc, chỉ có tham nhũng mới có thể tiêu diệt chúng ta.

Ông Tập Cận Bình thị sát đại quân khu Quảng Châu khi vừa lên Chủ tịch Quân ủy Trung ương

Ngày 05/11/2013, Tân Hoa xã đưa tin, một số chỉ huy của quân đội đang sở hữu bất hợp pháp hơn 8.000 căn hộ và 25.000 ôtô. Nhưng những người thụ hưởng số tài sản trên dường như thoát khả năng bị trừng phạt sau khi trả lại chúng. Sau đó (06/11/2013), Tân Hoa xã lại cho biết, tất cả các sĩ quan chỉ huy, các cơ quan đơn vị đang sử dụng phòng ốc vượt tiêu chuẩn đều phải cam kết trả lại quân đội, bãi bỏ toàn bộ các chức danh thư ký riêng cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân và cảnh sát vũ trang Trung Quốc.

Ngày 29/10/2013, quân ủy Trung ương ban hành văn bản ra lệnh tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra trong quân đội, nhằm phát hiện các trường hợp sai phạm và tham nhũng. Tháng đó (tháng 9/2013), quân ủy Trung ương đã yêu cầu các quan chức quân đội phải kê khai toàn bộ tài sản trước khi họ được thăng chức hoặc về hưu. Công tác kiểm kê sẽ được tiến hành đối với bất động sản, cũng như việc sử dụng quyền hành, trong đó có sử dụng xe công và nhân công. Ngày 24/02/2013, Tân Hoa xã đưa tin, ông Tập Cận Bình đã phê chuẩn "Quy định về thực hành quản lý kinh phí chặt chẽ, tiết kiệm" và được 4 Tổng cục thuộc Bộ tổng tham mưu quân đội ban hành, theo đó sẽ chi tiền tùy theo sức chiến đấu của từng lực lượng, cơ quan đơn vị.

Ngày 21/12/2012, quân đội tuyên bố, từ giờ những buổi tiếp khách của các sĩ quan cấp cao trong quân đội sẽ không bao gồm rượu hay những bữa tiệc xa hoa, hoành tráng như trước. Các buổi tiếp đón cũng sẽ không được dùng đến băng rôn, biểu ngữ, thảm đỏ, trang trí hoa hay các đội hình binh lính… Theo quy định, quan chức trong quân đội cũng bị cấm ở trong các khách sạn dân sự hoặc quân sự được trang bị những tiện nghi xa hoa, sang trọng khi đi công tác. Việc sử dụng các thiết bị được trang bị như còi hú cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ trong các chuyến thăm chính thức nhằm tránh gây phiền phức cho người dân ở nơi công cộng. Trong tháng 12/2012, quân ủy trung ương cũng ra một loạt quy định nhằm ngăn chặn các hành động sai trái như cấm uống rượu và các quy định chặt chẽ về việc sử dụng xe quân sự.

Trước đó, quân uỷ trung ương từng quyết định lấy 2006 và 2007 là hai năm chống tham nhũng, hủ bại trong quân đội, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh. Theo Tân Hoa xã, trọng tâm của đợt chống tham nhũng khi đó là lĩnh vực xây dựng các hạng mục, trang thiết bị vật tư, y tế, giao thông vận tải, quân nhu, thông tin, mua sắm trang thiết bị trong quân đội, du lịch… Một sỹ quan phụ trách công tác giám sát trong quân đội thừa nhận, những sai phạm kinh tế trong hoạt động kinh doanh mà quân đội quản lý diễn ra khá nghiêm trọng, thậm chí nạn đưa và nhận hối lộ, cũng như hủ bại trong một bộ phận đã phát triển tới mức nguy hiểm và nếu chuyện này không được xử lý nghiêm túc, kịp thời thì sẽ trở thành mãn tính.

Con số và sự kiện biết nói

Giới phân tích cho rằng, năm 2014 sẽ chứng kiến chiến dịch truy quét tham nhũng mạnh mẽ hơn, nhất là trong quân đội bởi trong phát biểu ngày 14/01, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: quyết không khoan dung đối với tội tham nhũng và đây là cuộc chiến cần các nỗ lực lâu dài. Cũng trong ngày 14/01, tờ điện tử China.com đột nhiên đăng bài “Khám nhà Cốc Tuấn Sơn ở quê Hà Nam tìm thấy thuyền và tượng Mao Trạch Đông bằng vàng ròng”. Ngay sau bài báo này, một loạt bài viết xuất hiện trên cả báo in, báo mạng cùng các diễn đàn khác và cái tên Cốc Tuấn Sơn được dư luận đặc biệt quan tâm với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo giới thạo tin, một trong những nguồn gốc chính của tệ nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quốc là buôn lậu (đặc biệt là dầu thô) và thời kỳ những năm 1990 là đỉnh cao của hoạt động này. Được biết, có ít nhất 6 công ty của quân đội và cảnh sát vũ trang Trung Quốc đã kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ vào buôn lậu dầu thô. Bởi trong năm 1998, giá dầu thô quốc tế tụt xuống còn khoảng 900 NDT/tấn, trong khi giá dầu thô tại Trung Quốc là 1.500 NDT/tấn và điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại 20 tỷ NDT do hoạt động nhập lậu dầu thô trong năm 1998. Dầu thô chỉ là một trong hàng chục mặt hàng được nhập lậu với số lượng lớn khiến ngân sách quốc gia thiệt hại nặng vì không thu được thuế. Một minh chứng là vào năm 1999, ngay sau khi Bắc Kinh mạnh tay, thuế nhập khẩu đã tăng 41%, lên 224,2 tỷ NDT.

Nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân uỷ trung ương Giang Trạch Dân từng ủng hộ quyết định của nguyên Thủ tướng Chu Dung Cơ trong cuộc chiến chống buôn lậu ở quân đội. Ngày 17/07/1998, Thủ tướng Chu Dung Cơ từng chỉ đích danh Tập đoàn Thiên Thành thuộc Tổng cục chính trị, Bộ tổng tham mưu vì đã nhập quặng sắt từ Australia, nhưng không đóng thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng trị giá 50 triệu NDT. Điều đáng nói là mỗi khi có nhân viên hải quan kiểm tra, luôn có một sĩ quan quân đội cấp cao xuất hiện để giải quyết. Thậm chí phái viên đặc biệt do Thủ tướng Chu Dung Cơ cử đến điều tra Tập đoàn Thiên Thành đã bị người của quân đội bắt và tạm giam. Theo thống kê, khi đó đã có ít nhất 23 sĩ quan từ thiếu tướng trở lên, những người từng quản lý các công ty thuộc quân đội, bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thành. Ông này sau đó bị bắt và bị dẫn độ về Trung Quốc xét xử.

Theo thống kê, có hàng nghìn sỹ quan trung, cao cấp của quân đội đang bị điều tra vì dính líu tới tham nhũng. Ngoài Trung tướng Vương Thủ Nghiệp, người bị Toà án quân sự kết án tử hình vì tội tham nhũng, nhận hối lộ với tổng số tiền 160 triệu NDT (khoảng 20 triệu USD), dư luận cũng từng quan tâm tới vụ điều tra của quân uỷ trung ương đối với Thiếu tướng Trịnh Trị Đống, Tư lệnh quân khu Hồ Nam. Được biết, Thiếu tướng Trịnh Trị Đống bị cáo buộc có liên quan tới vụ tham nhũng của Bí thư thành uỷ Bân Châu Lý Đại Luân. Và 2 người này có mối quan hệ khá mật thiết bởi trước khi được bổ nhiệm làm Tư lệnh quân khu Hồ Nam (2002), Thiếu tướng Trịnh Trị Đống từng công tác tại Bân Châu tới 20 năm.

Tờ Quân giải phóng cho biết, quân đội Trung Quốc vừa điều chuyển nhiều tướng lĩnh cao cấp và chức vụ chủ chốt thuộc các quân khu và các quân binh chủng với tuổi đời bình quân rất trẻ. Đây là đợt điều chuyển lớn, có liên quan tới 33 tướng lĩnh quân đội. Trong đó, 3 quân khu lớn là Bắc Kinh, Lan Châu và Thành Đô có nhiều biến động nhất và trong số 33 tướng lĩnh kể trên (tuổi đời bình quân của 33 người này là 57), có 5 Trung tướng, còn lại đều là Thiếu tướng.

Đông Ngàn-Từ Sơn

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.