Chiến lược ba bước của Không quân Trung Quốc? (Kỳ 1)
02 Tháng Tư 2014 6:45 SA GMT+7
Ngày 05/03/2014, Trung Quốc tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng 12,2% trong năm 2014 lên mức 131,57 tỷ USD. Động thái này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi kế hoạch mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, trong đó có việc hiện đại hóa không quân.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã xác định: “Không quân là lực lượng chủ thể tác chiến trên không, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh không phận quốc gia, duy trì ổn định phòng thủ trên không của cả nước”. Với chiến lược phát triển 3 bước, đến năm 2020 Không quân Trung Quốc sẽ tiến vào giai đoạn tin học hóa.

Phát triển lực lượng

Theo quan niệm của Trung Quốc, Không quân cấu thành chủ yếu từ các binh lực hàng không, phòng không mặt đất, rađa, nhảy dù, tác chiến điện tử. Theo yêu cầu chiến lược tấn công và phòng thủ, không quân Trung Quốc tăng cường xây dựng hệ thống lực lượng tác chiến lấy trinh sát, cảnh báo, tấn công trên không, chống tên lửa phòng không, điều chuyển chiến lược làm trọng tâm, phát triển các loại vũ khí trang bị tiên tiến như máy bay tác chiến thế hệ mới, tên lửa đất đối không loại mới và rađa kiểu mới, hoàn thiện mạng lưới tình báo, chỉ huy và thông tin, nâng cao khả năng dự báo, răn đe chiến lược và tấn công trên không tầm trung và tầm xa. Không quân Trung Quốc hiện có 398.000 người, gồm có 7 quân đoàn ở các quân khu Thẩm Dương, Bắc Kinh, Lan Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Quảng châu, Thành Đô và một quân đoàn nhảy dù. Dưới quân khu là các căn cứ không quân, sư đoàn (lữ đoàn) bộ đội hàng không, sư đoàn (lữ đoàn) tên lửa đất đối không, lữ đoàn rađa.

Chiến lược ba bước của Không quân Trung Quốc?

Máy bay Su-27 của Không quân Trung Quốc

Từ những năm 1990 đến nay, Không quân Trung Quốc đã có những phát triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Không quân Trung Quốc đã tăng số lượng các loại máy bay chiến đầu thế hệ thứ ba từ 55 chiếc năm 1999 lên 365 chiếc năm 2007, bao gồm 48 chiếc Su-27SK, 28 chiếc Su-27UBK, 95 chiếc J11A/B2, 100 chiếc Su-30MKK/MK2, 64 chiếc J10A5, 24 chiếc JH7A, 4 chiếc KJ2000 và 2 chiếc KJ200. Tháng 11/2009, Tư lệnh Không quân Trung Quốc Thượng tướng Hứa Kỳ Lương tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ phát triển các khả năng vũ trụ và chỉ có sức mạnh mới có thể bảo vệ hòa bình”. Như vậy, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố từ bỏ lập trường về việc chống quân sự hóa ngoài khoảng không vũ trụ. Cũng trong khoảng thời gian đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (nay đã nghỉ hưu) đã nhấn mạnh với các sỹ quan Không quân Trung Quốc về khả năng tấn công và phòng thủ của Không quân Trung Quốc.

Tháng 09/2010, lần đầu tiên các đơn vị Không quân của Lục quân Trung Quốc đã tham gia vào các nhiệm vụ ở nước ngoài, như hoạt động cứu trợ lũ lụt ở Pakistan. Năm 2010, các máy bay Su-27 của Không quân Trung Quốc đã bay tới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi tiếp dầu ở Pakistan và Iran để tham gia cuộc diễn tập “Anatolian Eagle 2010”. Tháng 01/2011, Trung Quốc đã tiết lộ máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Đầu năm 2011, Chu Hòa Bình, cháu trai cố nguyên soái Chu Đức, hiện là Phó Giám đốc Học viện Chỉ huy Không quân Trung Quốc nói rằng, Không quân Trung Quốc có thể xếp trong tốp 10 nước trên thể giới.

Ngày 03/03/2011, 4 máy bay vận tải IL-76 của Không quân Trung Quốc đã sơ tán 1.655 công dân Trung Quốc khỏi Libya. Ngày 29/06/2011, máy bay Su-27 của Trung Quốc đã vượt qua tuyến trung tâm ở Eo biển Đài Loan để đuổi theo máy bay trinh sát U-2S của Mỹ. Tháng 11/2012 Không quân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận với quy mô lớn, với hơn 100 máy bay cùng các phi công đại diện cho các phi công xuất sắc đến từ 14 Trung đoàn không quân tiêm kích. Và năm 2013 Trung Quốc cũng tổ chức diễn tập lớn có không quân tham, sau khi tuyên bố cái gọi là Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông.

Trung Quốc hiện có mạng lưới sân bay trải rộng với hơn 400 cái, trong đó có 350 sân bay có mặt đường băng cứng. Bảo đảm dư thừa lưu lượng và tần suất hoạt động thường xuyên của các đơn vị/binh đoàn không quân phiên chế và phân tán chúng khi có nguy cơ bị đối phương tấn công. Với mạng lưới sân bay rộng khắp, cho phép các lực lượng và phương tiện không quân cơ động, hiện nay, Trung Quốc đã có ưu thế không quân gấp hơn 2 lần về số lượng trước bất cứ đối thủ tiềm tàng nào và trên bất kỳ hướng chiến lược nào dọc theo đường biên giới quốc gia.

Điều chỉnh chiến lược

Những năm gần đây, chiến lược của Không quân Trung Quốc đang có những thay đổi lớn gắn liền với chiến lược quân sự và chiến lược an ninh quốc gia. Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã đưa ra những điều chỉnh chủ yếu về chiến lược, trang bị, đào tạo, huấn luyện… để đánh thắng các cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện tin học hóa.

Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc cho rằng: Không quân Trung Quốc đã tăng cường hiện đại hóa để đáp ứng những yêu cầu chiến lược trong tác chiến cả tấn công và phòng thủ. Không quân Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, lấy phòng thủ thủ đô Bắc Kinh làm trung tâm và coi việc bảo vệ các khu vực ven biển và biên giới làm then chốt. Điều này hàm ý rằng, trọng tâm chiến lược của Quân đội Trung Quốc đến năm 2020 là củng cố các khả năng của Không quân để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền cũng như lợi ích “cốt lõi” của quốc gia ở các khu vực trên thế giới.

Không quân Trung Quốc hiện có khoảng 300.000 người với cơ cấu lực lượng gồm 6-7 trung đoàn máy bay ném bom, từ 36-39 trung đoàn máy bay chiến đấu và 24 trung đoàn làm nhiệm vụ tấn công mặt đất, 290 máy bay làm nhiệm vụ trinh sát, tình báo, tác chiến điện tử và cảnh báo sớm đường không, 513 máy bay vận tải và khoảng 100 trực thăng.

Hiện đại hóa Không quân Trung Quốc với việc đổi mới nhiều thành phần, giảm quy mô và số lượng các cấp hành chính, giảm bớt các cấp chỉ huy trung gian, sử dụng tổ hợp nhiều hệ thống có độ linh hoạt cao, sát nhập các tổ chức khác nhau…; Về cơ sở hạ tầng, Không quân Trung Quốc đã xây dựng thêm nhiều căn cứ không quân ở tuyến trước, nâng cấp các đường băng gần các nước láng giềng như: xây dựng một căn cứ không quân mới ở Phố Hạ thuộc tỉnh Phúc Kiến cách Đài Loan khoảng 400 km để bố trí các máy bay chiến đấu hoặc máy bay không người lái.

Tương tự, Không quân Trung Quốc đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp hoặc thậm chí xây dựng các sân bay mới ở các khu vực biên giới với Ấn Độ; Về bố trí, tăng cường lực lượng Không quân bao gồm: bố trí thêm mỗi nơi 1 Trung đoàn máy bay chiến đấu J-10 cho Sư đoàn Không quân số 44 tại Lục Lương, tỉnh Vân Nam, Sư đoàn Không quân số 2 tại Quế Lâm, Sư đoàn Không quân của Quân khu Lan Châu, Sư đoàn Không quân số 3 thuộc Quân khu Nam Kinh đóng ở Trường Hưng, tỉnh Triết Giang; bố trí 1 Trung đoàn Su-27 SK/UBK cho Sư đoàn Không quân số 33 tại Trùng Khánh.

Vài năm trước, các máy bay Su-27 đã được bố trí ở Quân khu Thành Đô và các máy bay này đã tham gia huấn luyện, diễn tập trên cao nguyên Tây Tạng. Bên cạnh đó, Không quân Trung Quốc bố trí các tên lửa đất đối không HQ9 tại Baoji và Tây An để bảo vệ các khu vực phía Tây Trung Quốc. Các tên lửa HQ-12 được bố trí ở Vân Nam. Trung Quốc đã mua 8 Trung đoàn tên lửa S-300 PMU của Nga để đảm nhiệm vai trò phòng không tầm trung.

Với chiến lược được điều chỉnh, lực lượng không quân Trung Quốc đã giảm dần từ 400.000 xuống còn hơn 300.000 người. Tổng số máy bay chiến đấu đã giảm từ 5.300 xuống còn 1.693 chiếc. Số lượng máy bay ném bom đã giảm từ 630 xuống còn 82 chiếc. Những thay đổi lớn về số và chất lượng đã diễn ra trong không quân tiêm kích-bom và không quân cường kích. Các máy bay chi viện đường không (trực tiếp) Q-5 năm 1995 có 500 chiếc đến năm 2005 vẫn còn 300 chiếc thuộc các biến thể Q-5C/D/E, nay đã bị loại khỏi biên chế. Năm 2012, không quân Trung Quốc có 99 máy bay trinh sát JZ-8F.

Không quân tiêm kích chiến thuật của Trung Quốc đã bị cắt giảm từ 4.000 xuống còn 890 chiếc. Các máy bay thế hệ 2 và một phần thuộc thế hệ 3 đã bị rút khỏi biên chế chiến đấu. Không quân Trung Quốc có trong biên chế tổng cộng 33 sư đoàn không quân: 3 sư đoàn không quân ném bom, 4 sư đoàn không quân tiêm kích-bom, 24 sư đoàn không quân tiêm kích và 2 sư đoàn không quân vận tải. Mặc dù trong lực lượng máy bay của không quân tiêm kích còn khá nhiều tiêm kích thế hệ 3 như J-8 (552 chiếc), nhưng nền tảng sức mạnh chiến đấu của nó là các tiêm kích đa năng hạng nhẹ J-10 và hạng nặng Su-27 do Nga và Trung Quốc sản xuất. Loại do Trung Quốc sản xuất được đặt tên J-11. Cũng như các máy bay đa năng Su-30MKK và Su-30MK2 mua của Nga. Su-27SK (J-11) thuộc các biến thể khác nhau là các máy bay thuộc thế hệ 4, còn Su-30MKK và Su-30MK2 là các máy bay thế hệ 4+. Năm 2012, các máy bay tiêm kích loại này, Trung Quốc có 340 chiếc, trong đó có: J-10А/S (hơn 200 chiếc), J-11В/ВS (hơn 70), Su-30MKK mua từ Nga (73), Su-27SK mua từ Nga (43 chiếc). Xét về số lượng tiêm kích thế hệ 4+, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, đứng trên Nga chỉ với không quá 230 chiếc.

Vào giữa thập niên 1980, Trung Quốc đã thông qua chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 4. Sau đó, nhiệm vụ kỹ thuật được điều chỉnh đã hướng các nỗ lực của các công trình sư Trung Quốc theo hướng nghiên cứu chế tạo loại máy bay đa năng. Các chuyên gia Nga cũng đã được huy động tham gia dự án. Hiện đại nhất trong không quân Trung Quốc là các máy bay họ Su-27 và Su-30 do Nga cung cấp hay được sản xuất theo giấy phép của Nga. Biến thể của Su-27SK được Trung Quốc đặt tên là J-11. Trung Quốc, sau khi từ chối sự giúp đỡ của chuyên gia Nga, đã bắt đầu phát triển và hiện đại hóa J-11. Tất cả những cải tiến mới cho phép thoạt liệt kê tiêm kích đa năng J-11В vào thế hệ 4+.

Hiện nay, Bắc Kinh đang đàm phán mua một lô 26 tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 của Nga, vốn là mẫu quá độ giữa biến thể cuối cùng của Su-30 và tiêm kích thế hệ 5 tương lai Т-50. Sau khi có được Su-35, Trung Quốc sẽ có thể giải quyết được hai bài toán: một mặt là trước khi nhận J-20 vào trang bị, xây dựng được một lực lượng không quân có khả năng đối kháng gần ngang ngửa với F-22 và F-35 của Mỹ, mặt khác với sự sao chép những hệ thống và tổng thành của Su-35 vốn giúp máy bay này tiếp cận thế hệ 5. Ngoài ra Không quân tiêm kích-bom, Không quân trinh sát, Không quân ném bom, Không quân vận tải cũng được định hướng phát triển theo thế hệ mới 4+ hoặc tiếp cận thế hệ thứ 5.

(Còn tiếp)

Nguyễn Nhâm


Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.