Trung Quốc và chiến lược “biên giới mềm, quyền lực mềm” (Kỳ 1): Tạo ảnh hưởng tại Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar
17 Tháng Tư 2014 6:04 SA GMT+7
Dư luận đang quan tâm tới thông tin trên tờ Đại Công báo (Hongkong) vì đề cập tới việc Tập đoàn Từ Công (XCMG) và Tập đoàn Tam Nhất (Sany) của Trung Quốc bắt đầu lập kế hoạch xây dựng kênh Kra (24/03).

Bởi kênh Kra nằm ở miền Nam Thái Lan và theo kế hoạch con kênh này (dài 100km) nối liền Ấn Độ Dương với vịnh Thái Lan và sau khi hoàn thành, đây sẽ là kênh nhân tạo lớn nhất châu Á. Vì Thái Lan có vị trí chiến lược và là cửa ngõ quan trọng nối với lưu vực sông Mekong và Nam Á nên dư luận rất quan tâm tới kế hoạch xây dựng kênh Kra. Bởi sau khi kênh Kra đi vào hoạt động, trao đổi thương mại giữa ASEAN với các nước trên thế giới sẽ không phải thông qua vịnh Malacca và hành trình được rút ngắn hơn 1.000km so với tuyến đường từng đi qua trước đó. Việc này giúp tiết kiệm thời gian cùng chi phí vận chuyển và một lần nữa giới phân tích lại cảnh báo về mưu đồ “biên giới mềm, quyền lực mềm” mà Trung Quốc đã và đang tiến hành.

Thái Lan: “Mỗi em một máy”?

Dư luận từng nhiều lần đề cập tới “quyền lực mềm” của Trung Quốc tại Thái Lan. Gần 2 năm trước (18/07/2012), Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Suchart Thada Thamrongvech từng chủ trì buổi lễ ra quân của đoàn xe caravan đi đến 8 tỉnh, thành để thực hiện chương trình phát máy tính bảng cho học sinh tiểu học. Đoàn xe chở theo 55.000 máy tính bảng do Trung Quốc sản xuất. Đây là một phần trong số 930.000 máy tính bảng của chương trình One Table Per Children (mỗi em một máy), trị giá hơn 75 triệu USD, do Trung Quốc tài trợ Thái Lan.

Được biết, tài trợ giáo dục là một trong những chiến lược then chốt mà Bắc Kinh thực thi để nâng tầm ảnh hưởng trong quan hệ với Bangkok, kể từ khi chính phủ của đảng Puea Thai được thành lập. Và Chính phủ Thái Lan cũng từng đặt mục tiêu phổ cập tiếng Trung bên cạnh tiếng Anh ở bậc tiểu học vào năm 2015. Cũng trong năm 2012, Chính phủ Thái Lan đã tổ chức mừng năm mới của người Hoa và đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức bên cạnh lễ hội năm mới truyền thống của người bản xứ.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Tanzania hôm 24/03/2014

Theo nhận định của Tiến sĩ Teshu Singh thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược xung đột và hòa bình của Ấn Độ, Trung Quốc đang sử dụng cả quyền lực cứng lẫn “quyền lực mềm” đối với Thái Lan. Còn theo Tiến sĩ Prapat Thepchatree, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học chính trị của Trường Thammasat, Thái Lan không phải là nước duy nhất trong ASEAN mà Trung Quốc sử dụng chiến lược này. Tiến sĩ Prapat Thepchatree cho rằng, văn hóa Trung Quốc tồn tại hàng thế kỷ ở Thái Lan nên Bắc Kinh dễ dàng thực thi “quyền lực mềm” bằng nhiều cách tại quốc gia này. Việc phát hành tờ Nhân dân nhật báo bằng tiếng Thái, khai trương hàng chục viện Khổng Tử và trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, cấp học bổng khuyến khích sinh viên du học cho thấy, Trung Quốc đang tích cực mở rộng “quyền lực mềm” tại Thái Lan.

Lào: Tuyến đường sắt 7 tỉ USD

Ngày 30/01/2014, Quan Hòa Bình, Đại sứ Trung Quốc tại Lào cho biết, tổng trị giá đầu tư của Trung Quốc tại Lào đã đạt mức mức 5,1 tỉ USD (tính đến cuối năm 2013) và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia không có đường biển, hầu như không có đường sắt và là một trong những nước nghèo nhất Đông Nam Á. Để đạt được con số ấn tượng kể trên, hơn chục năm qua Bắc Kinh đã không ngừng nỗ lực sử dụng lá bài kinh tế. Hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Lào bắt đầu từ năm 1998-1999 và tập trung chủ yếu vào khai thác khoáng sản (112 dự án), công nghiệp (4 dự án), cùng các dự án khác như phát triển đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng ở bắc Lào và dự án nhà máy sản xuất giấy ở tỉnh Savannakhet. Tập đoàn Thượng Hải Wanfeng đã khởi công dự án bất động sản trị giá 1,6 tỉ USD tại thủ đô Vientiane, làm tăng sự hiện diện của Trung Quốc tại nền kinh tế nhỏ nhất Đông Nam Á. Các công ty Trung Quốc cũng đang tăng cường đầu tư vào Lào thông qua hàng loạt dự án, từ đập thủy lợi đến trung tâm thương mại.

Giới chuyên môn từng cảnh báo, Lào có thể phải trả giá vì nhận tiền đầu tư của Trung Quốc sau khi Chính phủ Lào phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 470km nối liền miền Bắc nước này tới tỉnh Vân Nam Trung Quốc hồi cuối năm 2012. Theo giới chuyên môn, tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ (trị giá 7 tỉ USD - gần bằng GDP của Lào) cho Lào khá dài và ngoằn nghoèo (qua 76 đường hầm và khoảng 150 cây cầu) vì Bắc Kinh muốn liên kết miền nam Trung Quốc với Bangkok, Thái Lan và Vịnh Bengal ở Myanmar. Theo tờ Vientiane Times, đây là dự án xây dựng hạ tầng cơ sở lớn nhất từ trước đến nay ở Lào - dự kiến kéo dài trong 5 năm và sử dụng khoảng 50.000 công nhân Trung Quốc.

Giáo sư Joseph Nye

Trung Quốc rất coi trọng dự án kể trên bởi tuyến đường sắt này nằm trong chiến lược kéo Đông Nam Á lại gần và cung cấp cho Bắc Kinh tuyến vận chuyển dầu từ Trung Đông. Đường sắt chạy qua Lào sẽ là một phần tuyến đường sắt nối liền Côn Minh, miền Nam Trung Quốc, tới Singapour, qua các điểm Vientiane, Bangkok và Kuala Lumpur. Điều đáng nói là lợi ích sẽ chảy về Trung Quốc, trong khi hầu hết chi phí sẽ do nước chủ nhà gánh chịu. Bởi điều khoản ràng buộc của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) đưa ra để cho vay số tiền kể trên (7 tỉ USD) sẽ trở thành gánh nặng và nguy hiểm đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của Lào. Ngoài ra, việc xây dựng đường sắt thông qua Bắc Lào sẽ lần lượt biến các vùng nông thôn ở nước này thành bãi chứa chất thải. Theo tờ The New York Times, rất nhiều người dân Lào không hài lòng với sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc.

Campuchia: Cần là có ngay

Trung Quốc đã xóa nợ và trao cho Campuchia quy chế miễn thuế quan đối với khoảng 400 mặt hàng. Từ năm 1992, Trung Quốc đã viện trợ và cho Campuchia vay 930 triệu USD. Thứ trưởng Quốc phòng Campuchia Moeung Samphan từng tuyên bố: Trung Quốc đã giúp Campuchia trong một thời gian khá dài. Những gì Campuchia yêu cầu, Trung Quốc luôn đáp ứng.

Tháng 05/2012, tờ Phnom Penh Post cho biết, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đang dự định đầu tư 235 triệu USD vào 2 siêu dự án ở Campuchia, đó là xây dựng nhà máy thép và đầu tư vào một kênh truyền hình để hiện đại hóa hệ thống truyền hình số. Ngoài ra, Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Campuchia. Tập đoàn Sinohydro của Trung Quốc đã hoàn thành Nhà máy Thủy điện Kamchay và là nhà máy điện quy mô lớn đầu tiên của Campuchia. Trung Quốc cũng đầu tư gần 400 triệu USD vào một nhà máy nhiệt điện có công suất 300MW ở tỉnh Kampot.

Theo báo cáo của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), Phnom Penh đã thu hút 427 triệu USD đầu tư từ Trung Quốc trong năm 2013, tăng 62% so với năm 2012. Trước đó, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Campuchia năm 2011 đạt 1,192 tỉ USD, tăng 71,82% so với năm 2010. Con số này gấp gần 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia. Tính chung trong giai đoạn 1994-2013, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã đạt 9,6 tỉ USD, chủ yếu vào các lĩnh vực như công nghiệp may mặc, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, năng lượng, khai thác mỏ, bất động sản, vận tải và viễn thông. Trung Quốc là nước viện trợ lớn nhất cho Campuchia với những khoản viện trợ không điều kiện. Nhưng đổi lại những khoản viện trợ không điều kiện này, Trung Quốc được quyền tiếp cận nguồn tài nguyên và khoáng sản dồi dào của Campuchia.

Myanmar: Hủy dự án xây đập thủy điện Myitsone

Ngày 24/03, khoảng 60 người Myanmar đã tuần hành trên quãng đường dài 2.400km đến phía bắc Myanmar để kêu gọi chính phủ hủy dự án xây đập Thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư với tổng số vốn lên đến 3,6 tỉ USD vì lo ngại hệ môi trường sinh thái sẽ bị hủy hoại và ảnh hưởng đến cuộc sống của người nghèo. Ngoài ra, đập Myitsone nằm dọc sông Irrawaddy, khi xây xong ước tính sẽ xuất khẩu khoảng 90% nguồn điện sang Trung Quốc. Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, trong khi hầu hết người dân Myanmar chưa có điện dùng thì dự án này lại đem điện bán cho Trung Quốc.

Năm 2011, Tổng thống Thein Sein đã cho ngưng dự án này, nhưng người dân vẫn lo ngại Myitsone sẽ được khởi động sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Theo giới bình luận, tuy thực hiện chính sách nửa vời tại Myanmar, nhưng Trung Quốc không thể bỏ rơi quốc gia này cho Mỹ. Bởi cho đến nay Bắc Kinh vẫn giữ vai trò chi phối quan trọng trong khai thác tài nguyên, xây dựng đường sá, cầu cảng huyết mạch của Myanmar. Được biết, đến cuối năm 2013, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị người dân Myanmar xua đuổi, cho dù trước đó họ khai thác nguồn tài nguyên giá rẻ tại đây khá tự do.

Giới chuyên môn cho rằng, nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh mở rộng chiến lược mềm ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Lào và Campuchia vì đây là địa chỉ cung cấp khoáng sản quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về châu Á tại Học viện Quốc phòng Australia, Trung Quốc làm như vậy chủ yếu vì lý do kinh tế và chính trị bởi đa phần viện trợ phát triển và đầu tư của Bắc Kinh đều hướng vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng và công nghiệp khai khoáng ở cả Lào lẫn Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc tìm cách phát triển mối quan hệ thân thiện với Lào và Campuchia còn để thu hút sự ủng hộ cho những chính sách quan trọng của Bắc Kinh tại 2 nước này.

 

Đông Ngàn - Từ Sơn

 Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.