Trung Quốc và chiến lược “biên giới mềm, quyền lực mềm” (Kỳ 2): Vươn tới lục địa đen
Monday, April 21, 2014 6:21 AM GMT+7
Từ 22/03 đến 01/04, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới một số nước châu Âu. Trước đó, sau Nga và một số nước châu Phi, ông Tập Cận Bình đã chọn châu Mỹ trong chuyến thăm thứ hai (từ 31/05 đến 08/06/2013), nhưng tới Cộng hòa Trinidad & Tobago, Costa Rica và Mexico trước khi tới Mỹ. Chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt khi ông Tập Cận Bình là Chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc đặt chân đến vùng Caribe nói tiếng Anh.

Chuyến xuất ngoại thứ 2 của ông Tập Cận Bình là một phần của chiến lược đối ngoại "toàn phương vị" mà ban lãnh đạo sau Đại hội 18 đề ra. Không phải ngẫu nhiên ông Tập Cận Bình lại chọn Cộng hòa Trinidad & Tobago là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du châu Mỹ bởi nước này có ngành dầu khí phát triển, có thể là đầu cầu năng lượng mới cho Trung Quốc; hơn nữa Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa kết thúc chuyến thăm quốc gia kể trên. Việc Phó tổng thống Joe Biden và Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng đến Cộng hòa Trinidad & Tobago đã trở thành sự kiện đối ngoại thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Mỹ Latinh làm dấy lên nghi ngờ Trung Quốc đang cố tìm kiếm ảnh hưởng ngay tại khu vực được cho là sân sau của Mỹ. Và lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc xây dựng hình ảnh đệ nhất phu nhân khi ông Tập Cận Bình cùng bà Bành Lệ Viện tham dự một hội nghị ở Nam Phi. Sự xuất hiện của đệ nhất phu nhân là điều mới mẻ ở Trung Quốc. Khi đó tờ Financial Times từng đưa tin, đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện có thể giúp Trung Quốc xây dựng “quyền lực mềm”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Tanzania hôm 24/03/2013

Giới phân tích cho rằng, việc ông Tập Cận Bình đến thăm một số nước châu Phi ngay sau chuyến thăm Nga đã phản ánh vị trí của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Có người cho rằng, mục đích chuyến thăm châu Phi của ông Tập Cận Bình (từ 24/03/2013) là nhằm giảm nhẹ ý nghĩ cho rằng, Bắc Kinh chỉ tới lục địa đen để khai thác tài nguyên. Sau khi tới Tanzania, ông Tập Cận Bình tới Nam Phi và Cộng hòa Congo. Trong cuộc họp báo trước chuyến thăm Tanzania, ông Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc đã từng viện trợ cho châu Phi cách đây nửa thế kỷ khi Bắc Kinh còn nghèo và “châu Phi với Trung Quốc như người trong một nhà”. Mối quan hệ giữa Trung Quốc với lục địa đen bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi Bắc Kinh ủng hộ phong trào giải phóng châu Phi chống lại chế độ cai trị thực dân phương Tây. Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và đến năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt 198,4 tỉ USD.

Giới bình luận cho rằng, để phục vụ cho nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, vấn đề năng lượng và khoáng sản đã định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc và châu Phi là nơi có thể đáp ứng nhu cầu kể trên. Và điều này giải thích tại sao ông Tập Cận Bình lại chọn châu Phi là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du nước ngoài sau khi nhậm chức Chủ tịch nước Trung Quốc. Giới truyền thông cũng cho rằng, điểm đến của chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đắc cử Chủ tịch nước của ông Tập Cận Bình cho thấy tầm quan trọng chiến lược của châu Phi đối với Trung Quốc. Và điều này bắt nguồn từ cơn khát tài nguyên của Bắc Kinh cũng như nhu cầu của lục địa đen đối với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

Hơn 5 năm trước (từ 10/02/2009), nguyên Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đến Arập Xêút và 4 nước châu Phi (Mali, Senegal, Tanzania và Mauritania) nhằm thúc đẩy hợp tác và đầu tư cũng như đảm bảo an ninh năng lượng. Đây là chuyến thăm châu Phi lần thứ 4 kể từ khi nhậm chức năm 2003 của ông Hồ Cẩm Đào. Theo Asia Times, Trung Quốc thường có nhiều khoản cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất với nhiều chính phủ ở châu Phi, nhưng đổi lại họ phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ và thậm chí cả nhân lực từ Trung Quốc. Do đó mới có tình trạng người Trung Quốc ồ ạt đổ vào châu Phi.

Theo thống kê, đã có hơn 1 triệu người Trung Quốc tới châu Phi so với vài nghìn người trước đó 10 năm, trong đó khoảng 30-40% là ở Nam Phi. Trước tình hình kể trên, nhiều nước châu Phi muốn kiểm soát chặt hơn các nhà đầu tư Trung Quốc và việc Zambia giành quyền kiểm soát một mỏ khai thác đồng của một công ty Trung Quốc sau khi có nhiều đơn khiếu nại về tình trạng bóc lột lao động là ví dụ điển hình.

Giới truyền thông cho rằng, việc đưa công nhân sang châu Phi làm việc phần nào giúp Trung Quốc giảm nhẹ tình trạng thất nghiệp trong nước, tăng thêm nguồn thu cho quốc gia. Bên cạnh đó, việc giao hảo với châu Phi không những giúp Trung Quốc cô lập Đài Loan về mặt ngoại giao và thực hành chính sách “một nước Trung Hoa”, mà còn tạo cơ hội lớn để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa đến châu lục lớn thứ 2 thế giới về diện tích. Ngoài ra, Trung Quốc còn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn (vượt Anh để đứng thứ 5 thế giới) cho nhiều nước châu Phi vì giá rẻ.

Công nhân Trung Quốc hiện đảm trách nhiều công việc ở châu Phi

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, việc trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ) và vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang khiến Bắc Kinh phải đa dạng hóa các nguồn cung và châu Phi là một trọng điểm khi cung cấp tới 1/3 lượng dầu Trung Quốc tiêu thụ. Với 1 tỉ dân, châu Phi là thị trường rộng lớn, mới mẻ để Trung Quốc chuyên hướng xuất khẩu bởi chục năm qua, hàng hóa Trung Quốc như đồ điện tử, linh kiện thay thế, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… với nhiều ưu điểm như rẻ và mẫu mã đẹp, đa dạng đã tràn ngập thị trường châu Phi.

Ngoài phát triển hạ tầng, Trung Quốc còn chú ý đến phát triển nguồn nhân lực cho châu Phi và cấp học bổng cho sinh viên lục địa đen là một phần trong chiến lược xây dựng “quyền lực mềm” của Bắc Kinh. Tính đến nay, Trung Quốc đã mở nhiều viện Khổng Tử ở châu Phi để quảng bá ngôn ngữ và các giá trị văn hóa Trung Hoa. Nhiều lãnh đạo tương lai của châu Phi có thể nằm trong số từng nhận học bổng và họ sẽ không thể quên những gì đã nhận từ Trung Quốc. Một số lãnh đạo châu Phi gọi Trung Quốc là “người bạn tốt”, “người bạn số một” và nỗ lực của Trung Quốc trong việc xóa nợ là “biểu hiện chân chính của tình đoàn kết”. Được biết, phải đến đầu năm 2000, sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi mới gia tăng đột biến và hiện Bắc Kinh đã thành công đáng kể trong việc xác lập vị thế ở lục địa đen.

Năm 2000, lần đầu tiên thương mại song phương vượt mức 10 tỉ USD. Một thập niên sau (2011), con số này tăng vọt lên mức 166 tỉ USD và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Giới truyền thông cho biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư và thương mại với các nước đang phát triển, trong đó ưu tiên châu Phi và Mỹ Latinh. Và các nền kinh tế Mỹ Latinh hiện tiếp nhận 13% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc (khoảng 31 tỉ USD) nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu thô để Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tạo ảnh hưởng địa - chính trị lớn hơn so với Mỹ. Trung Quốc đang qua mặt Liên minh châu Âu (EU) để trở thành nơi nhập khẩu lớn thứ hai từ Mỹ Latinh.

Để gây ảnh hưởng ở châu Phi, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp có tính hệ thống, bài bản, toàn diện và bền vững với tầm nhìn xa như công bố chính sách châu Phi (2006), ban hành “9 nguyên tắc khuyến khích và tiêu chuẩn hóa các đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài”… Việc phát triển cơ sở hạ tầng (đường sá, cảng biển…) vừa cải thiện đời sống người dân châu Phi, vừa hỗ trợ việc vận chuyển tài nguyên về Trung Quốc thuận lợi. Cuối năm 2012, tờ nhật báo tiếng Anh của Trung Quốc China Daily đã mở thêm ấn bản châu Phi. Đầu năm 2012, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mở trụ sở ở Kenya và phát sóng chương trình CCTV châu Phi. Tân Hoa xã đã hợp tác với hãng điện thoại di động để cung cấp dịch vụ tin tức trên điện thoại di động. Theo thống kê, từ năm 2000, Trung Quốc đã chi 74 tỉ USD để xây dựng các dự án hợp tác và viện trợ ở 50 trên tổng số 54 quốc gia châu Phi.

Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria Lamido Sanusi từng cảnh báo, người dân châu Phi nên tỉnh giấc mộng Trung Quốc khi có bài viết trên Tạp chí Financial Times. Bởi theo Giám đốc Lamido Sanusi, Trung Quốc lấy đi hàng hóa thiết yếu của chúng ta, bán cho chúng ta hàng hóa hoàn thiện và đây là đặc điểm của chủ nghĩa thực dân. Châu Phi đang đối mặt với một dạng chủ nghĩa đế quốc mới. Tổng thống Botswana cũng kêu gọi giảm ký hợp đồng mới với Trung Quốc vì chất lượng công trình không đảm bảo và tiến độ trì trệ. Một tòa án ở Algeria đã cấm 2 công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu vì cáo buộc có tiêu cực.

 

Đông Ngàn - Từ Sơn

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.