Trung Quốc và chiến lược “biên giới mềm, quyền lực mềm” (Kỳ 3): Bao nhiêu viện Khổng Tử là đủ?
24 Tháng Tư 2014 1:48 CH GMT+7
Theo giới chuyên môn, Trung Quốc đang dùng “sức mạnh mềm” để tạo ảnh hưởng ở châu Á, châu Phi và nhiều quốc gia khác. Tiềm lực “sức mạnh mềm” của Trung Quốc rất lớn vì được cho là đã bắt rễ ở châu Á từ lâu đời.

Có tài liệu nói rằng, Trung Quốc đã khánh thành hơn 500 viện Khổng Tử (Học viện Khổng giáo) tại khoảng 100 quốc gia trên thế giới. Được biết, cuối năm 2005, mới có 32 viện Khổng Tử được Bộ Giáo dục Trung Quốc thành lập ở 23 nước. Giới chuyên môn cho rằng, viện Khổng Tử có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và có một đặc điểm khác biệt vì luôn có 2 giám đốc: một là người địa phương và một là người Trung Quốc. Về nguyên tắc, viện Khổng Tử hoạt động với 3 mục tiêu chính, đó là truyền bá tiếng Trung, văn hóa Trung Quốc và thúc đẩy các chương trình hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và các nước; nhưng trên thực tế rất đa dạng.

Biến Trung Quốc thành cường quốc văn hóa trên thế giới

Viện Khổng Tử là mô hình truyền bá văn hóa Trung Quốc giống như Hội đồng Anh và Trung tâm văn hóa Pháp. Về số lượng, viện Khổng Tử hiện gần ngang với Aliances Francaises của Pháp và bằng tổng số các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa của 3 học viện British Council của Anh, Instituto Cervantes của Tây Ban Nha và Goethe-Institut của Đức. Theo thống kê, hiện ở Mỹ có trên 70 viện Khổng Tử; ở Anh hơn 20 viện Khổng Tử; ở Australia, Đức, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, mỗi nước trên 10 viện Khổng Tử. Nhưng viện Khổng Tử được thành lập ở Philippines nhằm gây thiện cảm với người dân địa phương đang có phản ứng ngược sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Theo giới chuyên môn, Trung Quốc đang dùng “sức mạnh mềm” để tạo ảnh hưởng ở châu Á, châu Phi và nhiều quốc gia khác. Tiềm lực “sức mạnh mềm” của Trung Quốc rất lớn vì được cho là đã bắt rễ ở châu Á từ lâu đời. Ngoài ra, Khổng giáo (đạo Khổng) còn có những ảnh hưởng lớn đối với các nước châu Á. Được biết, Bắc Kinh đã đầu tư ồ ạt cho kênh truyền hình nhà nước CCTV để nâng cấp giống như CNN của Mỹ hay BBC của Anh, nhằm truyền tải “quan điểm Trung Quốc” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau ra thế giới. Và để đẩy mạnh “quyền lực mềm” của Trung Quốc, đầu năm 2013, Bắc Kinh đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên dưới tên gọi Hiệp hội Ngoại giao Công cộng Trung Quốc (CPDA). Ông Dương Khiết Trì khi đó với tư cách là Ngoại trưởng đã tham dự và phát biểu tại buổi lễ ra mắt CPDA. Một trong những mục tiêu chính của CPDA là gia tăng số lượng trao đổi trong dân chúng với các nước khác.

Mặc dù Hội nghị Trung ương 3 khẳng định tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc văn hóa thế giới, nhưng theo báo chí Pháp, “quyền lực mềm” Trung Quốc không mấy hấp dẫn thế giới. Bởi trước đó nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng đề cập đến vấn đề này - Trung Quốc cần gia tăng quyền lực mềm và tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn không thu hút được sự chú ý của thế giới. Vì nhãn hiệu Made in China mang tiếng xấu nhiều hơn tiếng tốt, còn ảnh hưởng văn hóa (điện ảnh, truyền hình, văn học) vẫn còn nhiều hạn chế. Theo kết quả thăm dò của Hãng BBC thực hiện hồi tháng 06/2013, hình ảnh của Trung Quốc mất tới 8 điểm so với năm 2012.

Ngày 31/12/2013, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố, sẽ đẩy mạnh “quyền lực mềm” của Bắc Kinh bằng cách truyền bá văn hóa ra thế giới, nhằm thực hiện tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc văn hóa trên thế giới. Từ thời ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền, những cuộc tranh luận về “quyền lực mềm” đã trở thành vấn đề chính trong giới học giả cũng như giới truyền thông Trung Quốc. Bản thân ông Hồ Cẩm Đào cũng từng nói: Nền văn hóa Trung Quốc không phải của riêng người Trung Quốc, mà là của thế giới. Với lý do đó, Trung Quốc đã chi khoảng 200 triệu USD/năm để thúc đẩy việc học tiếng Trung trên thế giới. Ngoài ra, từ nhiều năm trước, Bắc Kinh đã chi hàng tỉ NDT để bành trướng “quyền lực mềm” tại nhiều nước đang phát triển, đầu tư vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, thể thao, trao đổi học bổng, đường sá, dạy tiếng Trung miễn phí ở các nước này.

Nhiều người nói rằng, sự giàu có về kinh tế tạo điều kiện để Bắc Kinh triển khai mạnh mẽ việc truyền bá văn hóa Trung Quốc ra bên ngoài. Và sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo ngại cho dù Bắc Kinh đưa ra thuyết “phát triển hòa bình”. Bên cạnh văn hóa, hàng hóa Trung Quốc cũng tràn ngập Đông Nam Á. Các nhãn hiệu hàng hóa của Trung Quốc như TCL, Haier, Huawei, Levono… ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, người Trung Quốc nói chung chưa tạo được ấn tượng tốt đối với thế giới. Bởi mỗi khi nói tới người Trung Quốc, người ta vẫn nghĩ chủ yếu đến sự thô lỗ, sự vô cảm và sự gian lận. Mặc dù thế giới hiện dùng khá nhiều hàng hóa Trung Quốc, nhưng người ta vừa dùng vừa cảm thấy bất an. Tuy được đánh giá có một nền văn hóa lâu đời và đặc sắc (là một trong hai nền văn hóa cổ đại đặc sắc và có ảnh hưởng nhất nhân loại, bên cạnh nền văn hóa cổ đại Hy Lạp), nhưng hầu như tất cả những tinh hoa và tinh túy của văn hóa Trung Quốc đều thuộc thời Trung Đại nên khó khiến mọi người ngưỡng mộ và theo đuổi.

Con đường tơ lụa

Hơn 2000 năm trước, Trung Quốc tự hào vì tạo ra “Con đường tơ lụa” kết nối với Myanmar và Ấn Độ. Theo giới truyền thông, Trung Quốc hy vọng xây dựng hành lang kinh tế kết nối giữa Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar nhằm phục hưng “Con đường tơ lụa” có từ hơn 2000 năm trước. Vấn đề hành lang kinh tế kết nối Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc đã trở thành nghị sự chính khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Nếu tuyến đường này thành công sẽ là cây cầu trên bộ nối liền các quốc gia Nam Á với vùng huyết mạch và các địa phương duyên hải phía đông Trung Quốc. Và đây được coi là “biên giới mềm” của đại Trung Hoa. Trung Quốc hy vọng, tỉnh Vân Nam sẽ trở thành cầu nối giữa Ấn Độ cùng các quốc gia Nam Á với Trung Quốc.

Trung Quốc xây dựng hàng loạt viện Khổng Tử ở nước ngoài

Giới chuyên môn cho rằng, ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á đã tăng lên đáng kể trong thập niên qua. Một số học giả đã chỉ ra rằng, bên cạnh sự gia tăng của sức mạnh về kinh tế và quân sự, việc củng cố “quyền lực mềm” đã trở thành mấu chốt trong việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực của Bắc Kinh. Được biết, đầu tư thương mại Trung Quốc bùng nổ tại khu vực Đông Nam Á đã đạt mức 370 tỉ USD trong năm 2011, gấp đôi đầu tư từ Mỹ. Đến năm 2015, khi các nước Đông Nam Á hoàn thiện cộng đồng kinh tế, Trung Quốc dự tính đầu tư thương mại tại khu vực này khoảng 500 tỉ USD.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc dường như có tất cả những chỉ dấu cơ bản của một cường quốc: là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nền kinh tế tăng trưởng mạnh - đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ), chi phí quân sự tăng đều đặn, chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc trái ngược với sự èo uột của châu Âu trong lĩnh vực này. Nhưng Trung Quốc là một cường quốc chỉ chú trọng đến bản thân và chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia. Sau khi bị dư luận quốc tế phản ứng về khoản hỗ trợ 100.000USD cho nạn nhân bão Haiyan tại Philippines, Bắc Kinh mới cam kết hỗ trợ gần 2 triệu USD tiền mặt và hiện vật. Và việc này ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc.

Giới chuyên môn nhận định, trong vài thập niên tới, có thể Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và khi đó ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh cũng tăng bằng hoặc hơn mức Washington đang chi hiện nay - sẽ vượt Mỹ về quân sự. Nhưng cho dù như vậy, nền kinh tế Trung Quốc khi đó chỉ lớn chứ không thực sự mạnh và thu nhập tính trên đầu người vẫn thuộc loại thấp so với Mỹ. Và điều quan trọng nhất là tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật đỉnh cao thì Trung Quốc chưa thể và khó vượt Mỹ trong vài thập niên tới. Mặc dù còn phải mất nhiều thời gian Trung Quốc mới có thể thay thế Mỹ để thành đối tác thương mại lớn nhất của khu vực, nhưng với những gì đang thể hiện thì không phải là một hy vọng viển vông.

“Sức mạnh mềm” là thuật ngữ do Giáo sư Josheph Nye, học giả chính trị của Trường ĐH Havard, Mỹ, đưa ra trong một cuốn sách viết về sự thay đổi trong bản chất quyền lực Mỹ (năm 1990). Sau đó, ông Josheph Nye tiếp tục khái quát hóa và nghiên cứu sâu về “sức mạnh mềm” trong các cuốn sách sau đó. Theo ông Josheph Nye, đối với mỗi quốc gia, dân tộc, “sức mạnh mềm” được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách quốc gia. Trong bài viết đăng trên Wall Street Journal (Asia) cách đây gần 9 năm (29/12/2005), Giáo sư Josheph Nye từng chỉ ra rằng, “quyền lực mềm” của Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ ở châu Á và Mỹ nên có động thái trước sự gia tăng này. Giáo sư Josheph Nye từng khuyến cáo (năm 2012): “quyền lực mềm” của một quốc gia chỉ phát huy tác dụng nếu không gây tâm lý lo ngại và phải có sự nhất quán giữa lời nói với việc làm.

 

(Xem tiếp kỳ sau)

Đông Ngàn - Từ Sơn

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.