Trung Quốc và chiến lược “biên giới mềm, quyền lực mềm” (Kỳ cuối): Tấn công "sân sau" của Mỹ
26 Tháng Tư 2014 6:39 SA GMT+7
Năm 2014, Trung Quốc và Trinidad và Tobago kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Gần 1 năm trước (01/06/2013), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm chính thức Trinidad và Tobago, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Mỹ của ông.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Kamla Persad-Bissessar ở thủ đô Port of Spain, ông Tập Cận Bình đã cam kết thúc đẩy hợp tác song phương, đồng thời nhấn mạnh Trinidad và Tobago là một trong những đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc tại vùng Caribe. Dư luận coi chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Trinidad và Tobago để nắm chắc ngành dầu khí phát triển mạnh của nước này phục vụ cho nền kinh tế Trung Quốc đang cần đa dạng nguồn cung cấp năng lượng.

Quan tâm tới Venezuela, Bolivia và Brazil

Bộ Dầu mỏ và khai khoáng Venezuela vừa tuyên bố trữ lượng dầu thô đã được kiểm chứng của nước này tương đương 298,35 tỉ thùng, điều này đồng nghĩa với việc quốc gia Nam Mỹ này có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Theo tờ Gazette, Bộ Dầu mỏ và khai khoáng đang bổ sung thêm 1,673 tỉ thùng tại vành đai Orinoco và các khu vực khác vào tổng trữ lượng dầu của Venezuela. Trong khi giới kinh tế lo lắng: Làm sao Venezuela khai thác được nguồn dầu với kinh phí lớn trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, thì giới phân tích lại không nghĩ như vậy.

Ngày 19/12/2013, tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng thống Bolivia Evo Morales để tăng cường hợp tác song phương, trong đó Trung Quốc sẽ tiếp tục giúp đỡ Bolivia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện dân sinh… Theo thống kê, cho tới nay Bolivia và Trung Quốc đang hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, tài chính, hàng không vũ trụ. Bolivia luôn hoan nghênh doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư, đồng thời cam kết tạo môi trường thuận lợi cho họ.

Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều tiếp Phó tổng thống Ecuado Jorge Glas

2010 là năm đánh dấu Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Brazil bởi trước đó có 1 năm (2009) Bắc Kinh nằm ở vị trí 20 trong số các quốc gia đầu tư tại nước này. Chỉ trong 1 năm, Trung Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt khiến dư luận thán phục. Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil - Trung Quốc tại Sao Paulo, ông Charles Tang, dòng chảy đầu tư của Trung Quốc vào Brazil đã bất ngờ tăng mạnh: từ chưa đến 400 triệu USD vào cuối năm 2009 lên 20 tỉ USD trong nửa đầu năm 2010. Hai phần ba tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Brazil trong năm 2010 dành cho lĩnh vực dầu mỏ mà Bắc Kinh có đặc quyền tiếp cận, sau khi cung cấp khoản tín dụng 10 tỉ USD cho Công ty dầu mỏ nhà nước Petrobras của Brazil và Công ty Sinopec của Trung Quốc mua chi nhánh Brazil của Tập đoàn Repsol, Tây Ban Nha, với giá 7 tỉ USD.

Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Brazil - với thương mại song phương đạt kỷ lục 36 tỉ USD. Trung Quốc và Brazil là 2 quốc gia trong nhóm BRICS đang cho thấy những tiềm lực hợp tác đáng ngạc nhiên. Trung Quốc tập trung đầu tư vào Brazil trên các lĩnh vực năng lượng, khai thác quặng, dầu mỏ, gang thép. Công ty gang thép Vũ Hán đã đầu tư 3,29 tỉ USD với đối tác Brazil LLX để xây dựng nhà máy sản xuất thép tại Rio de Janeiro. Theo ông Jose Antonio Gragnani, Giám đốc phát triển ngành thuộc Sàn giao dịch chứng khoán Brazil, Brazil đã rót 1.000 tỉ USD để xây dựng cơ sở cho World Cup 2014, Thế vận hội Olympic 2016 và đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Gần 3 năm trước (11/06/2011), ông Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến công du tới các nước Mỹ Latinh và khi đó dư luận coi đây là việc “đổi tiền lấy dầu” mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Ngoài vàng đen, Trung Quốc còn muốn quốc tế hóa đồng NDT ở khu vực Mỹ Latinh. Bởi từ năm 2009, Argentina đã ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 10,76 tỉ USD bằng NDT, còn Brazil sẵn sàng dùng NDT trong trao đổi thương mại với Trung Quốc thay vì USD. Năm 2011, Peru đã trở thành nước đầu tiên ở châu Mỹ Latinh mở tài khoản thanh toán thương mại bù trừ bằng đồng NDT. Gần 1 năm trước (27/05/2013), Trung Quốc và Uruguay đã ký 7 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, giáo dục, khai khoáng, giám sát ngân hàng... nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Uruguay Jose Mujica. Chuyến thăm của ông Jose Mujica nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại và thu hút đầu tư của Trung Quốc vào một dự án cảng nước sâu và hạ tầng đường sắt tại Uruguay. Theo thống kê của Trung Quốc, trao đổi mậu dịch song phương đã tăng từ 2,62 tỉ USD năm 2010 lên gần 4,33 tỉ năm 2012 - năm Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Uruguay.

Khi có chuyến thăm Trung Quốc (tháng 01/2014), Phó tổng thống Ecuador Jorge Glas đã kêu gọi Bắc Kinh đầu tư vào các dự án công nghiệp tại quốc gia Nam Mỹ, trong đó có nhà máy lọc dầu Thái Bình Dương, một trong những công trình trọng điểm của Chính phủ Ecuador. Và Trung Quốc tuyên bố góp 1 tỉ USD vào một liên doanh lọc dầu tại Ecuador, đồng thời cấp tín dụng 7 tỉ USD để xây dựng dự án trên. Theo Thứ trưởng Bộ Các lĩnh vực chiến lược Ecuador Augusto Espin, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) kiểm soát 30% cổ phần của cơ sở lọc dầu kể trên và Ngân hàng Công thương Trung Quốc tài trợ 70% chi phí xây dựng (khoảng 7 tỉ USD).

Trung Quốc độc quyền kiểm soát nguồn dầu thô xuất khẩu của Ecuador

Dự án lọc dầu Thái Bình Dương được thành lập từ năm 2008 với 51% cổ phần thuộc về PetroEcuador và 49% do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) nắm, nhưng Trung Quốc sẽ giữ 30% cổ phần do PDVSA nhượng lại. Ecuador là một trong những quốc gia nhận được nhiều đầu tư nhất của Trung Quốc tại Mỹ Latinh. Bởi theo Tổng thống Ecuador Rafael Correa, tín dụng của Trung Quốc rẻ hơn. Năm 2008, Ecuador bị vỡ nợ với khoản vay 3,2 tỉ USD, nên hầu hết các chủ nợ trên thế giới đều ngại cho nước này vay tiền. Và khi đó, Trung Quốc đã đáp ứng tới 61% nhu cầu tài chính của Ecuador. Đổi lại, Trung Quốc được cung cấp 90% lượng dầu lửa xuất khẩu của Ecuador trong những năm tới. Ông Marco Calvopina, Tổng giám đốc PetroEcuador từng được cử tới Trung Quốc (tháng 11/2012) để vay 2 tỉ USD. Hãng Reuters từng nhận định (29/11/2013), cuộc săn tìm mỏ dầu ở nước ngoài của Trung Quốc đã đạt một mốc mới, khi Bắc Kinh gần như độc quyền kiểm soát nguồn dầu thô xuất khẩu của Ecuador, một nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân

Ông Rene Ortiz, cựu Bộ trưởng Năng lượng Ecuador và là Tổng thư ký OPEC từng than rằng, từ trước đến khi có thỏa thuận kể trên, chưa bao giờ Ecuador cam kết bán dầu cho một chủ nợ nào như vậy. Ông Rene Ortiz và các nhà chuyên môn rằng, sự phụ thuộc của Ecuador trong tình trạng kẹt tiền vào các khoản vay với điều kiện ngày càng ngặt nghèo có thể ảnh hưởng xấu tới sức cạnh tranh của PetroEcuador, phá hỏng sự minh bạch của ngành dầu lửa Ecuador - lĩnh vực đóng góp một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước này và khiến khoảng cách giữa Ecuador với các nhà cho vay khác ngày càng lớn.

Hãng Reuters cho rằng, từ năm 2009, PetroEcuador đã nhất trí bán cho các công ty Trung Quốc hàng trăm triệu thùng dầu mỗi năm với trị giá lớn hơn rất nhiều so với các khoản vay được cam kết. Khi những nguồn cung đó rơi vào trạng thái “khóa”, các khách mua khác chẳng còn cơ hội mua dầu thô từ PetroEcuador thông qua các cuộc đấu thầu mang tính cạnh tranh. Trên thực tế, dầu của Ecuador bán cho các công ty Trung Quốc có thể được giao dịch ở bất kỳ đâu. Trong năm 2013, dầu của Ecuador vận chuyển sang Trung Quốc chưa đầy 15.000 thùng/ngày, giảm gần 40% so với năm 2012. Và phần lớn số dầu còn lại được đưa tới Mỹ, cho dù đã bán cho các công ty Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, các công ty Trung Quốc đóng vai trò trung gian trong các giao dịch dầu lửa của Ecuador, đồng thời giữ vị trí chiến lược để chuyển dầu về Trung Quốc khi cần thiết.

Vai trò của Trung Quốc ở Ecuador là bằng chứng rõ nét cho thấy, Bắc Kinh đã thống trị hoạt động giao dịch đối với 360.000 thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Ecuador kể từ khi hãng dầu lửa niêm yết lớn nhất của Trung Quốc là PetroChina lần đầu cho PetroEcuador vay 1 tỉ USD vào giữa năm 2009. Đến tháng 04/2010, các công ty Trung Quốc tiếp nhận khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Ecuador. Một năm sau, khối lượng này tăng gần gấp đôi và đến giữa năm 2013, các công ty quốc doanh của Trung Quốc chiếm 83% tổng lượng dầu lửa xuất khẩu của Ecuador. Tổng số vốn Trung Quốc cam kết cho Ecuador vay dưới thời Tổng thống Rafael Correa lên tới gần 9 tỉ USD, tương đương 11% GDP của quốc gia Nam Mỹ này. Cựu Bộ trưởng Tài chính Ecuador Patricio Rivera cho biết, Trung Quốc cung cấp vốn và đổi lại Ecuador đảm bảo bán dầu cho họ với giá quốc tế. Tại Ecuador, các công ty Trung Quốc cũng tham gia vào các mỏ dầu, dự án lọc dầu và các khoản vay được thanh toán bằng tiền thu được từ việc PetroEcuador bán dầu cho các công ty Trung Quốc. Giới truyền thông từng đưa tin, Ecuador phải lên kế hoạch bán đấu giá quyền khai thác dầu khí tại 3 triệu ha trong tổng số 8,1 triệu ha rừng nhiệt đới nguyên sinh Amazon của nước này cho các công ty dầu lửa Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, Ecuador phải bán rừng nguyên sinh để trả nợ Trung Quốc.

Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Venezuela

Hơn 5 tháng trước (16/11/2013), hãng chế tạo máy bay Trung Quốc đã mời Phó tư lệnh lực lượng không quân Venezuela Criollo Villalobos mua máy bay L-15 do Bắc Kinh sản xuất. Nhưng vàng đen mới là lĩnh vực Trung Quốc quan tâm nhất tại quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. 7 tháng trước (22/9/2013), Venezuela và Trung Quốc đã ký 24 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực nhà ở, công nghệ, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, khai mỏ, dầu khí và viễn thông... Theo đó, Trung Quốc sẽ đầu tư 14 tỉ USD để khai thác 200.000 thùng/ngày tại vành đai dầu khí Orinoco. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho Venezuela vay 5 tỉ USD để phát triển nhà ở, cơ sở hạ tầng và các chủ thể công nghiệp khác. Trước đó (19/09/2013), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) trong Dự án phát triển Lô Junin 10 ở vành đai dầu nặng Orinoco của quốc gia Nam Mỹ này. Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Rafael Ramirez cho biết, đã thỏa thuận với CNPC về việc phát triển một dự án mới ở Lô Junin 10, nhằm khai thác 220.000 thùng dầu/ngày với số vốn đầu tư 14 tỉ USD. Ông Rafael Ramirez từng thông báo, Venezuela đang tìm cách tăng lượng dầu xuất tới Trung Quốc từ 500.000 thùng/ngày lên 1 triệu thùng/ngày vào năm 2015 và hy vọng trở thành một trong những nhà cung cấp dầu chính cho Trung Quốc. Đây cũng là một phần trong kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng từ 3 triệu thùng/ngày hiện nay lên 6 triệu thùng/ngày vào năm 2019 của Venezuela. Gần 5 năm trước (17/09/2009), Venezuela từng công bố bản hợp đồng đầu tư trị giá 16 tỉ USD của Trung Quốc để triển khai dự án khai thác dầu tại vành đai dầu khí Orinoco. Trong khoảng 10 năm (2001-2011), Trung Quốc đã chi 350 triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng của 15 giếng dầu và hơn 60 triệu USD trong các dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu và sản xuất gas tại Venezuela.

Tính đến tháng 04/2012, Venezuela là nước cung cấp dầu lớn thứ 4 cho Trung Quốc, sau Arập Xêút, Angola và Nga. Quan hệ Venezuela - Trung Quốc được đẩy mạnh kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên cầm quyền năm 1999. Cho đến nay 2 bên đã ký khoảng 400 văn kiện hợp tác, trong đó có hợp đồng trị giá hàng tỉ USD đầu tư vào dầu mỏ, năng lượng, xây dựng và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Venezuela là nước nhận được đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại Mỹ Latinh và Caribe. Còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Venezuela (nhập hơn 620.000 thùng dầu thô/ngày). Từ năm 2008, Venezuela đã nhận khoản vay hơn 40 tỉ USD từ Trung Quốc, đổi lại, quốc gia Nam Mỹ này hoàn trả bằng dầu khí. Nhiều người nói rằng, Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Venezuela.

Theo giới kinh tế, cơn khát tài nguyên thiên nhiên của Bắc Kinh đã khiến các công ty dầu lửa Trung Quốc đưa ra cam kết cho vay ít nhất 100 tỉ USD trong các khoản vay liên quan tới vàng đen. Các công ty dầu lửa của Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát khối lượng dầu ngày càng lớn từ Venezuela, nơi Trung Quốc đã đàm phán cho vay ít nhất 43 tỉ USD. Các công ty dầu lửa của Trung Quốc từ lâu đã cạnh tranh với những tập đoàn dầu lửa đa quốc gia khổng lồ như Exxon. Những dòng dầu mới cho phép Trung Quốc tự vệ trước sự biến động giá dầu hay gián đoạn nguồn cung từ những nhà cung cấp lớn như Arập Xêút, Iran và Iraq.

Ông Riordan Roett, Giáo sư thuộc Trường Nghiên cứu cao cấp các vấn đề quốc tế John Hopkins ở Washington cho rằng, nếu sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ngành dầu lửa Nam Mỹ ngày càng lớn, sẽ trở thành mối lo đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Theo số liệu của Trường đại học Boston, từ 2005 đến 2013, Trung Quốc đã cấp 102,2 tỉ USD tín dụng cho các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là Venezuela và Argentina. Gần 10 năm trước (hạ tuần tháng 11/2004), nguyên Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Argentina và đã ký nhiều hiệp định hợp tác thương mại và đầu tư quan trọng với khoản đầu tư gần 20 tỉ USD. Theo đó, Trung Quốc sẽ đầu tư vào các lĩnh vực như đường sắt, giáo dục, khai thác dầu, du lịch thương mại, bưu chính viễn thông và hàng không vũ trụ.

Ngày 09/09/2013, Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc đã lần đầu tiên lọt vào tốp 3 nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong năm 2012, khi vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đạt mức kỷ lục 87,8 tỉ USD, tăng 17,6% so với năm 2011. Và các nhà đầu tư Trung Quốc đã lập khoảng 22.000 doanh nghiệp tại 179 nước và khu vực. Con số thống kê kể trên được công bố sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì hội nghị thảo luận về chính sách trọng điểm liên quan tới lĩnh vực kinh tế Trung Quốc (06/04/2013). Theo đó, Bắc Kinh sẽ có chính sách thừa nhận hoạt động đầu tư ra nước ngoài do các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc thực hiện. Tính đến cuối năm 2012, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tuyển dụng 1,49 triệu nhân viên ở nước ngoài, trong đó khoảng 50% là người nước ngoài. Trung Quốc là nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (khoảng 3.300 tỉ USD) và Bắc Kinh rất biết sử dụng số tiền này vào mục tiêu chiến lược của mình.

 

Đông Ngàn - Từ Sơn

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.