THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG Ở BIỂN ĐÔNG – CHƯỚNG NGẠI LỚN CHO THÀNH CÔNG CỦA “GIẤC MỘNG TRUNG HOA”
Thursday, July 07, 2011 2:25 PM GMT+7
Chúng ta chắc hẳn đã nghe hoặc biết đến khái niệm được gọi là "giấc mộng Trung Hoa". Vậy bản chất của "giấc mộng" này là gì? Tham vọng bành trướng ở Biển Đông với cái gọi là "lợi ích cốt lõi" và "đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra ảnh hưởng như thế nào tới "Giấc mộng Trung Hoa"? Ban biên tập trang web trân trọng giới thiệu bài viết của học giả Nguyễn Nghiêm với mong muốn cung cấp thêm một nguồn thông tin gửi tới bà con cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và những ai quan tâm tới tình hình phức tạp trên Biển Đông thời gian qua. Sau đây là Kỳ I với tiêu đề "Giấc mộng Trung Hoa" trong tư tưởng của những nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Kỳ I
Dù trong hoàn cảnh nào, người Trung Quốc cũng ôm ấp tham vọng trở thành một quốc gia đứng đầu thế giới. Một số người Trung Quốc hiện nay gọi đó là “giấc mộng Trung Hoa”, cũng tương tự như người Mỹ gọi khát vọng của mình là “giấc mơ Mỹ”. Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong mấy thập kỷ qua, “giấc mộng Trung Hoa” lại nổi lên như là một mục tiêu lớn mà Trung Quốc hướng tới trong thế kỷ 21, đồng thời, cũng là một động lực của người Trung Quốc trong công cuộc chấn hưng đất nước, vươn lên vị trí quốc gia số một. Đối với cộng đồng quốc tế, “giấc mộng Trung Hoa” có thể là một niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng cũng có thể là một hiểm hoạ tiềm tàng. Vậy đối với các nước trong khu vực biển Đông - là những nước vừa là nạn nhân của tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở khu vực này, đồng thời cũng là những người được hưởng không ít lợi ích từ sự lớn mạnh của Trung Quốc - thì “giấc mộng Trung Hoa” là hy vọng hay là nỗi kinh hoàng ? Người ta có thể tìm được lời giải đáp cho câu hỏi này khi hiểu rõ về “giấc mộng Trung Hoa”, về những thuận lợi và thách thức đối với người Trung Quốc trên con đường đi đến giấc mộng này, và đặc biệt là, về khả năng tác động của các nước trong khu vực biển Đông đối với thành bại của “giấc mộng Trung Hoa”.
“Giấc mộng Trung Hoa” trong tư tưởng của những nhà lãnh đạo Trung Quốc
Từ đầu thế kỷ 20, Tôn Trung Sơn, một nhà cách mạng lớn của Trung Quốc, đã đưa ra “giấc mộng Trung Hoa”, đó là, xây dựng Trung Quốc thành quốc gia “bốn nhất” : mạnh nhất thế giới, giàu nhất thế giới, nền chính trị tốt nhất thế giới, dân chúng hạnh phúc nhất thế giới”. Con đường mà Tôn Trung Sơn vạch ra để  Trung Quốc trở thành nước “đứng đầu thế giới” là quá trình mở cửa hướng ra thế giới, học tập thế giới, “mở cửa để đuổi kịp và vượt các nước”. Tuy vậy, trong bối cảnh lịch sử bi thảm và bị chia cắt bởi những nước đế quốc phương Tây, giấc mộng của Tôn Trung Sơn không hiện thực.
Tư tưởng vượt Mỹ, trở thành nước số một thế giới, cũng là tư tưởng chủ đạo của Mao Trạch Đông. Năm 1958, Mao Trạch Đông vạch kế hoạch : 10 năm có thể đuổi kịp Anh, và thêm 10 năm nữa có thể đuổi kịp Mỹ. Năm 1962, sau thất bại đau đớn của cuộc “Đại nhảy vọt”, Mao Trạch Đông tỉnh táo hơn khi hoạch định một kế hoạch lâu dài hơn để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”. Ông cho rằng Trung Quốc dân số đông, nền tảng cơ sở còn mỏng, kinh tế lạc hậu, muốn đưa sức sản xuất lớn phát triển mạnh cũng như đuổi kịp và vượt các quốc gia tư bản chủ nghĩa tiên tiến nhất thế giới, phải mất 100 năm.
Đặng Tiểu Bình vẫn kiên trì chủ trương trở thành số một thế giới. Vào những thập niên 80, Đặng Tiểu Bình đã đề xuất chiến lược ba bước với thời gian 70 năm, đến khi kỷ niệm 100 năm dựng nước. Bước thứ nhất cần 10 năm để đạt mức sống no ấm, bước thứ hai cần 10 năm để đạt được mức khấm khá, bước thứ ba cần 50 năm để thực hiện mục tiêu chấn hưng dân tộc, hướng tới vị trí đứng đầu thế giới.
Cơ hội biến “giấc mộng Trung Hoa” thành hiện thực
Sau ba mươi năm tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã trỗi dậy, trở thành một cường quốc hùng mạnh. Những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong những thập kỷ vừa qua thật đáng cho người ta ngưỡng mộ.
Kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa năm 1978 đến nay, trong 30 năm liền nền kinh tế Trung Quốc luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm khoảng 10 %. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng lên 25 lần và năm 2008 đã đạt 4.400 tỉ USD, đứng thứ ba thế giới. Năm 2010, Trung Quốc đã thay thế Nhật ở vị trí thứ hai thế giới. Bình quân thu nhập đầu người của Trung Quốc tăng gấp 13 lần, từ 260 USD năm 1978 lên 3.315 USD năm 2008 và đạt khoảng 4.000 USD năm 2010. Đến năm 2007, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt 1.530 tỉ USD, đứng đầu thế giới. Năm 2009, dự trữ ngoại tệ đã đạt hơn 2.000 tỉ USD và năm 2010 đạt 2.500 tỉ USD. Hiện nay, Trung Quốc chiếm vị trí hàng đầu thế giới về các chỉ số tuyệt đối nhiều loại sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp quan trọng;  đứng trong hàng ngũ những nước hàng đầu về sản xuất thép, than đá, xi măng, máy thu hình, máy tính cá nhân, điện thoại di động, đồng hồ, xe đạp. Trung Quốc có thể tự hào vì đã đưa được khoảng nửa tỉ người ra khỏi tình trạng nghèo đói.
Một số thành tụu khoa học kỹ thuật quân sự và vũ trụ cũng làm cho thế giới kinh ngạc. Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba đưa được con người ra khỏi bầu khí quyển trái đất, sau Liên Xô trước đây và Mỹ. Một số loại máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu ngầm, tàu chiến, tên lửa xuyên lục địa và tên lửa hành trình thế hệ mới của Trung Quốc đã được cải tiến, nâng cấp, chất lượng không thua kém gì các nước phương Tây, thể hiện sự hiện đại hoá và thay đổi to lớn trong sức mạnh công nghệ quân sự của Trung Quốc.
Sau hàng thế kỷ phấn đấu, dân tộc Trung Hoa đã thoát khỏi thân phận của một  dân tộc nghèo đói, bi thảm, bị thế giới khinh miệt để trở thành một trong những dân tộc đáng được tôn trọng, lập nên kỳ tích trong lịch sử thế giới hiện đại. Trên trường quốc tế, Trung Quốc dần dần bước chân vào hàng ngũ những nước có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình của thế giới.
Mặc dù hiện nay mới chỉ đứng thứ hai thế giới về tổng lượng kinh tế, nhưng việc Trung Quốc có khả năng trở thành một quốc gia đứng đầu thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian, nếu không có những bất trắc lớn xảy ra. Theo Tạp chí “Chính sách thế giới” của Mỹ, “đến năm 2033, trong trật tự kinh tế thế giới, không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc có thế đứng đầu, Mỹ tụt xuống hàng thứ hai.”
Và cũng không loại trừ khả năng đến nửa sau của thế kỷ 21, Trung Quốc rất có thể trở thành một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới về phương diện sức mạnh tổng lực quốc gia. Quyền lực quyết định thế giới có thể sẽ không còn nằm trong tay Mỹ và châu Âu, mà có thể rơi vào tay Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ trở thành trung tâm quyền lực của thế giới. Thượng Hải cũng thay thế New York trở thành trung tâm kinh tế tài chính quốc tế.

“Giấc mộng Trung Hoa” của những nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại của đất nước Trung Hoa vĩ đại như Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình muốn Trung Quốc trở thành số một thế giới đã có cơ hội trở thành hiện thực. (còn tiếp)

                                                                            Nguyễn Nghiêm

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.