Ba bước để lật đổ một chính thể hợp hiến của phương Tây (Kỳ 1): Công thức chung để lật đổ một chính thể dân cử
15 Tháng Năm 2014 6:37 SA GMT+7
Từ lâu phương Tây đã có một công thức chung để tiến hành lật đổ các chính thể không “chịu khuất phục” trên thế giới. Trường hợp của Ucraina là minh chứng mới nhất cho thấy thủ đoạn này.

Ngày 21/02/2014, việc Tổng thống Yanukovych bị phe đối lập phế truất không những đã đẩy Ucraina vào vòng xoáy bất ổn mà còn kéo theo một cuộc đối đầu Đông - Tây căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoảng này cần phải xem xét cách thức mà phe đối lập Ucraina và các thế lực bảo trợ lật đổ chính phủ Yanukovych.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố tại phiên họp Bộ Quốc phòng các nước Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Tajikistan ngày 01/04/2014, rằng cuộc cách mạng ở Ucraina đã được thực hiện theo kịch bản “Mùa xuân Arập”.

Ở đây có hai chuyện cần làm rõ. Thứ nhất, Mùa xuân Arập là gì? Thứ hai, phương Tây đóng vai trò như thế nào trong phong trào này.

Mùa xuân Arập là cụm từ mà các phương tiện truyền thông thế giới gọi làn sóng biểu tình tại thế giới Arập bắt đầu từ tháng 12/2010. Sự trỗi dậy của Mùa xuân Arập đã làm thay đổi chính quyền ở Tunisia và Ai Cập, gây nội chiến ở Libya, kéo theo khủng hoảng đẫm máu ở Syria và làm thay đổi lớn trong các xã hội ở Đông Âu như Ucraina, Gruzia rồi Kyrgyzstan.

Mỹ - một trong những “đạo diễn” của “Mùa xuân Arập”

“Công thức chung” để lật đổ chính thể một nước theo kiểu Mùa xuân Arập là “Góp quỹ + hô hào người dân + tổ chức biểu tình không bạo loạn = đảo chính”.

Pavel Demes, quốc tịch Slovakia, năm nay 49 tuổi, là người đi đầu trong “cái nghề làm cách mạng màu ở Đông Âu”. Năm 2000, y bí mật câu kết với các thế lực ngoại bang chống lại chính quyền Milosevic. Năm 2004, nhân vật này cũng ngấm ngầm xúi giục những kẻ nổi loạn tại Ucraina. Pavel Demes hiện đang điều hành chi nhánh Đông Âu của tổ chức phi chính phủ German Marshall Fund, đứng đầu tổ chức này chính là Mỹ.

Sự thành công của cuộc đảo chính kiểu này trước hết dựa vào phương thức biểu tình không bạo loạn. Phương thức này có lợi thế về mặt đạo đức và lôi kéo được sự hậu thuẫn. Mặt khác, động đến bạo lực thì rõ ràng bạo lực của dân chúng không thể chống lại được quân đội của chính quyền.

Yếu tố thứ hai quyết định thành công của các cuộc đảo chính này là cách thức tiến hành và quan trọng nhất phải là thời điểm tiến hành biểu tình. Theo Pavel Demes, thời điểm đó là trước ngày bầu cử. Ngay sau khi có kết quả các cuộc bầu cử, nhóm “tổ chức đảo chính” tìm mọi cách để đưa ra những chứng cứ cho thấy có sự gian lận trong bầu cử và nhanh chóng phát tán trên toàn quốc. Sau đó, chúng hô hào người dân xuống đường rồi xúi họ chiếm quyền kiểm soát các trụ sở chính quyền mà không gây đổ máu để chứng tỏ rằng, đất nước đã đổi chủ. Bằng chứng là Milosevic, Shevardnadze, Kouchma và Akaev đều bị lật đổ theo cách thức này. Đó chỉ là lý thuyết, chứ công việc chuẩn bị cho những cuộc đổi chủ này là rất dài hơi.

Srdja Popovic, người Serbia, năm nay 32 tuổi, là người tổ chức cuộc đảo chính mang hơi hướm phong trào cách mạng đầu tiên của thế kỷ XXI mang tên Otpor (kháng chiến) lật đổ chính quyền của Tổng thống Milosevic vào tháng 10/2000 mà không hề tốn một giọt máu. Từ đó trở đi, y trở thành người nổi tiếng, bất cứ ai muốn đảo chính đều tìm tới xin lời khuyên của y đầu tiên.

Để đáp ứng nhu cầu này ngày càng tăng, Srdja Popovic cho mở một văn phòng tư vấn chuyên về tổ chức đảo chính mang tên Canvas Group. Theo người này, để một cuộc đảo chính thành công cần phải có thanh niên. Srdja Popovic lý luận rằng, thanh niên là những người nhiệt tình, năng động, can đảm và có ít điều phải lo lắng: họ chưa có gia đình cũng chẳng có tài sản riêng. Ngoài ra, còn có một lý do thực tế hơn đó chính là khi chính quyền chế độ đương thời bắt giam, đánh đập, giết hại thanh niên, người thân của họ thì thậm chí cả thế giới phẫn nộ. Như vậy, các nhà tổ chức đảo chính đã đạt được mục đích.

Cách thức để khơi dậy sự phẫn nộ của người lớn trước cảnh con em họ bị chế độ đàn áp rất đơn giản: đưa số nữ sinh mặc quần áo trắng lên dẫn đầu các cuộc biểu tình và chờ đụng độ với cảnh sát. Chỉ cần một chút máu loang đủ để đưa lại những tấm hình, thước phim có sức tác động lớn trên toàn thế giới. Khi ấy, chế độ đó sẽ bị mất lòng tin đối với mọi tầng lớp.

Aleksandar Maric, người Serbia, năm nay 30 tuổi, một trong những người từng tham gia phong trào Otpor cho biết, muốn cuộc đảo chính thành công thì các công đoạn tiến hành phải hết sức chính xác. Giai đoạn đầu theo người này là tập hợp một nhóm thanh niên cộm cán vài tháng trước khi diễn ra bầu cử, đây là lực lượng tiên phong cho cuộc đảo chính. Sau đó là tìm một cái tên để đặt cho nhóm người này. Bước kế tiếp là lăngxê cái tên này. Rồi rải tờ rơi, miếng dán, áo phông, băngrôn, lập trang web...

Bộ trưởng Quốc phòng Nga khẳng định cuộc cách mạng ở Ucraina đã được thực hiện theo kịch bản “Mùa xuân Arập”

Nhưng trước hết là phải có tiền và muốn vậy thì phải tới gõ cửa khắp nơi. Trong cuộc Cách mạng Cam tại Ukraina năm 2004, ngay từ đầu năm 2003 (một năm trước khi cuộc đảo chính nổ ra) nhóm đảo chính mang tên Pora đã được một người Serbia tên Balasz Jarabik giúp đỡ trong việc xin viện trợ từ các quỹ tư nhân hay tổ chức công (USAID và National Endowment for Democracy). Thậm chí, để thuyết phục Quỹ Freedom House bỏ tiền ra tài trợ, Balasz Jarabik đã phải lên kế hoạch cụ thể về cuộc đảo chính. Khi đã có tiền, nhóm tổ chức sẽ tiến hành thuê các chuyên gia về ngôn luận tới các tỉnh của đất nước, tổ chức nhiều hội nghị, mục đích là để tuyên truyền tình cảm chống đối chế độ cho người dân.

Dimitri Potyekhin, 29 tuổi, người Ucraina, một trong những kẻ tổ chức cuộc “Cách mạng cam” tại Ucraina tiết lộ rằng, bước tiếp theo là kích động dân chúng phản đối kết quả bầu cử và tiến hành biểu tình trong hòa bình. Khi sứ mệnh hoàn tất, những kẻ tổ chức đảo chính lại quay sang các mục tiêu mới. Hiện nay mục tiêu của nhóm chuyên thực hiện các vụ đảo chính đang nhắm tới lãnh đạo các nước như Belarus, Kazakhstan và Azerbaijan. Nga cũng là một mục tiêu dài hơi của chúng.

Ucraina và “Mùa xuân Arập”

Cuộc chính biến tại Ucraina ngày 21/02/2014 có đặc điểm gì chung với phong trào Mùa xuân Arập? Người chỉ ra liên hệ song song giữa những gì đang xảy ra ở Ucraina và trong thế giới Arập, đặc biệt là ở Syria, không ai khác hơn là Tổng thống Obama. Trong chuyến thăm gần đây tới Mexico, ông Obama tuyên bố rằng vấn đề ở đây là việc thực hiện nguyện vọng của nhân dân Ucraina và Syria muốn được hưởng quyền tự do chủ yếu và các quyền cơ bản. Những quyền cụ thể nào được đề cập ở đây, Tổng thống Mỹ hoàn toàn không nêu rõ. Chúng ta sẽ thử phân tích để tìm hiểu chuyện này.

Nếu chúng ta nói về tình hình ở Ucraina, rõ ràng nước này còn xa mới là lý tưởng, ngay cả trước khi Tổng thống Yanukovych bị truy đuổi khỏi Kiev. Người dân Ucraina sống trong nghèo đói, đặc biệt là ở phía tây đất nước, quê hương của phần đông lực lượng đối lập đến Kiev để biểu tình. Không phải ngẫu nhiên mà gần như tất cả các chiến dịch biểu tình ở Ucraina đều được tổ chức vào mùa đông. Vào những lúc khác, hầu hết nam giới Tây Ucraina bận làm thuê theo mùa ở các nước khác, kể cả ở Nga.

Ở các khu công nghiệp phía đông Ucraina, tỷ lệ thất nghiệp không cao. Nhưng tiền lương quá thấp, các khoản bảo hiểm y tế xã hội lại còn ít hơn nữa. Tất cả điều này trái ngược với mức sống của doanh nghiệp và tầng lớp thượng lưu chính trị cả phía đông lẫn phía tây, những người đua nhau xây dựng cung điện ngoại ô sang trọng. Tất nhiên, sự bất công xã hội này khiến nhiều người bất mãn.

Tuy nhiên, về hình thức thì ở Ucraina có rất cả các thuộc tính của một nền dân chủ. Trong nước có đủ loại đảng phái, từ cực đoan cho đến siêu cánh tả. Về thủ tục bầu chọn Tổng thống Yanukovych năm 2010, các quan sát viên bao gồm quan sát viên châu Âu và Mỹ đều không có điều gì phàn nàn.

Vì vậy, lý do để Mỹ và châu Âu hỗ trợ cuộc đảo chính ở Ucraina không phải là sự quan tâm đến nền dân chủ. Ông Yanukovich đại diện cho tầng lớp thượng lưu Ucraina ôn hòa, theo đuổi chính sách trên cơ sở cân bằng giữa châu Âu và Nga. Ngược lại, đối thủ của ông tuyệt đối tập trung vào lợi ích của Berlin, Paris và Washington. Và nếu các nước phương Tây thực sự quan tâm đến dân chủ ở Ucraina, họ sẽ phải nói với những người Ucraina mà họ đỡ đầu rời đường phố để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc bầu cử mới. Nhưng có khả năng phe đối lập Ucraina lại sẽ bị thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo. Vì vậy, trong việc lựa chọn giữa dân chủ và lợi nhuận, Mỹ và châu Âu đã quen chọn lợi nhuận và từ bỏ các nguyên tắc dân chủ.

Những điều tương tự như vậy cũng đã xảy ra ở Syria, nơi mà châu Âu và Mỹ chỉ quan tâm đến việc dùng vũ lực để đem chính quyền lực đến cho những kẻ biết vâng lời. Đó chính là điều giống nhau giữa tình hình Syria và Ucraina - và đây chính là điều mà tổng thống Barack Obama nói đến khi so sánh hai nước hoàn toàn khác nhau.

Phương Tây xây dựng công nghệ để tổ chức cái gọi là “cuộc cách mạng màu”. Công nghệ ấy đã được thử nghiệm ở các nước Liên Xô cũ - ở Gruzia, Kyrgyzstan và Ucraina (2004). Sau đó được áp dụng ở Trung Đông trong cái gọi là Mùa xuân Arập và bây giờ công nghệ này đang trở lại Ucraina.

Bản chất của công nghệ này là hỗ trợ đối thủ của chế độ cầm quyền, bằng bùng nổ chiến tranh thông tin và kích động mâu thuẫn nội bộ. Để lọt vào “danh sách đen”, không nhất thiết phải là kẻ thù của dân chủ. Do đó, dấy lên bạo loạn ở các nước Arập tương đối ôn hòa, kể cả Syria, cũng như trong một nước hậu Xôviết khá dân chủ, phương Tây thực sự đóng cửa con đường tiến tới dân chủ. Dường như họ muốn nói với các nhà lãnh đạo bảo thủ địa phương rằng: Hãy xem những gì mà dân chủ đã mang lại! Hãy làm bạn với phương Tây và hãy lãnh đạo đất nước như trước đây, không cần bầu cử và các đảng phái chính trị. Theo giới phân tích, hành vi này của phương Tây là tội ác lớn nhất đối với nền dân chủ.

(Xem tiếp kỳ sau)

S.Phương (tổng hợp)

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.