Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc (Kỳ I): Chuyển từ hợp tác sang cạnh tranh
17 Tháng Năm 2014 1:30 CH GMT+7
Để hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đã xác định 3 mục tiêu, 3 giải pháp chính. Trong quá trình triển khai chiến lược cũng có sự vận dụng “linh hoạt” theo các nhận định và kiến nghị của giới nghiên cứu Trung Quốc sao cho có “hiệu quả”. Mới đây, Trung Quốc lại đưa giàn khoan đến vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận DOC, thỏa thuận cấp cao hai nước… Giới nghiên cứu Trung Quốc nhận định: “Trung Quốc đang chuyển hướng từ hợp tác sang cạnh tranh có khả năng sẽ không đưa lại kết quả tốt đẹp”.

“Hợp nhất khu vực” Trung Quốc - ASEAN được giới chức Trung Quốc coi là một ưu tiên hàng đầu, nhằm thực thi một phần trong chính sách “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Sự hợp nhất khu vực bao gồm cả chính trị và kinh tế. Để đạt được sự tăng trưởng sẽ rất hữu ích cho mỗi nước có biên giới hòa bình, để các nguồn tài nguyên có thể được hướng vào sự phát triển kinh tế hơn là sử dụng quân đội và các hệ thống bảo vệ biên giới.

Diễn biến tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép - Ảnh 1

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc

Để tập trung năng lượng trong nước cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Trung Quốc đã trải qua giai đoạn “tạm ngưng chiến lược”, tránh đối đầu bằng sức mạnh. Chiến lược này được theo đuổi từ cuối những năm 1990 đến năm 2007 và đã đạt được những tiến bộ lớn vào thời kỳ đó, Trung Quốc đã được hoan nghênh rộng rãi bởi các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế toàn khu vực và làm đối trọng với các cường quốc bên ngoài bao gồm cả Mỹ.

Những năm đó, Trung Quốc thúc đẩy hàng loạt mối quan hệ với ASEAN. Thành công nhất là các chương trình phát triển kinh tế, thương mại và cơ sở hạ tầng. Thương mại hai chiều tăng mạnh từ khoảng 8 tỷ USD năm 1991 lên 106 tỉ USD năm 2004 và 231 tỉ năm 2008. Trong khi đó, thương mại giữa các nước ASEAN và Mỹ trong cùng năm chỉ đạt 172 tỉ USD.

Trung Quốc đã hỗ trợ lớn trong khu vực như: Các dự án hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, với hệ thống vận tải bằng đường sắt xuyên khu vực nối Nam Ninh - Hà Nội - TP Hồ Chí Mính - Phnôm Pênh, Băng Cốc - Kuala Lumpur - Singapore; Dự án hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông nối Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc - Singapore; Dự án vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ và sáng kiến Hải Nam. Tuy nhiên, các chương trình này phải đối mặt với thách thức vì liên quan đến các khu vực mà ở đó chủ quyền và quyền tài phán vẫn nằm trong tranh chấp.

Một số nhà bình luận Trung Quốc cho rằng, mục tiêu trên phản ánh một chiến lược “quả chín” nằm trong tay Trung Quốc, “nếu Trung Quốc tiếp tục áp đặt các yêu sách mở rộng của họ ở Biển Đông một cách đầy gây hấn thì các hòn đảo và không phận trên biển tương ứng của chúng có thể sẽ dễ dàng rơi vào tay họ như những quả chín. Ít nhất thì Trung Quốc cũng sẽ chi phối vấn đề này và giành được phần của kẻ mạnh trong bất kỳ giải pháp nào”.

Một số học giả khác lại cho rằng, mục đích đầu tư lớn của Trung Quốc cùng với chính sách đóng băng tranh chấp của họ là để giành được lực hút, hay đòn bẩy sẽ dẫn đến sự từ bỏ tự nguyện các yêu sách về Biển Đông của các nước khác. Tuy nhiên, các sự kiện sau đó cho thấy các nước Đông Nam Á không muốn cường quốc nào giành quá nhiều ảnh hưởng trong khu vực. Giờ đây ASEAN đã chuyển từ hoan nghênh sự can dự của Trung Quốc vào khu vực sang mời gọi sự chú ý của các cường quốc bên ngoài, nhằm tạo ra sự cân bằng ảnh hưởng trong khu vực. Vì thế, theo giới phân tích, Hải Dương 981 được khởi động vào trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN là nhằm thúc đẩy quan điểm của tổ chức này rõ ràng hơn đối với chiến lược hợp nhất khu vực của Trung Quốc.

“Kiểm soát tài nguyên”, là mục tiêu theo đuổi của Trung Quốc nhằm nâng cao an ninh tài nguyên lâu dài và bảo đảm sự kiểm soát hầu hết tài nguyên sinh vật và vi sinh vật ở Biển Đông. Một nhà bình luận Trung Quốc nói: “Dân tộc Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn nào? Đó chính là vấn đề tài nguyên”. Tài nguyên cá cũng hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Một ấn phẩm của Chính phủ Trung Quốc viết: “Hiệp định đánh bắt cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể không gian đánh bắt đối với ngư dân của Trung Quốc. Những thỏa thuận như vậy không chỉ làm xấu thêm tình hình mà còn có khả năng có thể gây ra sự bất ổn định xã hội ở nhiều làng mạc và thị trấn ven biển”. Có thể nói, biển chắc chắn sẽ trở thành một vũ đài quan trọng đối với các cuộc đấu tranh quốc tế về chính trị, kinh tế và quân sự, cũng là một mục tiêu quan trọng trong cuộc đấu tranh của bất kỳ quốc gia nào cho quyền và lợi ích của họ. Với Trung Quốc mục tiêu quan trọng đối với họ là phải bảo đảm được sự tiếp cận và kiểm soát được các nguồn tài nguyên ở Biển Đông trong tương lai.

Với quan điểm về tài nguyên biển và mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là giành quyền kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông, khiến cho việc công bố đường “lưỡi bò” (2010), cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam (2012), sự kiện phong tỏa và rượt đuổi tàu Philippines ở Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa (2013) và kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (2014) là nằm trong chuỗi các vấn đề tư duy và tham vọng kiểm soát tài nguyên Biển Đông của Trung Quốc.

“An ninh nâng cao” là mục tiêu thứ 3 của Trung Quốc nhằm bảo đảm sự kiểm soát của họ đối với Biển Đông, tạo ra một vùng đệm an ninh biển để bảo vệ các trung tâm dân số lớn thuộc các vùng công nghiệp và văn hóa khu vực duyên hải phía Đông của Trung Quốc.

Một viên tướng nghỉ hưu của Trung Quốc đã coi: “Khu vực biển của Trung Quốc là rào chắn chiến lược thứ nhất đối với an ninh nội địa. Khu vực duyên hải là tiền tuyến của sự tăng trưởng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Nếu phòng thủ bờ biển rơi vào vòng nguy hiểm thì những khu vực trung tâm quan trọng về kinh tế và chính trị sẽ bị phơi bày ra trước các mối đe dọa từ bên ngoài… Vì thế, khu vực duyên hải là cửa ngõ của an ninh quốc gia tổng thể của Trung Quốc”.

Trung Quốc cần phải kiểm soát các vùng biển duyên hải căn cứ vào cách tiếp cận địa chiến lược của một nước có nhiều quan ngại an ninh liên quan đến cả biển và đất liền. Những nước này thường theo các chiến lược an ninh vốn cân bằng sức mạnh trên bờ và trên biển, nhằm phát triển các vòng tròn đồng tâm của sự kiểm soát chiến lược, ảnh hưởng và vươn tới xung quanh khu vực trung tâm mang lợi ích quốc gia thiết yếu của họ. Vì vậy, Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải là những khu vực mà trong đó các chiến lược gia Trung Quốc cho là cần phải phát triển kiểm soát quân sự, để loại bỏ các mối đe dọa từ bên ngoài và qua đó nâng cao mức độ an ninh của khu vực duyên hải của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, những hành động gần đây cho thấy Trung Quốc đang thể hiện ý định nâng cao an ninh của họ bằng cách cạnh tranh với các bên yêu sách khác về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kiểm soát đối với Biển Đông. Và theo giới quan sát, ngay từ năm 2009, Trung Quốc đã hợp nhất các mục tiêu chiến lược: hợp tác khu vực, hợp tác tài nguyên sang cạnh tranh về chủ quyền và an ninh. Theo đó, Trung Quốc đã “phớt lờ” lợi ích của các nước khác.

Một khuynh hướng trong giới nghiên cứu Trung Quốc cho là: “Sự hợp tác trong quá khứ đã tạo ra những kết quả to lớn, song sự chuyển hướng của Trung Quốc từ hợp tác sang cạnh tranh gần đây có khả năng sẽ không đưa lại kết quả tốt đẹp. Theo họ, những giải pháp đôi bên cùng có lợi sẽ hứa hẹn nhiều hiệu quả hơn so với những giải pháp “5 ăn 5 thua” vốn dựa trên sự cạnh tranh về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kiểm soát. Vì thế, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam không những bị Việt Nam và quốc tế lên án mà còn có sự không đồng tình của các nhà nghiên cứu và những người chân chính trong nhân dân Trung Quốc.

(Còn tiếp...)

Nguyễn Nhâm

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.