Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc (Kỳ II): Giải pháp cần linh hoạt
17 Tháng Năm 2014 1:34 CH GMT+7
Độc chiếm Biển Đông là tham vọng “thầm kín” của Trung Quốc. Tuy nhiên, là một nước lớn có GDP đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc còn muốn có vai trò lãnh đạo khu vực và cạnh tranh vị thế toàn cầu với Mỹ, nên Trung Quốc “đang thực hiện kiềm chế”.

Theo giới quan sát, hiện nay tại Trung Quốc cũng đang có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi làm thế nào để theo đuổi các lợi ích quốc gia (cốt lõi) của Trung Quốc ở Biển Đông một cách tốt nhất và phần lớn đều không hài lòng với nguyên trạng hiện nay, nên cần phải tạo thành “vùng sở hữu chung”. Thực chất của quan điểm này là biến sở hữu của nước khác thành “sở hữu chung”.

Quan điểm của một số học giả Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện “kiềm chế”, một số khác lại nêu ra các yêu sách khác nhau. “Chủ động khai thác các nguồn tài nguyên ở những vùng nước tranh chấp” là một xu hướng đang được cổ vũ (ngoại trừ một số nhà nghiên cứu có trách nhiệm như Giáo sư Lý Lệnh Hoa là khuyến cáo Chính phủ Trung Quốc nên tuân thủ theo luật pháp quốc tế) hiện cũng xuất hiện luồng tư tưởng mới cho rằng, “quân sự hóa chỉ làm tồi tệ thêm các cuộc tranh chấp, cải thiện và làm mạnh mẽ thêm các khả năng thực thi dân sự của Trung Quốc mới là giải pháp bảo vệ tốt nhất các lợi ích của họ.

Vì thế, việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam rất có thể Trung Quốc đang triển khai theo hướng này. Giới chức Trung Quốc cho đây là cách tiếp cận mà họ gọi là “đôi bên cùng có lợi”. Và theo họ “có như vậy mới có thể điều tiết được tất cả, điểm khởi đầu tốt cho giải quyết tranh chấp trên Biển Đông sẽ là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).


Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Cảnh sát biển của Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981.

Giới phân tích chính trị của Trung Quốc còn cho rằng, những hành động mạnh của Trung Quốc trong hai thập kỷ từ (1975-1995) là chia cắt lợi ích chủ quyền của các nước khác ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ dẫn đến sự hợp nhất về quan điểm chính trị và quân sự ở các nước Đông Nam Á chống lại Trung Quốc. Đó là chính sách thất bại, bởi vì nó đã làm cản trở lợi ích sử dụng lãnh thổ tự nhiên của quần đảo Trường Sa để theo đuổi các lợi ích về thương mại, nghiên cứu, an ninh quốc gia và khu vực. Thực tế này cho thấy, những đề xuất về “sở hữu chung” trong khu vực đối với các hòn đảo trên Biển Đông nên được phục hồi lại theo họ là hợp lý.

Giới chức Trung Quốc, dẫn lại ý tưởng “chủ quyền khu vực” được Mark Valencia, Jon Van Dyke và Noel Ludwig đưa ra, nhằm thiết lập một hình thức đối với các hòn đảo mà không có nước bên ngoài. Quyền sở hữu khu vực được thiết lập thông qua sự nhất trí giữa các bên yêu sách có thể thực hiện được quyền này đối với các hòn đảo, lãnh hải và chủ quyền không phận. Điển hình về quyền khu vực có nhiều hình thức nhưng phải dựa vào sự kết hợp của các nhân tố như: dân số quốc gia, chiều dài đường bờ biển và mức độ sử dụng hiện tại và quá khứ. Sự bố trí này sẽ cho phép tất cả các nước yêu sách trong khu vực theo đuổi các lợi ích của họ về lãnh hải hữu hình ở Biển Đông thông qua một cơ chế chính trị được vạch ra nhằm quản lý hiệu quả lãnh hải cho tất cả các bên.

Theo giới phân tích Trung Quốc, trên thế giới đã thành công ý tưởng nêu trên đối với trường hợp quần đảo Svalbard nằm giữa bờ Bắc của Na Uy và Greenland. Để giải quyết tình trạng mập mờ của Svalbard và tránh xung đột quốc tế đối với các nguồn tài nguyên của nó, các nước liên quan đã tham dự Hội nghị Paris ngay sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc để đàm phán về Hiệp định Spitsbergen ngày 09/02/1920. Hiệp định này trao chủ quyền chủ yếu cho Na Uy, nhưng trao quyền liên quan đến tài nguyên cho tất cả các bên ký kết gồm: Australia, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh và Mỹ. Liên Xô ký hiệp định này năm 1924, Đức ký năm 1925; hiện nay đã có hơn 40 nước ký hiệp định này, trong đó có cả Trung Quốc.

Khi hiệp định này có hiệu lực ngày 14/08/1925, Na Uy tiếp quản chủ quyền, chịu các quyền của tất cả các bên về đánh bắt để hưởng “quyền tự do tiếp cận và tiến vào vì bất kỳ lý do gì trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối”. Biện pháp có tính sáng tạo này đối với chủ quyền vốn điều tiết các lợi ích lẫn nhau của nhiều bên tham gia với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đã đóng góp cho an ninh khu vực bằng cách tránh được xung đột và quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên sinh vật và vi sinh vật, nó cũng đã đóng góp hiệu quả cho nghiên cứu khoa học quốc tế…

Theo giới chức Trung Quốc, mô hình nêu trên nên được xem xét cho quá trình đàm phán tranh chấp ở Biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng. Cũng theo giới phân tích, đây thật sự là “mẹo” của Trung Quốc, vì Trung Quốc đã đồng nhất vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế rõ ràng của Việt Nam theo Luật Biển quốc tế năm 1982 với vùng còn mập mờ của quần đảo Svalbard ở phí Bắc Na Uy, để tham vọng biến vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành “sở hữu chung” của hai nước. Vì thế, việc “bày tỏ tin tưởng Việt Nam và Trung Quốc sẽ giải quyết được vấn đề hiện nay thông qua đối thoại” trong cuộc họp báo vừa qua của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, rất có thể theo hàm ý đó.

Giới chức Trung Quốc cho rằng, “xung quanh vấn đề này có nhiều chế độ cộng tác để chia sẻ quyền tài phán đối với các nguồn tài nguyên biển vốn có thể được áp dụng một cách hiệu quả ở Biển Đông. Vùng đánh bắt cá chung của Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ là một ví dụ về cách tiếp cận đối với quyền tài phán chồng lấn và điều tiết các lợi ích lâu dài. Những yếu tố hữu ích của thỏa hiệp này bao gồm các vùng tài phán quốc gia, một vùng quản lý hợp tác quyền tài phán lẫn nhau và một thỏa thuận quản lý hợp tác”.

Với quan điểm nêu trên, giới chức Trung Quốc cũng viện dẫn mô hình NAFO, tổ chức đánh bắt cá Tây Bắc Đại Tây Dương. NAFO quản lý các loài cá ở những vùng biển có nhiều cá bên ngoài bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào ở Tây Bắc Đại Tây Dương. Mục tiêu của NAFO là đóng góp thông qua tham vấn và hợp tác cho sự sử dụng tối ưu, quản lý và gìn giữ hợp lý các nguồn tài nguyên cá thuộc khu vực công ước. Công ước này thiết lập một ủy ban đánh bắt cá có mục đích đạt được “sự sử dụng tối ưu các nguồn thủy sản” và áp dụng một tổng hạn mức đánh bắt hàng năm theo khuyến cáo của Hội đồng khoa học. Tổng hạn mức đánh bắt cá hàng năm (theo loài) được ủy ban nói trên phân bổ cho các thành viên với sự quan tâm đặc biệt đến các hình thức đánh bắt truyền thống và các cộng đồng duyên hải mà sinh kế của họ phụ thuộc vào các nguồn đánh bắt cả ở các vùng nước trong khu vực. Theo họ, một thực thể đa phương như trên có thể là mô hình áp dụng cho Biển Đông.

Một ủy ban chịu trách nhiệm về việc áp dụng “các biện pháp kiểm soát và thực thi quốc tế” làm cơ sở để các nước thành viên tham gia vào thực thi hạn mức đánh bắt lẫn nhau. Các biện pháp thực thi lẫn nhau bao gồm một hệ thống theo dõi tàu bắt buộc vốn sử dụng vệ tinh để cập nhật vị trí 2 tiếng một lần; một chương trình quan sát viên bắt buộc trong đó mọi con tàu đánh bắt cá trong khu vực quy định phải có quan sát viên độc lập và không thiên vị để báo cáo mọi hành vi vi phạm; và một kế hoạch kiểm tra giám sát chung, trong đó các bên là thành viên (luân phiên) phải có trách nhiệm thực hiện kiểm tra (hiện nay đang là Canada và EU) để giám sát sự tuân thủ của các con tàu thuộc các bên là thành viên và báo cáo những vi phạm rõ ràng của bất kỳ con tàu nào để có biện pháp về hành chính hoặc xử phạt.

NAFO là hình thức điển hình cho sự hợp tác đôi bên cùng có lợi về quyền tài phán mà các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông cần quan tâm nghiên cứu và thúc đẩy hợp tác. Nghe có vẻ “hợp lý” làm sao? Tuy nhiên, theo các nhà phân tích các giới chức Trung Quốc lại cố tình không hiểu điều vô lý là việc đánh đồng vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo đúng luật pháp quốc tế với vùng đánh bắt cá chung Việt Nam - Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ, hay mô hình NAFO ở Tây Bắc Đại Tây Dương. Trung Quốc cố tình không thấy tính đặc thù của vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc là vùng hẹp không đủ các yếu tố để hai bên khẳng định chủ quyền theo Luật Biển quốc tế năm 1982, nên hai nước đã thỏa thuận như vậy là hợp lý, còn vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc đang cố tình đặt giàn khoan Hải Dương 981 lại khác. Thế mà Trung Quốc lại muốn “đàm phán” để biến nơi đây thành vùng “đánh bắt cá chung” là điều vô cùng phi lý không thể chấp nhận được.

Vì thế, dư luận Việt Nam và quốc tế đang phản đối mạnh mẽ Trung Quốc, coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, trái với thỏa thuận DOC, thỏa thuận cấp cao hai nước, làm tổn hại đến tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai dân tộc Việt - Trung và đòi Trung Quốc rút toàn bộ giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.

(Còn tiếp...)

Nguyễn Nhâm

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.