THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG Ở BIỂN ĐÔNG – CHƯỚNG NGẠI LỚN CHO THÀNH CÔNG CỦA “GIẤC MỘNG TRUNG HOA”
Wednesday, July 13, 2011 11:30 AM GMT+7
Kỳ III (Tiếp theo và hết) Chạy đua vũ trang, thực hiện chiến lược bành trướng ở biển Đông - trở ngại lớn trên con đường đi đến “giấc mộng Trung Hoa”
Thật đáng tiếc, lẽ ra phải dồn sức cho phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề dân sinh cấp bách, cho cuộc cách mạng khoa học công nghệ và cho sự nghiệp giáo dục nhân tài nhằm tạo ra năng lực sản xuất vật chất đứng đầu thế giới - điều kiện tiên quyết để trở thành quốc gia số một thế giới - thì Trung Quốc lại dành một nguồn lực quá lớn cho việc gia tăng sức mạnh quân sự và triển khai chiến lược bành trướng ở biển Đông trong thời gian vừa qua.
Chỉ từ năm 2000 đến năm 2010, Trung Quốc đã nâng ngân sách quốc phòng từ 14 tỉ USD lên đến 79 tỉ USD, trong đó dành đến 30% ngân sách quốc phòng cho việc xây dựng lực lượng hải quân, đóng thêm các tàu ngầm, tàu chiến hiện đại, phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo tấn công, theo đuổi chương trình phát triển tàu sân bay. Những nỗ lực gia tăng sức mạnh cùng với những hành động hiếu chiến ở biển Đông của Trung Quốc đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, giữa Trung Quốc và các nước lớn khác trên thế giới, tạo thành mối đe doạ nguy hiểm tiềm tàng cho hoà bình, ổn định tại khu vực Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Những nỗ lực chạy đua vũ trang của Trung Quốc không có nhiều tác dụng cho việc cải thiện vị trí quân sự của mình trên thế giới. Với quy mô đầu tư quốc phòng như hiện nay, sức mạnh của Trung Quốc cũng chưa thể đe doạ được Mỹ, càng chưa thể hạ gục được vị trí đứng đầu về quân sự của Mỹ. Trái lại, các nỗ lực này lại tiêu hao đáng kể nguồn lực cho phát triển. Không loại trừ khả năng Trung Quốc lại đi vào vết xe đổ của Liên Xô cũ, kiệt sức và suy sụp sau cuộc chạy đua vũ trang.
Lợi dụng Mỹ và thế giới ngập chìm trong khủng hoảng, những năm vừa qua, nhà cầm quyền Trung Quốc triển khai mạnh tham vọng bá quyền nhằm tiến tới độc chiếm biển Đông, tiến hành hàng loạt những hành động khiêu khích, hiếu chiến và gây hấn nhằm vào các nước láng giềng và đe doạ cả lợi ích hàng hải của cả các nước lớn khác. Những hành động bành trướng thô bạo, đe doạ, nạt nộ, diễu võ dương oai đó vừa qua không mang lại kết quả nào tốt đẹp cho Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc đã tổn thất và mất mát rất nhiều khi triển khai chiến lược bành trướng ở biển Đông. Lấy mạnh hiếp yếu, Trung Quốc mất đi đạo lý. Đưa ra các yêu sách vô lý, trái với luật pháp quốc tế nhằm chiếm đoạt biển, đảo của các nước láng giềng khác, Trung Quốc mất đi chính nghĩa. Gây hấn và đe doạ sử dụng vũ lực ở biển Đông, Trung Quốc đi ngược lại xu thế hoà bình, hợp tác trong khu vực và thế giới, làm cho môi trường khu vực và quốc tế mất ổn định, có hại cho chính mình. Ngang ngược đưa ra yêu sách đường chín đoạn đứt khúc để thống trị và kiểm soát hoàn toàn biển Đông, Trung Quốc vừa bị cả thế giới lên án, vừa tạo cơ hội cho Mỹ quay trở lại khu vực Đông Nam Á, tự nhiên thúc đẩy việc hình thành một khối liên minh gồm các nước trong khu vực và các nước lớn kiềm chế Trung Quốc ngay tại khu vực biển này.
Trong thời gian vừa qua, giới diều hâu của Trung Quốc còn hung hăng đòi dùng vũ lực giải quyết tranh chấp biển Đông. Họ không hiểu rằng với tương quan sức mạnh quân sự hiện nay, nếu sử dụng vũ lực Trung Quốc nhất định sẽ thảm bại.  Ngay cả khi chỉ giới hạn cuộc chiến trong phạm vi đánh chiếm một vài đảo nhỏ của một nước láng giềng nhỏ yếu hơn, hải quân Trung Quốc có thể giành thắng lợi chóng vánh trong trận chiến đầu tiên, nhưng chắc chắn sẽ không đủ sức để duy trì sự kiểm soát lâu dài. Với những loại vũ khí hiện đại hiện nay, một nước nhỏ cũng có thừa đủ khả năng để gây lên những tổn thất to lớn cho hải quân Trung Quốc và làm tê liệt những hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực - cắt đứt huyết mạch quan trọng của nước này với thế giới bên ngoài. Nếu liều lĩnh đánh chiếm tất cả các đảo ở Trường Sa, các nước tranh chấp khác sẽ liên kết lại, tạo thành một sức mạnh đáng kể, không cho hải quân Trung Quốc một cơ hội chiến thắng nào. Nếu dùng sức mạnh để biến biển Đông thành ao nhà của mình theo yêu sách đường đứt khúc chín đoạn để xâm chiếm vùng biển của các nước láng giềng và đẩy các nước lớn khác ra khỏi vùng biển này, Trung Quốc sẽ phải đương đầu với cả thế giới. Các nước trong khu vực sẽ đứng vào vị trí tiên phong trong cuộc chiến. Mỹ và các nước lớn khác sẽ vào cuộc. Thắng bại của cuộc chiến này thế nào thì ai cũng có thể thấy trước được. Nếu liều lĩnh tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược ở biển Đông, Trung Quốc sẽ mất tất cả, tự tiêu hao một nguồn lực to lớn rất cần thiết cho sự phát triển, làm mất đi hình ảnh của đất nước Trung Hoa hoà bình và thân thiện và chắc chắn sẽ làm tiêu tan “giấc mộng Trung Hoa”. Nhận định này không phải chỉ là sự phân tích dựa trên lý trí và tình hình thực tế hiện nay mà còn xuất phát từ bài học của lịch sử Trung Quốc. Cách đây sáu thế kỷ vào cuối triều Minh, đời Minh Thành Tổ, Trung Quốc đã từng là trung tâm kinh tế thế giới, tổng lượng kinh tế chiếm đến 45% của thế giới. Đội tàu của Trung Quốc lớn nhất thế giới thời đó do Trịnh Hoà dẫn đầu đã từng đi qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương đến tận Đông Phi. Nhưng chỉ cần một cuộc viễn chinh Đại Việt và bảy chuyến đi của đội tàu Trịnh Hoà trong khoảng 30 năm, từ năm 1405 đến 1433, đã góp phần làm cho nhà Minh kiệt sức, quốc khố trống rỗng, và từ năm 1436, thời Anh Tôn thì  bắt đầu đi vào con đường suy vong.

Tóm lại, “giấc mộng” biến Trung Quốc thành một quốc gia lớn mạnh và phồn vinh có thể mang lại cuộc sống hạnh phúc cho gần 1,4 tỉ người dân Trung Quốc, tức là một phần tư dân số của thế giới; có thể đóng góp cho sự phát triển của văn minh nhân loại; kiên định đi trên con đường phát triển hoà bình, không đi con đường “nước mạnh ắt xưng bá”, không làm tổn hại và đe doạ bất cứ nước nào như ông Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố trong lễ kỷ niệm 61 năm ngày thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là một giấc mơ đẹp, đáng được nhân dân trong khu vực và thế giới trân trọng. Vào đầu thế kỷ 20 khi mơ ước xây dựng Trung Quốc thành quốc gia mạnh nhất thế giới, giàu nhất thế giới, nền chính trị tốt nhất thế giới, dân chủ hạnh phúc nhất thế giới, Tôn Trung Sơn còn nêu ý nguyện cao cả là chủ trương “thế giới hoà bình, thế giới đại đồng, mong muốn người Trung Quốc sẽ thực hiện sứ mệnh bảo đảm hạnh phúc lớn nhất cho nhân loại, làm nên kỳ tích lớn nhất cho nhân loại, không chỉ mang lại lợi ích cho một dân tộc, một quốc gia, mà còn mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại.” Làm được như ông Tôn Trung Sơn, ông Ôn Gia Bảo và các vị lãnh đạo của Trung Quốc khác nói khi xây “giấc mộng Trung Hoa” sẽ là may mắn lớn cho nhân dân Trung Quốc và cũng là may mắn cho thế giới, trong đó có các nước láng giềng. Tuy vậy, lời nói phải đi đôi với việc làm. Trước hết, nhà cầm quyền Trung Quốc không được biến “giấc mộng Trung Hoa” trở thành “ác mộng” của các nước trong khu vực biển Đông. Trung Quốc phải từ bỏ tham vọng bá quyền, từ bỏ yêu sách đường đứt khúc chín đoạn và chấm dứt cách ứng xử hiếu chiến, hung hãn ở khu vực biển này. Vì lợi ích của chính mình và của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cần đóng góp xứng đáng cho việc xây dựng một “thế giới hoà bình, hài hoà, dân chủ, pháp trị, văn minh và công bằng” như họ vẫn hô hào. Phát triển hoà bình, chứ không phải trỗi dậy bằng bạo lực và chính sách pháo thuyền, là con đường duy nhất để người Trung Quốc chấn hưng đất nước và biến “giấc mộng Trung Hoa” thành hiện thực. Thực hiện tham vọng bành trướng ở biển Đông là người Trung Quốc tự hại mình, tự tạo ra chướng ngại lớn trên con đường đi đến “giấc mộng Trung Hoa”./.

Nguyễn Nghiêm

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.