Sức mạnh tiềm ẩn của công nghiệp quốc phòng Nhật
Monday, July 07, 2014 6:06 AM GMT+7
Với bề dày và kinh nghiệm trong khoa học kỹ thuật, Nhật dễ dàng và thuận lợi trong phát triển công nghiệp quốc phòng. Nếu được cởi trói thật sự, công nghiệp quốc phòng Nhật có thể chỉ đứng sau Mỹ.

Tháo luật

Các nước láng giềng châu Á đang giành lợi thế bởi sự vắng mặt của Nhật trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Hàn Quốc xuất khẩu số vũ khí trị giá 3,4 tỉ USD trong năm 2013, so với 1,2 tỉ USD năm 2010. Năm 2013, Trung Quốc qua mặt Pháp và Anh để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới (sau Mỹ, Nga và Đức). Trong khi đó, nói về điện tử trong các hệ thống vũ khí, Nhật hiện là số một - nhận định của Robbin Laird, nhà tư vấn quốc phòng thuộc ICSA (International Communications & Strategic Assessments, Mỹ). Khả năng và trình độ Nhật về kỹ thuật công nghiệp quốc phòng đã được chứng minh ở vai trò của họ trong chương trình phát triển chiến đấu cơ F-35 do Lockheed Martin đứng đầu. Nhiều bộ phận của F-35 được lắp tại nhà máy thuộc Mitsubishi Heavy Industries ở Nagoya.

Chiến đấu cơ F-15J

Trong một số trường hợp, Nhật nhỉnh hơn cả Mỹ. Lực lượng phòng vệ không quân Nhật đã bỏ tên lửa không đối không AIM-120 của Mỹ để xài “đồ nhà” AAM-4B, một trong hai tên lửa duy nhất thế giới lắp hệ thống radar AESA (cho chiến đấu cơ F-2, cũng tự chế nốt) giúp phát hiện mục tiêu sớm hơn. Thời điểm hiện tại, Nhật đã hợp tác với Mỹ để sản xuất phiên bản tên lửa bắn chặn mới nhất, SM-3 Block IIA (Washington than phiền rằng do Tokyo có phần hùn nên Mỹ không thể xuất khẩu SM-3 Block IIA bởi luật cấm xuất khẩu vũ khí của Nhật!).

Trong gần 70 năm, Nhật không xuất khẩu một chiếc xe tăng, tàu chiến, chiến đấu cơ hay hệ thống vũ khí nào. Điều đó đang bắt đầu thay đổi. Ngày 01/04/2014, Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra bản nguyên tắc ba điểm trong việc xuất khẩu vũ khí Nhật, tháo dây trói cho luật cấm vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Năm 1967, Thủ tướng Eisaku Sato tuyên bố cấm xuất khẩu vũ khí cho các nước cộng sản, các quốc gia nằm dưới lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc (LHQ)và các quốc gia can dự những cuộc xung đột thế giới. Năm 1976, Thủ tướng Takeo Miki mở rộng luật cấm đối với tất cả các nước. Luật cấm nghiêm ngặt này được làm nhẹ từng bước bởi các chính phủ sau đó trong suốt thập niên 80, cuối cùng đưa đến 21 ngoại lệ (cho phép hợp tác phát triển hệ thống tên lửa quốc phòng với Mỹ; hợp tác nghiên cứu - phát triển các loại vũ khí với các nước với điều kiện các quốc gia này phải có quan hệ an ninh hỗ tương với Nhật…).

Phiên bản “luật vũ khí Abe 2014” cũng đưa ra một số quy định cấm xuất khẩu vũ khí (không được bán cho quốc gia vi phạm các nghĩa vụ được áp đặt bởi các nghị quyết LHQ, các nước tấn công quân sự vào nước khác, các nước có thể trở thành mục tiêu của lệnh cấm vận Hội đồng Bảo an…). “Luật Abe” cũng quy định các nước nhập khẩu vũ khí Nhật phải được Nhật chuẩn thuận trước khi chuyển giao cho nước thứ ba hoặc dùng với mục đích không như cam kết ban đầu. Luật cho phép vũ khí được sản xuất tại Nhật dưới giấy phép của một công ty nước khác để xuất khẩu lại cho nước đó, với điều kiện nước đó duy trì được hệ thống đáng tin cậy trong việc kiểm soát các thương vụ vũ khí. Các bộ ngoại giao, quốc phòng và thương mại Nhật sẽ là nơi chịu trách nhiệm xuất khẩu vũ khí. Chỉ những trường hợp quan trọng mới cần đến sự quyết định của Hội đồng An ninh quốc gia Nhật. Mỗi năm phải công bố báo cáo minh bạch cho công chúng biết những mặt hàng vũ khí nào được trao giấy phép xuất khẩu…

Cuối thập niên 80, một bản ghi nhớ mật được rỉ tai trong giới công nghiệp quốc phòng Nhật, cho biết, nếu luật cấm xuất khẩu vũ khí được gỡ bỏ, Nhật sẽ chiếm 45% thị trường xe tăng và đại bác tự động trên thế giới; 40% thị trường thiết bị điện tử quân sự và 60% công nghiệp đóng tàu chiến. Trong thực tế thì Tokyo đã đi trước một bước, trước khi Thủ tướng Abe tuyên bố chính thức tháo gỡ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí ngày 01/04/2014. Với cuộc thương lượng vào tháng 01/2014, Ấn Độ có thể là quốc gia đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II mua máy bay quân sự của Nhật. Ấn đã bàn với Nhật thương vụ mua ít nhất 15 thủy phi cơ US-2i của Công ty Nhật ShinMaywa Industries sản xuất trị giá khoảng 1,65 tỉ USD. Thủy phi cơ này có giá đến 110 triệu USD, so với 150 triệu USD của chiến đấu cơ F-22 Raptor của Lockheed Martin, cho thấy nó không phải “bình thường”. Tầm hoạt động đến 4.500km, US-2i là thủy phi cơ duy nhất thế giới hiện nay có hệ thống “kiểm soát lớp biên” (BLC - boundary layer control) giúp hạn chế hiện tượng bắn nước tung tóe khi nó cất - hạ cánh (US-2i có thể cất - hạ cánh trên mặt nước có sóng cao đến 3m).

Ngoài Ấn, tháng 07/2013, Ngoại trưởng Anh William Hague và Đại sứ Nhật Keiichi Hayashi cũng ký hai thỏa thuận tạo ra khung pháp lý cho hợp tác an ninh - quốc phòng (cùng nghiên cứu, phát triển và sản xuất “thiết bị quốc phòng”). Anh là nước đầu tiên thế giới, trừ Mỹ, ký một hợp tác như vậy với Nhật. Đây là kết quả của thỏa thuận trước đó, tháng 04/2012, giữa Thủ tướng Anh David Cameron và đồng cấp Nhật Yoshihiko Noda… Nhật hiện cũng xem xét khả năng chia sẻ kỹ thuật chế tạo tàu ngầm Soryu với Australia. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại quan tâm đến động cơ 1.200 mã lực dành cho xe tăng Type 10 do Mitsubitshi Heavy Industries sản xuất. Type 10 là xe tăng thế hệ thứ tư, giá 11,3 triệu USD, được bọc thép phân tử hạt siêu nhỏ (nano-crystal steel), nặng 48 tấn (khi được lắp đầy đủ thiết bị vũ khí), có thể chạy tới - lùi với vận tốc 70km/h, xài đại bác 120mm do Japan Steel Works chế tạo. Type 10 được đánh giá là thiết bị quân sự dành cho bộ binh thuộc hàng “công nghệ quân sự đỉnh cao”, một loại vũ khí “siêu đầu cuối” (ultra high-end).

Khả năng của công nghiệp quốc phòng Nhật

Các công ty nào hiện là nhà thầu lớn nhất của Cục Phòng vệ Nhật? Theo ghi nhận năm 2013 của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Mỹ), đó là (theo thứ tự) Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries, Mitsubishi Electric, NEC, Fujitsu, Toshiba, IHI, Komatsu, JX Nippon Oil and Energy Corp và Hitachi. Tháng 04/2014, Bloomberg cho biết (ghi nhận mới nhất có thể có), Bộ Quốc phòng Nhật chi 2,1 ngàn tỉ yen (20 tỉ USD) để mua vũ khí từ các tập đoàn tư nhân trong nước vào năm 2011. Khả năng kỹ thuật quân sự thật ra đã ở trình độ nhất nhì thế giới. Hãng Mỹ Raytheon, nhà sản xuất tên lửa PAC-2, đã phải tiếp cận Mitsubishi Heavy Industries (MHI) với đề nghị cung cấp thiết bị điện tử. MHI chính là nơi sản xuất chiến đấu cơ Zero dùng trong Chiến dịch Thần Phong nhấn chìm Hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương năm nào…

Trên National Interest (14/06/2014), tác giả Kyle Mizokami đã liệt kê một số loại “đồ chơi” có thể giúp Nhật đối đầu với Trung Quốc.

1- Tàu ngầm chạy điện - diesel lớp Soryu. Dài 84m; vận tốc nổi 24km/h; vận tốc lặn 37km/h…, Soryu sử dụng hệ thống đẩy khí độc lập giúp nó lặn lâu hơn hầu hết các loại tàu ngầm diesel hiện nay, với động cơ Stirling (động cơ nhiệt đốt ngoài sử dụng piston; đặt theo tên nhà phát minh Scotland Robert Stirling) do Kawasaki Heavy Industries sản xuất. Soryu có 6 ống phóng ngư lôi dành cho 20 ngư lôi Type 89 lẫn tên lửa Harpoon của Mỹ. Hiện có 8 chiếc Soryu. Nhật dự tính nâng số tàu ngầm từ 16 lên 22.

2- Chiến đấu cơ F-15J. Đây là phiên bản hai động cơ lai từ chiếc F-15 Eagle (Mỹ) do MHI sản xuất. F-15J trang bị tên lửa AAM-5 (tương tự Sidewinder của Mỹ) và AAM-4B (cả hai tên lửa đều của MHI). Như đã nói, AAM-4B là tên lửa được lắp hệ thống radar tìm diệt siêu hiện đại (Trung Quốc đến nay chưa có) giúp nâng tính “sát thủ” của nó thêm một bậc. Hơn 200 chiếc F-15J đã được sản xuất. Dù thuộc thế hệ cũ nhưng nhờ được nâng cấp thường xuyên, F-15J là át chủ bài của không quân Nhật. Một phi đội 20 chiếc F-15J hiện đóng ở Okinawa (với nhiệm vụ canh phòng hai quần đảo Senkaku và Ryukyu) có thể sẽ được bổ sung thêm một phi đội nữa. Xét trên bình diện thế giới, F-15 Eagle (phiên bản gốc, do McDonnell Douglas sản xuất, tung ra năm 1976), dù già nua, vẫn là loại chiến đấu cơ đáng sợ, với 104 lần tiêu diệt đối phương trong các cuộc không chiến và chưa lần nào bị hạ!

3- Khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Atago. Đây là loại khu trục hạm, do MHI đóng, được đánh giá tương đương lớp Arleigh Burke của Mỹ. Sử dụng hệ thống radar Aegis do Mỹ thiết kế, Atago trang bị dàn “đồ chơi” rất dữ: các ống phóng tên lửa của nó có thể phóng tên lửa đất đối không SM-2, tên lửa bắn chặn SM-3 hoặc phi pháo diệt tàu ngầm ASROC. Kho đạn diệt hạm của nó gồm 8 tên lửa SSM-1B, với khả năng “sát thương” ngang ngửa với tên lửa Harpoon của Mỹ, có tầm xa 150 km và vận tốc 1.150km/h. Atago có thể giao chiến với tàu ngầm bằng trực thăng SH-60 Seahawk và ngư lôi Type 73. Trang bị tên lửa diệt hạm SM-2 Block IIIB với tầm xa 166km, một chiếc Atago có thể “thống trị” một bầu trời với diện tích bao phủ 1,9 tỉ m2. Hiện Hải quân Nhật có hai chiếc Atago và đang đóng thêm hai chiếc nữa. Cả bốn chiếc đều sẽ được nâng cấp phần mềm tên lửa đạn đạo, giúp Nhật có tổng cộng 8 khu trục hạm có khả năng bắn chặn tên lửa đạn đạo đối phương.

Khu trục hạm khổng lồ Izumo

4- Khu trục hạm lớp Izumo. Chiến hạm dài 248m này thật ra là một hàng không mẫu hạm mini. Có thể mang theo 14 trực thăng, 400 lính, 50 xe tải quân sự 3,5 tấn…, Izumo thật sự là một quái vật biển có thể tham gia bất kỳ cuộc hải chiến quy mô lớn nào. Nó cũng có thể dùng cho mục đích đổ bộ, tương tự đàn em lớp Hyuga của nó (trong cuộc tập trận Dawn Blitz 2013 với Mỹ, chiếc JS Hyuga đã được dùng làm “sân bay” ngoài khơi cho trực thăng vận tải CH-47 Chinook và trực thăng chiến đấu AH-64 Apache). Với bãi đáp rộng, chiến hạm Izumo trị giá 1,2 tỉ USD này (hiện mới đóng xong một chiếc) có thể là nơi cất cánh cho các loại máy bay thế hệ thứ năm như F-35B.

Mạnh Kim

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.