Chuyên gia nước ngoài nói về sức mạnh quốc phòng Việt Nam (Kỳ 2): Tên lửa siêu thanh và hệ thống phòng không tân tiến
Monday, July 14, 2014 7:10 AM GMT+7
Ngoài tàu ngầm Kilo và chiến đấu cơ Su-27, quân đội Việt Nam còn có hai loại vũ khí khiến Trung Quốc phải lo ngại khi chiến tranh xảy ra là tên lửa hành trình siêu thanh P-800 Onyx và hệ thống tên lửa phòng không S-300.

Trong một bài viết trên website tạp chí The National Interest (Mỹ) ngày 12/07, chuyên gia quân sự Mỹ Robert Farley đã phân tích những loại vũ khí của Việt Nam khiến Trung Quốc phải dè chừng nếu chiến tranh có xảy ra.

Tên lửa hành trình siêu thanh P-800 Onyx và hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Việt Nam sẽ là những thứ vũ khí “đáng gờm” cho quân đội Trung Quốc, theo ông Farley.

Tên lửa hành trình siêu thanh P-800 Onyx

Trong những thập niên qua, Trung Quốc đã phát triển các tên lửa hành trình, một phần trong kế hoạch phát triển hệ thống chống tiếp cận/từ chối xâm nhập (A2/AD).

Giống như Trung Quốc, quân đội Việt Nam lâu nay cũng đã trang bị các hệ thống tên lửa hành trình, theo ông Farley.

Ngày nay, quân đội Việt Nam có thể phóng các tên lửa hành trình từ máy bay, tàu nổi, tàu ngầm và các bệ phóng tên lửa trên mặt đất, ông Farley cho hay.

Những tên lửa hành trình của Việt Nam có thể tấn công tàu chiến Trung Quốc ở nhiều góc độ, hướng bất ngờ để triệt tiêu những hệ thống phòng không trên tàu chiến Trung Quốc.


Một vụ bắn thử nghiệm tên lửa P-800 Onyx ở Nga - Ảnh chụp mành hình Youtube

Quân đội Việt Nam cũng đã triển khai các tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh P-800 Onyx (còn gọi là P-800 Onix do Nga sản xuất) để phòng thủ bờ biển trong trường hợp chiến tranh xảy ra, cũng theo ông Farley.

Di chuyển với vận tốc Mach 2.5 (tương đương 3.062,6 km/giờ) với tầm bắn tối đa 300 km và có thể mang theo đầu đạn 250 kg, P-800 Onyx sẽ cho tàu chiến Trung Quốc “một ngày tồi tệ”, ông Farley cho hay.

Được đặt tại các vị trí chiến lược và được bảo vệ bởi hệ thống phòng không của quân đội Việt Nam, những tên lửa P-800 Onyx, cùng với các tên lửa hành trình khác, sẽ ngăn chặn bán kính hoạt động của quân đội Trung Quốc.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300

Ông Farley cho biết quân đội Trung Quốc chưa bao giờ cho máy bay quân sự bay qua những khu vực có các hệ thống phòng không tinh vi và tích hợp với nhau.

Nếu muốn dùng Không quân để đánh Việt Nam, Trung Quốc sẽ buộc phải triệt tiêu hoặc là tránh né hệ thống phòng không của Việt Nam, theo ông Farley.

Mỹ từng phát triển những chiến thuật triệt tiêu hệ thống phòng thủ tên lửa kẻ địch nhờ vào những kinh nghiệm rất khó khăn mới có được từ chiến tranh Việt Nam, Kosovo, Iraq và thông qua những cuộc diễn tập ở sa mạc Nevada, Mỹ.

 


Hệ thống tên lửa phòng không S-300 - Ảnh: Reuters

“Chúng ta vẫn chưa biết rõ không quân Trung Quốc đã có chiến thuật cần để triệt tiêu hệ thống phòng không của Việt Nam hay chưa”, ông Farley cho biết.

Nhưng nếu không, các tên lửa đất đối không của Việt Nam sẽ gây ra “thiệt hại kinh hoàng” cho phi công và máy bay Trung Quốc, ông Farley nhận định.

Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trong hệ thống phòng không của quân đội Việt Nam là S-300 (do Nga sản xuất). S-300 có thể truy vết và đánh chặn hàng chục mục tiêu trong phạm vi lên đến 120 km, ông Farley cho biết.

Ngoài ra, S-300 có thể tự bảo vệ mình trước những cuộc tấn công, theo ông Farley.

Chiến tranh du kích

Mặc dù lực lượng binh lính Trung Quốc hùng hậu hơn Việt Nam, nhưng Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng bài học lịch sử thua cuộc trong chiến tranh biên giới 1979, nếu muốn dùng bộ binh xâm lược vào miền bắc Việt Nam, theo nhận định ông Farley.

Sự bền bỉ của bộ binh Việt Nam cùng với chiến thuật chiến tranh du kích sẽ đẩy lùi bất kỳ đợt tấn công bằng bộ binh nào từ Trung Quốc, ông Farley cho biết.

Theo ông Farley, Trung Quốc nếu dùng bộ binh sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề từ những cuộc phản công theo chiến thuật đánh du kích từ Việt Nam.

Nói tóm lại, Việt Nam không muốn chiến tranh toàn diện với Trung Quốc, nhưng quân đội Việt Nam sẽ phải tăng cường năng lực, khí tài quân sự trong những năm sắp tới bởi vì Bắc Kinh sẽ tiếp tục những hành động gây hấn nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền phi lý nuốt trọn gần cả biển Đông, cũng theo ông Farley.

 

Việt Nam đứng thứ 23/35 quân đội hùng mạnh nhất thế giới

Trang tin Business Insider (Mỹ) ngày 10/07 đăng tải bảng xếp hạng 35 quân đội mạnh nhất thế giới, trong đó Việt Nam đứng hàng thứ 23. Đứng đầu bảng xếp hạng là Mỹ, tiếp theo là Nga và thứ ba là Trung Quốc.

Business Insider đưa ra bảng xếp hạng này dựa vào chỉ số Global Firepower Index (tạm dịch: chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu, gọi tắt GFI) tại địa chỉ globalfirepower.com.

Trang globalfirepower.com đã đưa ra bảng thống kê sức mạnh quân sự của 106 quốc gia trên thế giới dựa trên 50 yếu tố, ngân sách quốc phòng, binh sĩ, khí tài quân sự…

Bảng xếp hạng của GFI được công bố vào tháng 04/2014. Trang globalfirepower.com cho rằng trong những số liệu đưa ra để làm nên bảng xếp hạng, một số được công bố công khai, còn lại là do ước tính.

Những thông số này chỉ mang tính tương đối và vẫn đang được tiếp tục điều chỉnh, theo globalfirepower.com.

“Quân đội Việt Nam được cung cấp nhiều khí tài quân sự từ các nước như Nga, Ấn Độ, Ukraine và Israel”, theo globalfirepower.com.

Theo globalfirepower.com, với dân số 92.477.857 và nguồn nhân lực có sẵn là 50.645.430 người, quân đội Việt Nam hiện có 412.000 binh sĩ, và 5.040.000 lính dự bị.

Globalfirepower.com cho hay quân đội Việt Nam hiện sở hữu 3.200 xe tăng, 413 máy bay quân sự (trong đó có 209 chiến đấu cơ), sức mạnh hải quân với 65 tàu trong đó có tàu ngầm lớp Kilo và ngân sách quốc phòng là 3.365.000.000 USD.

 

Phúc Duy

Theo TNO

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.