Cuộc chạy đua quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương - Kỳ 1: Những vũ khí lợi hại nhất của Mỹ tại châu Á - TBD
25 Tháng Mười Một 2014 10:37 SA GMT+7
Là một cường quốc, Mỹ sở hữu quân đội hùng mạnh nhất và hiện đại nhất thế giới. Và châu Á - Thái Bình Dương (TBD) là nơi Mỹ triển khai lực lượng khí tài vô cùng hùng hậu.

Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ và Nhật đang tăng cường sức mạnh quân sự  ở những điểm nóng như biển Đông, biển Hoa Đông, châu Á - Thái Bình Dương. Các nước Đông Nam Á cũng không chấp nhận vị thế nhược tiểu.

Tại hội nghị an ninh Shangri-La ở Singapore hồi tháng sáu, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói chiến lược “xoay trục châu Á” của Washington “không phải là mục tiêu, cam kết hay viễn cảnh mà là hiện thực”.

Khi đó ông khoe Mỹ đã triển khai hàng loạt vũ khí hiện đại tới các căn cứ ở Nhật, bao gồm máy bay do thám Global Hawk, chiến đấu cơ F-22, máy bay vận tải quân sự MV-22 Osprey…

Ông Hagel chỉ ra rằng Mỹ đã điều động hơn 1.000 lính thủy đánh bộ tới đóng tại Tây Úc. Washington cũng đã có kế hoạch triển khai hàng loạt tàu chiến tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bốn năm tới, bao gồm tàu tốc độ cao JHSV, tàu ngầm hạt nhân ở đảo Guam, tàu chiến gần bờ LCS tại Singapore và đặc biệt là tàu khu trục siêu hiện đại lớp Zumwalt…

Đến năm 2020, Mỹ sẽ tập trung 60% lực lượng hải quân và không quân ở châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết hiện Hạm đội Thái Bình Dương (PACFLT) của Mỹ có một đội tàu sân bay ở Nhật cùng 180 tàu chiến, gần 2.000 máy bay và 140.000 binh sĩ.

Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Thái Bình Dương (MARFORPAC) có 74.000 binh sĩ. Lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) có hơn 40.000 phi công và binh sĩ ở chín căn cứ, 300 máy bay thuộc 12 loại khác nhau. Bộ Chỉ huy bộ binh Mỹ tại Thái Bình Dương (USARPAC) có hơn 60.000 binh sĩ…

Trong số hàng loạt hệ thống vũ khí dày đặc của Mỹ tại Thái Bình Dương, có năm loại được giới chuyên gia đánh giá là lợi hại nhất, đáng sợ nhất, đặc biệt là với Trung Quốc.

Tàu sân bay lớp Ford

Tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald Ford của hải quân Mỹ sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016 - Ảnh: Global Security

Hiện tại, tàu sân bay USS George Washington vẫn là biểu tượng cho sức mạnh quân sự Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Tàu USS George Washington tuần tra vùng hoạt động của Hạm đội 7 để đảm bảo an ninh ở vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông và biển Đông. Con tàu dài 332m, rộng 76m có khả năng chở 90 máy bay chiến đấu và trực thăng, bao gồm các loại máy bay lợi hại như F/A-18C Hornet, F/A-18E/F Super Hornet…

Tuy nhiên từ năm 2016, hải quân Mỹ sẽ bắt đầu sử dụng tàu sân bay lớp Ford hiện đại và mạnh mẽ hơn. Đầu tiên sẽ là tàu USS Gerald R. Ford trị giá 12,8 tỉ USD. Con tàu dài 337m, rộng 78m có khả năng chở 75 máy bay thuộc rất nhiều loại khác nhau, được trang bị các loại tên lửa như Evolved Sea Sparrow, Rolling Airframe và súng phòng không CIWS.

Các máy bay trên tàu USS Gerald R. Ford có khả năng thực hiện rất nhiều sứ mệnh, từ việc bảo vệ an ninh trên bầu trời, tấn công mặt đất, tấn công tàu chiến đến chống tàu ngầm. Tàu USS Gerald R. Ford được trang bị hai động cơ nguyên tử và hệ thống đẩy hiện đại giúp máy bay chiến đấu dễ dàng cất cánh từ boong tàu.

Tàu sân bay Mỹ thể hiện rõ sự vượt trội về sức mạnh công nghệ quân sự so với Trung Quốc. Mùa hè vừa qua, truyền thông Trung Quốc tự hào đưa tin lần đầu tiên máy bay chiến đấu của nước này đã cất cánh và hạ cánh được trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Tuy nhiên cùng thời điểm đó, hải quân Mỹ tuyên bố đã thử nghiệm thành công việc điều khiển máy bay chiến đấu không người lái American X-47B đậu trên tàu sân bay USS George Bush.

Chiến đấu cơ F-22 Raptor

Một chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của không quân Mỹ tiếp nhiên liệu trên bầu trời - Ảnh: Global Security

F-22 Raptor là chiến đấu cơ thế hệ thứ năm duy nhất đang hoạt động trên thế giới. Đây là chiếc máy bay tàng hình có khả năng tấn công mặt đất, do thám và năng lực chiến tranh điện tử. F-22 Raptor có thể bay với vận tốc Mach 1,82 (1.963km/giờ). Nó được trang bị hai tên lửa tầm ngắm AIM-9X và sáu tên lửa tầm trung AIM-120 cùng các loại bom định vị.

Trung Quốc không có loại chiến đấu cơ nào đủ sức so sánh với F-22 Raptor của Mỹ. Các loại máy bay chiến đấu hiện nay của Trung Quốc như J-10 và Su-27 không có tính năng tàng hình.

Trong một cuộc chiến, F-22 Raptor thừa sức “đánh què” không quân Trung Quốc bằng chiêu phá hủy các máy bay hỗ trợ, qua đó vô hiệu hóa máy bay chiến đấu và ném bom tầm xa của Trung Quốc.

F-22 Raptor có khả năng lẩn tránh rađa phòng không và máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Trung Quốc. Khả năng tàng hình còn giúp máy bay F-22 Raptor xâm nhập các hệ thống phòng không. Cảm biến trên thân F-22 Raptor có chức năng thu thập dữ liệu của kẻ thù, ví dụ như tín hiệu radio và radar.

Hiện Trung Quốc đang phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ năm là J-20. Tuy nhiên giới chuyên gia đánh giá phải 10 năm nữa loại máy bay này mới có thể bắt đầu hoạt động thường trực. Ở thời điểm hiện tại, F-22 Raptor là ông vua trên bầu trời Thái Bình Dương.

Mỹ đang triển khai máy bay F-22 Raptor tới Nhật, Hàn Quốc và đảo Guam. Hồi tháng 6-2014, Bộ Quốc phòng Mỹ điều sáu chiếc F-22 Raptor tới tham gia cuộc tập trận chung với Malaysia ở khu vực gần Trung Quốc. Khi đó giới truyền thông Trung Quốc mô tả đây là động thái thách thức nước này.

Tàu ngầm lớp Virginia

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia USS Hawaii hoạt động ngoài khơi Nhật - Ảnh: Global Security

Tàu ngầm tấn công lớp Virginia hiện là loại tàu ngầm hiện đại nhất thế giới. Loại tàu ngầm có động cơ nguyên tử này không chỉ có khả năng tấn công tàu chiến trên mặt nước và tàu ngầm đối thủ mà còn có thể bắn tên lửa hành trình phá các mục tiêu đất liền, đóng vai trò tàu mẹ kết nối các tàu không người lái dưới đáy biển và hỗ trợ các chiến dịch hải quân.

Tàu ngầm lớp Virginia được trang bị ngư lôi định vị Mk.48, tên lửa chống tàu Sub-Harpoon và tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk. Giới chuyên gia nhận định đây có lẽ là loại tàu Mỹ khiến Trung Quốc e dè nhất bởi Bắc Kinh chưa có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật chiến tranh chống tàu ngầm.

Không loại tàu ngầm nào của Trung Quốc, dù tàu ngầm hạt nhân Shang hay tàu động cơ diesel-điện Yuan có thể so sánh được với tàu lớp Virginia về cảm biến, khả năng tàng hình hay sức mạnh vũ khí.

Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Virginia có trị giá lên đến 2 tỉ USD. Hải quân Mỹ từng vài lần dùng tàu ngầm lớp Virginia để ra lời cảnh báo đối với Trung Quốc. Năm 2012, khi tàu Trung Quốc xâm lấn bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philipines, một tàu ngầm lớp Virginia đã xuất hiện tại vùng biển này để “nhắc nhở” Trung Quốc.

Máy bay ném bom B-2

B-2 Spirit có lẽ là một trong những loại máy bay ném bom đáng sợ nhất thế giới. Chiếc máy bay ném bom trị giá 737 triệu USD có khả năng tàng hình, qua đó dễ dàng qua mặt các hệ thống phòng không, bay liên tục hơn 9.600km mới phải tiếp nhiên liệu, chở theo 40 tấn bom định vị bằng vệ tinh. B-2 có thể thả cả bom thường và bom hạt nhân.

Nếu một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, máy bay B-2 có thể cất cánh từ căn cứ tại đảo Guam và tấn công bất kỳ vị trí nào ở Trung Quốc từ Tân Cương cho đến Thượng Hải. Trong trường hợp đó, không quân Trung Quốc sẽ phải triển khai toàn bộ 296 chiếc chiến đấu cơ Su-27 và Su-35 trên toàn bộ đất nước để phòng ngự.

Trung Quốc không có bất kỳ vũ khí nào tương xứng với máy bay B-2. Từng có tin đồn Bắc Kinh đang phát triển một loại máy bay ném bom tàng hình nhưng chưa dấu hiệu nào cho thấy điều đó đang diễn ra. Hồi tháng 8-2014, Mỹ đã triển khai ba máy bay B-2 bay trên Thái BÌnh Dương. Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ tuyên bố đây là động thái nhằm khẳng định Mỹ đủ sức mạnh bảo vệ các nước đồng minh.

Báo chí Trung Quốc và quốc tế cũng đánh giá một lần nữa Washington thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội để “trêu ngươi” Bắc Kinh. Bởi các chuyến bay của ba chiếc B-2 diễn ra ngay sau khi Lầu Năm Góc chỉ trích việc một chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận nguy hiểm một máy bay tuần tra Mỹ.

F-35 Lighting II

F-35 Lighting II là thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình mới nhất của không quân Mỹ, có nhiệm vụ thay thế các loại máy bay hiện tại như F-16, F/A-18C và A-10 trong tương lai.

Giống như F-22 Raptor, F-35 Lighting II có khả năng tàng hình ấn tượng, các loại tên lửa định vị, hệ thống cảm biến cực nhạy để thu thập thông tin tình báo và thực hiện chiến tranh điện tử.

Hệ thống của máy bay F-35 Lighting II có thể theo dõi tên lửa đạn đạo và các mục tiêu khác ở tầm xa lên tới 1.287km. Hệ thống rađa APG-81 có khả năng vẽ chính xác bản đồ địa hình và lực lượng của kẻ thù dưới mặt đất. F-36 Lighting II cũng có tầm hoạt động vượt xa F-16.

Với F-22 Raptor và F-35 Lighting II, toàn bộ hệ thống phòng không của Trung Quốc sẽ phải được trang bị hệ thống chống máy bay tàng hình. Đó là nhiệm vụ mà ngay cả quân đội Mỹ với sức mạnh vượt trội cũng không thể kham nổi.

Một số nước châu Á đã đặt mua máy bay F-35 Lighting II của Mỹ để tăng cường sức mạnh phòng không trước tình hình địa chính trị nóng bỏng ở châu Á.

Đón xem kỳ 2: Sức mạnh quân sự "made in China"

 

HIẾU TRUNG

Theo TTO

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.