“Hồ sơ Tripoli”
Friday, February 27, 2015 7:14 AM GMT+7
Theo các tài liệu mật của chính quyền Tổng thống Muammar Gaddafi, mối quan hệ giữa Cơ quan Phản gián Anh MI-5, Cục Tình báo MI-6 và Tình báo Libya có quy mô lớn hơn người ta tưởng trước đây. Tình báo Anh bí mật tiến hành hàng loạt các chiến dịch phối hợp với Libya để trấn áp, đe dọa, bắt giữ và tra tấn những người chống lại Gaddafi - theo phân tích các tài liệu tìm thấy ở thủ đô Tripoli sau cuộc nổi dậy ở Libya.

Những phát hiện từ "Hồ sơ Tripoli"

Số tài liệu thu được từ văn khố của Gaddafi bao gồm thư từ liên lạc bí mật từ MI-6, các báo cáo của MI-5 về những người Libya đang sống trên đất Anh được đóng dấu "Bí mật - Chỉ dành riêng cho Anh/Libya" và biên bản những cuộc họp giữa các cơ quan tình báo hai quốc gia. Cuộc nghiên cứu điều tra căng thẳng số hồ sơ trong văn khố chính quyền Libya (gọi tắt là Hồ sơ Tripoli) cho thấy sự dính líu của tình báo Anh trong các chiến dịch phối hợp”.

Ví dụ, MI-6 trợ giúp Gaddafi bắt cóc 2 lãnh đạo đối lập Libya là Sami al-Saadi và Abdul Hakim Belhaj. Kết quả của một loạt chiến dịch phối hợp bí mật cũng là cơ sở cho nhiều cuộc giải trình trước tòa án ở thủ đô London nước Anh từ năm 2002 đến 2007 - trong thời gian này chính quyền Công đảng gặp thất bại trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp trục xuất những người chống chính quyền Gaddafi.

Một nhóm luật sư ở London sau đó đã tập hợp số tài liệu lại làm thành cơ sở ra một loạt tuyên bố bảo vệ 12 người được cho là bị bắt cóc, tra tấn và ngược đãi trong nhà tù dưới thời Gaddafi, sau khi bị Anh cho "dẫn độ" về Libya.


Muammar Gaddafi (phải) bắt tay thân mật với Tony Blair tại Tripoli năm 2004.

Một tuyên bố được giải quyết khi chính quyền Anh chấp nhận bồi thường 2,2 triệu bảng Anh cho lãnh đạo đối lập Sami al-Saadi và gia đình của người này vào năm 2012.

Chiến dịch dẫn độ 2 nhân vật đối đầu với Gaddafi này cũng là đối tượng điều tra kéo dài 3 năm với tên mã là "Chiến dịch Lydd" của Sở Cảnh sát London.

Mối quan hệ Anh - Libya trong quá khứ thật ra cũng có nhiều bất đồng - chế độ Gaddafi không chỉ giúp vũ trang cho IRA (Quân đội Cộng hòa Ireland) làm nổ tung chuyến bay Pan Am 103 trên không phận thị trấn Lockerbie (Scotland) giết chết 270 người vào năm 1988 và chứa chấp một người đàn ông sát hại nữ cảnh sát London tên là Yvonne Fletcher vào 4 năm trước đó.


Abdel Hakim Belhaj.

Hồ sơ Tripoli cho thấy mối quan hệ ngoại giao - bắt đầu khôi phục năm 1999 - trở nên gắn bó hơn sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/09/2001.

Một tuần sau vụ tấn công này, một nhóm sĩ quan tình báo Anh gặp Moussa Koussa - lãnh đạo tình báo Libya cung cấp thông tin cho người Anh về những người Hồi giáo bị giam giữ trong nhà tù chế độ Gaddafi.

Và 2 tháng sau ngày 11/09/2001, sĩ quan tình báo Anh tổ chức hội nghị 3 ngày với các đối tác Libya tại khách sạn trong một sân bay châu Âu. Tình báo Đức và Australia cũng tham dự.

Theo biên bản cuộc họp, người Anh giải thích họ không thể bắt giữ bất cứ ai ở Anh - mà chỉ cảnh sát mới có quyền làm điều đó - và đang cố gắng có được giấy phép cho phép nhân viên tình báo Gaddafi hoạt động trên đất Anh.

Tháng 12/2003, Gaddafi thông báo từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm tránh cuộc tấn công của Mỹ và Anh khi nhìn thấy những gì họ đã làm ở Iraq.

Tháng 03/2004, mối quan hệ mới hình thành sau cuộc gặp giữa Gaddafi và Tony Blair - trong đó Thủ tướng Anh tuyên bố: hai quốc gia đã tìm được tiếng nói chung trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Anh - Hà Lan Shell cũng thông báo đã ký kết hợp đồng trị giá 110 triệu bảng Anh về quyền khai thác dầu khí ngoài khơi Libya.


Dinah Rose, luật sư Anh đại diện cho Belhaj.

Liên minh mới Libya - Anh cho phép MI-5, MI-6 và cả Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với Tổ chức An ninh Đối ngoại Libya, cũng được gọi là Tổ chức An ninh Jamahiriya (JSO).

Theo Hồ sơ Tripoli, ông Gaddafi hy vọng với sự hợp tác tình báo này người Anh sẽ giúp ông lùng bắt và cầm tù những người Libya đang sống lưu vong ở Anh, Arập Xêút, Pakistan và Mali - tất cả những người này đều là thành viên của LIFG, tổ chức Hồi giáo âm mưu ám sát Gaddafi 3 lần kể từ khi thành lập vào đầu thập niên 90.

Sau khi được tị nạn chính trị tại Anh, nhiều thành viên LIFG sống yên ổn suốt hơn một thập niên tại nước này. Một số người trở thành công dân Anh. Trùm tình báo Libya Moussa Koussa đề nghị tình báo Anh điều tra 79 người trong số này, những người mà ông mô tả là "những thành phần dị giáo ở Libya".


Moussa Koussa, lãnh đạo Tình báo Libya.

Năm 2004, hai tuần trước chuyến thăm Libya của Thủ tướng Anh Tony Blair, Belhaj và vợ, Fatima Bouchar bị bắt cóc ở Thái Lan đưa về Tripoli.

Belhaj cho biết, ông bị sĩ quan tình báo Anh thẩm vấn 2 lần tại thành phố Tajoura của Libya. Bouchar thì kể, bà bị đánh đập dã man trong chuyến bay dài "dẫn độ" này.

Và 3 ngày sau khi Tony Blair đến Libya, Sami al-Saadi tiếp tục bị "dẫn độ" từ Hồng Công về Tripoli, cùng với vợ và 4 đứa con, trong đó đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi. Cả 2 lãnh đạo LIFG này đều bị đánh bằng roi da, chích điện, không cho ngủ.

Những vụ kiện chống lại chính quyền Anh

Sau những tiết lộ của cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, năm 2013, hai gia đình này đã làm hồ sơ kiện các cơ quan tình báo Anh vi phạm quyền tự do của họ khi bí mật giám sát những cuộc giao tiếp giữa họ với các luật sư thuộc Tổ chức Nhân quyền Reprieve nhằm gây cản trở trong phiên tòa xét xử.

Nhóm luật sư của Belhaj lo ngại các cuộc giao tiếp của họ với thân chủ có thể bị Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh GCHQ thu thập thông tin, nhằm ngầm dàn xếp kết quả vụ án trước tòa.

Về phía mình, nhóm luật sư của chính quyền Anh cho rằng, việc tiết lộ một số tài liệu mật có thể làm phương hại đến an ninh quốc gia. Tòa án Quyền lực Điều tra (IPT) là tổ chức xem xét đơn kiện chống lại MI-5, MI-6 và GCHQ của gia đình Belhaj và al-Saadi.


Sami al-Saadi.

Bà Dinah Rose, luật sư cao cấp Anh đại diện cho Belhaj, phát biểu: "Nếu như vấn đề này không được điều tra đến nơi đến chốn thì lòng tin vào hệ thống tư pháp có thể bị tổn hại. Vụ án Belhaj chỉ là bề nổi của tảng băng".

Cori Crider, Giám đốc Tổ chức Reprieve, tuyên bố: "Hiện nay đã rõ vụ việc các cơ quan tình báo Anh bí mật nghe lén những cuộc trao đổi giữa luật sư và thân chủ trong suốt nhiều năm. Và vấn đề là họ đã nghe lén bao nhiêu lần. Các tài liệu tiết lộ chính sách theo dõi giới luật sư của MI-5 và GCHQ bộc lộ rõ những lỗ hổng của luật pháp. Và chính quyền đã theo dõi như thế này trong bao nhiêu vụ án nhằm có lợi cho họ ở tòa án?".

Theo tuyên bố của nhóm luật sư London chống lại chính quyền Anh, nỗ lực truy lùng các thành viên lãnh đạo khác của LIFG dẫn đến việc tình báo Anh và Libya giăng lưới rộng ra khắp thế giới.


 

Các báo cáo của MI-5 về những người Libya đang sống trên đất Anh được đóng dấu "Bí mật - Chỉ dành riêng cho Anh/Libya".

Cuối năm 2005, một công dân Anh gốc Somali và một người Libya đang sống ở Ireland bị bắt giữ ở Arập Xêút. Những người này đã bị sĩ quan tình báo Anh tra tấn dã man buộc họ khai ra những thành viên khác của LIFG.

Cũng trong năm 2005, một thành viên khác của LIFG là Othman Saleh Khalifa cũng bị bắt giam ở Mali và tiếp tục bị "dẫn độ" về Libya. Hồ sơ Tripoli chứa nhiều biên bản tóm tắt về những cuộc thẩm vấn Khalifa gửi đến cho tình báo Anh và hai cơ quan MI-5 và MI-6 cũng chuyển những bảng câu hỏi mà họ muốn đặt ra cho Khalifa đến tình báo Libya.

Về sau, Khalifa kể rằng, ông bị đánh đập trong suốt những cuộc thẩm vấn, kéo dài khoảng 6 tháng cuối năm 2006 và ông cũng không có cơ hội nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Vào khoảng thời gian Khalifa bị dẫn độ về Libya, đại diện MI-5 và MI-6 bay sang Tripoli gặp các sĩ quan tình báo ở đây để thông báo họ được mời sang Anh để tiến hành một số chiến dịch phối hợp bởi vì "London và Manchester là 2 điểm nóng" hoạt động của LIFG trên đất Anh - mục đích là tuyển mộ những người chỉ điểm bên trong cộng đồng người Libya ở Anh.

Cuối cùng các sĩ quan MI-5 và MI-6 gặp hai sĩ quan tình báo Libya tại trụ sở MI-5 ở London. Biên bản cuộc họp giữa hai bên được lưu giữ trong Hồ sơ Tripoli tiết lộ câu nói của người Anh: "Với sự hợp tác của các ông, chúng tôi có thể tập trung vào các cá nhân đặc biệt".

Trong khi đó, những người Libya có khả năng được tuyển mộ làm chỉ điểm cũng bị "đe dọa" người thân của họ đang sống ở Libya sẽ bị bắt giữ.

Theo biên bản trong Hồ sơ Tripoli, MI-5 cũng cảnh cáo những người Libya có ý định tố cáo với cảnh sát hay cung cấp thông tin về chiến dịch tình báo phối hợp Anh - Libya cho giới truyền thông.

Ngoài ra, những người Libya từ chối hợp tác sẽ là mục tiêu bị bắt giam với tội "khủng bố" và đối mặt với nguy cơ trục xuất khỏi đất Anh. Như trường hợp một trong những mục tiêu tuyển mộ là một người Libya 32 tuổi, thành viên của LIFG, sống ở Anh được 10 năm và trở thành công dân Anh được 6 năm.

Hai sĩ quan tình báo Libya gọi điện thoại nhiều lần đến anh ta, tự xưng là viên chức lãnh sự quán, và cuối cùng anh ta đồng ý gặp họ tại một khách sạn ở quận Marylebone, thành phố London vào ngày 2/9/2006.

Mục tiêu lựa chọn được cho thời gian để suy nghĩ về chuyện hợp tác. Trong khi đó ở Libya, anh chị em và mẹ của mục tiêu bị chính quyền bắt giam buộc phải thuyết phục người đàn ông ở London quay về nước để làm kẻ chỉ điểm tại quê nhà.

Theo CAND

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.