Sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông - Kỳ 1
Tuesday, October 18, 2011 5:03 AM GMT+7
Tháng 9/2011, GS TS Dmitry Valentinovich Mosyakov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã có bài viết "Sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông” đăng trên tạp chí "Bình luận phương Đông mới". Đây là quan điểm của một nhà nghiên cứu có uy tín tại Nga, Ban biên tập trang web xin giới thiệu bản lược dịch nội dung bài viết này:

Xung đột xung quanh các quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa) đã diễn ra trong một thời gian tương đối dài, nhưng hiện nay có những dấu hiệu cho thấy tình hình càng căng thẳng hơn và đang thu hút chú ý của cộng đồng quốc tế. Sau một thời gian dài tạm lắng, Trung Quốc lại tiếp tục sử dụng chiến thuật gây áp lực sức mạnh đối với các quốc gia lân cận, mưu toan thay đổi hiện trạng tại khu vực này. Bắc Kinh lại tiếp tục đưa ra tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi của mình  đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cảnh báo các nước "không nên đùa với lửa”. Hải quân Trung Quốc săn đuổi các ngư dân Việt Nam, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, có những hành động khiêu khích ngoài khơi đảo Palawan (Philippine).

Song song với những hành động đó, Trung Quốc vẫn tuyên bố nước này yêu hòa bình và chỉ khôi phục quyền lợi đối với những vùng lãnh thổ thuộc về họ. Các phương tiện truyền thông, các quan chức Trung Quốc kiên trì và tích cực tuyên truyền luận điệu trên. Đồng thời Trung Quốc chi những khoản tiền khổng lồ để xây dựng “huyền thoại” về việc các quần đảo có nhiều dầu mỏ và khí đốt, có thể kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng nhất là lãnh thổ của Trung Quốc đã bị mất trong thời kỳ lịch sử suy yếu, do đó nước này có quyền lấy lại chúng.

Nhưng thực tế, các sự kiện lịch sử cho thấy những tuyên bố trên của Trung Quốc là không phù hợp với sự thật lịch sử. Không nên đi sâu vào việc ai và quốc gia nào đã để lại những dấu hiệu trên các đảo tranh chấp. Có những tài liệu cụ thể vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỷ XX hoàn toàn có thể làm sáng tỏ toàn bộ tình hình. Khi các cường quốc thực dân châu Âu, cụ thể là Pháp đã thiết lập biên giới chủ quyền ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã cư xử hết sức thận trọng và không chỉ không chính thức đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo này, mà thậm chí còn từ bỏ quyền sở hữu.

Điều này được chứng minh bằng một sự kiện thú vị vào đầu những năm 90 thế kỷ XIX. Chiếc tàu của Đức "Bellona" và tàu Nhật Bản "Imega Maru" chở hàng hóa cho Vương quốc Anh bị chìm tại vùng nước nông gần cụm đảo An Vĩnh thuộc Hoàng Sa. Sau đó, một số hàng hóa đã được tìm thấy ở đảo Hải Nam của Trung Quốc. Số hàng hóa này mặc dù bị chìm nhưng vẫn thuộc sở hữu của người Anh, vì vậy Công sứ Anh đã chính thức phản đối Trung Quốc về việc cướp bóc hàng hóa ở vùng lãnh hải thuộc Trung Quốc. Đáp lại cáo buộc trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức tuyên bố "Trung Quốc không chịu trách nhiệm về việc cướp bóc hàng hóa bị đắm vì quần đảo Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc". (Tranh-Minh Tiet. «L’Aggression sino-communiste des iles Paracell vietnamiennes» (La guerre pour la paix) Paris, 1975 c.13). Việc không tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được ghi nhận và công bố năm 1905 trong tập bản đồ mang tên "Đại Thanh đế quốc toàn đồ" chỉ rõ phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc tại Biển Đông là đảo Hải Nam. Trong cuốn “Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư” xuất bản năm 1906 cũng xác định điểm cực nam của Trung Quốc là mũi Châu Nhai thuộc Hải Nam tại vĩ tuyến 18о13' (Từ Kế. Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư. Thượng Hải, 1906, tập 1, trang 2 (tiếng Trung Quốc). Hơn nữa, vào giữa những năm 30, khi Pháp công bố sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ Đông Dương, phía Trung Quốc cũng không có phản đối chính thức nào. Sau này, các tác giả Trung Quốc mới bắt đầu lên tiếng khẳng định chính phủ ở Nam Kinh đã đưa ra phản đối ngoại giao (People’s China. 1956 N13), nhưng thực chất Trung Quốc đã thờ ơ với quyết định trên của chính quyền Pháp. Chỉ có một nước duy nhất phản đối Pháp đó là Nhật Bản khi cho rằng các quần đảo này nằm trong vùng có đặc lợi kinh tế của Nhật Bản (Biên giới Trung Quốc - lịch sử hình thành, Moscow, 2001, trang 418). Năm 1939, người Nhật chiếm đóng tất cả các quần đảo này, bắt đầu hoạt động kiến thiết quân sự tại một số hòn đảo.

Chỉ sau khi Nhật Bản thất bại và sơ tán quân đội rời khỏi tất cả các đảo trên Biển Đông, TQ mới bước đầu thiết lập kiểm soát khu vực này. Trung Quốc đã điều 2 đoàn thám hiểm hải quân phá hủy tất cả biểu tượng được xây dựng bởi người Nhật Bản trên khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, thay thế chúng bằng các biểu tượng của Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc nhanh chóng rời khỏi quần đảo Trường Sa, tuy nhiên quân đội Trung Quốc vẫn chiếm đóng lâu dài cụm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa và đã thành lập khu đồn trú và xây dựng các căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm.

Để đối phó với những hành động quân sự của Trung Quốc lính biên phòng Pháp-Việt đã được bố trí tại nhóm đảo Trăng Khuyết (Lưỡi Liềm) gần đó nhằm ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Năm 1950, quân đội Quốc Dân Đảng rời khỏi cụm đảo An Vĩnh, nhưng không lâu sau đó (năm 1956) quân đội Trung Quốc đã tái chiếm những hòn đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Kể từ đó trên quần đảo Hoàng Sa diễn ra tình trạng: quân Trung Quốc phân bố tại cụm đảo An Vĩnh, còn tại cụm đảo Lưỡi Liềm là quân đội của chế độ miền Nam Việt Nam. Vào thời điểm đó Trung Quốc không dám xâm chiếm tất cả các hòn đảo do lo ngại xảy ra xung đột quân sự với Mỹ - cường quốc có sự gắn liền mật thiết với chế độ Ngô Đình Diệm và ngày càng bị lôi kéo vào cuộc đấu tranh chính trị ở Đông Nam Á.

Từ những phân tích nêu trên, chúng ta có thể kết luận rằng, sự bành trướng của Trung Quốc trên các đảo này bắt đầu chỉ sau khi Thế chiến II kết thúc trong bối cảnh Nhật Bản bại trận và từ bỏ tất cả quyền lợi đối với các đảo ở Biển Đông còn Pháp không có sự cương quyết cần thiết và khả năng quân sự để hất cẳng Trung Quốc khỏi cụm đảo An Vĩnh do bị suy yếu trong Thế chiến II cũng như tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với quân giải phóng Việt Nam. (Còn tiếp)

(V.T. lược dịch từ tạp chí "Bình luận phương Đông mới")

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.