Địa vị pháp lý của đảo trong phân định các vùng biển
Sunday, October 30, 2011 2:56 PM GMT+7
PGS.TS. Nguyễn Bá Diễn, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải Quốc tế, Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích địa vị các đảo theo Luật biển 1982 trong việc phân định các vùng biển, từ những phân tích đó, tác giả áp dụng đối với trường hợp của Hoàng Sa và Trường Sa để trả lời cho vấn đề liệu Hoàng Sa và Trường Sa có “thích hợp cho con người đến ở hay có một đời sống kinh tế riêng” hay không?

1. Quy chế pháp lý đảo theo quy định của Công ước Luật Biển 1982

1.1. Những vùng biển của đảo thuộc quốc gia ven biển

Khi một đảo thỏa mãn toàn bộ các yếu tố cấu thành theo Điều 121 thì đảo đó sẽ có quy chế pháp lý đầy đủ với các vùng biển là: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa áp dụng như đối với lãnh thổ đất liền. Còn đối với các đảo không đáp ứng được khoản 3 Điều 121 thì chỉ có quyền có nội thủy và lãnh hải.

 * Nội thủy

 Hầu hết các qui định cơ bản trong Công ước 1958 về Lãnh hải và Vùng tiếp  giáp và Công ước Luật  biển 1982 đều  áp dụng cho các đảo. Vì vậy, vùng nội thuỷ của các đảo cũng được xác định theo đúng các điều khoản áp dụng cho lãnh thổ đất  liền. Điều 8 của Công ước Luật biển 1982 qui định trừ trường hợp được qui định ở  Phần IV liên quan đến quốc gia quần đảo, các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải là nội thuỷ của quốc gia ven biển[1]. Tương tự như vậy, các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải của đảo cũng được coi là vùng nước nội thuỷ.

Về đường cơ sở thông thường để xác định vùng nước nội thuỷ của đảo là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển của đảo, như đã được thể hiện trên  các hải đồ tỷ lệ lớn được quốc gia ven biển chính thức công bố[2].

Đối với đường cơ sở của các mỏm đá, Điều 6 của Công ước Luật biển 1982 qui  định "trong trường hợp những bộ phận đảo cấu tạo bằng san hô hoặc các đảo có đá ngầm ven bờ bao quanh thì đường cơ sở là ngấn nước triều thấp nhất ở bờ phía ngoài cùng của các mỏm đá, như đã được thể hiện trên các hải đồ được quốc gia ven biển chính thức công nhận". Trong nội thủy, quốc gia sở hữu đảo có chủ  quyền hoàn toàn, tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền.

 

* Lãnh hải

 

Theo luật pháp quốc tế truyền thống, một đảo có quyền có lãnh hải như lãnh thổ đất liền.Trong Hội nghị Pháp điển hoá Luật pháp quốc tế La Hay năm 1930, Uỷ ban II của Hội nghị đã khuyến nghị“tất cả các đảo đều có lãnh hải riêng”[3]. Nhìn chung, đại diện các quốc gia tham gia Hội nghị đều tán thành với  khuyến nghị đó [4]. Chiều rộng của lãnh hải được xác định trong thời kỳ đó là 3 hải lý như áp dụng đối với lãnh thổ đất liền.

Sau Tuyên bố Truman năm 1945, trong đó Chính phủ Mỹ mở rộng quyền tài phán đối với thềm lục địa ngoài bờ biển của Mỹ, năm 1952, Chính phủ các  nước  như Chilê, Costa Rica, Ecuador và Peru cũng đã tuyên bố "bất kỳ đảo nào hoặc  một nhóm đảo hình thành một phần lãnh thổ của quốc gia" cũng có vùng biển rộng 200 hải lý.

Đến Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển lần I, thì việc một đảo có lãnh  hải không còn là vấn đề gây tranh cãi. Trong Hội nghị này, các quốc gia tập trung  vào thảo luận hai vấn đề là loại đảo nào được hưởng quy chế đảo (tức là có lãnh hải riêng) và chiều rộng của lãnh hải là bao nhiêu. Hội nghị đã không thoả thuận được  chiều rộng của lãnh hải nhưng đã đưa ra được một định nghĩa đảo tương đối tiến bộ  so với những định nghĩa đảo trước kia. Lãnh hải của  các đảo được xác định theo  đúng các qui định của Công ước áp dụng cho lãnh thổ đất liền(9). Sau Hội nghị,  nhìn chung trong thực tiễn, nhiều quốc gia đã đơn phương tuyên bố lãnh hải có chiều rộng không qúa 12 hải lý[5].

Đến Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển lần III, các quốc gia thoả thuận được khá dễ dàng về chiều rộng 12 hải lý của lãnh hải và về việc dành cho đảo quyền có lãnh hải. Chiều rộng lãnh hải của đảo được xác định theo đúng các qui định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác[6]. Như vậy, theo Điều 3 của  Công ước Luật biển 1982 thì các quốc gia ven biển  có quyền  ấn  định chiều rộng lãnh hải của các đảo của mình không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước. Ranh giới phía ngoài của lãnh hải là một đường mà mỗi điểm ở trên đường đó cách điểm gần nhất của đường cơ sở một khoảng  cách bằng chiều rộng của lãnh hải[7].

Vấn đề đặt ra là lãnh hải của một đảo nằm gần bờ biển của một quốc gia  khác nên được xác định như thế  nào? Cả Công ước 1958 về Lãnh hải và Vùng  tiếp giáp và Công ước Luật biển 1982 đều không đề cập đến vấn đề này. Dường như  trong trường hợp này, Công ước Luật biển 1982 dành cho các quốc gia quyền thương lượng với nhau để giải quyết vấn đề. Ví dụ điển hình là trường hợp đảo Aegean của Hy Lạp nằm gần bờ biển của Thổ Nhĩ  Kỳ. Năm 1974, Hy Lạp có ý định mở rộng lãnh hải của đảo ra đến 12 hải lý, và như vậy thì lãnh hải của đảo sẽ chiếm đến 2/3 diện tích của biển Aegean. Do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỹ, Hy Lạp tạm ngừng mở rộng lãnh hải của đảo Aegean nhưng vẫn bảo lưu quyền được mở rộng trong tương lai. Tuy vậy, hai bên cũng có những thoả hiệp nhất định. Năm  1976,  Hy Lạp đã phải chấp nhận thương lượng để giải quyết vấn đề này cùng với các vấn đề nảy sinh trên biển khác liên quan đến các vịnh và vùng trời trong một giải pháp cả gói. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải gián tiếp công nhận là đảo Aegean có lãnh hải thông qua việc xác nhận giữa hai nước có biên giới lãnh hải chung.

 

Các quốc gia có đảo có quyền mở rộng chủ quyền trong lãnh hải của đảo đến vùng trời phía trên, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của vùng  biển này.  Chủ quyền này là chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ, quốc gia ven biển có chủ quyền trên cả ba mặt lập pháp, hành pháp và xét xử  nhưng lại bị giới hạn bởi quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài.

 * Tiếp giáp lãnh hải

 Nếu các đảo có khả năng tạo ra lãnh hải thì dường  như  chúng  cũng  được  quyền có vùng tiếp giáp với lãnh hải. Tuy vậy, Công  ước 1958 về Lãnh  hải và  Vùng tiếp giáp không qui định trực tiếp về vấn đề này. Mặc dù Điều 24 Công ước  có xác định thẩm quyền của quốc gia ven biển đối với một vùng biển cả tiếp giáp với lãnh hải, Công ước không hề nhắc đến việc xác định vùng tiếp giáp cho đảo.

 Tại Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển lần III, các quốc gia đã đi đến được thoả thuận là các đảo cũng có vùng tiếp giáp tương đối dễ dàng. Thoả thuận  này được đưa vào Công ước Luật biển 1982, trong đó qui định rõ đảo đáp ứng được các tiêu chuẩn để được hưởng qui chế đảo thì có vùng tiếp giáp và vùng tiếp giáp của đảo được xác định theo đúng các qui định áp dụng  cho các lãnh thổ đất liền  khác[8]. Theo Công ước, vùng tiếp giáp của đảo không thể mở rộng quá 24 hải lý  kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của đảo[9]. Trong vùng biển này,  quốc gia có đảo có quyền ngăn ngừa và trừng trị những vi phạm đối với các luật lệ, quy định về hải quan, thuế  khóa, y tế hay nhập cư,…

 * Vùng đặc quyền kinh tế

 Tại Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển lần III, vấn đề vùng đặc quyền về kinh tế của các đảo được thảo luận rất gay gắt. Bởi vì không giống như vùng  lãnh hải, việc cho phép các đảo có vùng  đặc quyền về kinh tế sẽ đưa đến  những  hệ quả rất nghiêm trọng. Chỉ cần một hòn đảo nhỏ xíu ở đại dương cũng có thể tạo ra một vùng đặc quyền về kinh tế rộng đến 125.000 dặm vuông trong khi đó trên toàn  thế giới có đến gần nửa triệu đảo nhỏ (nếu  tính tất cả các cấu tạo tự nhiên nổi trên biển). Nếu tất cả các cấu tạo tự nhiên đó đều có vùng đặc quyền về kinh tế thì sẽ gây ra rất nhiều tranh chấp giữa các quốc gia trong việc phân định ranh giới thềm lục  địa và vùng đặc  quyền kinh  tế. Như vậy, đại dương sẽ bị chia thành các hồ lớn và ngăn trở đến các hoạt  động trên biển của  các quốc gia.

 Chính vì lý do đó, đại diện các nước đã đi đến được thoả thuận mà sau này  đã được đưa vào trong Công ước Luật  biển 1982 là chỉ có các đảo đáp ứng được đầy đủ những tiêu chuẩn mà Công ước nêu ra trong Điều 121 thì mới có vùng  đặc  quyền về kinh  tế. Trong trường hợp đó,vùng đặc quyền về kinh tế của các đảo được xác định theo đúng các quy định của Công  ước áp dụng cho các lãnh thổ đất  liền. Như vậy, theo Công ước Luật biển 1982 vùng đặc quyền về kinh tế của đảo có thể được mở rộng tới 200 hải lý kể  từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh  hải[10]. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia có đảo có các quyền chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản  lý các tài nguyên thiên nhiên sinh vật hoặc không sinh vật, các quyền  tài phán đối với việc  lắp đặt, sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị công trình biển,…Công ước Luật biển 1982 qui định rõ ràng những đảo đá nào không thích hợp cho người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế  riêng  thì không có vùng đặc quyền kinh tế[11].

 * Thềm lục địa

 Công ước 1958 về Thềm lục địa có xác định thềm lục đị  cho các đảo, đó là  "đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở những vùng tương tự kế cận với bờ biển của các đảo"[12]. Trong Công ước này, các quốc gia ven biển thực hiện các quyền  chủ  quyền đối với thềm lục địa của các đảo trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó. Vấn đề đặt ra là do Công ước 1958 về Thềm lục địa không có  định nghĩa đảo nên người ta không hiểu là định nghĩa đảo trong Công ước 1958 về Lãnh hải có áp dụng cho các đảo được đề cập đến trong Công ước 1958 về Thềm  lục địa hay không. Trong vụ tranh chấp giữa Anh và Pháp về nội dung thuật ngữ đảo trong Công ước 1958 về Thềm lục địa, Toà án Trọng  tài đã không cho ý kiến  trực tiếp về vấn đề này, nhưng đã có hàm ý cho rằng khái niệm đảo trong  Công  ước 1958 về Lãnh hải cũng được áp dụng cho các đảo được nêu trong Công ước 1958 về Thềm lục địa.

 Tại Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển lần III, vấn đề các đảo đáp ứng được đầy đủ các yếu tố cấu thành đảo có thềm lục địa hay không không còn là một  vấn đề  phải bàn cãi nữa. Nhiều quốc gia cho rằng qui định các đảo có thềm lục địa đã được ghi nhận trong Công ước 1958 về Thềm lục  địa và do đó công ước luật biển mới nên kế thừa qui định đó.

 Công ước Luật biển 1982 đã khẳng định dứt khoát là các đảo có thềm lục địa và thềm lục địa của các đảo được xác định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác[13]. Áp dụng Điều 76 của Công ước, thềm  lục địa của một đảo có thể hiểu là bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của đảo đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền  của đảo cho đến mép ngoài của  rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa của đảo ở khoảng cách  gần hơn. Trong trường hợp mép rìa ngoài của thềm lục địa của đảo vượt quá  200  hải lý thì có thể vạch ra ngoài khoảng cách đó nhưng không quá 350 hải lý hoặc nằm cách đường đẳng sâu 2500 m là đường nối liền các điểm có độ sâu 2500 m  một khoảng cách không quá 100 hải lý.

 Trên vùng thềm lục địa của đảo, các quốc gia có đảo thực hiện các quyền  chủ quyền về thăm dò, khai thác tài nguyên; quyền tài phán về nghiên cứu khoa học; quyền đối với các đảo nhân tạo,các thiết bị, công trình trên thềm lục địa và quyền bảo vệ, giữ gìn môi trường biển.

 Như vậy, với quy chế pháp lý này, toàn bộ các đảo khắp đại dương đã trở thành đối tượng của sở hữu hoặc tranh chấp giữa các quốc gia. Với số lượng lớn  các đảo hiện diện trên khắp thế giới, nằm rải rác rộng khắp mà các cuộc tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo cũng như tính tới hiệu lực của đảo làm cho thực tiễn phân định biển đã rất phức tạp lại càng phức tạp, kéo dài hơn.

 

1.2. Vùng biển của quốc gia quần đảo

 

Theo quy định của Công ước Luật biển 1982 vùng nước quần đảo là vùng biển nằm bên trong của đường cơ sở quần đảo dùng để tính chiều rộng lãnh hải và do quốc gia quần đảo ấn định. Các vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia quần đảo đều được tính từ đường cơ sở của quần đảo. Như vậy, muốn xác định được vùng nước quần đảo cần phải vạch được đường cơ sở quần đảo. Theo Điều 47, quốc gia quần đảo có quyền đơn phương xác định đường cơ sở quần đảo của mình bằng phương pháp nối các điểm nhô ra nhất của  các đảo ngoài cùng thành đường liên tiếp gãy khúc. Tuy nhiên, quá trình này phải tuân thủ các điều kiện nhất định được quy định tại khoản 2,3,4,5 Điều 47. Trong  vùng nước quần đảo, quốc gia quần đảo có chủ quyền của mình và nội dung các quyền lực của quốc gia này có những đặc trưng sau:

 1. Quốc gia quần đảo có nghĩa vụ tôn trọng các điều ước hiện hành đã được  ký kết với các quốc gia khác và thừa nhận các quyền đánh bắt hải sản truyền thống và những hoạt động chính đáng của các quốc gia kế cận trong một số khu vực  thuộc vùng nước quần đảo. Các điều kiện và thể thức thực hiện các quyền và các  hoạt động này, kể cả tính chất, phạm vi của chúng và các khu vực thực hiện các  quyền và các hoạt động  nói  trên, được xác định theo yêu cầu của bất cứ quốc gia  nào trong các quốc gia hữu quan qua các điều ước tay đôi được ký kết giữa các  quốc gia đó. Các quyền này không thể chuyển nhượng hay chia sẻ cho các quốc  gia thứ ba hay cho các công dân của các quốc gia ấy (Điều 51.1).

 

2. Quốc gia quần đảo tôn trọng các dây cáp ngầm hiện có do những quốc gia khác đặt và đi qua các vùng nước của quốc gia quần đảo mà không đụng đến đất liền của mình và cho phép bảo dưỡng và thay thế  các đường  dây  cáp  này sau  khi họ được thông báo trước về vị trí của chúng và về những công việc bảo dưỡng hay thay thế dự định tiến hành (Điều 51.2).

 3. Quốc gia quần đảo có nghĩa vụ tôn trọng quyền đi qua không gây hại của  các quốc gia khác trong vùng nước quần đảo như đã được quy định trong Mục 3 Phần II. Quốc gia quần đảo có thể tạm đình chỉ việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong các khu vực nhất định thuộc vùng nướcquần đảo của  mình, nếu biện pháp này là cần thiết để bảo đảm an ninh của nước mình, nhưng không có sự phân biệt đối xử về mặt pháp lý hay về mặt thực tế giữa các tàu  thuyền  nước ngoài. Việc đình chỉ này chỉ có hiệu lực sau khi được công bố theo đúng thủ tục (Điều 52.2).

 

1.3. Vùng biển và quy chế pháp lý của các bãi cạn lúc nổi lúc chìm

 

 Việc xác định các bãi cạn nửa nổi nửa chìm có những vùng biển nào là một vấn đề rất phức tạp. Trong luật pháp quốc tế truyền thống chưa có bất kỳ qui định cụ thể nào về vấn đề này. Công ước Luật biển 1982 đã có những quy định khá rõ ràng về quy chế pháp lý của các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm. Theo điều 13.2 của Công ước Luật biển 1982, các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm nói chung không có lãnh hải riêng (và do đó cũng không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa) và sự có  mặt của chúng không ảnh hưởng đến việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc  quyền kinh tế hay thềm lục  địa.

 Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt, chúng có thể được sử dụng làm các điểm cơ sở thẳng, tức là tạo ra vùng lãnh hải nếu chúng ở cách bờ biển của lãnh thổ đất liền hoặc bờ biển của đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh  hải tính từ bờ biển lãnh thổ đất liền hoặc bờ biển của đảo. Nhưng nếu chúng nằm cách bờ biển của lãnh thổ đất liền hoặc bờ biển của một đảo ở một khoảng cách vượt quá chiều rộng lãnh hải thì không có lãnh hải riêng.

 

1.4. Quy chế của các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển

 Xuất phát từ học thuyết thềm lục địa, từ lâu người ta đã công nhận thẩm quyền của quốc gia ven biển xây dựng các cấu trúc nhân tạo nhằm mục đích thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình trên thềm lục địa của  mình nhưng  các cấu trúc này không có qui chế đảo. Tại Hội nghị Pháp điển hoá Luật  pháp quốc tế La Hay năm 1930, đại diện của Đức đã đề nghị nếu một đảo nhân tạo có người ở thì sẽ được hưởng qui chế đảo nhưng Hội nghị đã bác bỏ [1]. Từ đó, không có  quốc  gia nào đề nghị  các cấu trúc nhân tạo có quy chế đảo nữa.

 

Các công trình nhân tạo nhìn chung không được coi là đảo vì chúng rõ ràng không phải là các vùng đất được hình thành một cách tự nhiên. Cả Công ước 1958 về  Lãnh hải và Công ước Luật  biển 1982 đều không ghi nhận quy chế đảo cho các công trình thuộc loại này. Điều 5.4 của Công ước 1958 về Thềm lục địa qui định chế độ pháp lý của các công trình này như sau: "Các công trình và thiết bị này  thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển, nhưng không có qui chế như các đảo,  không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không ảnh hưởng đến việc xác định biên giới lãnh hải của quốc gia ven biển" và dường như cũng có thêm một số điều kiện khác là việc xây dựng, duy trì các công trình nhân tạo phải:

 1.  Không làm ảnh hưởng đến chế độ pháp lý của vùng biển cả cũng như  chế độ pháp lý vùng trời ở trên vùng nước đó (Điều 3);

 

2.  Không được cản trở đối với giao thông hàng hải (điều 6.6), việc đánh cá hay bảo vệ tài nguyên sinh vật biển, đồng thời không cản trở việc nghiên cứu về hải dương học (điều 5.2); Điều 5.2  của Công ước 1958 về Thềm lục địa cũng quy định quốc gia ven biển có quyền xây dựng, duy trì và bảo dưỡng các thiết bị, công  trình  trên thềm lục địa của mình nhằm thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy vậy, các thiết bị và công trình đó không được làm ảnh hưởng đến các  đường hàng hải quốc tế.

 Vấn đề quy chế của các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển được quy định rất rõ ràng trong Công ước Luật biển 1982. Trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và  quy  định việc xây dựng, khác thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công có  mặt của chúng không có ảnh hưởng đến việc hoạch định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa (Điều 60.8).

 Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các  thiết bị và công trình đó, kể cả quyền ban hành các luật và qui định về hải quan, thuế khoá, y tế, an ninh và nhập cư (Điều 60.2).

 Công ước 1982 cũng đã đề cập đến cách thức xây dựng các công trình  này.  Việc xây dựng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình phải được thông báo theo  đúng thủ tục; phải duy trì các phương tiện thường trực để báo hiệu sự có mặt của các đảo; khi không dùng đến nữa cần được tháo dỡ để bảo đảm an toàn hàng hải, có  tính đến những quy phạm quốc tế đã được chấp nhận chung do tổ chức quốc tế có  thẩm quyền đặt ra (Điều 60.3).

 Công ước 1982 cho phép quốc gia ven biển khi cần có thể lập ra xung quanh  các đảo nhân tạo, các thiết bị hoặc công trình những khu vực an toàn với kích  thước hợp lý; trong các khu vực này, quốc gia ven biển có thể áp dụng các biện  pháp thích hợ để bảo đảm an toàn hàng hải, cũng như an toàn của các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình (Điều 60.4). Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn và tuân theo các quy phạm quốc tế được chấp nhận chung liên quan đến hàng hải trong khu vực gần các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình (Điều 60.6).

 2.  Địa vị pháp lý của đảo trong phân định các vùng biển

 Trong quá trình phân định ranh giới trên biển có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến kết quả “công  bằng” của phân định trong  đó đảo cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Mặc dù Công ước Luật biển 1982 không quy định đảo có địa vị như thế nào trong phân định, song qua  thực tiễn  quốc  gia và những án lệ quốc tế có thể đưa ra một vài nhận định như sau:

 2.1. Đảo được coi là điểm cơ sở và có hiệu lực toàn phần

 Một đảo được hưởng hiệu lực đầy đủ - nghĩa là được tính làm điểm cơ sở  khi tiến hành phân định - được đặt ra khi đảo đó có cơ sở chắc chắn để hưởng toàn bộ ảnh hưởng mà nó có. Có hai cơsở  thường được  xác định là những  yếu  tố    tác động mạnh nhất tới việc quyết định hiệu lực toàn phần của đảo là vị trí của đảo so với bờ biển lãnh thổ đất liền và yếu tố diện tích đảo.

 2.2.  Trong phân định hoàn toàn coi  nhẹ  sự tồn tại của đảo

 Địa vị thứ hai của đảo trong phân định là hoàn toàn coi nhẹ sự tồn tại của đảo, không cho đảo hưởng một chút hiệu lực nào (zero  effect). Các đảo nhỏ, nằm  xa lục địa của quốc gia sở hữu đảo đặc biệt là khi đảo đó không thích hợp cho con người đến ở, không có đời sống kinh tế riêng hay đi chệch quá xa so với hướng  chung của bờ biển thì hiệu lực của chúng thường bị bỏ qua trong phân định.  Việc  bỏ qua hiệu lực của đảo trong những trường hợp trên hoàn toàn công  bằng và hợp  lý bởi các đảo này bản thân chúng không có khả năng tạo ra các vùng biển và trong  tương quan với bờ biển hoặc đảo của các quốc gia đối diện hoặc tiếp giáp là không tương xứng.

Ngoài ra trong thực tiễn đối với các đảo trên đó tồn tại tranh chấp về chủ  quyền giữa các quốc gia thì trong phân định các đảo này cũng thường bị bỏ qua  hiệu lực nhất là khi đảo nằm cách xa bờ hay có diện tích nhỏ. Hiệp định phân định  Vùng nước lịch sử giữa Ấn Độ và Srilanca ký ngày 18/6/1974 cũng đã bỏ qua hiệu  lực của đảo Katchativu - một đảo nhỏ nằm cách xa lãnh thổ chính, không có dân cư  sinh sống và còn là đối tượng tranh chấp của hai quốc gia

 2.3. Đảo không làm điểm cơ sở nhưng được hưởng vùng biển thích đáng

 Có hai trường hợp áp dụng cách này, cụ thể như sau:

 

Một là, đảo nằm trên đường trung tuyến/cách đều hoặc nằm gần đường trung tuyến/cách đều của bờ biển hai nước thì khi phân định mặc dù không lấy đảo này  làm cơ sở phân định nhưng cho phép nó được hưởng vùng biển thích đáng, chiều rộng thông thường không vượt quá 12 hải lý. Trong  thực tiễn quốc gia, Hiệp định giữa Italia và Nam Tư  năm 1968 đã  áp dụng cách làm này.

 Hai là, đảo của một nước nằm rất xa so với bờ biển của nước mình, vượt  qua đường trung tuyến/cách đều, nằm gần bờ biển của nước đối diện hay liền kề. Những đảo này không bao giờ được coi là điểm cơ sở để có thể nảy sinh hiệu lực  nhưng có thể được hưởng một vùng biển thích đáng ngay tại vùng biển của nước khác. Ognen gọi những đảo ở rất xa bờ biển nước mình nằm trong vùng biển nước  khác là “đảo nằm nhầm về một phía của đường trung tuyến”, ông cho rằng những đảo như thế này không nên bị tước đoạt mất quyền lợi vốn được hưởng một vùng biển thích đáng. Đối với các loại đảo này, nếu có địa vị nhất định về mặt diện tích, dân số, chính trị hoặc kinh tế, cách làm thông thường chính là xử lý theo phương thức “phi địa”; loại đảo này không có chút ảnh hưởng nào tới ranh giới đã được xác định, mà chỉ là vùng biển mà quốc gia có đảo được hưởng tại nước khác.

 2.4. Dành cho đảo một phần hiệu lực

 Trong thực tiễn quốc gia, một cách làm tương đối được ưa chuộng là: lấy đảo làm điểm cơ sở phân  định nhưng chỉ có một tác dụng khiêm tốn. Cách làm này phần nhiều dùng trong trường hợp khi lấy đảo nằm ngoài bờ biển hai nước làm  điểm cơ sở, nếu cho đảo hưởng hiệu lực toàn phầ sẽ dẫn đến hướng đi của đường ranh giới bị lệch một cách hết sức rõ rệt, do đó không mang lại kết  quả công bằng.  Trong một số phán quyết về thềm lục địa những năm gần đây, sau khi đã suy tính  tất cả các nhân tố liên quan củaviệc phân định ranh giới, để tìm được kết quả công bằng, thông thường Tòa dành cho đảo tác dụng khiêm tốn, không để cho đảo được hưởng hiệu lực toàn phần.

 2.5.  Xử lý đảo bằng phương thức “trao đổi  giá trị”

 Trong trường hợp tại khu vực phân định, cả hai bên đều xuất hiện các đảo có  điều kiện tương  tự  nhau, thì hai bên có thể xử lý bằng cách trao đổi đảo.  Điều này có nghĩa là đảo của một  bên trong quá trình phân định hoặc là không có giá  trị, hoặc cho hưởng hiệu lực toàn phần,  hay hiệu lực một phần, để lấy làm điều kiện trao đổi với bên kia. Trong thỏa thuận phân định thềm lục địa giữa Italia và Nam  Tưnăm 1968, hai đảo nằm gần đường trung tuyến của Nam Tư là đảo Peilagelusi và đảo Kaynela đều không được dùng làm điểm cơ sở phân định, tương tự, để trao đổi lại đảo nằm cách bờ biển Italia khá xa là đảo Pianoza cũng không được lấy làm điểm cơ sở.

 2.6.  Nước có đảo từ bỏ quyền lợi đối với đảo hoặc bất kỳ vùng biển nào của đảo

 Cách xử lý này thường xảy ra đối với những đảo không quan trọng lắm đối  với  nước đó. Trong quá trình phân định, các nước hữu quan xuất phát từ việc bảo  vệ những vùng nước mang tính lịch sử hay cùng nhau sử dụng nguồn tài nguyên  dưới đáy biển, một  nước  đã  từ  bỏ chủ  quyền  của  mình đối với một số đảo nhỏ không có dân cư trú nằm trong vùng biển của quốc gia khác. Ví dụ tiêu biểu cho  trường hợp này là Thỏa thuận vùng nước lịch sử giữa Ấn Độ và Srilanca năm 1974. Giữa hai quốc gia có tranh chấp về chủ quyền đối với đảo Kahatiwu - một  đảo    cùng nhỏ nằm ở gần đường cách đều. Trong thỏa thuận năm 1974 Ấn Độ đã từ bỏ yêu sách về chủ quyền của mình đối với đảo này và thừa nhận chủ quyền của  Srilanca, tuy nhiên ngư dân và khách hành hương Ấn Độ có quyền lợi truyền thống  ra vào thăm đảo Kahatiwu.

 Trong thực tiễn phân định, những ví dụ về việc một quốc gia chủ động từ bỏ chủ quyền đối với  đảo nằm trong khu vực phân định là rất ít. Một trong những cách thức mà thực tiễn quốc tế đã áp dụng đối với tranh chấp chủ quyền đảo là hai  bên  phân định tạm thời đòi hỏi chủ quyền đối với đảo mà cùng xây dựng một khu vực  khai thác chung nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng tranh chấp [5].

 

Như vậy, mọi sự hiện diện của đảo đều gây ra khó khăn cho việc đạt tới một giải pháp công bằng. Các đảo có vị trí, diện tích, dân số, ý nghĩa kinh tế, quốc phòng,…không giống nhau, song đều được coi là hoàn cảnh đặc biệt trong phân  định.  Theo quan điểm được thừa nhận rộng rãi thì để đánh giá các ảnh hưởng của  đảo đối với phân định các vùng biển, người ta thường căn cứ vào những yếu tố:  Kích thước của đảo; Vị trí của đảo; Số dân của đảo; Cấu tạo địa  chất,  địa  mạo  của  đảo so với đất;  Quy chế chính trị của đảo; Quy chế pháp lý của đảo; Vai trò kinh tế và ý nghĩa quân sự của đảo;…

 3. Quy chế pháp lý và hiệu lực của hai vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa liên quan đến việc hoạch định không gian ở Biển Đông

 Mặc dù trên thực tế về mặt thuật ngữ, người ta thường gọi Hoàng Sa và  Trường Sa là hai quần đảo, tuy nhiên, trên phương diện  pháp lý do Hoàng Sa và  Trường Sa không đáp ứng đủ các tiêu chí của “quần đảo” theo Điều 46.b Công ước  Luật Biển 1982 - Điều  này sẽ được phân tích tại mục 3.1.1 dưới đây. Do đó trong tham luận này Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được gọi là vùng đảo.

 3.1. Quy chế pháp lý của hai vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa  trong mối liên  hệ với các quy định của Công ước Luật Biển 1982

 3.1.1. Các đảo trong vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa - thuộc chủ quyền của Việt Nam

 Quan điểm nhất quán của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các Nhà nước  Việt Nam qua các thời kỳ đã chiếm hữu và làm chủ thực sự với tư cách Nhà nước  trên hai quần đảo ngay từ khi chúng chưa thuộc sự quản lý của bất kỳ một quốc gia nào. Vì vậy, Việt Nam là quốc gia có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa[14].

 Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, có nhiều nước đang đòi hỏi tranh chấp chủ  quyền với Việt Nam tại hai vùng đảo này. Đối với vùng đảo Hoàng Sa, từ năm  1974 Trung Quốc đã dùng không quân và hải quân để đánh chiếm các đảo trong vùng đảo này. Đây là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vi  phạm các nguyên  tắc cơ bản của Luật quốc tế.  Đối với vùng đảo Trường Sa, chỉ có Trung  Quốc  (Đài Loan) là yêu sác  toàn bộ vùng đảo còn các quốc gia khác (Malaysia,  Brunei,  Philippines) chỉ yêu sách phần lớn hoặc một phần vùng đảo Trường Sa. Tuy nhiên  các yêu sách của họ thường rất yếu, không nhất quán và không có cơ sở theo luật quốc tế[15].

 Như vậy, các nước trên phải đưa ra được những bằng chứng khoa học, pháp lý để chứng minh cho yêu sách của mình. Mọi tranh chấp đối với vùng  đảo Trường  Sa, Hoàng Sa đều phải được giải quyết trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Luật  quốc tế, đặc biệt là theo tinh thần của Công ước Luật biển 1982 quy định tại Phần XV về giải quyết tranh chấp.

3.1.2. Vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa không phải là “quần đảo” và “quốc gia quần đảo”

 Vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa gồm những đảo đá ngoài khơi, xa đất  liền[16], mỗi đảo của Hoàng Sa và Trường Sa hầu như độc lập với nhau. Do vậy,  không thể coi hai vùng đảo này như “quốc gia quần đảo” hoặc “quần đảo” như  theo  quy định tại Điều 46 Công ước Luật Biển 1982[17]. Cũng không thể xác lập đường cơ sở cho hai quần đảo này như xác lập đường cơ sở cho quần đảo theo quy định  tại Điều 47 Công ước Luật biển 1982.

 3.1.3.  Các vùng biển  của đảo trong vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa

 Theo Điều 121 Công ước Luật Biển 1982, một đảo muốn có các vùng biển: lãnh hải, vùng tiếp  giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì đảo đó phải là: một vùng đất tự nhiên, có nước bao bọc, ở trên mặt nước khi thủy triều lên và thích  hợp cho con người đến ở hay cho một đời sống kinh tế riêng.

 Hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở khu vực trung tâm Biển Đông,  phần lớn là những bãi cát không thể trồng trọt; vào khoảng một chục đảo khác là  do  những mỏm đá tạo thành. Trong vùng đảo Hoàng Sa chỉ có 8 hòn đảo là luôn nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên[18]. Còn vùng đảo Trường Sa có từ 25 đến 35 vị trí  trong tổng số khoảng 80 đến 90 vị trí nằm trên mặt nước biển lúc thủy triều lên  cao[19]. Mặc dù có những kết quả thăm dò khác nhau song chắc chắn những đảo nổi trên mặt nước khi thủy triều lên chắc chắn sẽ có nội thuỷ, lãnh hải theo Điều 121 Công ước Luật biển 1982. Các lập luận tập trung xoay quanh việc xem xét  liệu Hoàng Sa và Trường Sa có “thích hợp cho con người đến ở hay có một đời  sống kinh tế riêng” hay không?

 Gerardo M.C. Valero cho rằng: “Những đảo tạo nên quần đảo TrườngSa,ở đó, một mặt là quá nhỏ và cằn cỗi để có thể độc lập hỗ trợ cho con người đến ở  lâu  dài và  mặt khác lại không cho thấy có bất cứ một tài nguyên thiên nhiên trên bờ đáng kể nào cả”[20]. Michael Bennett cũng đưa ra một kết luận tương tự “các đảo trong quần đảo Trường Sa không có người cư  trú  lâu  dài    quá  nhỏ để  duy  trì  việc sinh sống thường xuyên và độc lập”[21]. Một văn bản rất có ý nghĩa đó là Tuyên bố do Cố vấn pháp luật của Bộ ngoại giao Philippines đưa  ra viết rằng “quần đảo Trường Sa đang tranh chấp phần lớn là các đảo san hô chỉ cho phép các cây đước, cây bụi và một số cây còi cọc mọc thưa thớt. Khu vực này khó mà có thể cho phép con người đến ở”.

 Như vậy, những đảo đá trong hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở khu vực trung tâm Biển Đông, mỗi đảo có diện tích rất nhỏ (đảo lớn nhất Ba Bình rộng khoảng 1,2 km2, đảo Phú Lâm rộng khoảng 1,5 km2), cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt bão tố nhiều, không thích hợp cho con người đến ở và cho một đời sống  kinh tế riêng[22] nên xung quanh các đảo này chỉ có thể có nội thủy và lãnh hải mà thôi, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (theo khoản 3 Điều 121 Công ước Luật biển 1982).

 3.2. Hiệu lực của các đảo trong hai vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa đối với việc xác định các vùng biển của Việt Nam

 3.2.1. Vai trò của các bãi cạn lúc nổi lúc chìm thuộc hai quần đảo

 Các bãi cạn lúc nổi lúc chìm chiếm phần lớn trong những cấu tạo tự nhiên  tại hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy mà việc xác định vai trò của chúng là công việc hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này đã được quy định rất rõ ràng tại Điều 13 Công ước 1982.

 Nằm giữa Biển Đông các bãi cạn lúc nổi lúc chìm thuộc hai vùng đảo  Hoàng Sa và Trường Sa có thể được chia làm hai loại:

 i)  Hoàn toàn không có vai trò gì đối với việc xác lập các vùng biển

 Đây là các bãi cạn nằm cách các đảo thuộc vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa một khoảng cách lớn hơn 12 hải lý. Theo khoản 2 Điều 13 Công ước Luật Biển, quốc gia chỉ có thể thực hiện chủ quyền của mình trên các bãi cạn này mà không hề có chủ quyền, quyền chủ quyền hay quyền tài phán đối với các vùng biển bao quanh.

 ii)  Có vai trò trong việc vạch đường cơ sở của các đảo nằm kề:

 Theo khoản 1 Điều 13 Công ước Luật  Biển 1982, trong trường hợp khoảng  cách giữa bãi cạn lúc nổi lúc chìm với các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa có  khoảng cách bằng hoặc ít hơn 12 hải lý, ngấn nước triều thấp nhất ở trên bãi cạn có thể được dùng để vạch đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của các đảo nếu trên các bãi cạn đó có đèn biển hoặc các công trình nổi thường xuyên. Có thể thấy rằng rất ít các bãi cạn lúc nổi lúc chìm thuộc Trường Sa được xếp vào trường hợp này.

 3.2.2. Hiệu lực của các đảo trong hai vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa đối với việc xác định các vùng biển của Việt Nam

Trong quá trình xác định thềm lục địa của Việt  Nam, liên quan đến hiệu  lực  của các đảo trong hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ xảy ra ba khả năng sau:

 i)  Nếu đảo nào thuộc hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trên thềm  lục địa Việt Nam thuộc phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở như các đảo Tri  Tôn, Bạch Quy, Hữu Nhật, Hoàng Sa, Duy  Mộc, Phú Lâm,…(Vùng Hoàng Sa) và  các đảo Trường Sa, Bãi Đá  Lát, …(Vùng Trường Sa) thì đều có nội thuỷ và lãnh hải riêng. Còn lớp nước cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên  ngoài lãnh hải của các đảo này thuộc chế độ pháp lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam;

 ii)  Nếu đảo nào thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trên thềm  lục địa Việt Nam ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều  rộng lãnh hải Việt Nam như đảo Lin Côn (Vùng Hoàng Sa) hoặc các đảo Song Tử Đông, Song Tử Tây, Ba Bình, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Phan Vinh, An Bang  (Vùng Trường  Sa) cũng đều có nội thuỷ và lãnh hải riêng (tối đa 12 hải  lý). Còn  lớp nước bên ngoài lãnh hãi và vùng trời trên lớp nước ngoài lãnh hải của các đảo  này sẽ thuộc chế độ pháp lý của Biển Cả (Phần II - Công ước Luật  Biển 1982).  Mặc dù các đảo này không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng nhưng vì nằm trên thềm lục địa kéo dài của lục địa Việt Nam nên đáy biển và lòng đất  dưới đáy biển  nằm ngoài phạm vi lãnh hải của các đảo đó sẽ thuộc chế độ pháp lý của thềm lục địa Việt Nam tuân theo quy định tại các Điều 77 đến 85 Công ước Luật biển 1982.

 iii) Nếu đảo nào thuộc hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nằm ngoài  phạm vi thềm lục địa Việt Nam ví dụ như đảo Bình Nguyên, Vĩnh Viễn (vùng  Trường Sa) thì các đảo này vẫn có nội thuỷ và lãnh hải. Các đảo này sẽ không có  vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng nên lớp nước bên ngoài lãnh hải của chúng sẽ thuộc chế độ pháp lý của Biển Cả (theo quy định tại Phần VII Công ước Luật biển 1982), còn vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ngoài phạm vi lãnh hải của chúng là thuộc chế     độ pháp lý của Vùng (theo  quy  định  tại Phần XI Công ước Luật Biển 1982).

 Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn luôn khẳng định và có đầy đủ các căn cứ khoa học, pháp lý để chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các quốc gia khác có liên quan như Trung Quốc,  Philippines, Brunei, Malaysia, trong quá trình xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của mình, cho rằng các đảo trong hai vùng đảo này nằm trên thềm lục địa  kéo dài của họ thì họ sẽ phải đưa ra các bằng chứng để chứng minh. Nếu đúng  các đảo  trong hai vùng đảo này nằm trên thềm lục địa của các nước trên thì Việt Nam và các nước sẽ tiến hành phân định thềm lục địa (nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý của các đảo - thuộc chủ quyền của Việt  Nam) dựa trên tinh thần của Công  ước 1982, đặc biệt  là Điều  83 để đạt được một kết quả phân định công bằng.

 Tóm  lại: trong quá trình hoạch định không gian ở Biển Đông, liên quan  đến  hiệu lực của hai vùng  đảo Hoàng Sa, Trường Sa cần  đảm bảo các yêu cầu pháp lý như sau:

 Thứ nhất,  khẳng định các đảo ở hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang có  nhiều  nước  tranh chấp chủ quyền với ta tại hai vùng đảo này.

 Thứ hai, khẳng định các đảo ở hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có lãnh hải rộng 12 hải lý bao quanh, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục  địa riêng;  các đá, bãi nửa nổi nửa chìm độc lập không nằm trong phạm vi 12  hải    của một đảo thì không được sử dụng làm điểm cơ sở để vạch lãnh hải và không có vùng biển bao quanh hoặc có thể có vành đai an toàn 500 mét; các đảo nhân tạo chỉ có vành đai an toàn 500 mét bao quanh, không có lãnh hải;

 Thứ ba, không xác định “đường cơ sở quần đảo” cho từng vùng đảo như  phía Trung Quốc đã làm đối với vùng đảo Hoảng Sa, để từ đó đòi hỏi  tiếp  lãnh  hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vùng đảo vì trái với luật pháp quốc tế  và tạo cớ cho phía Trung Quốc củng cố yêu sách “đường lưỡi bò”.

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Công ước Luật biển của Liên hợp quốc 1982;

 2. Clive Ralph Symmons, Các khu vực hàng hải của quần đảo trong Luật quốc  tế,  NXb  Martinus Nijhoff, London, 1979 (tiếng Anh);

 3.  Jon M.Vandyke and Dale L. Bennett, Quần đảo và phân định không gian ở biển phía Nam Trung Quốc, Niên giám đại dương, 1993 (tiếng Anh); 

 4. Mark Valencia, John  M. Vandeke và Noel A. Lugwig, Chia sẻ nguồn tài  nguyên ở Biển Nam Trung Hoa, Tài  liệu  dịch 1052 của Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, 1997 (tiếng Anh);

 5.  Mc Dougal and Burke, Sự liên hệ của các quan niệm về sự phát triển chung tới tranh chấp về hàng hải ở biển Nam Trung Quốc, 1999 (tiếng Anh);

 6. Sách Trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các năm 1979, 1981, 1988;

 7. Nguyễn Bá Diễn (chủ biên), Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế,  Chính sách pháp luật biển Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững, NXB Tư pháp, 2006;

 

8. Monique Chemillier - Gendreau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và  Trường Sa, NXB Chính trị Quốc gia, 1998;

 9.  Michael Bennett, “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và việc sử dụng luật  pháp quốc tế trong tranh chấp ở quần đảo Trường Sa”,  Tạp  chí  Luật  quốc tế  Stanford, t.28, 1991-1992 trang 425 - 430, Tài liệu dịch của Bộ Ngoại giao, 1997;

 10. Brice M.Clayet, Những yêu sách đối  kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong Biển Đông, NXB Chính trị Quốc gia, 1996.

 PGS.TS. Nguyễn Bá Diễn, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải Quốc tế,

Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội.


[1] Điều 8, Công ước Luật biển 1982

[2] Điều 5, Công ước Luật biển 1982

[3] Mc Dougal and Burke, Sự liên hệ của các quan niệm về sự phát triển chung tới tranh chấp về hàng hải ở biển Nam Trung Quốc, 1999 (Tiếng Anh)

[4] Clive, Acts of the Hague Conference, 1930, Vol.III. p.212

[5] Năm 1956, Nam Tư ban hành luật qui định vùng lãnh hải 10 hải lý; năm 1960, Liên Xô cũng qui định vùng lãnh hải 12 hải lý

[6] Điều 121.2, Công ước Luật biển 1982

[7] Điều 4, Công ước Luật biển 1982

[8] Điều 121.2, Công ước Luật biển 1982

[9] Điều 33, Công ước Luật biển 1982

[10] Điều 57, Công ước Luật biển 1982

[11] Điều 121.3, Công ước Luật biển 1982

[12] Điều 1, Công ước 1958 về Thềm lục địa

[13] Điều 121.2, Công ước Luật biển 1982

[14] Sách Trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các năm 1979, 1981, 1988

[15] Nguyễn Bá Diến (chủ biên), Chính sách pháp luật biển Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững, NXB Tư pháp, 2006

[16] Hoàng Sa cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 156 hải lý; Trường Sa cách Hòn Hải của Việt Nam 210 hải lý, cách đảo Hải Nam 520 hải lý

[17] Điều 46 quy định như sau:

“a. Quốc gia quần đảo là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có thể bao gồm một số hòn đảo khác nữa;

b. Quần đảo là một nhóm đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước nối giữa các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau chặt chẽ đến mức tạo thành một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử”

[18] Monique Chemillier- Gendreau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Chính trị Quốc gia, 1998

[19] Riêng đối với quần đảo Trường Sa các nhà nghiên cứu có những đánh giá khác nhau do có sự không nhất trí về việc tính một số vị trí là một hay hai cấu trúc, và về việc coi những vị trí nào là nằm trên mặt nước biển khi có thủy triều lên cao một cách tự nhiên. Một số vị trí thay đổi do bão hay được bồi dần lên. Jon M.Van Dyke và Dale L.Bennett trong bài viết “Các đảo và việc hoặc định ranh giới biển trong Biển Nam Trung Hoa” cho rằng có 33 đảo, bãi đã ngầm và đá luôn luôn nằm trên mực nước biển” trong vùng đảo Trường Sa. Brice M.Clagett lại cho rằng có khoảng 26 vị trí. Một báo cáo gần đây của David Hancox và Victor Prescott tiêu đề “Mô tả vị trí địa lý của quần đảo Trường Sa và báo cáo thăm dò biển ở những đảo này”, tính được 28 vị trí – nghiên cứu này đã được phòng phân tích bản đồ và ranh giới thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng trong bản đồ biển Nam Trung Hoa mà họ phát hành tháng 5/1995. Ji Gouxing trong cuốn “Những tranh chấp trong quần đảo Trường Sa và triển vọng giải quyết” đã tuyên bố có 25 vị trí trong quần đảo nằm trên mặt nước biển

[20] Gerardo M.C. Valero, Những tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, 18 Marine Policy, 314 – 315 (1994) Tài liệu dịch của Bộ Ngoại giao 1997

[21] Michael Bennentt, “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và việc sử dụng luật pháp quốc tế trong tranh chấp ở quần đảo Trường Sa”, Tạp chí Luật quốc tế Stanford, 1991-1992 trang 425-430, Tài liệu dịch của Bộ Ngoại giao 1997

 [22] Brice M.Clayet, Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong Biển Đông, NXB Chính trị Quốc gia, 1996

 (Nguồn:nghiencuubiendong.vn)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.