Biển Đông trong bài toán chiến lược của Ấn Độ
28 Tháng Tám 2018 9:47 SA GMT+7
Mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách của Ấn Độ về Biển Đông. Việt Nam và Ấn Độ đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Vị trí địa chiến lược, chính trị, quân sự của Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước lớn, được thể hiện trên các góc độ địa bàn ảnh hưởng, cơ hội hợp tác phát triển và công cụ kiềm chế chiến lược. Song, khu vực Biển Đông cũng tồn tại tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán chưa được giải quyết triệt để. Do đó, Biển Đông luôn là điểm nóng của khu vực và thế giới, dù căng thẳng ở các mức độ khác nhau tùy từng thời điểm.

Ấn Độ là một cường quốc đang trỗi dậy và ngày càng có ảnh hưởng lớn ở khu vực. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, các nhà khoa học, hoạch định chính sách đang quan tâm đến những động thái và chính sách và quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là Ấn Độ nhìn nhận Biển Đông ra sao, chính sách của Ấn Độ tác động như thế nào đến tình hình chính trị của khu vực và trên thế giới? Trong phạm vi bài viết này tác giả sẽ cố gắng trả lời cho câu hỏi đó, tập trung vào ba nội dung chính: (i) quan điểm của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông; (ii) Tầm quan trọng của Biển Đông trong chính sách Ấn Độ; và (iii) Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Để có câu trả lời thoả đáng, bài viết đã sử dụng cách tiếp cận duy vật biện chứng, phân tích và luận giải sự kiện trong bối cảnh tình hình chính trị khu vực và quốc tế và tính tiếp nối của lịch sử, đảm bảo trật tự thời gian, tính logic, khoa học và hệ thống. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng các kiến thức khu vực học và quốc tế học để phân tích sâu quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông.

Biển Đông trong toan tính chiến lược của Ấn Độ

Biển Đông nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ Đông Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực trong phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh. Tầm quan trọng của Biển Đông được thể hiện ở các góc độ kinh tế, chính trị và quân sự.

Về góc độ kinh tế: Biển Đông là một trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất thế giới. Giao thông ở khu vực Biển Đông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Địa Trung Hải. Hàng ngày, có khoảng 200 - 300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại, chưa kể đến các tàu dưới 5.000 tấn, chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Khu vực Biển Đông án ngữ các tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch của các nền kinh tế quan trọng ở khu vực và thế giới, chuyên chở 1/2 sản lượng dầu thô và các sản phẩm thương mại khác của toàn cầu.[1] Ngoài ra Biển Đông cũng sở hữu nhiều nguồn tài nguyên quý hiếm, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu hỏa và khí đốt. Đây cũng là một trong những nhân tố dẫn đến tình trạng tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở một số vùng biển đảo, đồng thời một số nước lớn muốn gây phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông.

Về chính trị, quốc phòng và an ninh: Biển Đông là điểm nóng quan trọng của khu vực, nơi tập trung nhiều lớp mâu thuẫn cả về chính trị lẫn kinh tế, quốc phòng - an ninh. Thực tế cho thấy, Biển Đông đã diễn ra các tranh chấp về chủ quyền biển đảo quyết liệt, phức tạp nhất của thế giới và khu vực, những tranh chấp đó khó giải quyết do còn tồn tại những bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia hữu quan về chủ quyền và cách thức giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, vị trí của Biển Đông có liên quan đến nền kinh tế, quốc phòng của nhiều quốc gia, kể cả nước có chủ quyền và không có chủ quyền, cũng như các nước trong và ngoài khu vực.

Mặc dù không trực tiếp liên quan và không tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Ấn Độ đang ngày càng được công nhận là một bên trong cán cân quyền lực ở vùng biển này.[2] Mặc dù Ấn Độ không phải là nước ở khu vực Biển Đông nên không có các bờ biển hay hải đảo, hoặc các căn cứ và những thứ tương tự ở khu vực, Ấn Độ lại là một cường quốc ngoài khu vực có các hoạt động và tác động đối với khu vực thông qua việc thường xuyên triển khai hải quân, các chuyến thăm và tập trận trong vùng biển này, thông qua quan hệ đối tác chiến lược quân sự được thiết lập và đang phát triển với nhiều quốc gia ven Biển Đông, thông qua việc tham gia thăm dò dầu mỏ trong vùng biển này, và thông qua các cuộc thảo luận ngoại giao ở nhiều diễn đàn khu vực với các nước ngoài khu vực khác về vấn đề Biển Đông[3]. Theo quan điểm này, lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông có một tầm vóc chiến lược rõ ràng.[4]

Các yếu tố liên kết Biển Đông với chiến lược của Ấn Độ gồm hai khái niệm căn bản: đầu tiên là khái niệm láng giềng mở rộng, và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, khái niệm về láng giềng mở rộng xuất hiện lần đầu tiên trong kho từ vựng chính thức của Ấn Độ vào năm 2000, dùng để chỉ các vùng địa lý bên ngoài Nam Á, khu vực mà Ấn Độ nhận thấy có những lợi ích nước này cần đạt được, duy trì và bảo vệ. Khi liên kết Biển Đông với khái niệm láng giềng mở rộng của Ấn Độ vào năm 2004, Ngoại trưởng Ấn Độ lúc đó là Yashwant Sinha đã xác định rõ ràng rằng, đó là khu vực trải dài từ kênh đào Suez tới Biển Đông, bao gồm Tây Á, Vùng Vịnh, Trung Á, Đông Nam Á, Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương. Còn khi đề cập đến khuôn khổ khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Biển Đông có liên quan trực tiếp với những tính toán chiến lược của Ấn Độ, do vùng biển này nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ Đông Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Theo quan điểm này, lợi ích chính của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương nhằm duy trì tự do hàng hải. Chính mối liên hệ chiến lược với tranh chấp ở Biển Đông này đã mở đường cho việc tăng cường vai trò của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2012, trong tuyên bố về khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương -  Thái Bình Dương[5], Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh đã nêu rõ: "Các thỏa thuận Ấn Độ - ASEAN đã bắt đầu với sự tập trung mạnh mẽ vào kinh tế, nhưng nội dung của nó cũng đang ngày càng mang tính chiến lược, và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, an toàn và thịnh vượng là rất quan trọng đối với sự tiến bộ và thịnh vượng của chúng ta."[6] Do đó, theo hai khái niệm căn bản này, Biển Đông được xác định là một khu vực có lợi ích chiến lược đối với Ấn Độ, mặc dù nước này không trực tiếp liên quan đến tranh chấp chủ quyền và không tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Biển Đông.

Lợi ích địa chính trị và địa kinh tế của Biển Đông đối với Ấn Độ thể hiện rõ qua sự can dự của Ấn Độ ở Biển Đông trên hai khía cạnh sau:

Thứ nhất, giống như các bên khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lợi ích chiến lược căn bản của Ấn Độ ở Biển Đông là địa chính trị, trong đó có liên quan đến an ninh hàng hải. Theo quan điểm này, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh thổ ở Biển Đông đã đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia có chủ quyền khác trong khu vực. Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc trực tiếp thách thức nguyên trạng, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực. Do lợi ích địa chính trị của Ấn Độ liên quan tới vùng biển trải dài giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, nên việc đi lại an toàn qua các vùng biển ở Biển Đông nằm giữa hai khu vực này trở thành lợi ích chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ. Bởi vậy, sự can dự lớn hơn của Ấn Độ ở Biển Đông là cách thức ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Thứ hai, Biển Đông chiếm vị trí trung tâm trong lợi ích địa kinh tế của Ấn Độ, dựa trên các lợi ích chiến lược hai mặt của Ấn Độ: (i) Thương mại của Ấn Độ với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Đông Á; (ii) Nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ các mỏ nằm ở Biển Đông. Cả hai yếu tố này đóng vai trò chiến lược trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Có tới gần 92-95% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương, khoảng 55% đi qua eo biển Malacca. Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao, Ấn Độ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng của nước này. 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển. Vì vậy, Biển Đông đã trở thành một phần không thể tách rời của vành đai an ninh của Ấn Độ, đóng vai trò quyết định đối với ngoại thương, năng lượng và lợi ích quốc gia.[7]

Vai trò của Biển Đông trong chính sách Hành động Hướng Đông

Dưới chính quyền mới của Thủ tướng Narendra Modi, Chính sách hướng Đông vốn có từ lâu của Ấn Độ với 10 nước thành viên ASEAN đã phát triển thành Chính sách Hành động Hướng Đông - AEP và mang tính chủ động hơn. Chính sách này được tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Myanmar tháng 5/2014.[8] Chính sách này vạch kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai cực tăng trưởng của một châu Á năng động. Trong khuôn khổ Hành động hướng Đông, quan hệ đa chiều giữa Ấn Độ với ASEAN đã được tiếp thêm sức mạnh và động lực lớn hơn. Điều này đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng về địa chính trị: sự nổi lên nhanh chóng và mạnh mẽ của Trung Quốc trên bàn cờ chính trị thế giới và việc Bắc Kinh tăng cường cạnh tranh với Mỹ và Nhật Bản, dẫn tới sự thay đổi lớn về cấu trúc chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược của Mỹ về tái cân bằng tại châu Á, Chiến lược Chuỗi kim cương an ninh dân chủ của Nhật Bản, và Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, tất cả đều mang tham vọng chính trị và chiến lược lớn nhằm định hình cấu trúc khu vực theo cách riêng của họ. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của Ấn Độ trong việc ổn định cấu trúc an ninh khu vực đóng vai trò then chốt.[9] Một trong những thay đổi chính trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ được phản ánh trong vấn đề Biển Đông. Nghĩa là, với yêu sách gây tranh cãi của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, Ấn Độ đã khẳng định rõ ràng lập trường nguyên tắc của mình về tự do hàng hải, an ninh hàng hải, và giải quyết nhanh chóng các tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phát triển một bộ quy tắc ứng xử, và giải quyết tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển đảo thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình.[10] Vì những lợi ích chiến lược này, việc bảo vệ an ninh hàng hải và bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông có tầm quan trọng lớn đối với Ấn Độ. Ổn định ở Biển Đông được đề cập trực tiếp trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ[11]Hội nghị cấp cao An ninh châu Á – hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La lần thứ 17, với bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi về tầm nhìn cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Lần đầu tiên phát biểu tại Diễn đàn này, Thủ tướng Ấn Độ thể hiện chủ trương nhất quán Hành động Hướng Đông và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà quốc gia này đang theo đuổi. Trước các nhà hoạch định chính sách an ninh khu vực, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng các nước, Thủ tướng Narenda Modi đã đưa ra tầm nhìn của Ấn Độ về cấu trúc an ninh khu vực, theo đó thúc đẩy đối thoại để giải quyết các thách thức an ninh đang nổi lên. Cụ thể Thủ tướng Modi khẳng định rõ vai trò của Ấn Độ tại các diễn đàn quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ, Diễn đàn Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Việc mời Thủ tướng Ấn Độ phát biểu dẫn đề Đối thoại Shangri-La năm nay được cho là một lựa chọn mang tính chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia lớn thời gian qua liên tục nhấn mạnh đến tầm nhìn chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương. Có thể nói kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã có những bước đi tích cực nhằm gia tăng vai trò an ninh và chính trị của nước này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương,  khi từng bước mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược thông qua chính sách Hành động hướng Đông.

Trong định hướng chung gia tăng sự can dự với các nước ở Đông Á và Đông Nam Á, các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ là đóng vai trò cường quốc bên ngoài khu vực Đông Nam Á dựa trên mục tiêu kép: (i) tham vọng của Ấn Độ trở thành cường quốc nổi bật ở Đông Bắc Ấn Độ Dương, tập trung vào Vịnh Bengal và Biển Andaman, tại đây Ấn Độ đóng vai trò nhân tố phòng vệ chủ chốt nhằm chống các mối đe dọa tiềm tàng ở quần đảo Đông Nam Á; (ii) mục tiêu lớn hơn là nhằm đảm nhận vai trò chiến lược lớn hơn trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Lợi ích này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cấp thiết nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, cũng như mong muốn của Ấn Độ về mở rộng không gian chiến lược của nước này.[12] 

Ấn Độ cam kết tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh và tự do hàng hải, cũng như sự an toàn của các tuyến giao thông đường biển đối với tự do thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.[13] Về khía cạnh này, mối quan ngại lớn của Ấn Độ là Biển Đông - khu vực nằm ở cửa ngõ của Ấn Độ, do vậy, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Căn cứ vào mối quan ngại này, Ấn Độ có lợi ích an ninh hợp pháp đối với sự ổn định tại Biển Đông, bởi vì bất kỳ sự bất ổn nào trong khu vực này đều gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia của Ấn Độ. Lợi ích quan trọng nhất là tự do lưu thông hàng hải qua Biển Đông vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động buôn bán và thương mại bằng đường biển, cũng như đối với việc đảm bảo an ninh cho nguồn cung năng lượng từ khu vực Sakhalin của Nga.[14] Lợi ích kinh tế của Ấn Độ ở Biển Đông liên quan tới quyền thăm dò các nguồn dầu khí trong khu vực này của Công ty ONGC Videsh (OVL) - Công ty dầu khí đa quốc gia của Ấn Độ. Do vậy, động thái cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc buộc Ấn Độ phải duy trì quyền lợi và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực này.[15]

Đánh giá của Ấn Độ về Biển Đông trong bối cảnh hiện nay

Quyết định của Ấn Độ can dự vào một môi trường an ninh phức tạp ở Biển Đông, ngay cả khi có nguy cơ kích động nước láng giềng khổng lồ của mình, cho thấy tầm quan trọng mà New Delhi đặt vào khu vực này cũng như các tuyến đường biển ở đây. Các tranh chấp đang diễn ra tại Biển Đông là một trong những xung đột khu vực lâu dài và phức tạp nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các tranh chấp liên quan đến Trung Quốc cùng với một số quốc gia trong khu vực và các vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn và tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng như năng lượng và thủy sản. Trong môi trường khó kiểm soát này, Ấn Độ đã và đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc thực hiện Chính sách hướng Đông của mình. Trung Quốc, quốc gia cố kiềm chế sự can dự gia tăng của New Delhi vào Biển Đông, đã không để tâm đến điều này.

Biển Đông nằm trong một khu vực có lợi ích chiến lược lớn với Ấn Độ. Về mặt địa lý, nối liền Ấn Độ Dương và biển Hoa Đông qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Đây là huyết mạch kinh tế quan trọng cho quốc gia Nam Á này. Có đến 97% tổng khối lượng thương mại quốc tế của Ấn Độ là đi đường biển, một nửa đi qua eo biển nói trên. Thương mại Ấn Độ-ASEAN hiện chỉ đạt 71 tỷ USD và đang giảm dần sau khi cán mốc 80 tỷ USD vào năm 2011-2012. Ngược lại, kim ngạch thương mại ASEAN-Trung Quốc hiện là 450 tỷ USD. Khả năng là mục tiêu thương mại 200 tỷ USD vào năm 2020 giữa Ấn Độ và ASEAN sẽ không thể đạt được. Mặc dù hơn 22% tổng FDI nước ngoài của Ấn Độ đổ vào ASEAN và 2.000 công ty Ấn Độ hiện có mặt tại các nước ASEAN, vị trí của Ấn Độ vẫn khá khiêm tốn nếu so sánh với Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2016, Ấn Độ đã đầu tư 1 tỷ USD vào ASEAN so với mức 10 tỷ USD mà Trung Quốc đổ vào khu vực này. Chỉ có Singapore là một nhà đầu tư lớn tại Ấn Độ với mức khoảng 30 tỷ USD, chiếm hơn 98% tổng đầu tư của ASEAN. Mặc dù Ấn Độ và ASEAN đã ký một Thỏa thuận về Hàng hóa, Dịch vụ và Đầu tư, những mục tiêu đạt được vẫn rất khiêm tốn.[16] Về kinh tế, Ấn Độ có lợi ích về thương mại, năng lượng ở khu vực. Với bờ biển dài 7.500km, chuỗi đảo Andaman và Nicobar trải dài từ điểm cực nam cách Indonesia 90 hải lý và điểm cực bắc cách Myanmar dưới 10 hải lý là cửa ngõ trên biển về phía đông của Ấn Độ. Khoảng 77% giá trị thương mại và hơn 90% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển, trong đó, 55% được vận chuyển qua Eo biển Malacca tới các thị trường ở Châu Á - Thái Bình Dương. Lợi ích về thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông càng tăng khi Ấn Độ và ASEAN đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015-2016.[17] Năng lượng là một yếu tố khác mà Ấn Độ quan tâm ở Biển Đông. Năm 2015, Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, với các chuyên gia trong ngành dự đoán mức tiêu thụ năng lượng của nước này sẽ tiếp tục tăng 4,2% mỗi năm, có 80% nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ là từ nhập khẩu nên nhiều khả năng sẽ cần phải đảm bảo các nguồn năng lượng mới khi nhu cầu trong nước tăng lên. Trữ lượng dầu khí tiềm năng ở Biển Đông đã thu hút được sự quan tâm của New Delhi. Trong năm 2013, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính khu vực này có thể chứa tới 11 tỷ thùng dầu và 19.000 tỷ feet khối khí đốt dự trữ. Như vậy, Ấn Độ đã và đang liên tục tham gia các dự án phát triển năng lượng ngoài khơi ở Biển Đông kể từ đầu những năm 1990, đấu thầu các lô dầu khí mới và tiến hành thăm dò dầu mỏ trong khu vực này. 

Tầm quan trọng kinh tế của khu vực này đã chuyển thành lợi ích an ninh quốc gia đối với New Delhi. Với một nửa thương mại đường biển của mình đi qua eo biển Malacca, bất kỳ sự bất ổn nào ở Biển Đông sẽ tác động tiêu cực đến các tuyến đường vận chuyển và gây ảnh hưởng đến kinh tế Ấn Độ. Nếu có một sức mạnh tiềm ẩn khả năng thù địch đến kiểm soát khu vực, nó có thể đe dọa việc Ấn Độ tiếp cận tuyến đường biển sống còn này. Do đó, sự tham gia của New Delhi vào Biển Đông tập trung vào ba mục tiêu: (i) Đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở; (ii) Để duy trì quan hệ thân thiết với các cường quốc khu vực; (iii) Đảm bảo không có cường quốc nào khống chế toàn bộ khu vực này. Thông qua chính sách này, New Delhi đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường can dự với các quốc gia ASEAN. Bên cạnh tăng cường hợp tác kinh tế, hợp tác chiến lược đã được mở rộng qua các cuộc tập trận chung, các khoản tín dụng hào phóng, huấn luyện quân sự và bán vũ khí quân sự cho các nước trong khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện mạnh mẽ các phương tiện, khí tài quân sự của Ấn Độ trong khu vực không chỉ để bảo vệ các tuyến đường biển này mà còn thể hiện vai trò cường quốc ở khu vực. 

Sự can dự này để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Mối quan hệ của Ấn Độ và Trung Quốc luôn khó khăn và mong manh. Cả hai bên đều bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp biên giới kéo dài, từng dẫn đến một cuộc chiến tranh vào năm 1962 và cho đến nay, vẫn là nguồn gốc căng thẳng đôi lúc dẫn đến những cuộc khủng hoảng. Điều này đã duy trì cảm giác nghi ngờ và không tin tưởng giữa hai nước. Như cuộc đối đầu ở Doklam trong năm 2017 cho thấy cuộc xung đột giữa hai bên vẫn là một viễn cảnh thực sự. Do đó, theo quan điểm của New Delhi, không thể để Biển Đông trở thành ao nhà của Trung QuốcViệt Nam cần tận dụng vai trò này để thúc đẩy quan hệ và kéo New Delhi can dự sâu hơn vào Biển Đông, nhất là tham gia vào các dự án năng lượng trong thềm lục địa của Việt Nam. Hiện diện hải quân và bày tỏ quan điểm về Biển Đông cần được tiếp tục nhưng chưa đủ vì hiện diện hải quân liên quan đến vấn đề an ninh và dễ bị Trung Quốc phản đối, trong khi bày tỏ quan điểm mà ít hành động thì Trung Quốc vẫn cứ lấn tới. Các dự án kinh tế vừa giúp đảm bảo thực thi pháp luật, vừa tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ trên thực địa. Ngoài ra, đây còn là hành động thực tế giúp bảo vệ quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam và thách thức đường chín đoạn phi lý của Trung Quốc.[18] Quan điểm về những tranh chấp lãnh thổ là vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã nhiều lần miêu tả Biển Đông là một lợi ích cốt lõi, sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các tuyên bố của mình. Do đó, quan điểm của Ấn Độ về vấn đề này là một sự mơ hồ có chủ ý - không thiên vị bất kỳ bên nào mà thay vào đó ủng hộ tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Về phán quyết của Tòa trọng tài liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016, lập trường của Ấn Độ là không đứng về bên nào trong tranh chấp này nhưng kêu gọi tất cả các bên tôn trọng và duy trì phán quyết của tòa án dựa trên UNCLOS. 

Tuy nhiên, tình hình gần đây ở Biển Đông khiến New Delhi quan ngại. Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với 85% khu vực tranh chấp này, đã và đang xây dựng và quân sự hóa các cấu trúc mà nước này chiếm hữu. Từ năm 2013 đến năm 2016, Trung Quốc được cho là đã xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trên các bãi ngầm và dựng các cơ sở quân sự gồm các sân bay, hệ thống radar và các căn cứ tên lửa trên các đảo chiếm hữu được cải tạo trong khu vực. Hơn nữa, các tàu của Trung Quốc có những hành động hung hăng, quấy rối và đe dọa tàu của các quốc gia khác đi vào gần các đảo mà họ tuyên bố có chủ quyền.

Ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc tại La Hay đã đưa ra phán quyết về vụ kiện mang tính lịch sử giữa Trung Quốc và Philippines liên quan vấn đề Biển Đông. Tòa án Trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines khi bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông dựa trên tấm bản đồ đường chín đoạn, và khẳng định yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 và không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát duy nhất đối với vùng biển hoặc các nguồn tài nguyên thuộc vùng biển này, và các hành động của Trung Quốc tại vùng biển này đã vượt quá giới hạn về địa lý và nội dungcủa UNCLOS.[19]

Phản ứng trước phán quyết này, Ấn Độ đã ngay lập tức đưa ra một lập trường rõ ràng và không thiên vị đối với bất kỳ bên nào trong vụ kiện trên khi chính thức tuyên bố: Với tư cách một quốc gia thành viên UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên hết sức tôn trọng UNCLOS, công ước thiết lập trật tự pháp lý quốc tế tại các vùng biển và đại dương. Tuyên bố về Phán quyết của Tòa án Trọng tài về Biển Đông[20] do Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra ở New Delhi ngày 12/7/2016 nêu rõ: Ấn Độ ghi nhận Phán quyết của Tòa án Trọng tài được nêu trong Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng nhấn mạnh rằng: Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không, và không cản trở thương mại, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS. Ấn Độ tin rằng, các nước nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định[21].

Theo nội dung tuyên bố trên, quan điểm của Ấn Độ đối với phán quyết của Tòa án Trọng tài phù hợp với lập trường chính thức của New Delhi về vấn đề Biển Đông, vốn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Ấn Độ đối với tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế và đảm bảo tất cả các nước trong khu vực tuân thủ công ước quốc tế về luật biển liên quan tới vấn đề này. Mặc dù, lập trường của Ấn Độ đối với phán quyết này không phản ánh quan điểm của New Delhi đối với Trung Quốc, nhưng việc tuân thủ luật pháp quốc tế là trái ngược với cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bởi vì, xét về góc độ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý và lịch sử để chứng minh chủ quyền hợp pháp. Trung Quốc đã sử dụng yêu sách đường chín đoạn đã bị Toà trọng tài bác bỏ, rồi đến yêu chủ quyền sách tứ sa phi lý cũng bị nhiều nước phản đối. Xét về lợi ích chiến lược của Ấn Độ và theo UNCLOS, Biển Đông là một tuyến đường hàng hải chung, những căng thẳng đang gia tăng trong khu vực gây ra hậu quả tiêu cực đối với Ấn Độ.

Trong bối cảnh Biển Đông trở thành tâm điểm của sự đối đầu Mỹ -Trung ở Tây Thái Bình Dương, vùng biển này bắt đầu liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn hơn, chiến lược hải quân của Trung Quốc và sự tăng cường hiện diện của Mỹ tại đây. Theo đó, cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc đòi hỏi các bên tranh chấp khác cần có các tính toán chiến lược nghiêm túc.[22] Tự do hàng hải ở Biển Đông đã trở thành mối quan ngại đối với Ấn Độ. Mặc dù không phải là bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp, với tư cách là cường quốc ngoài khu vực, vấn đề Biển Đông đã trở thành một yếu tố quan trọng trong những tính toán chiến lược và chương trình nghị sự an ninh của Ấn Độ.

Chuyển biến trong quan hệ Việt Nam và Ấn Độ

Mặc dù Ấn Độ là một nước nằm ngoài khu vực Biển Đông, song quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam liên quan trực tiếp tới Biển Đông. Năm 1988, Công ty dầu khí nhà nước ONGC của Ấn Độ đã bắt đầu dự án thăm dò dầu khí tại vùng thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Trong thời gian dài, Trung Quốc không đưa ra bất kỳ tuyên bố đáng kể nào liên quan tới dự án liên doanh này. Tuy nhiên, đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Ấn Độ đã phản ứng theo 2 cách: (i) khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ; (ii) bán tàu tuần duyên cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tuần tra ven biển của Việt Nam. Các tàu chiến của Ấn Độ nhiều lần cập cảng Việt Nam, Ấn Độ bảo vệ quyền của mình trong việc thực hiện các chuyến thăm như vậy. Ấn Độ sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ các cơ sở dự án liên doanh trên trong trường hợp bị đe dọa.[23] Như vậy, việc ký với Việt Nam Thỏa thuận khung về hợp tác năm 2003 và hiệp định Đối tác Chiến lược ký năm 2007 giống như viên kim cương ở Biển Đông của Ấn Độ đã bắt đầu được tăng cường về mặt quân sự, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh ở Biển Đông để kiểm soát khu vực.[24]

Sự tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam được phản ánh trong việc trao đổi các chuyến thăm của các quan chức cấp cao hai nước. Từ ngày 05-06/6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã dẫn đầu đoàn đại biểu công nghiệp quốc phòng cấp cao, gồm đại diện các công ty vũ khí lớn nhất của Ấn Độ thăm Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ quân sự song phương. Năm 2015, Tổng thống Ấn Độ, Pranab Mukherjee, đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt nam. Chuyến thăm của Bộ trưởng Ấn Độ, Parrikar, diễn ra nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.[25] Tương tự, vào tháng 10/2014, Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ, được đánh dấu bằng lễ ký Thỏa thuận Hợp tác giữa OVL và PetroVietnam về các dự án thăm dò dầu khí mới tại Việt Nam.[26]

Điều này cho thấy quyết tâm của Ấn Độ và Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hải quân và thiết lập sự hiện diện hàng hải bền vững vốn được duy trì trước đó, với việc tàu hải quân Ấn Độ được phép vào thăm quân cảng Nha Trang ở miền Nam Việt Nam theo lời mời của Việt Nam[27]. Do có nhiều quyền lợi ở Biển Đông, Ấn Độ và Việt Nam đang mở rộng quan hệ bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác, làm sâu sắc thêm mối quan hệ chiến lược, phù hợp với chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ. OVL đã quyết định lần thứ 3 gia hạn giấy phép thăm dò tại Lô số 128, khu vực mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Năm 2011, Bắc Kinh đã cảnh báo OVL rằng, các hoạt động thăm dò của công ty này ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam là phi pháp và vi phạm chủ quyền Trung Quốc, song OVL vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển này. Việc duy trì chính sách này được coi là nỗ lực của New Delhi trong việc khẳng định sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực mà Trung Quốc thể hiện hành động gây hấn[28]. Ngoài ra, OVL tiếp tục sở hữu 45% cổ phần tại Lô số 6.1 ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã vượt mốc 8 tỷ USD trong tài khóa 2013 - 2014, và trên đà đạt mục tiêu 7 tỷ USD trong năm 2015, hiện 2 nước nhất trí đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Một trong số các yếu tố chủ chốt nối kết Ấn Độ - Việt Nam liên quan tới vấn đề Biển Đông là quan hệ hợp tác quốc phòng, vốn đóng vai trò là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược đang ngày càng được tăng cường. Phát biểu nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 2014 của Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định: "Quan hệ hợp tác quốc phòng của chúng tôi với Việt Nam là một trong số các yếu tố quan trọng nhất. Ấn Độ vẫn duy trì cam kết giúp Việt Nam hiện đại hóa các lực lượng an ninh và quốc phòng."[29] Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 5/2015 của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh, hai bên đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015-2020 và bản ghi nhớ về hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước.

Ngoài ra, Ấn Độ gần đây cũng đã cung cấp cho Việt Nam gói tín dụng trị giá 100 triệu USD để mua tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam.[30] Trong thời gian diễn ra chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Parikkar[31], tháng 6/2016, Cảnh sát biển Việt Nam đã ký văn bản đặt mua của Công ty Larsen and Toubro của Ấn Độ một tàu tuần tra cao tốc [32], phục vụ cho việc tuần tra bảo đảm an ninh hàng hải[33] và ven biển.[34]

Với việc tăng cường quan hệ chiến lượctrong những chuyến thăm cấp cao của Ấn Độ,  đến Việt Nam đóng vai trò quan trọng, và được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất sẽ là quyết định của Ấn Độ về việc bán tên lửa siêu thanh BrahMos, do liên doanh Ấn - Nga sản xuất, cho Việt Nam, qua đó sẽ đem lại cho Việt Nam lợi thế chiến lược và vượt trội so với Trung Quốc.[35]

Kết luận

Trong bối cảnh diễn ra những thay đổi chiến lược, vai trò chủ động của Ấn Độ ở Biển Đông không phải là một ngoại lệ. Biển Đông liên quan tới lợi ích quốc gia quan trọng của Ấn Độ trong chính sách hành động hướng Đông. Khung chính sách này hợp thức hóa những quan ngại ngày càng gia tăng cũng như hành động của Ấn Độ ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Theo đó, mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách của Ấn Độ về Biển Đông. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Do vậy, Biển Đông là vấn đề bao trùm lên chương trình chiến lược của Ấn Độ trong quan hệ với Việt Nam. Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Ấn Độ đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các nội dung này được đưa ra bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Manila, Philippines. Chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ. Đồng thời, Ấn Độ coi Việt Nam là một trong những trụ cột của chính sách hướng Đông. Việt Nam và Ấn Độ đều thúc đẩy hợp tác quốc phòng, với việc Ấn Độ tăng cường chia sẻ công nghệ và cung cấp tín dụng quốc phòng cho Việt Nam. Đặc biệt, quan hệ đối tác chiến lược trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng được lãnh đạo hai nước rất coi trọng. Hai bên hiểu khá rõ về tiềm năng, thực lực và nhu cầu về an ninh, quốc phòng của nhau. Đây chính là cơ sở quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng trên cơ sở cùng có lợi. Hai nước cam kết củng cố hợp tác về cung ứng quốc phòng, các dự án chung, hợp tác đào tạo và trao đổi thông tin tình báo, nhất trí tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn giữa các tổ chức quốc phòng và an ninh hai nước, hợp tác về xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan của hai nước trong việc bảo đảm an ninh đường biển, bao gồm chống cướp biển, ngăn ngừa ô nhiễm, tìm kiếm và cứu hộ, củng cố hợp tác song phương trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố một cách toàn diện và lâu dài, tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh mạng./.

TS. Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

[1] Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục Chính trị, Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1), Hải Phòng, 2011, tr.11.

[2] David Scott (2015), Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông, Quan hệ quốc tế, ngày 26/7/2015, http://www.e-ir.info/2015/07/26/indias-incremental-balancing-in-the-south-china-sea/.

[3] David Scott (2013), "Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông: Trò chơi địa chính trị và địa kinh tế", Ấn Độ Review, Vol. 12, 2, tr. 51.

[4] David Scott (2013), Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông: Trò chơi địa chính trị và địa kinh tế, Ấn Độ Review, Vol. 12, 2, tr. 51.

[5] Kim Anh, Ấn Độ với Biển Đông: Lọi ích kép và chính sách Hành động phía Đông, xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/chu-quyen-hoang-sa-truong-sa/an-do-voi-bien-dong-loi-ich-kep-va-chinh-sach-hanh-dong-phia-dong-420539.html. Truy cập ngày 12/6/2018.

[6] Đã được triển khai thực hiện.

[7] Chẳng hạn, ngay từ những năm 1980, Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam. Năm 1988, Tập đoàn ONGC Videsh Limited - OVL của nước này đã hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam và sau đó tham gia 45% quyền lợi và nghĩa vụ thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 06/1 cách Vũng Tàu 370 km về phía đông nam bờ biển Việt Nam. Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Tuy nhiên, Ấn Độ đã khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ.

[8] Indonesia, Malaysia, Myanmar, Brunei, Campuchia, Lào, Việt Nam, Philippines, Singapore và Thái Lan.

[9] Rahul Mishra, “Từ hướng Đông đến Hành động Phía Đông: Sự hướng Đông của Ấn Độ”, The ASAN Forum, 1/12/2014, http://www.theasanforum.org/from-look-east-to-act-east-transitions-in-indias-eastward-engagement/

[10] Ashok Sajjanhar, Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và xa hơn nữa”, Gateway House, 12/5/2016, http://www.gatewayhouse.in/indias-act-east-policy-far-beyond/.

[11] Phạm Hà, Chính sách Hành động Hướng Đông của Án Độ qua Shangri-La 2018, xem tại: https://vov.vn/the-gioi/chinh-sach-hanh-dong-huong-dong-cua-an-do-qua-shangrila-2018-769373.vov. Truy cập ngày 12/86/2018.

[12] David Brewster, “Chiến lược quốc phòng Ấn Độ và quan hệ Ấn Độ -ASEAN,” India Review, Vol. 12, no. 3, 2013, tr. 151.

[13] Tuyên bố tầm nhìn của Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN, Association of Southeast Asian Nations, 21/12/2012.

[14] Dr. SubhashKapila, “Chính sách Hướng Đông, Hành động Phía Đông và Đông Nam Á: Động lực hiến lược chính trị,” South Asia Analysis Group, Paper No. 5603, 14/11/2013.

[15] Darshana M. Barua, Hợp tác hải quân Ấn Độ-ASEAN: Một chiến lược quan trọng, Observer Research Foundation, Analysis, 6/7/2013.

[16] Quan hệ ASEAN-Ấn Độ: Mãi là chiếc cốc vơi nửa? Xem tại: http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/6853-quan-he-an-do-asean. Truy cập ngày 12/6/2018.

[17] Phạm Duy Thực, Bước chuyển về nhận thức và hành động của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông, xem tại:   http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/5216-buoc-chuyen-ve-nhan-thuc-va-hanh-dong-cua-an-do-trong-van-de-bien-dong. Truy cập ngày 26/6/2018.

[18] Phạm Duy Thực, Bước chuyển về nhận thức và hành động của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông.

[19] Tòa án Trọng tài Thường trực, PCA trường hợp 2013-19 trọng tài về vấn đề Biển Đông, 12/7/2016, xem tại: https://pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN-20160712-Award.pdf. Truy cập ngày 1/8/2016.

[20] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, "Tuyên bố về phán quyết của tòa án trọng tài về Biển Đông Theo Phụ lục VII của UNCLOS", 12/7/2016, http://www.mea.gov.in/pressreleases.htm?dtl/27019/Statement+on+Award+of+Arbitral+Tribunal+on+South+China+Sea+Under+Annexure+VII+of+UNCLOS.

[21] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, "Tuyên bố về phán quyết của tòa án trọng tài về Biển Đông Theo Phụ lục VII của UNCLOS", 12/7/2016.

[22] LeszekBuszynski, Biển Đông: Dầu, tuyên bố hàng hải và sự cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ - Trung QuốcThe Washington Quarterly, Vol. 35, 2, 2012, tr. 139-140.

[23]Joseph ChinyongLiow, Hoa Kỳ và Ấn Độ có thể cùng nhau làm điều gì trên Biển Đông, Brookings, 10/6/2016.

[24]David Scott, Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông, 2015.

[25] Rajaram Panda, Xu hướng đi lên của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sau chuyến thăm của ParikkaThe Pioneer, 19/6/2016.

[26]Bộ Ngoại giao, Tuyên bố chung của chuyến thăm Thủ tướng Việt Nam đến Ấn Độ -October 27-28, 2014, Government of India, 28/102014.

[27] Tư lệnh Hải quân Việt Nam thăm Ấn Độ thúc đẩy quan hệ quốc phòng, Defence Now.

[28] Ấn Độ - Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, The Economic Times, 17 September 2015.

[29] Bộ Ngoại giao, Họp báo về chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Ấn Độ (October 28, 2014), Government of India, 28/10 2014.

[30] Bộ Quốc phòng, Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng Ấn Độ và Việt Nam, Press Information Bureau, Government of India, 26/5/2015.

[31] Gopal Suri,Việt Nam và Biển Đông, Vivekananda International Foundation, 13 June 2016.

[32]Parrikar hội đàm với Chủ tịch nước, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt NamThe Indian Express, 6/6/2016. 

[33]DevirupaMitra, Modi đến thăm Việt Nam, đưa Chính sách Hành động phía Đông đến Biển ĐôngThe Wire, 31/7/2016.

[34]David Scott,Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông, 2015.

[35] Harsh V. Pant, Chiến lược Ấn Độ mở đường ở Việt Nam, Livemint, 15/6/2016.

 

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.