TÌM KIẾM CUỘC DÀN XẾP PHÁP LÝ MỚI NHẰM TĂNG CƯỜNG ỔN ĐỊNH, HÒA BÌNH VÀ HỢP TÁC TẠI BIỂN ĐÔNG
Wednesday, November 16, 2011 11:37 AM GMT+7
Biển Đông từ lâu được xem là một trong những nguồn gốc chính của căng thẳng và bất ổn định trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Có nhiều nhân tố dẫn đến thực trạng đó. Thứ nhất, vị trí địa chiến lược của biển Đông. Thứ hai là những tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như đối với các khu vực hàng hải tại biển Đông. Nhân tố thứ ba là cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên tại khu vực này. Thứ tư là sự phát triển của Luật Biển.

Biển Đông là một trong những biển nửa kín lớn nhất trên thê giới với diện tích 648.000 hải lý vuông, lớn gấp hai lần biển Hoa Đông. Biển Đông có nhiều đường hàng hải quan trọng chạy qua, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hơn một nửa vận tải hàng hải thế giới (về khối lượng) được chuyển qua Biển Đông mỗi năm, đặc biệt là qua eo biển Malacca, eo biển đông đúc thứ hai trên thế giới.[2] Một phần vận tải dầu bằng đường biển từ Trung Đông và châu Phi đi Nhật Bản, Trung Quốc và  Hàn Quốc được đưa qua vùng này.[3] Tầm quan trọng của Biển Đông có thể nhận thấy rất rõ khi tính đến yếu tố 90% ngoại thương của Trung Quốc là qua đường biển. [4] Với các quốc gia vận tải biển đường dài quan trọng khác như Mỹ, Ấn Độ và Úc, duy trì tự do hàng hải của các tàu vận tải thương mại và tàu chiến  tại Biển Đông là điều đáng quan tâm. Nếu các đường vận tải hàng hải bị gián đoạn do xung đột vũ trang tại Trường Sa - khu vực biển Đông, hậu quả của các tranh chấp lãnh thổ hoặc tranh chấp quyền tài phán, thì lúc đó quyền lợi kinh tế của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm cả Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.[5] Biển Đông được bao quanh bởi 10 quốc gia, bao gồm một số nước công nghiệp hóa và phát triển nhanh nhất thế giới như Trung Quốc. Sự phát triển nhanh của nền kinh tế khu vực dựa phần nhiều vào việc khai thác các tài nguyên sống (thí dụ như cá) và chết (thí dụ như dầu hỏa) từ các vùng biển.[6] Sự tăng nhanh của giá dầu đặc biệt là vào giữa năm 2008 góp phần thúc đẩy thêm các nỗ lực giành quyền kiểm soát các khu vực hàng hải và các nguồn tài nguyên biển tiềm năng của biển Đông.

 

Các tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo có tầm quan trọng chiến lược - Trường Sa và Hoàng Sa - gắn liền với các động thái giành quyền kiểm soát đối với các khu vực hàng hải xung quanh hai quần đảo này. Các nước tranh chấp đã từng sử dụng một vài điểm không rõ ràng trong các điều khỏan của Công ước về Luật biển LHQ năm 1982 (UNCLOS) để đưa ra các yêu sách của họ đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và các khu vực thềm lục địa. Điều này có thể thấy qua các yêu sách liên quan đến biển Đông như sau:[7]

 

- Brunei Darussalam có yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và phần kéo dài tự nhiên của thềm lục địa trên vùng phía Nam của Biển Đông. Brunei tuyên bố chủ quyền đối với Louisa Reef của quần đảo Trường Sa.

 


- Trung Quốc cùng với Đài Loan là nước có yêu sách chủ quyền lớn nhất tại biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (tiếng Trung gọi là Xisha) và quần đảo Trường Sa (tiếng Trung gọi là Nansha) cũng như với đảo Pratas. Như được thể hiện trong các bản đồ chính thức và theo các tác giả của Trung Quốc,[8] Trung quốc coi phần lớn các khu vực chủ yếu trong biển Đông là các “vùng nước lịch sử” trong một khu vực hình chữ U được đánh dấu bởi cái gọi là “đường chín điểm” chạy xuống phía Nam tới vùng phía Đông của bờ biển Việt Nam, quay sang phía Đông hướng tới phần Đông Bắc của đảo Natuna do Indonesia quản lý, hướng lên phía Bắc của bang Sarawak của Malaysia, sau đó hướng sang Đông Bắc dọc theo bờ biển của Brunei và bang Sabah của Malaysia, và sau cùng hướng lên phía Bắc tới phía Tây của Philippines.

 


- Indonesia đưa ra yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kéo dài tới biển Đông ở khu vực phía Bắc của đảo Anambas và khu vực phía Bắc và Đông của đảo Natuna.

 


- Malaysia đưa ra yêu sách chủ quyền đối với phần phía Nam của quần đảo Trường Sa. Malaysia đồng thời cũng có yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế và phần kéo dài tự nhiên của thềm lục địa tại Biển Đông ngoài khơi phía Đông bờ biển bán đảo Malaysia và vùng biển ngoài khơi bờ biển các bang Sabah và Sarawak trên đảo Kalimantan. Malaysia cũng đồng thời đưa ra yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và phần kéo dài tự nhiên của thềm lục địa trong khu vực vịnh Thái Lan nằm ở bờ biển Đông Bắc bán đảo Malaysia. Khu vực yêu sách của Malaysia dần định hình từ những năm 1960. Malaysia mở rộng vùng lãnh hải của mình ra 12 hải lý vào năm 1969. Malaysia công bố các yêu sách về vùng thềm lục địa khi thông qua hai bản đồ vào tháng 12/1979. Malaysia tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tháng 4/2003. Các bản đồ năm 1979 cho thấy các yêu sách của Malaysia mở rộng tới phần Nam của quần đảo Trường Sa.

 


- Philippines yêu sách về chủ quyền với phần lớn quần đảo Trường Sa (gọi là nhóm đảo Kalayaan theo tiếng Philippines), không bao gồm bản thân đảo Trường Sa lớn, Đá Sắc Lốt, Đá Hoa Lau và Luoisa Reef.  Tuyên bố chính thức về phần tây của Trường Sa được nêu rõ vào tháng 6/1978 ( Chỉ thị của Tổng thống số 1596). Philippines cũng yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và phần kéo dài tự nhiên của thềm lục địa thuộc biển Đông ở phía tây Philippines.

 


- Đài Loan[9] theo đuổi các yêu sách chủ quyền giống các yêu sách của Trung Quốc.[10] Điều này có thể lý giải là vì cả Trung Quốc và Đài Loan đều đang theo đuổi một yêu sách “Trung Hoa”. Trong số các quần đảo tại biển Nam Trung Hoa, Đài Loan yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa và cả đảo Pratas. Đài Loan cũng có yêu sách đối với phần lớn các khu vực biển của biển Đông như “ các vùng nước lịch sử” trong khu vực hình chữ U giống như yêu sách nêu ở phần trên của Trung Quốc.

 

- Việt Nam yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (gọi là Hoàng Sa trong tiếng Việt) và Trường Sa (gọi là Trường Sa trong tiếng Việt). Việt Nam yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và phần kéo dài tự nhiên của thềm lục địa thuộc biển Đông (Biển Đông trong tiếng Việt). Tuyên bố của Chính phủ về hải phận, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12/5/1977 và Tuyên bố của Chính phủ về đường cơ sở của Việt Nam ngày  12/11/1982 đã xác định khu vực yêu sách của Việt Nam trên biển Đông.

 


Các tranh chấp về đảo trong biển Đông bao gồm cả hai bên, ba bên hoặc đa phương. Tình hình này cùng với các yêu sách chồng chéo đối với các khu vực hàng hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể giải quyết nếu không qiải quyết câu hỏi về chủ quyền. Ngoài các tranh chấp có liên quan trực tiếp tới các yêu sách về chủ quyền đối với các nhóm đảo, còn các tranh chấp khác liên quan tới các vấn đề về hàng hải vẫn chưa được giải quyết.

 


Hơn nữa, vấn đề cướp biển và cướp có vũ trang đang tăng lên trong khu vực với khoảng một nửa số vụ cướp biển được ghi nhận trên thế giới xảy ra ở khu vực này.[11] Hơn nữa, các quốc gia ven biển cũng đang phải đương đầu với các vấn đề xuyên biên giới như ô nhiễm hàng hải, quản lý các nguồn lợi hải sản. Biển Đông tạo nên một trường đấu tranh cho các lợi ích an ninh. Việc tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm tránh các hoạt động quân sự là lợi ích của tất cả các bên tranh chấp và các bên có liên quan, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như thức đẩy hợp tác.

 


Từ thảo luận công khai tới quản lý xung đột

 


Làn sóng chiếm đóng các đảo bắt đầu từ giữa những năm 1950 sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa chiếm phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa trong khi Trung Quốc chiếm phần phía Đông. Năm 1974 Trung Quốc chiếm luôn cả phần phía Tây bằng một đợt tấn công quân sự và đánh đuổi Việt Nam Cộng hòa. Tại Trường Sa, vào đầu những năm 1970, Việt Nam Cộng hòa thực hiện yêu sách của mình bằng việc chiếm một số phần – sau đó các phần chiếm đóng này được chuyển sang cho nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975. Philippines cũng tiến vào Trường Sa  trong những năm 1970, trong khi Malaysia giành quyền kiểm soát một đảo lần đầu tiên vào năm 1983. Trung Quốc không giành được vị trí nào tại Trường Sa cho tới đầu năm 1988 sau một trận thủy chiến với Việt Nam tại khu vực này.

 


Mặc dù quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã bình thường hóa hoàn toàn vào tháng 11/1991, các tranh chấp trên biển Đông vẫn tạo nên nhiều căng thẳng trong phần lớn những năm 1990. Được nói đến nhiều hơn cả là tranh chấp và căng thẳng nghiêm trọng giữa Trung Quốc và  Philippines sau khi Trung Quốc chiếm dải Vành Khăn vào năm 1995. Các bên tuyên bố chủ quyền đều có những động thái để củng cố và duy trì yêu sách của mình. Năm 1978 Philippines tuyên bố các giới hạn của KIG. Malaysia đưa ra bản đồ thể hiện các yêu sách của mình về lãnh hải và thềm lục địa năm 1979. Như đã nêu ở trên, Việt Nam tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa bằng tuyên bố của Chính phủ năm 1977.

 


Xung đột hải quân giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1988 tại Trường Sa làm dấy lên lo ngại giữa các quốc gia ASEAN rằng tình hình biển Đông có thể sẽ trở thành mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Nỗ lực khu vực đầu tiên nhằm kiểm soát tình hình là sáng kiến của Indonesia và Canada tổ chức Hội thảo đầu tiên về quản lý các xung đột tiềm năng tại biển Đông vào năm 1990. Hội thảo này là một tiến trình không chính thức nhằm tạo dựng một diễn đàn cho các thảo luận có tính định hướng chính sách và các hợp tác tiềm năng. Đây được coi là một trong những biện pháp xây dựng lòng tin trong khu vực. Các nước ASEAN, Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cử người tham gia Hội thảo trên cơ sở không chính thức của kênh hai. Hội thảo kết thúc với các tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết các tranh chấp biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, các bên không được sử dụng vũ lực trong tranh chấp và các bên cần kiềm chế không làm căng thẳng thêm tình hình.

 


[12]
Nỗ lực thứ hai của khu vực là Tuyên bố ASEAN năm 1992 về biển Đông. Tuyên bố nhấn mạnh “ sự cần thiết giải quyết mọi vấn đề chủ quyền và quyền tài phán liên quan tới biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực”. Bản tuyên bố yêu cầu “các bên liên quan kiềm chế với mục tiêu thiết lập một môi trường tích cực cho một giải pháp cuối cùng cho tất cả các bên”.

 

[13] Trong thời kỳ này, UNCLOS vẫn chưa có hiệu lực và một số nước có yêu sách chủ quyền vẫn chưa phê chuẩn công ước này. Các nước yêu sách cũng tiếp tục thực hiện và áp dụng UNCLOS theo cách có lợi cho quyền lợi của mình và trong một số trường hợp mâu thuẫn với tinh thần giải quyết cả gói của UNCLOS. Có thể cho rằng hệ thống các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp được nêu trong phần 15 của UNCLOS vẫn chưa được thực thi.

 

Sự kiện Vành Khăn năm 1995 được coi là một sự cảnh báo đối với các nước trong khu vực rằng họ phải tự có những sáng kiến của mình để ngăn chặn các tranh chấp hàng hải trong khu vực biển Đông leo thang trở thành các vụ đụng độ. Nếu họ không làm điều đó, tình hình có thể xấu đi và hòa bình ổn định sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Theo đó, ASEAN cần tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin để ứng phó với tình hình tại Biển Đông.

 

Tiến trình Hội thảo nhằm quản lý các đụng độ tiềm năng trên biển Đông đã gần như hoàn thành vai trò lịch sử của mình và được thay thế bằng các cuộc thương thảo song phương. Sau sự kiện Vành Khăn, ASEAN ra Tuyên bố 1995 của các Ngoại trưởng ASEAN về những phát triển vừa qua tại Biển Đông nhấn mạnh rằng các bên liên quan phải áp dụng nguyên tắc trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) như là cơ sở xây dựng quy tắc ứng xử quốc tế tại biển Đông vì mục tiêu xây dựng một không khí an ninh và ổn định trong khu vực.

 

Các cuộc đàm phán song phương riêng rẽ giữa Trung Quốc và Philippines và giữa Philippines và Việt Nam đã cho ra đời hai bộ quy tắc ứng xử -  một bộ Quy tắc ứng xử gồm tám điểm trong Tuyên bố chung giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Tham khảo về biển Đông và các khu vực hợp tác khác tháng 8/1995 và bộ ứng xử 9 điểm trong Tuyên bố chung của tham khảo song phương hàng năm lần thứ 4 giữa Philippines và Việt Nam tháng 10/1995.

 

[14] Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 đã thúc đẩy tổ chức này trở nên tích cực hơn trước tình hình biển Đông. Dưới chiếc ô của tổ chức này, Bộ quy tắc ứng xử ASEAN do Philippines và Việt Nam chuẩn bị đã được thông qua và được chuyển cho Trung Quốc năm 1999. Bộ quy tắc ứng xử ASEAN dựa trên các tài liệu của ASEAN, thí dụ như: 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, TAC, Tuyên bố của ASEAN về biển Đông 1992, Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc 16/12/1997; Tuyên bố chung Philippines – Trung Quốc về biển Đông và các khu vực hợp tác khác tháng 8/1995; bộ quy tắc ứng xử thỏa thuận giữa Philippines và Việt Nam tháng 11/1995; và kế hoạch hành động Hà Nội thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 năm 1998.

 

[15] Lúc đầu, ý tưởng về một bộ quy tắc ứng xử ASEAN – Trung Quốc đã bị Bắc Kinh gạt bỏ. Đối thoại ASEAN – Trung Quốc dẫn tới sự hiểu biết về sự cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử có tính khu vực trong tương lai. Tuy nhiên, trong tương lai gần, một giải pháp thỏa hiệp về một văn bản chung với các điều khoản ít có tính ràng buộc hơn có thể dễ được các bên chấp nhận hơn. Trong Hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnompênh, Campuchia, ASEAN và Trung quốc đã thông qua  “Tuyên bố về ứng xứ của các bên tại Biển Đông” (ASEAN – Trung Quốc DOC).[16] Đây là văn bản chính trị đầu tiên liên quan tới biển Đông được thông qua giữa ASEAN và Trung Quốc. ASEAN – Trung Quốc DOC là bước đi cần thiết trong một tiến trình dài hơn nhằm xây dựng và thống nhất về một “bộ quy tắc ứng xử” tại biển Đông.

 

ASEAN – Trung Quốc DOC là một khung ứng xử cho các bên, thành viên của ASEAN, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới các tranh chấp, và Trung Quốc, nhằm tránh các hoạt động quân sự và thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn và sự hiểu biết lẫn nhau giữa ASEAN và Trung Quốc. Các bên có liên quan có thể thăm dò và thực hiện các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, các hoạt động nghiên cứu biển; an toàn hàng hải và thông tin trên biển; các hoạt động tìm kiếm và cứu trợ; và chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm nhưng không chỉ riêng buôn lậu thuốc cấm, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, và buôn lậu vũ khí.

 

Các cuộc đàm phán song phương riêng rẽ giữa Trung Quốc và Việt Nam, Malaysia và Việt Nam, Thái Lan và Việt Nam, Indonesia và Việt Nam đã đưa tới những kết quả tích cực trong việc giải quyết các chồng lấn hàng hải giữa các nước theo UNCLOS. Ngày 5/6/1992, Malaysia và Việt Nam ký thỏa thuận về cùng phát triển tại các khu vực chồng lấn trên khu vực thềm lục địa phía tây nam Việt Nam và vùng biển phía đông - bắc – đông ngoài khơi bờ biển phía đông của bán đảo Malaysia trong vịnh Thái Lan.

 

[17] Ngày 9/8/1997, Thái Lan và Việt Nam đạt được thỏa thuận xác định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trên vịnh Thái Lan.[18] Ngày 11/6/2003, Việt Nam và Indonesia ký thỏa thuận về xác định ranh giới thềm lục địa trên khu vực phía bắc đảo Natuna. Hai thỏa thuận khác cũng đáng được ghi nhận là hai thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung quốc liên quan tới vịnh Bắc bộ ký ngày 25/12/2000. Hiệp định về phân giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc bộ - giải quyết các tranh chấp biên giới biển trong vùng Vịnh với những phân định hợp lý về phân định ranh giới cho các đảo.

 

[19] Hiệp định về hợp tác đánh cá trong vùng Vịnh Bắc bộ đã thiết lập được một “khu vực đánh cá chung”, “một vùng đệm” cho các tàu thuyền đánh cá nhỏ và “khu vực chuyển giao đánh cá” trong 4 năm.[20] Những thỏa thuận đạt được giữa Việt Nam và các nước láng giềng liên quan đến quản lý và phân giới các vùng chồng lấn hàng hải đã góp phần làm rõ các điều khoản tương ứng trong UNCLOS trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải.

 

ASEAN – Trung Quốc DOC và UNCLOS cũng được coi là cơ sở pháp lý cho Hiệp định 3 bên về các thí nghiệm địa chấn biển chung trong khu vực thỏa thuận trên biển Đông (JSMU) được ký ngày 14/3/2005 giữa  các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Hiệp định cho thấy quyết tâm của các bên có liên quan trong việc tuân thủ ASEAN – Trung Quốc DOC. Tất cả các hoạt động trong khu vực đều cần tham khảo ý kiến các bên liên quan. Hiệp định 3 bên bao gồm ba năm tiến hành đo địa chấn và nghiên cứu trên một khu vực rộng 143 ngàn km vuông trên biển Đông, bao gồm cả một phần quần đảo Trường Sa còn đang tranh chấp. Ba công ty dầu khí quốc gia cùng nhau chia sẻ các chi phí liên quan tới nghiên cứu địa chấn trong khu vực thỏa thuận, lên tới khoảng 7,14 triệu đô la trong thời gian 3 năm.

 

[21] Tổng thống Philippines Gloria Arroyo gọi hiệp định ba bên này là “một sự kiện lịch sử”, “một bước đột phá” trong việc thực hiện các điều khoản của ASEAN - Trung Quốc DOC. Việc ký kết hiệp định “không làm tổn hại đến lập trường của mỗi bên đối với vấn đề biển Đông”. Các bên bày tỏ “quyết tâm biến biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển”.[22] Sự hợp tác của 3 công ty dầu khí quốc gia nằm trong khuôn khổ các nghiên cứu khoa học biển và không bao gồm bất kỳ một sự thu xếp nào liên quan tới việc khai thác tài nguyên của khu vực.

 

Chương trình thám hiểm khoa học hàng hải đại dương học chung tại biển Đông (JOMSRE-SCS) là một thí dụ khác về sự hợp tác theo tinh thần của ASEAN – Trung Quốc DOC. Sáng kiến này được khởi xướng theo thỏa thuận năm 1994 giữa Tổng thống Philippines lúc đó là Fidel V. Ramos và Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường trên biển Đông. Từ năm 1996, đã có 4 đợt hoạt động: tháng 4/1996, tháng 5/2000, tháng 4/2005 và tháng 4/2007.

 

Các bên tham gia các đợt hoạt động nghiên cứu ngày càng mở rộng, không chỉ bao gồm Phillippines, Việt Nam, Trung Quốc mà còn các thành viên bên ngoài khác, trong đó có Mỹ và Canada với tư cách quan sát viên.[23] Việc thiết lập đường dây nóng, việc tổ chức tuần tra chung, việc tham gia vào các hoạt động chống cướp biển và xây dựng cơ chế đối thoại an ninh là các bằng chứng của thái độ tự kiềm chế của các bên trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định tại khu vực theo tinh thần ASEAN-Trung quốc DOC.

 

Hợp tác trên các lĩnh vực kém nhạy cảm hơn cũng là một nội dung quan trọng của ASEAN – Trung quốc DOC. Cuộc họp lần thứ hai nhóm làm việc hỗn hợp ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên ngôn về ứng xử của các bên tại biển Đông được tổ chức tại thành phố Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc từ 8-9/2/2006 đã ấn định 6 dự án,  khởi đầu thực hiện từ năm 2006. Bao gồm:

 

a. Tập dượt trên bàn các hoạt động tìm kiếm và cứu trợ hàng hải chung ASEAn – Trung Quốc. Philippines phụ trách việc chuẩn bị các tài liệu cho dự án.

 

b. Hội thảo về đa dạng sinh học và sinh thái biển. Hội thảo sẽ do Quỹ hợp tác ASEAN – Trung Quốc tài trợ.

 

c. Hội thảo về biến đổi khí hậu và đại dương học khu vực tại biển Đông. Việt Nam chịu trách nhiệm chuẩn bị và phân bổ các tài liệu của Hội thảo.

 

d. Hội thảo về việc giảm thiểu và ngăn chặn thiên tai, thiết lập hệ thống cảnh báo và kiểm soát thiên tai trên biển Đông.

 

e. Chương trình huấn luyện về kiểm soát hệ thống sinh thái và kỹ thuật kiểm soát.

 

f. Trao đổi đại dương học khu vực biển Đông. Trung quốc chịu trách nhiệm cung cấp chi tiết cụ thể về 3 dự án sau cùng để chuẩn bị cho các cuộc gặp tiếp theo.

[24]ASEAN – Trung Quốc DOC cũng đóng vai trò kiềm chế. Theo DOC, các bên có liên quan phải cho thấy thái độ tự kiềm chế khi thực hiện các hoạt động có thể gây nên hoặc làm trầm trọng thêm các tranh chấp và làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, trong đó bao gồm: các hoạt động đưa người đến những đảo, dải đá ngầm hiện không có người sinh sống. Thêm vào đó, các bên có liên quan cần giải quyết sự khác biệt theo một cách xây dựng. Tuy nhiên, các điều khoản của ASEAN – Trung Quốc DOC chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng cho các vấn đề như các loại hoạt động nào có thể bị coi là làm phức tạp hoặc làm trầm trọng thêm các tranh chấp. Do vậy, các nước có yêu sách theo đuổi các hoạt động như “các hành động dân sự với các mục tiêu quân sự” tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, từ các hoạt động như nghiên cứu, du lịch, mời thầu và đấu thầu các lô dầu khí, đặt mốc chủ quyền, cấm đánh cá, xây dựng đường bay, tới các đài giám sát chim và xây dựng hoặc củng cố các cơ sở đã có tại các phần đảo đã chiếm đóng.

[25]Cho đến năm 2008, các dự án hợp tác trong khuôn khổ ASEAN – Trung Quốc DOC chỉ mới tồn tại trên giấy. Lý do là có sự thiếu hụt tài trợ tài chính và sự nhiệt tình của các bên liên quan. Các điều khoản không rõ ràng của DOC cũng làm cho tình hình thêm phức tạp. Để đạt được mục tiêu kiềm chế các tranh chấp, các bên có liên quan cần không được hài lòng chỉ với ASEAN – Trung Quốc DOC. Họ cần phát triển thêm các chủ trương mới cho việc triển khai DOC và thúc đẩy nó lên một mức cao hơn nhằm đạt được một bộ quy tắc ứng xử ASEAN - Trung quốc tại biển Đông. Tình hình gần đây dường như đòi hỏi những nỗ lực mới nhằm thiết lập một thể chế pháp lý mới phù hợp cho hợp tác giữa các bên có liên quan tại biển Đông.

Hướng tới một bộ quy tắc ứng xử ASEAN – Trung Quốc tại biển Đông

 

 

 

Các diễn biến trong năm 2008 có thể tạo nên một làn sóng căng thẳng mới tại biển Đông. Sự lên xuống của giá dầu đặc biệt là sự lên giá nhanh chóng vào khoảng giữa năm là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Trung Quốc cần năng lượng để giúp nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Với mức tiêu thụ dầu là 6 534 000 galon mỗi ngày (đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ), nhập khẩu dầu của Trung Quốc  tăng gần 13% trong 5 tháng đầu năm 2008.[26] Nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, tiêu dùng dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ bằng Mỹ vào giữa những năm 2020.

 

Dường như Trung Quốc muốn thúc đẩy việc mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí đặc biệt là ở biển Đông. Các nghiên cứu về Trung Quốc đánh giá dự trữ tài nguyên dầu tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa khoảng từ 105 đến 213 tỷ thùng và mức sản xuất dầu tại Trường Sa có thể đạt 1,4 đến 1,9 triệu thùng mỗi ngày.[28] Việc giành quyền kiểm soát đối với các vùng biển là một phần trong chính sách đảm bảo năng lượng. Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại yêu sách của họ đối với phần lớn biển Đông trong vùng đường 9 điểm.[29] Yêu sách này chồng lấn với yêu sách của Indonesia tại đông bắc đảo Natuna của Indonesia, nơi được coi là giàu tiềm năng dự trữ dầu khí. Yêu sách này cũng một phần chồng lấn với mỏ khí tự nhiên của Philippines ở Malampaya và Camago, với mỏ khí tự nhiên của Malaysia ngoài khơi Sarawak, với mỏ Tư chính và Đại Hùng của Việt Nam. Năm 2007 và 2008, Trung Quốc đã gây sức ép với BP, Conoco Phillíp, Exxon Mobil và Oil and Natural Gas Company- một công ty nhà nước của Ấn Độ đang làm việc ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam phải ngừng hoạt động hợp tác với Việt Nam theo giấy phép do chính phủ Việt Nam cấp. [30]Chương trình do quốc hội Trung Quốc thông qua nhằm xây dựng khu vực hành chính Tam Á, kiểm soát Hoàng Sa, Trường Sa và Macclesfield với quy chế “thành phố cấp khu vực” thuộc tỉnh Hải Nam đã gây ra biểu tình ở Việt Nam. Các bức ảnh chụp qua vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ tàu ngầm hạt nhân dưới lòng đất gần Tam Á (Hải Nam) giúp Trung Quốc kiểm soát biển Đông và các eo biển có tầm quan trọng chiến lược sống còn trong khu vực.[31] Diễn biến mới này xảy ra rất gần với các đường giao thông trên biển có tầm quan trọng sống còn đối với tự do hàng hải đã gây lo ngại không chỉ với các nước trong khu vực.

 

Một điều cũng đáng lưu ý là Hiến chương ASEAN thông qua vào 20/11/2007 tại Singapore sẽ có hiệu lực từ 1/1/2009 sau khi được phê chuẩn tại 10 nước thành viên. Một Cộng đồng ASEAN sẽ được thiết lập vào năm 2015 sẽ thúc đẩy hội nhập khu vực trên cả ba lĩnh vực an ninh, kinh tế và văn hóa. Theo Hiến chương ASEAN, mục tiêu của cộng đồng ASEAN là: “Duy trì và củng cố hòa bình, an ninh, ổn định và tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực”.[32]Lập trường của ASEAN đối với các tranh chấp tại biển Đông sẽ nhất quán hơn, đoàn kết hơn và hiệu quả hơn. ASEAN – Trung Quốc DOC sẽ được thay thế bằng các văn bản pháp lý và chính trị mạnh mẽ hơn. Bước đầu tiên có thể là một bộ quy tắc ứng xử ASEAN – Trung Quốc trên biển Đông với các cam kết cụ thể và chính xác hơn từ các bên. Một bộ quy tắc ASEAN –Trung Quốc như vậy phải vượt qua được những hạn chế của ASEAN –Trung Quốc DOC cũng như đáp ứng được những thách thức hiện tại và tạo nên một hướng hiệu quả cho việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông trong tương lai.

 


Liệu các điều khoản của UNCLOS về phân định và hợp tác trên biển có cần điều chỉnh hay không?

 

Châu Á Thái Bình Dương có một loạt các tranh chấp về đảo: Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông, ở biển Đông Bắc Á có tranh chấp về đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật bản, đảo Dok-do giữa Nhật Bản và Hàn Quốc và đảo Kurin giữa Nhật Bản và Nga. Tranh chấp bao gồm cả về chủ quyền đối với các đảo và cả phân định trên biển. Các bên yêu sách thường tuyên bố sẵn sàng giải quyết các tranh chấp về đảo trên cơ sở luật quốc tế, đặc biệt là luật biển UNCLOS. Các vùng biển cũng chỉ được phân định một khi các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo và đá ngầm được giải quyết. Tuy nhiên các tranh chấp lãnh thổ rất khó giải quyết.

UNCLOS tạo nên các cơ chế giải quyết các tranh chấp biển, nhưng không có điều khoản nào liên quan tới các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ngoài khơi.[33] Các điều khoản chính của UNCLOS liên quan tới việc phân định và hợp tác về biển là các điều khoản 15, 74, 83, 121 và 123. Tuy nhiên, các điều khoản này tạo dựng nên các cơ chế chung cần được hiểu và áp dụng trong mối quan hệ của từng hoàn cảnh cụ thể, thí dụ như trên biển Đông. Giải pháp nào là hiệu quả và chấp nhận được cho tất cả các bên trong việc giải quyết các tranh chấp về biển? Loại hình hợp tác nào là hợp lý nhất đối với các bên có yêu sách trước khi việc phân định cuối cùng được thực hiện?

 

Một trong những điều không rõ ràng nhất của UNCLOS là điều khoản liên quan tới quy chế đảo. Điều 121(3) nói “các vùng đá không có khả năng duy trì sự sống của con người hoặc không thể có cuộc sống kinh tế riêng biệt không được có vùng đặc quyền kinh tế hay vùng thềm lục địa”. Các nước có yêu sách có cách nhìn nhận khác nhau về cách áp dụng điều 121(3) đối với các vùng đá trên biển Đông. Một số nước cho rằng đảo Trường Sa không thể có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Các nước khác lại cho rằng một số đảo trong vùng này, những đảo cao hơn thủy triều, có thể có nhiều phần phụ thuộc hơn lãnh hải đơn thuần. [34] Lập trường của Trung Quốc dường như là Hoàng Sa và Trường Sa có thể có đầy đủ các vùng biển, nghĩa là tất cả các đảo nhỏ đều có thể như vậy. Yêu sách của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính chắc chắn dựa trên quan điểm này. Philippines và Malaysia chắc chắn rất hài lòng nếu các vùng đá và đảo nhỏ chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý và các vùng nước nằm ngoài 12 hải lý thuộc quyền tài phán của quốc gia  gần kề. Trung quốc sẽ là nước kém nhiệt tình nhất trong việc rút lại các yêu sách của họ đối với các vùng nước sau nhiều lần liên tục khẳng định lại chủ quyền của họ đối với các vùng biển mở rộng.

 

Mặc dù các đảo nhỏ không thể duy trì sự sống của con người cũng như không thể có đời sống kinh tế độc lập UNCLOS không thể ngăn cản việc các quốc gia mở rộng các yêu sách về biển của họ tới các vùng khu vực xung quanh các đảo và đá ngầm mà họ có yêu sách về chủ quyền. Những hạn chế của luật biển và các luật quốc tế là những luật này không “tạo nên được một cơ chế và khuôn khổ để giải quyết các tranh chấp”.[35][36] Báo chí Philippines cũng chỉ ra rằng việc thông qua nghị quyết của Quốc hội có thể sẽ mất thời gian do sự phản đối của các nước có yêu sách khác và thậm chí của cả trong nội bộ Philippines.[37] UNCLOS không tạo nên được một tiêu chuẩn cụ thể cho việc xác định ranh giới biển, cho việc chấp nhận hay không chấp nhận các kiểu yêu sách như đường 9 điểm tại biển Đông. Việc áp dụng điều 7 trong việc xác định đường cơ sở tiếp tục gây nhiều vấn đề phức tạp cho các mối quan hệ song phương và đa phương. Trung Quốc và Việt Nam đã có công hàm phản đối những nỗ lực của Philippines trong việc thông qua Nghị quyết 3216 của Hạ viện, một biện pháp nhằm xác định đường cơ sở đảo của Philippines đối với KIG và Scarborrough Shoal.

 

Điều 74 và 83 của UNCLOS đặt các quốc gia có yêu sách trước một nghĩa vụ là phải nỗ lực tiến tới một dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và đảm bảo rằng các sự dàn xếp này không tạo tiền lệ cho các giải pháp cuối cùng. Điều 123 đặt các quốc gia có yêu sách trước một nghĩa vụ phải hợp tác trong việc thực thi các quyền của mình và thực hiện các nghĩa vụ theo UNCLOS trong các vùng biển nửa kín như biển Đông.[38] Để lấp đầy các “điểm trắng” trong luật biển, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia và thực tế tình hình, các chuyên gia luật pháp, đặc biệt là ở châu Á, cần làm rõ các điều khoản của luật biển, và đưa ra các hướng dẫn pháp lý cho các bên liên quan.

 


Con đường luật học

 

Bài báo này quan tâm tới vai trò của luật pháp trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đông Nam Á được coi là khu vực có truyền thống không có xét xử luật pháp. Tuy nhiên, truyền thống này đã có nhiều thay đổi quan trọng. Trong những năm gần đây Tòa án Quốc tế đã có hai phán quyết có liên quan tới các tranh chấp về đảo giữa các quốc gia Đông Nam Á. Phán quyết thứ nhất là về đảo Sipadan và Ligitan Reef giữa Indonesia và Malaysia (phán quyết ngày 17/12/2002).[39] Phán quyết thứ hai liên qua tới tranh chấp đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge giữa Malaysia và Singapore (phán quyết ngày 23/5/2008).[40] Cả hai tranh chấp đều liên quan tới các đảo có diện tích nhỏ - 0,13 km vuông đối với Sipadan, nhỏ hơn nữa đối với Lipadan, 2000 m vuông đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, trong khi với Middle Rocks và South Ledge các vùng đá nổi chỉ xuất hiện khi thủy triều thấp. Hơn nữa, không một đảo nào trong số này có người ở thường xuyên.

 

Cả hai vụ kiện và phán quyết đều có một số điểm giống nhau. Cả hai đều liên quan tới các tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo và dải đá, các yêu sách ban đầu dựa trên các lập luận lịch sử và bản đồ, các lập luận về sự kế tục được kéo từ thời phong kiến, thực dân, sang thời các quốc gia hiện nay, với các “mốc thời điểm quan trọng” và hiệu lực. Các phán quyết có tiếng nói về hiệu lực.

 

Trong trường hợp đảo Sipadan và Ligitan Reef, Tòa lưu ý các biện pháp được thực thi nhằm kiểm soát việc thu gom trứng rùa biển và việc thiết lập các khu dự trữ về chim cần được xem là một hình thức thực thi quyền kiểm soát thường xuyên và có tính hành chính đối với các phần lãnh thổ tranh chấp. Các hoạt động này còn “khiêm tốn về số lượng nhưng về bản chất là các hành vi có tính hành pháp, hành chính và tài phán. Các hoạt động này diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối dài và cho thấy chủ đích thực hiện quyền tài phán quốc gia đối với các đảo”.[41] Việc chính quyền Indonesia không phản đối việc xây dựng cột đền biển của Malaysia sau năm 1963 được IJC coi là bất bình thường. Trên cơ sở hiệu lực, Tòa án kết luận Malaysia có quyền đối với Ligitan và Sipadan.

 

Trong trường hợp đảo Pedra Branca/Pulau batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge, Tòa án cho rằng quyền nguyên gốc đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh phải thuộc về Malaysia là người kế tục của Quốc vương Johor. Tuy nhiên trong kết luận của tòa, Singapore lại giành được chủ quyền đối với đảo này. Chính quyền Singapore đã có một số hoạt động chứng tỏ hiệu lực của mình như thám hiểm các xác tàu đắm trong khu vực lãnh hải của đảo, thăm dò các vùng nước xung quanh đảo vào năm 1978, và có các kế hoạch khai hoang các khu vực xung quanh PedaBranca/Pulau Batu Puteh. Malaysia và các tiền bối của mình đã không có phản ứng gì trước các hoạt động của Singapore và các tiền bối của họ. Thậm chí vào tháng 6/2003, sau Thỏa thuận đặc biệt đưa vụ tranh chấp ra tòa đã có hiệu lực, Malaysia mới có phản đối đối với những việc Singapore đã tiến hành từ năm 1980. Trên cơ sở xem xét hoạt động của cả hai bên, Tòa phán quyết rằng chủ quyền đối với đảo này được trao cho Singapore.[42] Tuy nhiên ICJ nhận thấy rằng quyền ban đầu đối với Middle Rocks vẫn thuộc về Malaysia là người kế tục của Quốc vương Johor.[43] ICJ không có cơ hội để giải quyết các vấn đề liên quan tới các tranh chấp về chủ quyền đảo, dải đá và các đá nổi khi thủy triều thấp với các xung đột về các vùng biển xung quanh.

 

Trong Thỏa thuận Đặc biệt đệ trình lên Tòa, các bên chỉ yêu cầu phán quyết về vấn đề chủ quyền tách bạch cho từng đảo. Các bên không yêu cầu xác định phân giới trên biển. Đối với South Ledge, Tòa tuyên bố đảo này thuộc chủ quyền của nước mà đảo nằm trong lãnh hải của họ.[44]Phán quyết của ICJ trong hai trường hợp có thể xem là cơ sở cho các ý tưởng đưa các tranh chấp trên biển Đông ra các cơ quan tài phán quốc tế như ICJ hoặc ITLOS. Tuy nhiên, đối với các tranh chấp đa phương vấn đề phức tạp hơn. Trước hết, vấn đề chỉ được đưa ra ICJ nếu tất cả các bên liên quan đồng ý. Hiện tại, mới chỉ có Philippines công nhận tính ràng buộc pháp lý của Tòa nhưng không phải là đối với trường hợp KIG, như Trường Sa chẳng hạn. Các đề xuất của Philippines năm 1999 [45] liên quan tới việc đưa các tranh chấp của họ với Trung Quốc đối với phần lớn quần đảo Trường Sa ra một cơ quan hay tòa án đã bị bác bỏ. Trung Quốc tuyên bố rằng các tranh chấp cần được giải quyết thông qua thương lượng song phương. Thứ hai, ICJ chỉ có quyền tài phán đối với các tranh chấp pháp lý.

 

Tuy nhiên, một nghị quyết cho các tranh chấp đối với Hoàng Sa và Trường Sa lại liên quan tới và cần thỏa mãn các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội cũng như luật pháp. Kết quả của đàm phán có thể là một giải pháp thỏa hiệp trong đó có tính đến các yếu tố chính trị, kinh tế, quân sự.[46]Quyết định của ICJ về chủ quyền đối với các đảo và các yếu tố biển khác cho thấy bên tranh chấp không được hưởng lợi từ phán quyết của tòa cho rằng họ thiệt thòi và có thể sẽ không khuyến khích các nước có yêu sách khác đưa vụ việc của họ ra Tòa nếu như họ còn lo ngại các phán quyết của Tòa sẽ bất lợi cho họ. Trong một số trường hợp phán quyết của ICJ không giúp chấm dứt một cuộc tranh chấp và trong một số trường hợp khác tranh chấp lại xuất hiện trở lại dưới một hình thức khác. Một thí dụ của trường hợp thứ hai là tranh chấp liên quan tới đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia. ICJ phán quyết có lợi cho Campuchia năm 1962 về chủ quyền đối với ngôi đền này. Căng thẳng trở lại xuất hiện giữa hai nước liên quan đến khu vực xung quanh ngôi đền dẫn đến việc tăng cường lực lượng quân đội trong khu vực xung quanh và một vài đụng độ nhỏ.[47]Thêm vào đó quyết định của ICJ ủng hộ thông lệ áp dụng nguyên tắc đường trung tuyến trong việc xác định ranh giới biển, trong khi đó một số bên liên quan khăng khăng áp dụng nguyên tắc kéo dài tự nhiên của thềm lục địa. Các tranh chấp về phân định biển có thể đưa ra phán xét tại ITLOS. Tuy nhiên, nếu không có sự nhất trí của tất cả các bên liên quan thì vấn đề không thể được đưa ra ITLOS được.

 

Phát triển chung hay phát triển thông qua hợp tác

 

Khái niệm về phát triển chung đã được nêu lên và phát triển tại điều 74 và 83 của UNCLOS và thông qua thực tế. Biển Đông là khu vực có nhiều đóng góp hơn cả trong việc phát triển khái niệm này. Một số thỏa thuận song phương đã đạt tới mức độ Cùng phát triển, thí dụ như thỏa thuận giữa Malaysia và Thái Lan năm 1979 và giữa Việt Nam và Malaysia năm 1992, trước tiên là liên quan tới thăm dò dầu khí và giữa Trung Quốc và Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000 liên quan tới đánh cá. Cùng phát triển cũng được đề cập đến trong cái gọi là thuyết “Bánh Donut” theo đó các vùng nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường bờ biển và đảo nhiều nước có yêu sách sẽ là khu vực hợp tác của tất cả các nước xung quanh biển Đông.

 

Kể từ đầu những năm 1990, Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng “chủ quyền của Trung Quốc, gác lại tranh chấp và tiến tới hợp tác chung”.[48] Trên thực tế, đề nghị này nhằm hợp pháp hóa các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc theo đường 9 khúc bao gồm tới hơn 80% Biển Đông.[49] Rõ ràng là “chủ quyền trên biển Đông thuộc Trung Quốc” là điều tiên quyết trong mọi giải pháp của Trung Quốc, bao gồm cả phát triển chung. Công thức phát triển chung của Trung Quốc được miêu tả với sự tham gia của nước ngoài vào sự phát triển và khai thác các tài nguyên của Trung Quốc nằm trên thềm lục địa của nước khác.[50] Cần lưu ý rằng Trung quốc chưa bao giờ đề cập chính xác mức độ hay khu vực, hình thức, nội dung và bộ máy quản lý phát triển chung. Chính sách phát triển chung do Trung Quốc đề nghị là không nhất quán và có sự chọn lọc. Đề nghị này dường như không bao gồm Hoàng Sa mặc dù đây là quần đảo có tranh chấp.

 

Trên thực tế ý tưởng phát triển chung nhằm vào các khu vực – theo luật quốc tế - nằm dưới quyền tài phán của các quốc gia khác như bãi Tư Chính của Việt Nam hay khu vực đông bắc đảo Natuna của Indonesia.[51]JMSU, hiệp định ba bên giữa các công ty dầu khí quốc gia của Philippines, Trung Quốc và Việt Nam về việc khảo sát chung trên một số khu vực nhất định của biển Đông chưa được coi là “phát triển chung”. Trước hết, đây không phải là một “biên bản ghi nhớ” ở cấp chính phủ. Thứ hai, thỏa thuận này chỉ đề cập đến việc khảo sát số liệu thăm dò chứ không phải là thăm dò nguồn tài nguyên. Thứ ba, JMSU có thời hạn ba năm đã kết thúc hiệu lực ngày 1/7/2008 và từ đó đến nay vẫn chưa có thông tin công khai nào về khả năng có một thỏa thuận mới. Báo chí Philippines vẫn tiếp tục chiến dịch về khía cạnh pháp lý của việc ký một thỏa thuận song phương giữa PNOC và CNOOC vào 1/9/2004.

 

Lực lượng chính trị đối lập tại Philippines muốn sử dụng vấn đề này để cáo buộc Tổng thống Arroyo về việc cho phép ký kết hiệp định này. Hiệp định cho phép Trung Quốc thực hiện việc thu thập dữ liệu trên một khu vực thuộc biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa để đổi lấy việc Trung Quốc tài trợ cho một số dự án của Philippines. Thượng viện nước này không được thông báo về nội dung của hiệp định.[52] Hiện nay, Hiệp định năm 2004 giữa Philippines và Trung quốc cho phép Trung Quốc thăm dò trong “vùng lãnh hải và tài nguyên của Philippines” được coi là sự vi phạm các điều khoản hiến pháp có liên quan tới quản lý lãnh thổ quốc gia. Các lời chỉ trích cũng đề cập đến cả các điều khoản của JSMU.[53]Cũng cần ghi nhận rằng Việt Nam phản ứng  trước  hiệp định 9/2004 bằng việc nhắc lại yêu sách chủ quyền đối với cả Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam cũng tuyên bố rằng thỏa thuận đạt được mà không có sự tham khảo của các bên là không đúng với tinh thần của ASEAN – Trung Quốc DOC.[54]Tháng 6/2008, Trung Quốc và Nhật Bản đạt được thỏa thuận về hợp tác trên biển Đông Trung Hoa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18/6/2008 nói đây là bước đi đầu tiên tiến tới phát triển chung tại biển Đông Trung Hoa giữa Trung Quốc và Nhật Bản.[55] Bà cũng nói đây là “một bước đi quan trọng” trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi có phân định trên biển.

 

Theo Masahiko Koumura của Bộ Ngoại Giao Nhật Bản thỏa thuận là bước đầu tiên tiến tới sự hiểu biết chung giữa lãnh đạo hai nước rằng biển Đông Trung Hoa là “biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị”. Ông này cũng tuyên bố rằng nội dung của hiệp định “có lợi cho cả hai bên”.[56] Trên thực tế, tranh chấp Trung Quốc - Nhật Bản tập trung trên các khu vực thuộc biển Đông Trung Hoa mà cả hai bên đều có yêu sách. Nhật Bản chia biển Đông Trung Hoa bằng đường trung tuyến, phân định khu vực đặc quyền kinh tế của hai nước theo UNCLOS. Trung Quốc yêu sách quyền tài phán với toàn bộ biển Đông Trung Hoa trên cơ sở kéo dài tự nhiên của thềm lục địa. Trung Quốc bắt đầu khoan thăm dò khu vực này năm 2003, khiến Nhật lên tiếng phản đối. Nhật bác bỏ đề  nghị phát triển chung của Trung Quốc đối với hai mỏ khí gần đảo Senkaku do Nhật bản quản lý trong khi Trung Quốc cũng bác bỏ đề nghị của Nhật về phát triển chung bốn mỏ khí gần đường trung tuyến do Nhật vạch ra. Trung Quốc nói Nhật không có quyền phản đối hoạt động của Trung Quốc vì các hoạt động này nằm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế không tranh chấp của Trung Quốc.

 

Các nhà hoạch định chính sách và công luận Nhật lo ngại các hoạt động này có thể mở rộng tới vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, do vậy ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên của nước này.[57]Sau nhiều năm tranh chấp, hai nước đã đạt được thống nhất trên cơ sở cùng có lợi, thông qua thỏa thuận 6/2008.[58] Theo thỏa thuận này, một lô phát triển chung được xác định trong đó, hai bên thông qua thăm dò chung, sẽ lựa chọn các khu vực thỏa thuận chung trên cơ sở cùng có lợi. Hai bên thông qua tham khảo ý kiến sẽ quyết định các vấn đề cụ thể. Các công ty Nhật bản có thể phát triển chung với Trung Quốc khu mỏ khí Shirakaba/Chunxiao và khu nam mỏ khí Asunaro. Shirabaka/Chunxiao chủ yếu nằm ở phía Trung Quốc của “đường trung tuyến” do Nhật khởi xướng, trong khi khu phát triển chung nam Asunarro nằm tương đối đều hai bên đường trung tuyến. Hai nước phải tiếp tục giải quyết những vấn đề, thí dụ như quyết định tỷ lệ đóng góp tài chính của hai nước và giải pháp với ba khu mỏ khí khác là Asunaro/Longjing, Kashi/Tianwaitian và Kusunoki/Duanqiao.

Thỏa thuận này gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cư dân mạng ở Trung Quốc và báo chí Hồng Kông ngay lập tức  sau khi công bố. Để tìm cách xoa dịu sự phản đối của công luận, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách giải thích rõ lập trường của Trung Quốc. Thứ nhất, chủ quyền đối với mỏ dầu và khí đốt Chunxiao thuộc Trung Quốc. Thứ hai, cả Trung Quốc và Nhật Bản thỏa thuận rằng các công ty Nhật sẽ tham dự các hợp tác thích hợp tại mỏ dầu khí này phù hợp với những quy định của luật pháp Trung Quốc về hợp tác quốc tế  trong phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí ngoài khơi và chấp nhận quyền tài phán của Trung Quốc. Điều mà các công ty Nhật Bản và Trung Quốc thực hiện tại khu mỏ này là phát triển thông qua hợp tác, phù hợp với luật pháp Trung Quốc.[59]Thỏa thuận Trung Quốc - Nhật Bản sẽ được các bên liên quan tới các tranh chấp trên biển Đông quan tâm.

Kết luận

 


Tranh chấp trên biển Đông đã và sẽ còn là một mối quan tâm của khu vực và các nước bên ngoài khu vực. Nhiều giải pháp có thể đã được nêu lên như việc chia sẻ các nguồn tài nguyên [60], kế hoạch Antartic, học thuyết bánh Donut, phát triển chung, phát triển thông qua hợp tác, hay sự can thiệp của bên thứ ba. Tuy nhiên các hình thức giải pháp được nêu lên chưa được thực hiện do thiếu lòng tin và sự tin cậy giữa các nước có liên quan. Ý tưởng thiết lập một bộ quy tắc giữa các bên liên quan được ASEAN ủng hộ đã được thực hiện thông qua đối thoại với Trung Quốc và dẫn tới ASEAN – Trung Quốc DOC năm 2002. Đây có thể được coi đã đạt được nửa đường trong tiến trình tiến tới một bộ quy tắc ứng xử đầy đủ cho biển Đông. ASEAN – Trung Quốc DOC đã thiết lập một cơ sở quan trọng cho việc giảm thiểu căng thẳng và hợp tác cho các bên có yêu sách. ASEAN – Trung Quốc DOC là tín hiệu rõ ràng cho cộng đồng quốc tế rằng ASEAN –Trung Quốc có thể cùng nhau hướng tới một giải pháp hòa bình và chấp nhận được cho các tranh chấp trên biển Đông.

 

Việc triển khai các dự án trong khuôn khổ ASEAN – Trung Quốc DOC xây dựng trên cơ sở các hoạt động trong quá khứ và hiện tại giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ tạo nên mối liên hệ thường xuyên và liên tục hơn giữa các nước có yêu sách, tăng cường hơn sự tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, việc thực hiện ASEAN –Trung Quốc DOC đã cho thấy một số hạn chế. Không có những hướng dẫn cụ thể, không có điều khoản tăng cường, chủ yếu dựa trên “thiện chí” của các nước tranh chấp.  Phát triển chung theo UNCLOS cũng cho thấy một số hạn chế trong triển khai thực hiện.

Yếu tố dầu lửa đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tới chính sách biển các bên tại biển Đông. Yếu tố này cũng có tiềm năng tạo nên hai tình huống sau: sâu sắc thêm sự cạnh tranh giành các nguồn tài nguyên năng lượng và có thể làm tăng mức độ căng thẳng giữa các nước có yêu sách chồng lấn hoặc cùng phát triển hoặc thăm dò thông qua hợp tác giữa các nước tranh chấp. ASEAN và Trung Quốc sẽ phải năng động hơn nhằm tiến tới một bộ quy tắc ứng xử mới hoặc một thỏa thuận có tính ràng buộc tương đương, bao gồm những hướng dẫn cụ thể cần thiết cho việc tự kiềm chế, cho hợp tác và áp dụng luật quốc tế. Điều này cũng giúp định hình mới những dàn xếp hợp tác chức năng và chấp nhận được. Trong tiến trình này, Hiệp hội luật quốc tế châu Á có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển luật quốc tế tại châu Á và khởi xướng những sắp xếp luật pháp mới cho quan hệ hợp tác giúp biến biển Đông thành khu vực hòa bình và ổn định hình thành trên tinh thần hợp tác./.

 


[1]
Bob Catley và Malmur Keliat: Spratlys: The Dispute in the South China Sea (Aldershot, Brookfiel, Singapore vaf Sydneyy: Ashgate 1997.

 

[2] David Rosenberg và Christopher Chung, “Maritime Security in the South China Sea: Coordinating Coastal and User State Priorities”, Ocean Development and Internationsl Law, Vol. 39, issue 1 (2008), trang 51

 

[3] Hasjim Djalal và Ian Townsend-Gault, Preventive Diplomacy: managing Potential Conflicts in the South China Sea

 

[4]Rosenberg và Chung, trang 59

 

[5]Rosenberg và Chung, trang 51-52

 

[6] Bruce Blanche và Jean Blanch, “ Oil and Regional Stability in the South China Sea”

 

[7] Nguyen Hong Thao và Ramses Amer: The management of Vietnam’s Maritime Boundary Disputes”, trong Ocean Development and International Law, Vol. 38, Issue 3, trang 307

 

[8] Ji Guoxing, Maritime Jurisdiction in the ThreeChinaSeas: Options for Equitable Settlement, Institute on Global Conflict and Cooperation, CIAO, 10/1995

 

[9] Khái niệm Đài Loan đề cập đến trong khuôn khổ bài viết này đồng nghĩa với Đài Bắc Trung quốc, tỉnh Đài loan thuộc Trung Quốc và Cộng hòa Trung Hoa.

 

[10] Chen Hurng-yu “A Comparison Betweeb Taipei and Peking in their Policies and Concepts Regarding the South China Sea”, Issues and Studies, Vol. 29, No. 9 (1993) trang 22-58

 

[11] Joshua Ho và Jane Chan, Report on Armed Robberry and Piracy in Southeast Asia 2006

 

[12] Hasjim Djalal, “The South China Sea – The long Road Towards peace and Cooperation”

 

[13] Nguyen Hong Thao, “The 2002 Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea: A Note”

 

[14] Nguyen Hong Thao, “Vietnam and the Code of Conduct for the South China Sea”, Ocean Development and International Law, Vol. 32, Issues 1-2 (2001) trang 105 -130

 

[15] Nguyen, The 2002 Declaration, trang 279-285

 

[16]Association of Southeat Asian Nations Website

 

[17] Nguyen Hong Thao, “Joint Development in the Gulf of Thailand”, Boundary and Security Bulletin, Vol. 7, No. 3 (1999), trang 79-88

 

[18] Nguyen Hong Thao, “Vietnam’s First maritime Boundary Agreement” Boundary and Security Bulletin, Vol. 5, trang 74-79

 

[19] Website Bộ Ngoại giao Việt Nam

 

[20] Nguyen Hong Thao, “Maritime Delimitation and Fishery Cooperation in the TonkinGulf”, Ocean Development and International Law, Vol. 34, Issue 1 (Tháng 1-3/2005), trang 25-44

 

[21] Abigail L. Ho, “RP, China, Vietnam pursue Spratlys project, Philippines Daily Inquirer (2/11/2007)

 

[22] Website Bộ Ngoại giao Việt Nam

 

[23] Nguyễn, The Declaration

 

[24] Báo cáo cuộc họp thứ hai Nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc về việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Nam Trung Hoa.

 

[25] Nguyen, The Declaration

 

[26]Douglas McIntyre, China Oil Consumption jumps

 

[27] Như trên

 

[28] Oild Gas Resources and Shipping Terminal in South China Sea

 

[29] Li Jinming và Li Dexia “The dotted line in the Chinese Map of the South China Sea”, Ocean Development and International Law, Vol. 34, Issues 3-4 (2003), trang 287-295

 

[30] Andrew Symon, “ China, Vietnam spar over gas”, Asia Times Online (1/5/ 2007)

 

[31] Jane’s Security News (21/4/2008)

 

[32] Website ASEAN

 

[33] Điều 298 (a) UNCLOS

 

[34] J.M. Van Dyke va D.L. Bennett “Islands and the Delimitation of Ocean Space in the South China Sea”, Ocean Yearbook, Vol.10, trang 54

 

[35] Lee G. Cordner, “The Spratlys Islans Dispute and the Law of the Sea”, Ocean Development and International Law, Vol. 25, Issue 1 (1994) trang 71

 

[36] Tarra Quismundo, “DFA downplays China Protest over Spratlys issue” Inquirer.net

 

[37] Paolo Romero, “Pass Bill on Spratlys, GMA Prods Congress” (14/3/2008)

 

[38] UNCLOS

 

[39] Website International Court of Justice

 

[40] Website International Court of Justice

 

[41]Website International Court of Justice

 

[42]Website International Court of Justice

 

[43] Website International Court of Justice

 

[44] Website International Court of Justice

 

[45]Nguyễn Hồng Thao, “Vietnam and the Code of Conduct for the South China Sea”, Ocean Development and International Law, Vol. 32, issues 1-2 (2001) trang 109

 

[46] Robert Beckman, “Legal regimes for cooperation in the South China Sea”,  5/2007, Singapore

 

[47] Sovatha Ann, “Preah Vihear: A Mountain of Undeniable Fact”, The Phnompenh Post, 9/7/2008

 

[48] Veronica Uy, “Spratlys Deal part of China’s policy of ‘shelving disputes’”

 

[49] Nguyen Hong Thao, “China’s nine broken line in the Bien Dong Sea (South China Sea) in the light of international law”, Vietnam News (18/5/1997) trang 4

 

[50] Leszek Buszynski, “ASEAN Security Dilemmas”, Survival, Vol.34, No.4 (1992-1993)

 

[51] Nguyen Hong Thao, “The Spratlys Islands questions surfaces again”, Vietnam News, 20/11/1997, trang 5

 

[52] Ma. Paola J. Syyap, “PNOC submits disputed oil exploration to Hose, Website GMA News and Public Affairs

 

[53] Abigail L. Ho, “Aroyo hit on Spratlys Deal, the Philippines Daily Inquirer (3/7/2008)

 

[54] Website Bộ Ngoại giao Việt Nam

 

[55]www.chinaview.cn

 

[56] Website Bộ Ngoại giao Nhật Bản

 

[57] Zhou Shan, “China and Japan Agree on Joint Gas Exploration in East China Sea, Agreement met with oneline criticism and group protest” The Epoch Times (27/6/2008)

 

[58]China and Japan

 

[59]WebsiteChina Daily

 

[60] Mark  J. Valencia, Jon M. Van Dyke, Sharing the Resources of the South China Sea (The Hague: Martinus Nijhaff, 1997)

 

 

 

TS. Nguyễn Hồng Thao- PGS. Ramses Amer

 

 

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.