Biển Đông: Cách ngăn chặn âm mưu dùng chiến thuật “sự đã rồi”
23 Tháng Năm 2019 6:44 CH GMT+7
VietTimes -- Tiến sĩ Ngô Di Lân là chuyên gia nghiên cứu tại đại học Brandeis, Mỹ về cách ứng xử của các nước trước chiến lược xâm chiếm lãnh thổ bằng chiến thuật "sự đã rồi" trong kỷ nguyên hiện đại. Ông cho rằng cách ngăn chặn sử dụng chiến thuật này là chứng minh cho nước gây hấn và có ý đồ xâm lược rằng cái giá phải trả sẽ cao hơn và rủi ro sẽ lớn hơn rất nhiều so với dự tính trước đó.

Biển Đông đang trải qua một thời kỳ tương đối yên bình sau sự kiện khủng hoảng dàn khoan 981 năm 2014, nhưng chưa rõ liệu những tranh chấp có ổn định vào những năm sắp tới, mặc dù vẫn đang có những nỗ lực để đàm phán xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông. Sự kiện Nga thình lình sáp nhật Crimea đã nhắc nhở các nước rằng lãnh thổ của họ có thể nhanh chóng bị nắm lấy bởi những nước láng giềng có tham vọng mở rộng vùng lãnh thổ. Vì thế, những bên có chủ quyền về lãnh thổ trên Biển Đông như Việt Nam và Philippines cần phải chuẩn bị để ngăn chặn chiến thuật "sự đã rồi" có khả năng xảy ra, đặc biệt khi lịch sử hiện đại cho thấy các nước đang tăng cường sử dụng chiến thuật "sự đã rồi" hơn là việc dùng vũ lực để chinh phục vùng lãnh thổ mới.

Trong kỷ nguyên hiện đại, các nước thường sử dụng chiến thuật "sự đã rồi" nhằm thực hiện những mục tiêu xâm chiếm lãnh thổ thay vì dùng vũ lực.

Trong kỷ nguyên hiện đại, các nước thường sử dụng chiến thuật "sự đã rồi" nhằm thực hiện những mục tiêu xâm chiếm lãnh thổ thay vì dùng vũ lực.

Logic của chiến thuật "sự đã rồi"

Những nước tìm cách mở rộng những vùng lãnh thổ của mình có 3 sự lựa chọn: (1) sử dụng vũ lực, (2) cưỡng ép, (3)dùng chiến thuật "sự đã rồi". Trong kịch bản sử dụng vũ lực, nước xâm lược đánh bại nước mục tiêu trên chiến trường và chiếm lãnh thổ. Bị đánh bại về mặt quân sự, đất nước mục tiêu không còn lựa chọn nào khác mà phải ưng thuận theo những đòi hỏi của bên thắng cuộc. Một lựa chọn khác, kẻ gây hấn sẽ ép buộc bên mục tiêu phải nhường lại một phần lãnh thổ. Đối mặt với áp lực của sự ép buộc và trong một vài trường hợp có cả đe dọa chiến tranh, nước mục tiêu có thể quyết định rằng ưng thuận với những đòi hỏi của nước áp bức còn tốt hơn là chấp nhận rủi ro leo thang chiến tranh.

Vấn đề với việc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm lãnh thổ có thể gây ra thiệt hại rất nhiều về sinh mạng và của cải. Ngay cả những nạn nhân yếu đuối nhất cũng sẽ phản công nếu sự sống còn của họ bị đe dọa. Vì thế, một cuộc chiến chớp nhoáng có tính toán có thể nhanh chóng biến thành bãi lầy không thể thoát ra. Bởi vậy, cách dùng vũ lực chỉ là lựa chọn khi kẻ xâm lược tìm cách chinh phục toàn bộ lãnh thổ của một nước khác. Và cách này không có nhiều ý nghĩa với việc theo đuổi những mục tiêu về lãnh thổ một cách hạn chế.

Cưỡng ép là chiến thuật ít tổn thất hơn dùng vũ lực nhưng thực tế cho thấy kết quả của nó thường nghèo nàn, đặc biệt khi dùng cách này để đòi về lãnh thổ. Hơn nữa, khi cưỡng ép bên mục tiêu, bên gây hấn chắc chắc sẽ làm lộ ra những ý định của mình, vì thế tạo cho mục tiêu cảnh báo sớm để chuẩn bị về mặt quân sự nhằm chống lại lợi thế của một đòn tấn công phủ đầu có thể xảy ra. Nói cách khác, cưỡng ép là một công cụ thiếu hiệu quả với việc chinh phục lãnh thổ và nó cũng thu hẹp danh mục giải pháp mà bên gây hấn có thể dùng để đạt được mục tiêu về lãnh thổ của mình.

Đó là lý do tại sao rất nhiều nước lựa chọn phương sách "sự đã rồi", tức là chiếm vùng đất một cách hạn chế để giảm thiểu rủi ro leo thang xung đột. "Sự đã rồi" cho phép kẻ gây hấn đơn phương thay đổi hiện trạng lãnh thổ trước khi nước mục tiêu có thể tập trung thực hiện được sự đáp trả hiệu quả. Điều này đẩy mục tiêu vào trong một vị thế khó khăn khi phải lựa chọn 2 tình huống không dễ chịu: (1) Cố gắng để đánh bật kẻ xâm lược ra khỏi vùng lãnh thổ bị chiếm và có rủi ro leo thang xung đột hoặc (2) Chấp nhận bị mất vùng lãnh thổ. Bất cứ khi nào nước gây hấn phải dùng đến phương sách "sự đã rồi", họ đều "cược" rằng vùng lãnh thổ bị mất của nước mục tiêu vừa đủ nhỏ để nước mục tiêu sẽ không phản kháng nhằm tránh sa vào một cuộc xung đột lớn hơn. Đó là lý do tại sao mà "hành động quyết đoán" và "mức độ hạn chế" bao giờ cũng là đặc tính nội tại của mọi cuộc tấn công "sự đã rồi".

Trong khi mọi chiến thuật "sự đã rồi" chỉ dính líu trực tiếp tới 2 nước, nó cũng thường lôi kéo những bên thứ 3 dính líu tới sự việc. Việc Nga sáp nhập Crimea chỉ là một phần lãnh thổ bị thiệt hại cho Ukraine, nhưng Hoa Kỳ và các nước Châu Âu lại rất quan ngại về những mối liên quan lớn hơn của việc Nga sáp nhập lãnh thổ. Các nhà lãnh đạo Châu Âu có thể được tha thứ nếu tin rằng Crimea chỉ là hành động đầu tiên và việc mở rộng sang phía tây của Nga sẽ không chỉ dừng tại Ukraine. Nhưng ngay cả khi họ tin tưởng chắc chắn rằng tham vọng lãnh thổ của Moscow cũng chỉ hạn chế, rất nhiều nước vẫn có động cơ mạnh mẽ muốn đảo ngược "sự đã rồi" mà Moscow tạo ra, bởi không làm được điều này sẽ khuyến khích nhiều nước tìm cách mở rộng vùng lãnh thổ của họ.

Nhưng "sự đã rồi" cũng là một chiến thuật được tạo ra để ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài. Sử dụng vũ lực và sự cưỡng ép trong một khoảng thời gian dài hơn sẽ tạo dịp cho phe thứ 3 như Liên Hợp Quốc hay một cường quốc nào đó xen vào hiện trạng. Bằng cách thay đổi nhanh chóng thực tế, kẻ gây hấn có thể đạt được mục tiêu lãnh thổ trước khi bên thứ 3 nào có thể can thiệp. Khi đối diện với thực tế đã rồi, các bên thứ 3 chỉ có thể can thiệp bằng cách thử đảo ngược vùng lãnh thổ mà bên gây hấn đã đạt được, việc này thường đòi hỏi phải sử dụng vũ lực. Mà sử dụng vũ lực thì rủi ro và tốn kém, vậy nên phe thứ 3 sẽ không muốn can thiệp một khi "sự đã rồi" đã xảy ra.

Vì vậy chiến thuật "sự đã rồi" thường nhắm vào 2 mục tiêu cùng lúc: nạn nhân trực tiếp và bên thứ 3 có tiềm năng can thiệp vào ý đồ của kẻ gây hấn. Khi thực hiện chiến thuật "sự đã rồi", bên gây hấn tìm cách để giảm thiểu 2 kiểu rủi ro: (1) rủi ro của một cuộc xung đột kéo dài (nếu bên mục tiêu quyết định đáp trả) và (2) rủi ro của một cuộc xung đột lớn hơn (nếu phe thứ 3 quyết định can thiệp).

Thực tế về cách đối phó với vùng lãnh thổ bị mất sau "sự đã rồi"

Giả định rằng trong dài hạn các nước luôn tìm cách đòi lại vùng lãnh thổ đã mất, quốc gia đối mặt với "sự đã rồi" có 2 lựa chọn cơ bản trong ngắn hạn: họ có thể nhanh chóng thử chiếm lại vùng lãnh thổ đã mất hoặc họ có thể chờ một thời điểm có nhiều cơ hội hơn trong tương lai để lấy lại. Việc quyết định, đáp trả tức thì hay trì hoãn, xoay quanh hai yếu tố mang tính then chốt: giá trị của vùng lãnh thổ tranh chấp và mức độ thu hút công luận của "sự đã rồi"

Một vùng lãnh thổ tranh chấp có thể có giá trị cao vì lý do chiến lược hay biểu tượng. Một vùng lãnh thổ chiến lược thường mang lại những lợi thế tức thì cho quốc gia kiểm soát nó. Bán đảo Crimea và căn cứ hải quân Sevastopol và Eo biển Malacca là những ví dụ về lãnh thổ chiến lược. Có những vùng lãnh thổ quan trọng bởi chúng mang một biểu tượng quan trọng, như vùng đất được coi là thiêng liêng (như Núi Đền/Haram al-Sharif) hoặc bởi chúng tượng trưng cho những cuộc tranh giành quyền lực lớn hơn (như Berlin trong Chiến tranh Lạnh).

Giới lãnh đạo của một quốc gia khi đối mặt với việc bị mất một vùng lãnh thổ có giá trị cao cần có động cơ mạnh mẽ để ngay lập lức đánh bật bên xâm lược, bởi mất đi một vùng lãnh thổ quan trọng có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Kể cả khi an ninh không ảnh hưởng, sự thất bại trong việc đáp trả ngay lập tức "sự đã rồi" có thể dẫn tới sự trừng phạt về chính trị khắt khe khi công chúng không thể dung thứ cho việc mất đi một vùng lãnh thổ quan trọng mang tính biểu tượng. Đó là lý do tại sao Ukraine phải đáp trả ngay lập tức nhằm chiếm lại Crimea sau khi Nga sáp nhập mảnh đất này vào năm 2014.

Điều gì xảy ra khi "sự đã rồi" nhắm vào một vùng lãnh thổ có rất ít giá trị thực chất? Trong những trường hợp như vậy, các nhà lãnh đạo có thể sẽ đáp trả ngay lập tức chỉ khi biến cố "sự đã rồi" hiển hiện rõ ràng với công chúng. Khi Argentina chiếm đảo Southern Thule vào năm 1976, chính phủ Callaghan [Anh quốc] đã mắt nhắm mắt mở với sự cố này và giữ bí mật với nghị viện và cả nhân dân trong 18 tháng trước khi "sự đã rồi" được công chúng biết tới. Ngược lại, khi Argentina chiếm đảo Falklands vào năm 1982, bà Thatcher đã ngay lập tức kháng nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đưa hải quân qua Đại Tây Dương để chiếm lại những hòn đảo này.

Cả quần đảo Falkland và Southern Thule đều không có nhiều giá trị đối với các nhà hoạch định chính sách Anh quốc. Điểm khác biệt mang tính quyết định ở đây là Argentina đã bí mật chiếm Southern Thule trong khi lại công khai đánh chiếm Falklands. Bởi vụ xâm lược Falklands là một sự kiện công khai, nó trực tiếp tấn công vào niềm tự hào quốc gia làm bẽ mặt nước Anh. Bà Thatcher không có cách nào khác là đáp trả ngay lập tức hành động "sự đã rồi" của Argentina. Bởi nếu không đáp trả bà sẽ tự phơi bày cho các đối thủ chính trị tấn công và làm cho chính phủ của mình sụp đổ.

Ngăn chặn âm mưu "sự đã rồi" trên Biển Đông

Mặc dù Trung Quốc không sử dụng quân đội để mở rộng sự kiểm soát lãnh thổ trên Biển Đông trong những năm gần đây nhưng cũng không có lý do gì để vừa lòng với việc này. Rốt cuộc, thì trong các nước đòi hỏi chủ quyền ở những vùng tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc là nước duy nhất đã sử dụng vũ lực để chiếm các đảo đang do những nước khác kiểm soát. Họ đã chiếm đóng một cách phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.

Năm 1988, hải quân Trung Quốc đã nổ súng để chiếm quyền kiểm soát một loạt các đảo của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Tiếp theo là sự cố trên Đá Vành Khăn [thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam] năm 1995 và gần đây nhất là việc xâm chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Tất cả những điều trên nhắc nhở chúng ta rằng Bắc Kinh sẽ lựa chọn sử dụng vũ lực khi họ không tìm thấy cách nào khác để ép buộc các nước khác phải chấp nhận yêu sách của mình trong khu vực tranh chấp.

Nguy cơ của việc Trung Quốc thực hiện chiến thuật "sự đã rồi" trên Biển Đông rất cao bởi rất nhiều yếu tố mang lại lợi thế cho họ. Với sự lệ thuộc về kinh tế bất đối xứng ở mức độ cao với Trung Quốc, các nước láng giềng như Philippines hay Việt Nam sẽ phải trả cái giá khổng lồ khi cố gắng lấy lại quyền kiểm soát một hòn đảo mà Trung Quốc đã chiếm đóng. Hơn nữa, với cán cân sức mạnh nghiêng về phía Trung Quốc, các nước nhỏ hơn sẽ không chọn phương sách sử dụng vũ lực để đẩy lùi đội quân xâm chiếm của Trung Quốc, vì e ngại sự đáp trả sẽ gây ra một cuộc xung đột lớn và gây tàn phá nhiều hơn.

Ở điểm này, Hoa Kỳ là cường quốc có năng lực nhất trong việc ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc trên Biển Đông. Lý tưởng thì Hoa Kỳ sẽ tuyên bố rằng họ không dung thứ cho bất cứ nỗ lực nào giải quyết tranh chấp bằng vũ lực, giống như họ đã úp mở đe dọa sẽ ngăn chặn một cuộc xâm lược tiềm tàng vào Đài Loan. Tuy nhiên, điều này nhiều khả năng sẽ không sớm xảy ra bởi hành vi của Hoa Kỳ cho thấy họ đang thiếu quyết tâm để thách thức trực tiếp Trung Quốc trên Biển Đông.

Hiện tại, cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc thực hiện chiến lược "sự đã rồi" là tìm cách khiến Bắc Kinh nhận thức được rằng họ không có cách nào để chiếm được các đảo qua việc thực hiện một "sự đã rồi" thật nhanh chóng và không đổ máu. Các nước ngày càng dựa vào chiến thuật "sự đã rồi" hơn là dùng chiến tranh hay áp lực bởi họ tin rằng đó là cách ít tốn kém, ít rủi ro để có thể đạt được các mục tiêu về lãnh thổ. Vậy nên, "sự đã rồi" sẽ là giải pháp ít hấp dẫn hơn nếu những chủ thể định thực hiện nó được cho thấy là chiến thuật này sẽ đem lại nhiều rủi ro và tổn thất hơn mức họ hình dung trước đó rất nhiều.

Vì vậy, những nước có nguy cơ bị xâm lấn lãnh thổ qua chiến thuật "sự đã rồi" phải chứng minh cho những kẻ gây hấn tiềm năng thấy được rằng quốc gia mình chắc chắn sẽ quyết tâm cao độ để giành lại lãnh thổ một khi bị xâm lấn, bất kể giá trị thực chất của những vùng lãnh thổ này lớn hay nhỏ. Để việc răn đe nhằm ngăn chặn này đáng tin cậy, các nhà lãnh đạo phải chịu hy sinh sự linh hoạt trong chính sách, phải "tự trói tay mình" [để không bị đối phương nài "linh hoạt"] bằng cách nâng cao nhận thức của công chúng về những vùng lãnh thổ đang có tranh chấp, qua đó đảm bảo sẽ có sự phản ứng mạnh mẽ của người dân nếu vùng tranh chấp bị xâm lược.

Các nước cũng nên đưa quân đội tới bảo vệ những vùng lãnh thổ dễ bị xâm lấn bằng chiêu "sự đã rồi". Trong trường hợp cực đoan, phải thuyết phục quần chúng tới sinh sống ở những hòn đảo vốn không thể cư trú, bằng cách cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết để có thể tạo dựng một cuộc sống bình thường. Những biện pháp này sẽ giúp tăng cường "tính đáng tin" của những lời đe dọa trả đũa. Trước hết, nó loại trừ được khả năng lãnh thổ bị xâm lấn lén lút. Quan trọng hơn, nó đảm bảo rằng giới lãnh đạo của quốc gia mục tiêu sẽ buộc phải đáp trả những thách thức về lãnh thổ, bằng không phải đối mặt với nguy cơ mất đi quyền lực/vai trò trong nước./. 

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.