Chủ đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 6
Tuesday, November 22, 2011 9:36 AM GMT+7
Bất chấp mong muốn của Trung Quốc là không quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, hầu hết các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cấp cao Đông Á đã đề cập chủ đề nóng này tại Bali cuối tuần rồi.

Hội nghị quy tụ các nguyên thủ của 18 quốc gia tại Bali thu hút sự chú ý đặc biệt bởi hai điểm đặc biệt: lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tham gia, và cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Sức nóng bắt đầu tăng ngay từ khi hội nghị chưa bắt đầu, khi các quan chức ngoại giao Mỹ, và trong ASEAN là Philiippines, dẫn đầu chủ trương bàn về Biển Đông tại diễn đàn này. Ngoại trưởng Philippines yêu cầu các nước ASEAN cần đóng vai trò quyết định trong việc đề ra hướng đi cho tranh chấp. Manila muốn có một hội nghị thượng đỉnh của ASEAN bàn về an ninh hàng hải và các tranh cãi trên Biển Đông.

Biển Đông là nơi có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc với nhiều nước trong khối ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Đề nghị của Manila được các quan chức ASEAN ghi nhận và xem xét. Về phần mình, Philippines cho thấy họ là quốc gia tích cực đề cập đến tranh chấp Biển Đông nhất trong dịp này. Chính phủ của tổng thống Bengnino Aquino cũng nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ trong vấn đề an ninh quốc phòng.


Ngoại trưởng Mỹ tuần qua đã đến thăm Philippines nhân kỷ niệm 60 năm ký hiệp ước phòng thủ chung giữa hai đồng minh. Bà Clinton khẳng định Mỹ duy trì trợ giúp an ninh cho Manila trong việc chống khủng bố ở miền nam, đồng thời tăng cường hậu thuẫn nước này bảo đảm an ninh hàng hải và chủ quyền. Washington sẽ cấp gần như miễn phí cho Philippines một tàu chiến để tuần tra bờ biển. Trước đó, Manila đã mua con tàu đang là soái hạm của hạm đội già cỗi của quốc đảo này.


Trong khi những lời kêu gọi bàn bạc về Biển Đông ở các hội nghị ASEAN và EAS được Manila đưa ra, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố rằng các hội nghị đó không phải là nơi thích hợp để thảo luận. Bắc Kinh khẳng định chỉ đàm phán "với các bên liên quan trực tiếp" trong tranh chấp Biển Đông, và thêm rằng sự can thiệp của "các lực lượng bên ngoài" có thể khiến tình hình bất ổn.


Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Mỹ quan tâm đến an ninh hàng hải và tự do thương mại trong khu vực, vì thế việc nói đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là "hoàn toàn thích hợp". Từ năm 2010, trong một phát biểu gây chú ý tại Diễn đàn an ninh khu vực tổ chức tại Hà Nội, bà Clinton nói rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm an toàn hàng hải trên Biển Đông. Tuyên bố này được nhắc lại nhiều lần kể từ đó.


Quan sát hàng loạt tuyên bố được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra trong chuyến công du 9 ngày đến châu Á Thái Bình Dương, có thể thấy Mỹ đang hiện thực hóa chiến lược trở lại và lãnh đạo ở vành đai, như lời khẳng định của Obama khi ở Australia: "Đây là nơi chúng tôi ở lại". Chỉ trong khoảng thời gian một tuần, Obama thu được sự hậu thuẫn cho hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - tạo lập khối liên kết kinh tế rất lớn trong đó không có Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố đưa thủy quân lục chiến đến đồn trú ở bắc Australia, nơi rất gần với Biển Đông. Mỹ cũng tuyên bố về một chuyến thăm lịch sử của ngoại trưởng Mỹ đến Myanmar, sau nửa thế kỷ.


Những bước đi trên cho thấy một sự "đổ bộ" khổng lồ của Mỹ vào khu vực có trọng tâm chiến lược ngoại giao mới của họ, và can dự vào tranh chấp Biển Đông chỉ là một phần trong chiến lược đó.


Nhìn các đồng minh quan trọng từ Nhật, Hàn Quốc, qua Philippines xuống đến Australia, với các căn cứ quân sự ở trên đất đồng minh và tại Guam, Hawaii, một số nhà phân tích cho rằng Mỹ đang tìm cách bao vây Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có nhiều học giả khác khẳng định chính sách của ông Obama hoàn toàn không bao vây, mà chỉ là can dự và phòng ngừa.


Bên lề hội nghị EAS, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Obama - và Trung Quốc - thủ tướng Ôn Gia Bảo - là sự kiện được trông đợi hàng đầu. Sau cuộc gặp, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng nước này cam kết đảm bảo an toàn các đường hàng hải và ca ngợi Mỹ "là một thành tố quan trọng ở châu Á kể từ sau Thế chiến II".


Về các lo ngại của Mỹ, ông Lưu cho rằng tự do giao thương không phải là vấn để trên Biển Đông, và rằng các bên tham gia trong khu vực đang được hưởng tự do hơn ai hết. Cuộc nói chuyện giữa ông Obama và ông Ôn là "thẳng thắn", theo lời ông Lưu, và Trung Quốc sẵn sàng bàn bạc về một bộ quy tắc ứng xử (COC) ràng buộc hơn. Đây là điều mà nhiều nước ASEAN đang mong muốn.


Ngoài ra, Trung Quốc lại cam kết tài trợ 3 tỷ nhân dân tệ, tức 472 triệu USD, để ủng hộ việc kết nối mạng lưới hàng hải giữa các nước ASEAN.


Liệu có thể hy vọng rằng với tuyên bố về tương lai của một COC như trên, Biển Đông sẽ lặng hơn sau quãng thời gian nổi sóng từ đầu năm đến nay không? Các nhà phân tích bình luận về thái độ mềm dẻo của Bắc Kinh trong tuần qua như sau.


"Khi bị áp đảo số lượng trên mặt trận ngoại giao, trong khi Mỹ lại lảng vảng ngoài kia như một tay giám sát, Trung Quốc phải co vào phòng thủ", Gary Li, một nhà phân tích thuộc Exclusive Analysis Ltd., hãng chuyên tư vấn kinh tế ở London, nói.


"Việc Trung Quốc ôn hòa là để ngăn các thành viên của ASEAN khỏi ủng hộ chính sách của Washington", ông Willy Wo-Lap Lam, giáo sư sử học của Đại học Trung Hoa ở Hong Kong, viết cho
Bloomberg. "Những cử chỉ xoa dịu sẽ đi kèm với chính sách ngoại giao đôla: viện trợ phát triển sẽ được rót vào các nước ASEAN, đặc biệt là những nước không đi theo tiếng kèn của người Mỹ".

N.L. (theo vnexpress)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.