Vấn đề Biển Đông trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc – Kỳ 1
Tuesday, December 20, 2011 4:53 AM GMT+7
Biển Đông bước sang thế kỷ XXI trước triển vọng bắt đầu một thời kỳ mới hòa bình, ổn định và hợp tác trong quan hệ Việt – Trung khi “Hiệp định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa”; “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa” được ký kết vào thời điểm cuối cùng của thế kỷ XX. Cùng thời điểm đó, “Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa” đã được tuyên bố.
Thực tế đã diễn ra trong những năm qua cho thấy, tuy xu thế chung là hòa bình, ổn định vẫn được duy trì, nhưng tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp, ẩn chứa những nguy cơ trong quan hệ quôc tế nói chung cũng như trong quan hệ Việt – Trung nói riêng.
Về vấn đề Biển Đông, bản Tuyên bố chung Việt – Trung năm 2000 nêu rõ: “Hai bên cam kết sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các thỏa thuận liên quan đã ký kết giữa hai nước, tích cực hợp tác, nỗ lực xây dựng biên giới hai nước thành biển giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài. Hai bên khẳng định tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện có về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình để tìm ra một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Trước khi vấn đề được giải quyết, với tinh thần dễ trước khó sau, hai bên tích cực bàn bạc, tìm kiếm khả năng và giải pháp triển khai hợp tác trên biển trong các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường biển, khí tượng, thủy văn, phòng chống thiên tai. Đồng thời, hai bên đều không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên cần bàn bạc kịp thời và giải quyết thỏa đáng những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh, xây dựng, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước”(1).
Những cam kết của hai bên Việt – Trung liên quan đến vấn đề Biển Đông bước đầu đã được thực hiện. Trong những năm qua, Biển Đông đã duy trì được cục diện hòa bình. Hợp tác kinh tế Việt – Trung trong Vịnh Bắc Bộ đã được triển khai. Mặt khác, thực tiễn 10 năm qua cũng cho thấy, việc thực hiện cam kết của hai bên Việt – Trung liên quan đến vấn đề Biển Đông vẫn đứng trước những khó khăn phức tạp, đòi hỏi hai bên phải tiếp tục nỗ lực tăng cường hợp tác, phát huy những thành quả đã đạt được và khắc phục những trở ngại trong quan hệ giữa hai nước.
Hai hiệp định “Phân định Vịnh Bắc Bộ” và “Hợp tác nghề cá” được ký ngày 25/12/2000 nhưng phải mất 03 năm đàm phán hết sức căng thẳng, ngày 27/01/2004, Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ mới được ký kết, và hai hiệp định được ký kết nói trên đến ngày 20/6/2004 mới bắt đầu có hiệu lực. Kể từ đó đến nay, tuy hòa bình vẫn được duy trì, nhưng ổn định thì thường bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề bất đồng nảy sinh trong quan hệ giữa hai nước về vấn đề Biển Đông.
Về hợp tác phát triển, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 5/2004 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tháng 10/2004, lãnh đạo hai chính phủ đã đạt được thỏa thuận về “Chiến lược hợp tác quốc tế Trung – Việt” theo mô hình “Hai hành lang một vành đai”. Từ năm 2006, phía Trung Quốc lại đề xuất ý tưởng hợp tác kinh tế Trung Quốc – ASEAN theo mô hình “Một trục hai cánh” trong đó “hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng” có vai trò đặc biệt quan trọng. Lồng ghép hai mô hình hợp tác kinh tế Trung – Việt và hợp tác Trung Quốc – ASEAN tạo điều kiện cho hai nước Trung Quốc và Việt Nam tìm ra phương thức hợp tác song phương khai thác BĐ có hiệu quả hơn.
Kinh nghiệm 10 năm đầu của thế kỷ XXI cho thấy: vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền và vấn đề hợp tác phát triển thường tác động lẫn nhau, giải quyết tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề kia, và ngược lại. Trong 10 năm qua, nhìn chung lãnh đạo hai nước đã cố gắng “bàn bạc kịp thời và giải quyết thỏa đáng những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh, xây dựng, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước” như đã cam kết trong “Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới”. Năm 2010, “Năm Hữu nghị Việt – Trung” (nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung) đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Trong 10 năm tới, tình hình hai nước Việt – Trung, tình hình khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những thay đổi to lớn và sâu sắc, vấn đề Biển Đông trong quan hệ Việt – Trung cũng như trong quan hệ khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ có nhiều diễn biến quan trọng và phức tạp. Trước tình hình mới, lãnh đạo và học giả hai nước cần có sự nghiên cứu rút kinh nghiệm từ 10 năm qua, đưa quan hệ Việt – Trung trong vấn đề Biển Đông sang giai đoạn mới, bảo đảm hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho hợp tác phát triển giữa hai nước và trong khu vực.
1. Nhìn lại quan hệ Việt - Trung trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông từ năm 2001 đến nay
Trước hết, cần khẳng định “Hiệp định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa”; “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa” được ký kết ngày 25-12-2000 đã đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình giải quyết tranh chấp Biển Đông và hợp tác khai thác Biển Đông giữa hai nước.
Vịnh Bắc Bộ trong lịch sử chưa bao giờ được phân định chủ quyền. Do vậy, “Hiệp định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa” được ký kết là một sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước. Quá trình đi tới kết quả này cũng không phải dễ dàng đơn giản. Trong 10 năm (1991-2000), trải qua 07 vòng đàm phán cấp chính phủ, 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên Nhóm công tác liên hợp, 09 vòng họp không chính thức Tổ chuyên viên liên hợp, 10 vòng họp Tổ chuyên gia đo vẽ phục vụ phân định và xây dựng tổng đồ Vịnh Bắc Bộ, vv… mới đi tới việc ký kết Hiệp định, và sau hơn ba năm rưỡi, tới ngày 30-6-2004, Hiệp định mới có hiệu lực. Phía Trung Quốc đã kiên quyết để ký kết một Hiệp định về hợp tác nghề cá, coi đó là điều kiện tiên quyết để ký Hiệp định phân giới Vịnh Bắc Bộ. Những gì diễn ra trong thời gian đó chứng tỏ vấn đề Biển Đông trong quan hệ Việt – Trung thật không đơn giản, nhưng nếu hai bên có thiện chí và quyết tâm thì vẫn có thể giải quyết được.
Hiệp định về phân định trong Vịnh Bắc Bộ phù hợp với lập trường của Việt Nam cũng như xu hướng chung của quốc tế trong việc sử dụng đường biên giới đơn nhất cho cả thềm lục địa và đặc quyền kinh tế với các khu vực có bề rộng không quá 400 hải lý. Hiệp định đã quy định đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ, được xác định bằng 21 điểm có tọa độ địa lý xác định, nối tuần tự với nhau bằng các đoạn thẳng. Đường phân định đã dành cho Việt Nam phần diện tích lớn hơn Trung Quốc khoảng 8000 km2 (với tỉ lệ 1,135:1), đó là một kết quả công bằng và có thể chấp nhận. Việc Quốc hội hai nước hơn ba năm sau mới phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực không phải do bản thân Hiệp định này, mà là do Hiệp định này gắn liền với Hiệp định hợp tác nghề cá gây tranh cãi trong quá trình soạn thảo Nghị định thư.
Từ sau ngày Hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ được ký kết và có hiệu lực, tuy có nảy sinh những vấn đề va chạm quy mô nhỏ, nhưng nhìn chung hòa bình và ổn định trong quan hệ hai nước đã được duy trì, tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế Việt - Trung trong “vành đai” Vịnh Bắc Bộ.
Vấn đề chủ yếu nhất hiện nay là Biển Đông nói chung, với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm toàn bộ từ năm 1974. Quần đảo Trường Sa hiện nay không phải là vấn đề tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà là vấn đề tranh chấp đa phương giữa 05 nước 06 bên: Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Tuy nhiên hòa bình ổn định trên Biển Đông còn liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia, kể cả Mỹ, Nhật… nhưng trước hết là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Hợp tác vì an ninh và phát triển giữa các quốc gia ven bờ Biển Đông là một nhu cầu quan trọng và là xu thế tất yếu trong quan hệ giữa các nước đó. Bởi lẽ trong một thời gian còn rất dài, vấn đề tranh chấp chủ quyền sẽ chưa thể giải quyết được (qua thương lượng nội bộ hoặc qua Tòa án quốc tế, vì Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể bàn cãi” trong khi các quốc gia khác coi chủ quyền của mình ở Biển Đông có ý nghĩa chiến lược không thể thỏa hiệp được). Trong khi đó, hòa bình và ổn định Biển Đông không những là lợi ích sống còn của các nước ven bờ, mà còn liên quan đến lợi ích của các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ… về tự do hàng hải và thương mại quốc tế. Các nhà lãnh đạo ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ gần đây đã đặc biệt nhấn mạnh “lợi ích quốc gia” của họ tại Biển Đông. Trong bối cảnh đó, hợp tác vì an ninh và phát triển ở Biển Đông không những phù hợp với lợi ích của các quốc gia mà còn có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực.
Tuyên bố Phnom Pênh giữa ASEAN và Trung Quốc năm  2002 về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) là một nỗ lực nhằm duy trì hiện trạng, duy trì hòa bình ổn định để hợp tác phát triển ở Biển Đông trong khi chưa có một bộ luật về ứng xử của các bên trên Biển Đông có tính ràng buộc về pháp lý. Bản Tuyên bố khẳng định “Các bên liên quan tham gia để giải quyết các tranh chấp và lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không dựa trên đe dọa, hay sử dụng vũ lực; thông qua trao đổi thân thiện và đàm phán giữa các quốc gia trực tiếp liên quan, dựa theo những nguyên tắc được cả thế giới công nhận của luật quốc tế, bao gồm cả Công ước LHQ về Luật biển năm 1982” 1. DOC cam kết “tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông” và “tự hạn chế thực hiện các hoạt động có thể làm phức tạp, hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định…”. Kể từ khi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 được ký kết, đã không xảy ra vụ xung đột quân sự nào giữa các bên nhằm tranh giành chủ quyền biển đảo. Mặc dầu tuyên bố đó không có tính ràng buộc về pháp lý, và việc “xây dựng lòng tin” giữa các bên vẫn còn hạn chế, nhưng việc duy trì hòa bình ổn định tương đối đã tạo bối cảnh cho hợp tác an ninh và phát triển giữa các nước trong khu vực có những tiến triển nhất định.
Vấn đề là cho tới nay, DOC vẫn chưa có một bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. Mọi người cũng đang hi vọng đạt tới một Bộ luật ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc có tính ràng buộc về pháp lý, các bên tham gia phải tuân thủ.
Ý nghĩa của DOC cần được khẳng định, nhưng cũng phải thấy rằng, việc thực hiện DOC thật không dễ dàng. Từ năm 2009, các cuộc thảo luận về việc thực hiện DOC đã đi vào bế tắc do Trung Quốc chủ trương chỉ thương lượng song phương mà không muốn bàn bạc đa phương với ASEAN. 2
Trong khoảng thời gian từ cuối 2007 đến nay, Trung Quốc đã thực hiện một loạt những hoạt động làm cho tình hình an ninh khu vực Biển Đông xấu đi và quan hệ Trung – Việt trở nên căng thẳng hơn. Có thể nêu ra một số sự kiện đáng chú ý nhất sau:
- Trung Quốc đã phái tàu “Ngư chính” xuống Biển Đông, nói là để tăng cường quản lý nghề cá, thực tế là để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
- Lực lượng tuần tiễu quân sự của Trung Quốc gây sức ép để các công ty năng lượng nước ngoài (BP của Anh, Exxon Mobile của Mỹ…) phải ngừng hoạt động hợp tác thăm dò khai thác dầu khí với Việt Nam.
- Thành lập huyện đảo “Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam, trực tiếp quản lý ba quần đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàn Sa và Trường Sa, nhằm hợp pháp hóa về mặt hành chính chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo đó.
- Đơn phương tuyên bố lệnh cấm bắt cá ở một số vùng trong khu vực Biển Đông. Ngày càng gia tăng xua đuổi, bắt giữ tàu cá, tịch thu lưới cụ, đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam…, khi họ đang lao động trong vùng đánh bắt cá truyền thống lâu đời và yên lành của họ.
- Đáng chú ý hơn là tháng 5-2209, Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt sau khi Việt Nam và Malaysia đệ trình lên “Ủy ban ranh giới Thềm lục địa” của LHQ yêu sách chung về thềm lục địa ở Biển Đông. Nhân cơ hội này, lần đầu tiên Trung Quốc đã trình lên LHQ một văn bản chính thức về yêu sách chủ quyền đối với vùng “lưỡi bò” chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông và bao trọn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Trung Quốc luôn tuyên bố chủ trương giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng cơ chế đàm phán song phương, phản đối giải quyết qua cơ chế đàm phán đa phương.
- Trong năm Việt Nam làm chủ tịch luân phiên ASEAN, Trung Quốc đã tăng sức ép ngoại giao để vấn đề Biển Đông nằm ngoài các chương trình nghị sự Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị liên quan.
- Chỉ trong năm 2010, nhằm tăng sức ép quân sự với các bên có liên quan đến tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành 04 cuộc tập trận quy mô lớn ven bờ biển:
Thứ nhất, đầu tháng 4-2010, Hải quân Trung Quốc đã huy động 16 tàu chiến từ các hạm đội Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải phối hợp hành quân di chuyển ven bờ biển Trung Quốc từ Bắc xuống Nam, diễn tập bắn đạn thật, và tác chiến chống tàu ngầm của kẻ địch giả định tấn công Trung Quốc. Các tàu chiến tham gia tập trận hải quân Trung Quốc đã vượt qua vùng biển Okinawa, tiến đến eo biển Malacca, (trước đó chỉ có hạm đội Nam Hải hoạt động ở Biển Đông). Cuộc tập trận này chứng tỏ Trung Quốc đã tăng cường lực lượng hải quân, có sự phối hợp với không quân, có thể vươn tới Trường Sa và những mục tiêu xa hơn nữa.
Thứ hai, vào đầu tháng 7-2010, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận thứ hai nhằm phản ứng lại cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn ở biển Hoàng Hải sau sự kiện tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đánh đắm. Các tàu chiến tham gia tập trận chống tàu ngầm, trong khi các máy bay cất cánh từ đất liền tiến hành các đợt ném bom.
Thứ ba, vào cuối tháng 7-2010, Trung Quốc đã tiếp tục tổ chức cuộc tập trận thứ ba với quy mô chưa từng có, đó là cuộc tập trận phối hợp giữa ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, đặc biệt có sự tham gia của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Tung Quốc Trần Bỉnh Đức. Cuộc tập trận đã huy động các tàu chiến hiện đại nhất và thực hiện phóng tên lửa thật.
Thứ tư, vào ngày 2-11-2010, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận thứ tư được gọi là Giao Long 2010 tại Biển Đông với sự tham gia của hơn 100 tàu chiến, tàu ngầm, với sự phối hợp của lực lượng không quân.
- Tháng 8-2010, tàu lặn của Trung Quốc cũng đã cắm cờ Trung Quốc xuống đáy Biển Đông để chứng minh chủ quyền.
Nghiêm trọng hơn cả, trong những tháng gần đây của năm 2011, Trung Quốc tăng cường gây hấn trên Biển Đông, làm cho tình hình khu vực bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI hết sức phức tạp.
- Đối với Philippin, trong chưa đầy 4 tháng đầu năm 2011, tàu Trung Quốc đã bảy lần xâm nhập lãnh hải và tấn công tàu của Philippin. Đặc biệt, ngày 31-5, Bộ Ngoại giao Philippin đã phải triệu tập đại diện Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối việc tàu hải giám, tàu hải quân Trung Quốc dỡ vật liệu xây dựng một số cột trụ và thả phao ở vị trí bãi cỏ rong, nằm phía Tây Nam Reed Bank trong phạm vi vùng đặc quyền 200 hải lý của Philippin.
- Đối với Malaysia, trong các ngày 29 đến 30-4, các tàu Ngư chính của Trung Quốc đã đối đầu với tàu chiến và máy bay của Malaysia khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế thuộc lãnh hải Malaysia, buộc các khẩu pháo của tàu chiến Malaysia phải chĩa thẳng vào tàu Ngư chính 311.
- Đối với Việt Nam, những tháng gần đây, Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để đánh cá, có ngày lên tới 200 tàu ngang nhiên xâm phạm. Đồng thời liên tục bắt giữ tàu, ngư dân, tịch thu ngư cụ, hải sản và đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam đang đánh bắt tại vùng biển truyền thống của Việt Nam. Hành động đặc biệt nghiêm trọng do phía Trung Quốc gây ra là: Ngày 26-5-2011, giữa lúc tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang khảo sát địa chấn tại Lô 148 trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam thì bị 03 tàu hải giám mang số 72, 17, 84 của Trung Quốc tấn công. Tàu Trung Quốc đã cắp đứt cáp thăm dò của tàu Việt Nam và sau đó tiếp tục đe dọa; chưa dừng lại ở đó, vào luc 06h ngày 09-6, tàu Viking 2 do PetroVietnam thuê đang tiến hành hoạt động thăm dò thì bị tàu cá Trung Quốc mang biển hiệu 6226 lao vào tuyến cáp và bộ phận cắt cáp thông dụng đã bị mắc vào tuyến cáp của Viking 2 khiến tàu thăm dò của Việt Nam không thể hoạt động bình thường. Hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng một số tàu cá khác của Trung Quốc sau đó đã tiến vào giải cứu tàu 6226,
Những sự kiện nêu trên thật sự đã làm cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông đứng trước nhiều trở ngại:
Một là, vấn đề chủ quyền. Đây là điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề tranh chấp biển đảo. Các bên tranh chấp đều tuyên bố sẵn sàng giải quyết các tranh chấp về đảo trên cơ sở Luật quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Nhưng Công ước chỉ quy định các cơ chế giải quyết các tranh chấp biển, mà không có điều khoản nào đề cập đến việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ngoài khơi. Vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng không thể đưa ra Tòa án quốc tế phán quyết, vì theo nguyên tắc, chỉ một nước không đồng thuận, Tòa án sẽ không có thẩm quyền. Trên thực tế hiện nay, chính phủ các nước có tranh chấp khó có thể đồng thuận để đưa tranh chấp ra trước Tòa án quốc tế. Điều quan trọng là Trung Quốc không muốn đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế.
Hai là, về “đường lưỡi bò” 09 đoạn do Trung Quốc đưa ra. Hiện nay Trung Quốc và Đài Loan đều cho rằng đây là đường biên giới truyền thống trong biển Nam Hải (Biển Đông), tất cả các đảo và vùng biển trong phạm vi “đường lưỡi bò” (chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông) đều thuộc chủ quyền Trung Quốc. Các học giả Trung Quốc và Đài Loan cho rằng “đường lưỡi bò” đã được quốc tế công nhận và các nước Đông Nam Á khác đều không đưa ra ý kiến phản đối. Thực tế không phải như vậy, “đường lưỡi bò” được Chính phủ Trung Hoa Dân quốc đưa ra lần đầu tiên vào năm 1946 không có căn cứ, và gần đây, ngày 07-5-2009 chính thức có trong hồ sơ gửi LHQ của Trung Quốc. Trên thực tế thì năm 1946, Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đưa tàu và quân đội đóng giữ các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phía Trung Quốc lập luận rằng “đường lưỡi bò” là vùng nước lịch sử đặc biệt, Trung Quốc có một số quyền ưu tiên về hàng hải, đánh cá và khai thác tài nguyên. Lập luận đó không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế. Công ước Luật Biển 1982 cũng không đề cập đến khái niệm “vùng nước lịch sử”.
Ba là, quy chế về đảo. Hiện quốc tế cũng chưa đưa ra được con số thống nhất các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông (khoảng 200 hoặc hơn 200). Điềut hống nhất là hầu hết các đảo đá, bãi cạn đó đều không thích hợp cho con người đến ở. Quân đội đồn trú trên các đảo, đá, bãi đó thường phải có những công trình xây dựng đặc biệt. Công ước Luật Biển năm 1982 cũng không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về đá, dẫn tới những giải thích khai nhau về đảo, đá. Quy chế đảo ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề phân dịnh biển giữa các đảo và các lãnh thổ đất liền xung quanh. Do sự đan xen chiếm đóng, nếu các đảo đá chỉ có vùng biển 12 hải lý thì đã có hàng trăm trường hợp phải phân định ranh giới giữa chúng với nhau. Tình hình càng phức tạp khi cho các đảo, đá có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Yêu sách của Trung Quốc là các vùng biển phụ cận của quần đảo TS mở rộng vào cả vùng đặc quyền kinh tế của thềm lục địa và thềm lục địa tính từ bờ biển đất liền của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông.
Bốn là, về chủ nghĩa dân tộc. Một số người có tư tưởng dân tộc cực đoan ở Trung Quốc đã lợi dụng vấn đề tranh chấp Biển Đông để tung ra những luận điệu làm tổn hại quan hệ giữa các quốc gia có tranh chấp, đặc biệt là quan hệ Trung – Việt. Những hành vi của các nhà chức trách Trung Quốc trong việc bắt giữ, bắn giết ngư dân Việt Nam cũng đã gây trở ngại cho việc giải quyết hòa bình, thân thiện các vấn đề nảy sinh do tranh chấp Biển Đông. Gần đây lại xuất hiện vấn đề Trung Quốc đưa ra yêu sách có tính nguyên tắc về “lợi ích cốt lõi”. Biển Đông có nằm trong phạm vi “lợi ích cốt lõi” theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hay không? Đó là một vấn đề tế nhị mà nhiều người đang tranh luận.
“Lợi ích cốt lõi” được các văn kiện chính thức của Trung Quốc giải thích là “chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…”. Tuy chưa có văn kiện chính thức nào của Trung Quốc nói rõ Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc nhưng quan niệm không thành văn của lãnh đạo Trung Quốc là như vậy, và văn kiện đó có lúc đã để lộ trong một số phát biểu của người Trung Quốc, mặc dù gần đây Trung Quốc muốn phủ nhận điều đó. Giáo sư Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho biết: “Sự áp đặt của Trung Quốc ở Biển Đông đã dẫn đến mối quan ngại đặc biệt. Vào tháng 3-2010, báo chí Mỹ đã đưa tin rằng các quan chức Trung Quốc đã phát biểu với hai đặc phái viên cao cấp của Văn phòng Chính phủ rằng Biển Đông đã được nâng thành “lợi ích cốt lõi” cùng với Đài Loan và Tây Tạng, và Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ can thiệp nào ở Biển Đông. Các quan chức Trung Quốc đã phát biểu lại nội dung này trong các cuộc tiếp xúc kín với các quan chức ngoại giao nước ngoài, và thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” được sử dụng trong các bản tin báo chí Trung Quốc. Những phát biểu này đã tạo ra mức độ quan ngại mới về tham vọng chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sau đó các quan chức Bắc Kinh rút lui và bây giờ là phủ nhận đã đưa ra phát biểu như vậy. Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết nâng Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi”, điều đó sẽ ám chỉ rằng Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền của mình”3.
Khái niệm “lợi ích cốt lõi” được ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc nói rõ trong “Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung – Mỹ” lần thứ nhất ngày 28-7-2009 là gồm 03 phương diện: Bảo vệ chế độ và an ninh quốc gia; bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ phát triển ổn định bền vững về kinh tế - xã hội. Như vậy, nếu Trung Quốc coi vùng biển “lưỡi bò” với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc “chủ quyền” Trung Quốc, thuộc “toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc, thì theo logic sẽ thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Theo nguồn tin từ phía Mỹ, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steinburg tháng 3-2010, một quan chức Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố coi vấn đề Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không nhân nhượng. Nhưng sau đó, Trung Quốc phủ nhận không có tuyên bố chính thức nào đưa Biển Đông vào phạm vi “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Tất cả những gì đã diễn ra cho chúng ta nhận thức được bản chất của vấn đề là Trung Quốc vẫn coi Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của mình. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chính thức tuyên bố điều đó là không lợi trong quan hệ với ASEAN và Mỹ. Có thể đó chỉ là một thủ thuật ngoại giao tạm thời hòa hoãn lập trường “không thể nhân nhượng” của Trung Quốc. Cũng có thể Trung Quốc phủ nhận tuyên bố chính thức về “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông để còn chỗ cho khả năng đàm phán sau này với các bên. Nếu như vậy, các bên cũng không cần thiết truy cứu về vấn đề Trung Quốc có chính thức tuyên bố hay không.
Trong thời gian gần đây, một số dư luận thế giới đã nhận dịnh “Trung Quốc mềm mỏng hơn trong lập trường về Biển Đông”. Nhận định ấy đã được thể hiện trong cuộc gặp giữa ASEAN và Trung Quốc tại Côn Minh tháng 12-2010, thảo luận về “Quy tắc ứng xử trong hợp tác an ninh hàng hải”. Một số dư luận coi đây là một động thái “thể hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo hơn” của Trung Quốc. Một số dư luận trong nước Trung Quốc cũng cảnh cáo tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, và chủ trương cần có sự điều chỉnh trong chính sách đối với các nước châu Á để cải thiện tình hình. Chỉ trong tháng 11-2010, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã lần lượt đi thăm hữu nghị các nước châu Á. Chính sách của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông do đó cũng có phần mềm mỏng hơn. Nhưng mục tiêu chiến lược và lập trường nguyên tắc của Trung Quốc về vấn đề này vẫn chưa có thay đổi. Trung Quốc vẫn chưa chịu thông qua đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông. Cuối tháng 11-2010, Đại sứ Trung Quốc Trương Khởi Nguyệt đã phát biểu tại Giacacta (Indonesia) rằng: “Các tranh chấp chỉ có thể giải quyết giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền với Trung Quốc trên cơ sở song phương”. 4
TS. Nguyễn Đình Liêm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.