Vấn đề Biển Đông trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc – Tiếp theo và hết
Wednesday, December 21, 2011 12:01 AM GMT+7
Nói một cách ngắn gọn là Mỹ sẽ can thiệp nếu có bên nào “sử dụng vũ lực” để giải quyết tranh chấp, cản trở tự do hàng hải. Quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông thể hiện trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội, tháng 7-2010 đã gây phản ứng gay gắt cho phía Trung Quốc. Có thể nói, Trung Quốc có phần bất ngờ về thái độ của phía Mỹ.

Sự “trở lại châu Á”, “trở lại Đông Nam Á” của Mỹ dưới chính quyền B.Obama, cũng có nghĩa là sự “trở lại Biển Đông”. Sự “trở lại” đó đã được thể hiện mạnh mẽ trong phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.M.Gates tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 9 ở Singapore: “Biển Đông là một khu vực đang thu hút ngày càng lớn sự quan ngại. Biển ở đây không chỉ có vai trò quan trọng đối với các quốc gia ven biển, mà còn đối với các quốc gia có lợi ích an ninh và kinh tế ở châu Á. Chính sách của chúng tôi rất rõ ràng: việc duy trì ổn định, tự do hàng hải, phát triển kinh tế tự do, và không bị cản trở có một vai trò quan trọng. Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ yêu sách về chủ quyền nào, nhưng chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực và những hành động cản trở tự do hàng hải. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào gây sức ép lên các công ty của Mỹ hay bất cứ quốc gia nào tham gia vào các hoạt động kinh tế hợp pháp nơi đây. Tất cả các bên phải cùng nhau làm việc nhằm giải quyết những khác biệt thông qua các nỗ lực đa phương, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuyên bố về ứng xử năm 2002 là một bước đi quan trọng và chúng tôi hy vọng rằng việc thực thi cụ thể tuyên bố này sẽ còn tiếp tục”(5).
Nói một cách ngắn gọn là Mỹ sẽ can thiệp nếu có bên nào “sử dụng vũ lực” để giải quyết tranh chấp, cản trở tự do hàng hải. Quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông thể hiện trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội, tháng 7-2010 đã gây phản ứng gay gắt cho phía Trung Quốc. Có thể nói, Trung Quốc có phần bất ngờ về thái độ của phía Mỹ. Trước đó, tháng 5-2009, trong chuyến thăm Phillippin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Gates nói rằng Mỹ không có “lập trường nào: về các yêu sách chủ quyền, ý nói Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Phát biểu của ông Gates được phía Trung Quốc rất tán thưởng, cho rằng như vậy là Mỹ đã chấp nhận đòi hỏi về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông và Đông Nam Á nói chung. Nhưng thực ra đó chỉ một sự hiểu nhầm, hoặc là một sự hiểu nhầm có dụng ý. Khi chuẩn bị cho Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu vấn đề Biển Đông nhưng khi Diễn đàn được khai mạc tại Hà Nội (tháng 7-2010), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nêu vấn đề Biển Đông, và trong cuộc họp báo sau đó, bà đã nêu ra ba điểm về lập trường của Mỹ: Một là, Mỹ phản đối “bất cứ yêu sách nào sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực”; hai là, Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông; ba là, Mỹ đã “chuẩn bị để tạo thuận lợi cho những sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin” theo DOC năm 2002. Đại diện Trung Quốc rất bất ngờ về động thái này của phía Mỹ tại Diễn đàn. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì “rõ ràng đã bị kích động” và đã phản ứng “với một tuyên bố gay gắt và bức xúc, cho rằng đây là kế hoạch vận động đã được chuẩn bị trước”. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã rời bỏ cuộc họp với tâm trạng bực bội trong một tiếng đồng hồ, và khi quay lại ông đã đưa ra một bài phản bác dài 30 phút không chỉ công kích Mỹ mà công kích cả Việt Nam và Singapore, ý muốn nói Việt Nam và Singapore đã cùng Mỹ có kế hoạch vận động đưa vấn đề Biển Đông ra ARF lần này.
Nhìn lại quan hệ Việt – Trung trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông thời gian qua, chúng ta có thể thấy những thành tựu đã đạt được và những vấn đề tồn tại cần giải quyết.
- “Hiệp định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa Nước CHXHCN Việt Nam và Nước CHND Trung Hoa” (ký ngày 25-12-2000). Tuy gặp trở ngại trong quá trình soạn thảo (Nghị định thử) về hợp tác nghề cá (chủ yếu là vấn đề quy định số lượng tàu thuyền của hai bên được hoạt động đánh cá trong khu vực hợp tác) nhưng cuối cùng đã được Quốc hội hai nước phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30-6-2004.
- Những cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Trung Quốc và Việt Nam về các vấn đề trên biển tuy chưa đạt được kết quả mong muốn, nhưng sự tồn tại cơ chế đàm phán đó có tác dụng, có lợi cho sự duy trì cục diện ổn định trong quan hệ giữa hai nước trên Biển Đông.
- Giải quyết triệt để vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông bằng những giải pháp hai bên đều chấp nhận chắc chắn không thể thực hiện trong tương lai gần, do sự phức tạp của cuộc tranh chấp. Do vậy, các bên (nhất là hai bên Trung – Việt) cần có những giải pháp tạm thời mà các bên có thể chấp nhận được trên nguyên tắc bảo đảm hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho hợp tác phát triển, đồng thời tạo điều kiện về lâu dài để tiến tới những giải pháp giải quyết triệt để vấn đề thông qua con đường đàm phán hòa bình.
2. Nhìn lại hợp tác kinh tế Việt – Trung trên Biển Đông
Hợp tác kinh tế Việt – Trung trên Biển Đông có thể nói là bắt đầu từ “Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Nước CHXHCN Việt Nam và Nước CHND Trung Hoa” (ký ngày 25-12-2000). Hiệp định này đã đạt được qua đàm páhn trong thời gian ngắn 05 tháng (so với thời gian Trung Quốc và Nhật Bản phải qua 05 năm đàm phán mới đạt được thảo thuận về hợp tác nghề cá giữa hai nước), nhưng phải hơn 03 năm sau, Nghị định thư mới được hoàn tất và Hiệp định mới có hiệu lực.
Hiệp định hợp tác nghề cá Việt – Trung quy định hai bên thiết lập một Vùng đánh cá chung nằm dưới vĩ tuyến 20oN và có bề rộng khoảng 30 hải lý tính từ đường phân định ra hai bên. Hai bên đồng ý sẽ bàn về các giải pháp quá độ trong vòng 04 năm cho hoạt động nghề cá của mỗi bên trong vùng đặc quyền kinh tế của bên kia ở trên vĩ tuyến 20oN trên cơ sở Công ước 1982. Hai bên đồng ý tiến hành hiệp thương về việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vũng tài nguyên sinh vật ở Vịnh Bắc Bộ cũng như những công việc hợp tác có liên quan đến bảo tồn, quản lý và sử dụng tài nguyên sinh vật ở vùng đặc quyền kinh tế hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. Thời gian Hiệp định có hiệu lực là 12 năm, và 03 năm mặc nhiên gia hạn. Hết thời hạn này, hai bên có thể tiếp tục hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ thông qua hiệp thương hữu nghị.
Trong những năm đầu thực thi Hiệp định, việc quản lý nghề cá của mỗi nước được triển khai trong tình hình mới cho thấy, sự phối hợp quản lý giữa hai bên chưa được chặt chẽ, nên đã để xảy ra một số vụ va chạm đáng tiếc. Từ năm 2008 tới nay, tình hình đó đã bước đầu được cải thiện.
Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khởi xướng Kế hoạch hợp tác kinh tế Việt – Trung theo mô hình “Hai hành lang, một vành đai”, mở ra một triển vọng mới cho hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước tại “Vành đai Vịnh Bắc Bộ”.
Vịnh Bắc Bộ là một bộ phận của Biển Đông. Ven bờ Vịnh Bắc Bộ có các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam của Trung Quốc, các tỉnh Quản Ninh, thành phố Hải Phòng, cacs tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An của Việt Nam. Các địa phương của Trung Quốc và Việt Nam nói trên có tài nguyên phong phú và điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi để phát triển. Nhưng kinh tế các địa phương đó nói chung vẫn còn lạc hậu, và nếu có sự liên kết lại thì sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để hợp tác với nhau, bổ sung cho nhau cùng phát triển. “Thông cáo chung Trung – Việt” nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ôn Gia Bảo (tháng 10-2005) và trong “Thông cáo chung Việt – Trung” nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 8-2006) đều nhấn mạnh ý nghĩa của hợp tác kinh tế Việt – Trung theo ý tưởng “Hai hành lang, một vành đai”.
Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ có một vị trí thuận lợi: Nằm ở vùng giao nhau giữa Trung Quốc và ASEAN, có thể huy động được những nguồn lực rất to lớn và phong phú để phát triển, và có hệ thống giao thông trên biển kết hợp với trên bộ, kết nối với nhau tạo điều kiện rất thuận lợi cho giao lưu kinh tế giữa các khu vực xung quanh.
Tháng 7-2006, tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ được tổ chức tại Nam Ninh, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Quảng Tây Lưu Kỳ Bảo đã đề xuất ý tưởng hợp tác kinh tế Trung Quốc – ASEAN theo mô hình “Một trục hai cánh”, trong đó “Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng” là một “cánh” có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Và như vậy, vấn đề đặt ra đối với Trung Quốc cũng như đối với Việt Nam là phải lồng ghép hợp tác kinh tế “vành đai Vịnh Bắc Bộ” giữa Trung Quốc và Việt Nam, với hợp tác kinh tế “Vịnh Bắc Bộ mở rộng trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN”.
Theo quan điểm của học giả Trung Quốc, “Hai hành lang, một vành đai” là một bộ phận cấu thành quan trọng của “Một trục hai cánh”; vị trí của “Hai hành lang, một vành đai” trong “Một trục hai cánh” là hết sức rõ rệt(6). Từ đó có thể suy ra, đối với Trung Quốc, hợp tác kinh tế “vành đai Vịnh Bắc Bộ” là một bộ phận cấu thành quan trọng, chiếm một vị trí không thể thay thế trong “Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng”. Đối với Việt Nam, hợp tác kinh tế “vành đai Vịnh Bắc Bộ” với Trung Quốc là rất cần thiết và có nhiều thuận lợi. Vịnh Bắc Bộ có diện tích hơn 126 nghìn km2, chiều ngang nơi rộng nhất là 310 km, nơi hẹp nhất của Vịnh là khoảng 207 km. Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ là tuyến liên kết kinh tế giữa các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam của Trung Quốc với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… của Việt Nam. Sự hình thành vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ sẽ góp phần mở rộng các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước Việt – Trung trong các lĩnh vực giao lưu văn hóa, bảo vệ môi trường, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên Vịnh Bắc Bộ.
Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc đặc biệt coi trọng việc phát triển kinh tế quanh vùng Biển Đông, và do vậy phải hợp tác với các nước trong khu vực, trước hết là Việt Nam. Hợp tác kinh tế - thương mại Trung Quốc – ASEAN, đối với Trung Quốc có tầm quan trọng đặc biệt, trước hết nhằm tạo ra cực tăng trưởng mới ở miền Nam Trung Quốc. Qua 20 năm đầu cải cách, mở cửa các khu vực ven biển: Tam giác Chu Giang, Tam giác Trường Giang, Vịnh Bột Hải của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng. Tại phía Nam, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, quan hệ Trung – Việt mới bình thường hóa, đầu thế kỷ XXI, chủ quyền Vịnh Bắc Bộ mới được phân định, Vịnh Bắc Bộ bắt đầu có điều kiện phát triển muộn hơn các vùng duyên hải phía Bắc khoảng 10 năm. Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam và ASEAN nói chung, đặc biệt là “Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng” còn nhằm mục tiêu chiến lược “nhất thể hóa” kinh tế Trung Quốc – ASEAN và nhằm mục tiêu chính trị - an ninh đối với khu vực. Do vậy, các đối tác hợp tác của Trung Quốc trong khu vực “Vịnh Bắc Bộ mở rộng”, một mặt muốn tăng cường hợp tác – thương mại, một mặt lo ngại những hậu quả về chính trị an ninh. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông “là vấn đề rất nhạy cảm. Nếu xử lý không khéo sẽ làm giảm sự tin cậy lẫn nhau, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước”(7).
Ngoài quan hệ kinh tế - thương mại giữa các nước ven bờ “Vịnh Bắc Bộ mở rộng”, việc hợp tác khai thác nguồn tài nguyên giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực có một ý nghĩa rất quan trọng. Tài nguyên biển ở Biển Đông chủ yếu là dầu khí và hải sản. Biển Đông được hình thành từ sự vận động phức tạp của các tầng địa chất ở các khu vực xung quanh, dẫn đến sự hình thành lưu vực trầm tích và sự phân bố các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt, mặc dù các dự đoán về trữ lượng dầu khí ở đây rất khác nhau, thậm chí có ý kiến cho rằng Biển Đông có trữ lượng dầu khí có thể so sánh với cả khu vực Trung Đông. Nhưng một sự thật rõ ràng là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang có một nhu cầu sử dụng dầu khí ngày càng tăng với mức độ rất lớn. Theo tài liệu của Cục Thông tin năng lượng Mỹ thì nhu cầu về dầu mỏ của các quốc gia ven bờ Biển Đông là 15,1 triệu thùng/ngày năm 2002, và sẽ tăng lên 33,6 triệu thùng/ngày vào năm 2025(8). Khai thác nguồn dầu khí Biển Đông là động lực quan trọng thôi thúc các nước trong khu vực tranh chấp chủ quyền ở đây. Nhưng vấn đề chủ quyền còn lâu mới có thể giải quyết được, trong khi đó “cơn khát” của Trung Quốc và các nước có liên quan về dầu mỏ và khí đốt đang ngày càng bức xúc. Một giải pháp tạm thời để “cùng nhau khai thác” là cần thiết. Nhưng khó khăn không thể vượt qua là “cùng khai thác” ở chỗ nào. Về nguyên tắc, các bên chỉ có thể “cùng khai thác” ở các vùng biển cùng tranh chấp. Nhưng trong thực tế, một số vùng nước này cho là thuộc chủ quyền của mình thì nước kia lại cho là vùng tranh chấp. Do đó, phương châm “tạm gác tranh chấp, cùng nhau khai thác” do Trung Quốc đề ra là khó thực hiện có hiệu quả. Thực tế đã diễn ra trong việc tiến hành thăm dò địa chấn biển chung ba bên ở Biển Đông giữa Tập đoàn Dầu khí Xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrol Vietnam) và Công ty Dầu khí quốc gia Philippin (PNOC) từ năm 2005 đến 2008 là một minh chứng. Trung Quốc đưa ra phương châm “gác tranh chấp, cùng khai thác” nhưng dưới tiền đề là “chủ quyền thuộc Trung Quốc”.
Hợp tác nghề cá ở Biển Đông cũng không tránh khỏi tác động của tranh chấp chủ quyền. Biển Đông được coi là một trong những vùng biển có nguồn tài nguyên hải sản thương mại dồi dào và quan trọng hàng đầu thế giới với 2500 loài hải sản biển và 500 loài san hô. Tổng lượng hải sản hàng năm ở Biển Đông là trên 08 triệu tấn, chiếm khoảng 10% tổng lượng hải sản đánh bắt của toàn thế giới. Trong khi tại Vịnh Bắc Bộ đã có sự phân định chủ quyền làm cơ sở cho hợp tác nghề cá giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì tại vùng còn lại của Biển Đông, tranh chấp chủ quyền đã gây trở ngại nghiêm trọng cho hoạt động khai thác hải sản của các quốc gia, đặc biệt là gây nguy hại cho ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc tùy tiện bắt giữa các tàu cá của Việt Nam, thậm chí bắn giết ngư dân Việt Nam (sự kiện 2005), đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh cá ở một số khu vực ở Biển Đông trong thời hạn do Trung Quốc quy định (lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc năm 2010 được áp dụng trong 10 tuần từ tháng 5 đến hết tháng 7). Trung Quốc đã đưa tàu Ngư chính 311 và tàu Ngư chính 202 hoạt động kề bên tàu cá Trung Quốc với lý do để bảo vệ (các tàu này với vỏ bọc ngoài là tàu tuần tra đánh bắt cá, nhưng thực chất là tàu của hải quân).
Trong tình trạng nói trên, hợp tác Việt – Trung 10 năm qua trong khai thác tài nguyên Biển Đông là rất hạn chế, và sự hợp tác đó chỉ có thể được cải thiện với điều kiện cải thiện tình hình căng thẳng về an ninh trên Biển Đông.
Tóm lại, tranh chấp Biển Đông đã diễn ra từ đầu thế kỷ XX, nhưng trở nên gay gắt và phức tạp hơn từ khoảng nửa thế kỷ trở lại đây, khi tranh chấp chủ quyền đảo gắn liền với sự phát triển của Luật Biển quốc tế (từ các Công ước Giơnevơ năm 1958 đến Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982) cùng với sự phát triển những mỏ dầu nằm dưới đáy Biển Đông và tầm quan trọng của Biển Đông trong giao thương quốc tế… nhìn từ góc độ địa chiến lược và kinh tế, Biển Đông là vùng biển nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, với nhiều tuyến hàng hải quan trọng, cung cấp 70 - 80% lượng dầu mỏ nhập từ Trung Đông cho các nước có nền công nghiệp hiện đại: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các nước ASEAN có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế (năm 2008 kim ngạch thương mại giữa ASEAN với Mỹ là 181 tỷ USD, với Nhật là 212 tỷ USD, với Trung Quốc là 198 tỷ USD). Do vậy, Biển Đông không chỉ tồn tại vấn đề tranh chấp hải đảo và vùng biển giữa Việt Nam, Malaixia, Philippin, Brunei với Trung Quốc và Đài Loan mà còn tồn tại vấn đề cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc có lợi ích tại khu vực, chủ yếu là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI, vấn đề Biển Đông có vai trò quan trọng hàng đầu. Quan hệ Trung – Việt trong vấn đề Biển Đông có hai mặt: Tranh chấp hải đảo, vùng biển và hợp tác kinh tế thương mại. Về tranh chấp hải đảo, vùng biển thì trong những năm qua đã thực hiện Hiệp định phân giới Vịnh Bắc Bộ và Hợp tác nghề cá; đàm phán cấp chuyên viên về các vấn đề liên quan Biển Đông. Về Hợp tác kinh tế thương mại những năm qua đã thực hiện Hợp tác kinh tế “vành đai Vịnh Bắc Bộ” và trao đổi về “Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng” trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Trung Quốc – ASEAN.
Toàn bộ chính sách và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua và hiện nay nhằm thực hiện ba mục tiêu chủ yếu: Thâm nhập kinh tế - chính trị vào các nước Đông Nam Á; khai thác tài nguyên Biển Đông; tăng cường an ninh cho Trung Quốc. Quan hệ Trung – Việt trong vấn đề Biển Đông chịu tác động mạnh mẽ trước những mục tiêu chiến lược đó của Trung Quốc.
“Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng” (nói cách khác là hợp tác kinh tế các nước ven bờ Biển Đông) là một phần của Hợp tác kinh tế Trung Quốc – ASEAN theo mô hình “Một trục hai cánh”. Thông qua hợp tác và viện trợ kinh tế, Trung Quốc hy vọng sẽ tăng cường ảnh hưởng chính trị đối với các quốc gia Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại Trung Quốc – ASEAN đã tăng từ 8 tỷ USD năm 1991, đến 231 tỷ USD năm 2008, vượt xa kim ngạch thương mại Mỹ - ASEAN năm 2008 là 172 tỷ USD.
Biển Đông có nguồn tài nguyên phong phú, nhất là dầu khí và hải sản. Dầu khí là nhu cầu quan trọng và bức xúc hàng đầu cuẩ Trung Quốc hiện nay và trong tương lai. Việc thăm dò và khai thác dầu khí xa bờ và ở tầng nước sâu ở Biển Đông đang là mục tiêu của Tập đoàn Dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm khai thác nguồn thủy sản, bảo vệ và tăng cường hoạt động đánh cá trên Biển Đông.
Về phương diện an ninh, Biển Đông vừa được coi là lá chắn bảo vệ an ninh cho Trung Quốc ở hướng Nam, vừa là cửa ngõ về mặt biển để Trung Quốc tiến qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương sang Trung Đông và châu Phi. Biển Đông được Trung Quốc đặt vào địa bàn phải kiểm soát về quân sự, nhằm loại trừ mối đe dọa từ bên ngoài. Các căn cứ quân sự ở phía Nam lục địa Trung Quốc, được nối kết với các căn cứ quân sự trên Biển Đông và ven bờ Ấn Độ Dương, hình thành “chuỗi hạt trai” các cứ điểm quân sự vòng qua Trung Đông.
Trong tương lai gần, khoảng 10 năm tới, tình hình Biển Đông có khả năng chưa bùng nổ chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như chưa có khả năng có xung đột quân sự lớn giữa Mỹ và các đồng minh tại Đông Nam Á với Trung Quốc. Từ nay đến 2020, Trung Quốc sẽ tích cực lợi dụng bối cảnh quốc tế và khu vực hòa bình ổn định, triệt để phát huy lợi thế của “thời cơ phát triển chiến lược”. Trung Quốc sẽ kết hợp với “cương nhu” trong chiến lược đối ngoại. Trong khi đó, Mỹ cũng không muốn và không đủ sức gây chiến ở Biển Đông. Quan hệ Việt – Trung trong vấn đề Biển Đông không tách rời bối cảnh quốc tế và khu vực đó.
Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông vẫn không thay đổi, mặc dù thời cơ có thể có sự điều chỉnh về sách lược. Do vậy, trong thời gian tới, vẫn chưa có khả năng Trung Quốc chấp nhận đàm phán hòa bình để giải quyết căn bản vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng những giải pháp các bên đều có thể chấp nhân.
Do vậy, trong tương lai gần ít có khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công đánh chiếm các đảo Trường Sa. Khả năng lớn nhất là Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ quân sự mạnh ở Trường Sa, nối liền với chuỗi căn cứ quân sự khác từ Hải Nam, qua Biển Đông, ven bờ Ấn Độ Dương, tới Trung Đông, để tính chuyện lâu dài. Trước mắt, Trung Quốc vẫn tiếp tục “chính sách láng giềng thân thiện” với ASEAN, đồng thời tăng cường lực lượng quân sự ở Biển Đông, vừa hợp tác vừa cạnh tranh khai thác tài nguyên Biển Đông. Đối với Việt Nam, Trung Quốc sẽ ngày càng nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của Việt Nam trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Trung Quốc sẽ tận dụng mọi cơ hội để cải thiện quan hệ Trung – Việt theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN và trong quan hệ Trung – Mỹ, đồng thời Trung Quốc sẽ duy trì sức ép đủ để Việt Nam không đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc trong khu vực, nhất là không xích lại gần Mỹ để chống Trung Quốc.
Trong bối cảnh trên, hơn bao giờ hết Việt Nam cần quán triệt đường lối đối ngoại “hòa bình, độc lập tự chủ”, kiên quyết trong bảo vệ lợi ích dân tộc, mềm dẻo trong sách lược ngoại giao. Về vấn đề Biển Đông, giải pháp của Việt Nam là xử lý các tình huống hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế, tuân thủ triệt để Công ước về Luật biển 1982 của LHQ, thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử giữa các bên về Biển Đông (DOC) và nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khi vẫn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Vấn đề song phương giải quyết theo cơ chế song phương, vấn đề đa phương giải quyết theo cơ chế đa phương, vấn đề khu vực giải quyết theo cơ chế khu vực, vấn đề quốc tế giải quyết theo cơ chế quốc tế. Lập trường đó không chỉ đúng hướng mà còn có tính khả thi. Điều quan trọng là chúng ta có sự thống nhất nội bộ về đường lối, chính sách trong vấn đề Biển Đông và trong quan hệ với các đối tác có liên quan. Trong bài phát biểu tại Nha Trang – Khánh Hòa, nhân dịp Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Việc xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế; không để các thế lực phản động tìm cách lợi dụng, công kích chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, chia rẽ quan hệ quốc tế giữa nước ta và các nước liên quan”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”./.

CHÚ THÍCH:
(1) Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea (http://www.aseansec.org/13163.htm);
(2) “Adiplomatic viclong for China” South China Morning Post 31/10/2009;
(3) Carlyle A Thayer “Những diễn biến gần dây ở Biển Đông – Tác động đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực”. Tham luận tại Hội thảo quốc tế lần thứ II “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” Tp.HCM ngày 11-12-2010;
(4) TTX Việt Nam (Giacácta 24/11/2010) trích từ tờ “Bưu điện Giacácta”;
(5) Robert M. Gates: “Strengthening Securily Partnerships in the Asia – Pacific” Phát biểu tại Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 9 – Đối thoại Shangrila – Singapore, 05/6/2010;
(6) Vi Thụ Tiên: “Một trục hai cánh” và “Hai hành lang, một vành đai”. Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế Việt – Trung trong khuôn khổ hợp tác ASEAN – Trung Quốc”, NXB Khoa học xã hội, 2007, tr 61 – 62;
(7) Lê Văn Sang – Nguyễn Minh Hằng: “Làm gì để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa”. Kỷ yếu hội thảo “Phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt – Trung trong khuôn khổ hợp tác ASEAN – Trung Quốc”. SĐD. Tr 275.
(8) http://www.cia.doe.gov/emeu/cabs/south_China_Sea/Background.html

TS. Nguyễn Đình Liêm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc

 

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.