Australia chọn Mỹ hay Trung Quốc?
Thursday, July 30, 2020 6:43 PM GMT+7
VOV.VN - Australia đứng trước chọn lựa khó khăn khi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhưng Mỹ lại là đồng minh có chung tiếng nói trong nhiều vấn đề.

Chủ nghĩa thực dụng là dòng chảy chính

Tuần trước, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi thành lập "liên minh các nền dân chủ" nhằm chống lại Trung Quốc, Australia có lẽ nằm trong số các quốc gia mà ông nghĩ là sẽ tham gia.

Tuần này, các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu của Australia khẳng định, Canberra sẽ không hoàn toàn “đi theo” Washington, thậm chí cả khi hai bên có lợi ích chung và đều chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc trong một số vấn đề.

australia chon my hay trung quoc? hinh 1

Lực lượng của Australia và Nhật Bản tham gia tập trận với Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: Handout

Mặc dù các đồng minh sẽ hợp tác với nhau dựa trên nền tảng của "những giá trị chung" nhưng Australia sẽ tự đưa ra "quyết định của mình", Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết hôm 28/7 sau khi bà Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds khép lại cuộc thảo luận thường niên với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.

Đáng chú ý là Ngoại trưởng Payne đã thẳng thắn trao đổi về hy vọng của Canberra trong việc xây dựng các mối quan hệ tích cực với Bắc Kinh - đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Mối quan hệ mà "chúng tôi có với Trung Quốc rất quan trọng và chúng tôi không có ý định làm tổn hại nó, nhưng chúng tôi cũng không có ý định làm những điều đi ngược lại với lợi ích của mình", Ngoại trưởng Payne bình luận.

Kết quả của Hội nghị Tham vấn cấp Bộ trưởng Australia - Mỹ thường niên (AUSMIN) đã phản ánh sự cân bằng mong manh mà Canberra đang tìm kiếm giữa bối cảnh nước này thể hiện lập trường cứng rắn với các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực nhưng vẫn giữ khoảng cách với các chính sách và chiến lược cứng rắn nhất của chính quyền ông Trump.

Mặc dù ngày càng cởi mở hơn với các biện pháp chống lại Bắc Kinh nhưng Canberra sẽ không "thay thế chủ nghĩa thực dụng vốn là dòng chảy chính khi xem xét các mối quan hệ với Trung Quốc", James Laurenceson - Giám đốc Viện quan hệ Australia - Trung Quốc nhận định.

"Giữa bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang, những yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương sẽ dễ bị bỏ lỡ, chẳng hạn như thương mại và hợp tác nghiên cứu, vốn vẫn đang diễn ra thuận lợi", chuyên gia Laurenceson nhận định.

"Đến nay, cả Canberra và Bắc Kinh đều có thái độ tốt về việc để các doanh nghiệp Australia và Trung Quốc tiếp tục sự hợp tác mà họ cho là đem lại lợi ích đôi bên. Cho đến khi điều đó thay đổi, các yếu tố cơ bản về kinh tế vẫn được ưu tiên, bất chấp một số bất đồng xoay quanh mối quan hệ này".


Sự cân bằng mong manh

Hugh White, một giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra cho rằng, chính phủ Australia vẫn chưa "giải thích rõ ràng" về việc làm thế nào để xoay xở trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung, bất chấp quốc gia này khẳng định rằng Canberra sẽ không ủng hộ "một cuộc chiến tranh Lạnh mới với Bắc Kinh".

"Từ chối cuộc Chiến tranh Lạnh là một chuyện nhưng tìm ra hướng tiếp cận rõ ràng thay thế lại là chuyện khác. Australia dường như vẫn hy vọng vấn đề biến mất một cách đơn giản nhưng điều đó sẽ không xảy ra", nhà phân tích White nhận định.

Các cuộc thảo luận trong AUSMIN nhấn mạnh đến cam kết hợp tác lớn hơn giữa Australia và Mỹ trong một loạt vấn đề từ quốc phòng, an ninh mạng và y tế nhằm đẩy nhanh sự khôi phục toàn cầu sau đại dịch Covid-19, cũng như tăng cường "sự ổn định, thịnh vượng và khả năng linh hoạt ở Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Mặc dù tránh đề cập đến những điểm cứng rắn nhất trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump nhưng tuyên bố chung sau hội nghị vẫn bao gồm một số chỉ trích trực tiếp và cứng rắn với Bắc Kinh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, cũng như các yêu sách ở Biển Đông của Trung Quốc "không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của Washington, tuyên bố này không bao gồm cam kết của Australia nhằm tham gia cùng với Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý ở các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds chỉ nói rằng, vấn đề trên là "chủ đề của cuộc thảo luận" và không bình luận gì thêm. Nhận định trên được đưa ra sau khi Australia có một động thái mang tính bước ngoặt quan trọng về chính sách vào tuần trước khi tham gia cùng với Mỹ khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp.

"Australia và Mỹ có những lợi ích chung liên quan chặt chẽ với nhau khi nhắc đến trật tự khu vực và chính sách với Trung Quốc nhưng những lợi ích này không hoàn toàn trùng khớp với nhau. Chúng (các lợi ích-ND) chưa giống nhau trước đây và sẽ không giống nhau trong tương lai", Ashley Townshend, giám đốc về chính sách đối ngoại tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney cho hay.

Đại sứ quán Trung Quốc hôm 29/7 đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích tài liệu của AUSMIN về "những cáo buộc vô căn cứ và các tuyên bố công kích chống lại Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông".

Tuyên bố phía Trung Quốc cũng hối thúc Australia cần "làm nhiều hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa 2 quốc gia".

Sự phức tạp trong quan hệ Australia-Trung Quốc

Là đồng minh của Mỹ, bất đồng với Trung Quốc về nhiều vấn đề nhưng không thể phủ nhận Canberra phụ thuộc vào Bắc Kinh giữa bối cảnh Trung Quốc chiếm 1/3 lượng xuất khẩu của Australia và thương mại 2 chiều của 2 nước năm 2018 - 2019 lên tới 235 tỷ AUD (tương đương 168 tỷ USD).

Sự phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc đã giảm bớt trong năm nay khi Bắc Kinh áp lệnh hạn chế lên thịt bò và lúa mạch Australia, những động thái được cho là nhằm đáp trả khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Giới quan sát Australia có những quan điểm trái chiều về mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Australia.

Alistair Nicholas, một nhà phân tích thương mại độc lập nhận định: "Việc duy trì mối quan hệ này tốt đẹp là lợi ích chung của chúng ta. Dĩ nhiên, cả hai bên đều sẽ cần nỗ lực trong mối quan hệ này, cả hai bên đều cần quay lại đúng hương và trở nên hợp tác hơn trong các cuộc trao đổi ngoại giao, bao gồm cả những vấn đề khác biệt quan trọng".

Tuy nhiên, Richard McGregor, một học giả cấp cao tại Viện Lowy có trụ sở tại Sydney thì thể hiện thái độ hoài nghi về sự hợp tác tích cực này do có "quá nhiều gánh nặng" đặt lên 2 bên.

"Australia nói rằng nước này nhìn thấy cơ hội cho sự hợp tác mang tính xây dựng nhưng hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cũng như vậy", nhà phân tích McGregor nhận định.

"Vào thời điểm hiện nay, các bộ trưởng Trung Quốc thậm chí từ chối trao đổi cả với những người đồng cấp Australia. Có rất ít nền tảng cho sự cải thiện đáng kể mối quan hệ này"./.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.