Chiến lược tập trận Biển Đông của Mỹ sắc bén hơn Trung Quốc
Sunday, September 20, 2020 7:56 PM GMT+7
(PLO)- Chuyên gia quân sự phân tích chiến lược các cuộc tập trận tay đôi của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, với kết luận chiến lược của Mỹ vẫn sắc nét và nguy hiểm hơn.

Từ tháng 7 đến tháng 10, Mỹ và Trung Quốc tiến hành hàng loạt cuộc tập trận liên tiếp ở Biển Đông. Trong khi thế giới đang theo dõi chặt căng thẳng ngày càng leo thang giữa hai bên, nhiều chuyên gia quân sự vào cuộc phân tích chiến lược các cuộc tập trận tay đôi này, theo báo Nikkei Asian Review.

Nhìn rõ hơn về bản chất tập trận sẽ giúp hiểu rõ hơn về ý định hành động của quân đội hai bên một khi xung đột thật sự xảy ra.

Chiến lược tập trận Biển Đông của Mỹ sắc bén hơn Trung Quốc - ảnh 2

Một máy bay chiến đấu đa năng F/A-18E Super Hornet hạ cánh trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan, trong khi tàu sân bay USS Nimizt di chuyển bên cạnh ở Biển Đông ngày 6-7. Ảnh: US NAVY/AP

Chiến lược “gây xao lãng” của Trung Quốc

Về phía Trung Quốc, chiến lược tập trận là “gây xao lãng”, theo các chuyên gia. Trên Biển Đông, biển Hoa Đông, và Hoàng Hải, cũng như dọc biên giới với Ấn Độ, quân đội Trung Quốc đã huy động lực lượng đồng thời trên cả bốn mặt trận.

Xung quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đang chiếm đóc trái phép) ở Biển Đông, Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc – giám sát nam Trung Quốc và ở Biển Đông – đã tập trận từ ngày 1-7 đến ngày 6-7. Trong cùng khoảng thời gian này, Chiến khu Bắc bộ của quân đội Trung Quốc – giám sát bắc Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên - tập trận ở Hoàng Hải. Ở biển Hoa Đông, Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc – giám sát Đài Loan và Nhật – cũng tập trận.

Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang trong quá trình xung đột với Ấn Độ ở dãy Himalayas.

Thực hiện nhiều cuộc tập trận cùng lúc đã từng được đề cập trong sách viết về quân đội Trung Quốc. Đầu thập niên 1950, việc Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng cũng được thực hiện trong bối cảnh nước này can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên. Các chuyên gia quân sự đã gọi đây là chiến lược gây xao lãng.

Theo Nikkei Asian Review, nhiều quan chức an ninh Nhật lo ngại khả năng Trung Quốc lôi kéo thế giới chú ý vào một khu vực trong khi âm thầm thực hiện các mục tiêu chiến lược ở nơi khác.

Chiến lược tập trận Biển Đông của Mỹ sắc bén hơn Trung Quốc - ảnh 1

Tàu khu trục Hohhot lớp 052D của Trung Quốc diễn tập săn ngầm ở Biển Đông đầu tháng 8. Ảnh chụp màn hình CHINAMIL

Mỹ: Giả định chiến tranh tàu ngầm

Theo các chuyên gia, theo thời gian Trung Quốc cho thấy đã có sự tiến bộ trong kỹ năng gây xao lãng. Tuy nhiên điều này không làm Mỹ bận tâm.

Mỹ thời gian qua đã đưa hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan vào tập trận ngay trung tâm Biển Đông – lần tập trận quy mô lớn đầu tiên của quân đội Mỹ ở khu vực này trong tám năm qua.

“Triển khai hai tàu sân bay mang ngụ ý hoàn toàn khác so với một cuộc tập trận chỉ với một tàu sân bay” – theo một cựu quan chức tình báo cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nhật.

Với một tàu sân bay, một cuộc tấn công của kẻ thù làm tổn thương boong tàu làm khu vực này không thể sử dụng được sẽ khiến cho các máy bay chiến đấu không còn chỗ đáp. Thêm một tàu sân bay nữa cho thấy Mỹ đã nghiên cứu chặt chẽ hơn các điều kiện tương tự một cuộc chiến thực sự.

Việc Mỹ lựa chọn Biển Đông để tập trận liên quan đến nơi Trung Quốc sẽ triển khai phương sách cuối cùng khi có xung đột: các tàu ngầm chiến lược hạt nhân có trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Giả thuyết, nếu xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân, phía Mỹ sẽ không tự tin đánh vào Trung Quốc nếu Bắc Kinh duy trì được khả năng đáp trả. Và để bảo vệ con bài tối thượng này Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều đảo nhân tạo ở Biển Đông và tăng cường sức mạnh phòng thủ với tên lửa và máy bay chiến đấu.

Nhưng ở mặt khác, nếu có thể vô hiệu hóa các tên lửa SLBM của Trung Quốc thì Mỹ xem như có thể làm suy yếu đáng kể vị thế của Trung Quốc – dù trong thời điểm chiến tranh hay thời bình.

Dựa vào các cuộc tập trận hồi tháng 7 của Mỹ có thể nhận thấy kế hoạch của nước này trong viễn cảnh xung đột với Trung Quốc là sẽ triển khai máy bay từ tàu sân bay và các lực lượng khác chiếm các đảo nhân tạo ở Biển Đông – những mục tiêu không thể chuyển động được. Điều này sẽ khiến các tàu ngầm của Trung Quốc bị sơ hở, không được bảo vệ. Khi đó các tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ - thường được triển khai hai chiếc đi kèm một tàu sân bay – sẽ ra đòn kết thúc.

Một bước đi nữa từ phía Mỹ hồi giữa tháng 8 càng củng cố nhận định này. Thời gian này xuất hiện một hình ảnh vệ tinh từ một công ty Mỹ chụp lối vào một căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam – một cảng chính của lực lượng tàu ngầm của hải quân nước này.

Động thái này từ phía Mỹ gửi đi thông điệp mạnh: Nếu xung đột nổ ra, Mỹ có thể khiến lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc không còn chỗ thoát.

Chuyên gia: Mỹ vẫn sắc bén hơn

Có vẻ phía Trung Quốc có phần mất bình tĩnh thì một lần nữa tập trận ở Biển Đông vào cuối tháng 8. Trung Quốc đã phóng một số tên lửa đạn đạo ra Biển Đông vào ngày 26-8 trong đó có ít nhất một tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-26 vốn được biết đến với tên gọi tên lửa “diệt Guam” được cho có độ chính xác ấn tượng.

Ngoài ra, trong số các tên lửa Trung Quốc phóng đợt này còn có một tên lửa chống hạm tầm trung Đông Phong-21D vốn được biết đến với tên gọi “diệt tàu sân bay”, dù độ chính xác vẫn còn chưa xác định.

Nếu Mỹ phá hết tên lửa SLBM của Trung Quốc – vốn được trang bị trên các tàu ngầm của nước này, thì dù Trung Quốc có trả đũa bằng cách tấn công đảo Guam đi nữa thì các tàu ngầm có trang bị SLBM của Mỹ vẫn sẽ an toàn vì lực lượng Trung Quốc không thể tiếp cận thành công được.

Các cuộc tập trận tay đôi của Mỹ và Trung Quốc mùa hè này thể hiện chiến lược của mỗi bên, và Mỹ vẫn sắc bén hơn, ít nhất trong thời điểm này, theo các chuyên gia.

Tuy nhiên Trung Quốc sẽ không từ bỏ nỗ lực theo kịp, với việc tiếp tục né tránh tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga, trong khi đó về dài hạn sẽ tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và tàu hải quân.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.