Luật Hải cảnh của Trung Quốc: Bất hợp pháp và gây nguy cơ xung đột ở Biển Đông
Saturday, January 30, 2021 7:48 PM GMT+7
VOV.VN - Theo giới phân tích, luật Hải cảnh mới của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế và làm gia tăng vòng xoáy căng thẳng ở Biển Đông.

Trung Quốc vừa ban hành Luật Hải cảnh mới gây tranh cãi trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.

Tàu Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: CGC.

Tàu Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: CGC.

Được công bố hồi đầu tuần này, luật cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài trong trường hợp cần thiết. Theo giới phân tích, động thái mới nhất này của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các cuộc đàm phán COC và làm gia tăng vòng xoáy căng thẳng ở Biển Đông.

Bất hợp pháp và làm gia tăng căng thẳng

Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia an ninh hàng hải của Đại học Indonesia cho rằng, theo luật pháp quốc tế, tất cả các quốc gia đều có quyền ban hành các luật lệ và thực thi những luật này trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, chủ quyền của một nước chỉ giới hạn trong lãnh thổ của quốc gia đó và không được vượt ra ngoài các ranh giới đã được quy định theo luật pháp quốc tế.

Luật nói trên tuyên bố cho phép hải cảnh Trung Quốc "thực hiện tất cả biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm trái phép trên biển".

Theo chuyên gia Rizka Darmawan, luật này đã gây ra một số vấn đề, đi ngược lại các nghĩa vụ và quy phạm luật quốc tế. Thứ nhất, một trong những quy tắc quan trọng nhất được đề cập trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế nói chung là sử dụng các vùng biển, đại dương một cách hòa bình và không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế. Tất cả các bên tham gia công ước, trong đó có cả Trung Quốc phải duy trì nguyên tắc này và không sử dụng bất cứ biện pháp nào ngoài những biện pháp hợp pháp đã được nêu trong luật pháp quốc tế.

Thứ hai, có một số quy định được nêu rõ trong UNCLOS liên quan đến vùng biển chồng lấn chưa được phân định. Điều 74(3) đối với vùng đặc quyền kinh tế và điều 83(3) đối với thềm lục địa của UNCLOS yêu cầu, trong giai đoạn chưa phân định biển, các quốc gia, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, phải nỗ lực hết sức mình để đạt được sự dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn mà không làm phương hại hay cản trở việc đạt được thoả thuận phân định cuối cùng. Nói cách khác, “các dàn xếp tạm thời” là giải pháp tối ưu mà Công ước yêu cầu các quốc gia phải nỗ lực hết sức để đạt được trong khi chưa thống nhất về một thoả thuận phân định vùng biển chồng lấn.

Với việc cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài, Trung Quốc chắc chắc sẽ làm leo thang căng thẳng và điều này sẽ gây nguy hiểm hoặc cản trở các biện pháp đang được thực hiện để duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông.

Thứ 3, khi nhắc đến việc luật Hải cảnh được thực thi “phù hợp với chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán”, Trung Quốc có lẽ ngầm ám chỉ yêu sách “đường 9 đoạn” mà nước này tự vẽ ra ở Biển Đông. Song cần phải nhắc lại rằng, yêu sách nói trên đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ năm 2016 vì trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nói cách khác, bất cứ biện pháp nào mà Trung Quốc thực hiện nhằm thực thi luật pháp của nước này tại những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền nhưng không được luật pháp quốc tế công nhận, đều là bất hợp pháp.

Chưa kể, luật mới mà Trung Quốc vừa ban hành cũng sẽ cản trở các cuộc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Mục tiêu chính của tất cả các bên tham gia đàm phán là duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Bởi vậy, COC cần phải đóng một vai trò quan trọng, ít nhất là phải đảm bảo rằng các bên liên quan không được đe dọa sử dụng vũ lực với các bên khác khi giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Việc Trung Quốc cho phép cảnh sát biển nổ súng vào tàu nước ngoài tại những vùng biển mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền cho thấy Bắc Kinh không có thiện chí đàm phán COC.

Trước khi ban hành luật mới này, Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện các hành vi gây hấn ở Biển Đông, thậm chí đe dọa các quốc gia có chủ quyền trong khu vực. Vào tháng 4/2020, tàu Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) - một tàu khảo sát của Trung Quốc đã hoạt động gần tàu West Capella của Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Cũng vào tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong một số trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn gia tăng các cuộc tuần tra, đặc biệt là tại khu vực bãi cạn Scarborough (Philippines gọi là bãi cạn Panatag).

Chuyên gia Rizka Darmawan cũng chỉ ra rằng Luật Hải cảnh của Trung Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà còn khiến quan hệ Mỹ-Trung trở nên xấu hơn. Từ nhiều năm nay, Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải để thách thức những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Với luật mới này, nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông sẽ gia tăng.

Chuyên gia Rizka Darmawan nhấn mạnh, nếu luật Hải cảnh của Trung Quốc được thực thi, rất có thể sẽ khiến tình hình leo thang căng thẳng, thậm chí dẫn đến một cuộc xung đột trên Biển Đông, do đó các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông và những quốc gia khác lo ngại về luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cần phải có phản ứng mạnh mẽ. Theo ông Rizka Darmawan, các bên cần phải gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh, kêu gọi Trung Quốc sửa đổi hoặc chấm dứt ngay lập tức luật này./.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.