Bàn về đường lưỡi bò (đường chữ U) phi lí của Trung Quốc
Sunday, March 04, 2012 8:13 PM GMT+7
Vnsea.net: Với Công hàm ngày 07/5/2009 có kèm bản đồ đường chữ U, có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch sử của đường lưỡi bò, coi Biển Đông như một vịnh lịch sử”. Chúng tôi nói là “có vẻ” hay “hàm ý” vì chính các học giả Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc cũng chưa dám công khai khẳng định toàn bộ vùng nước bên trong cái gọi là đường 9 khúc – đường chữ U thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

I. Bản đồ đường lưỡi bò trên Biển Đông

Với Công hàm ngày 07/5/2009 có kèm bản đồ đường chữ U, có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch sử của đường lưỡi bò, coi Biển Đông như một vịnh lịch sử”. Chúng tôi nói là “có vẻ” hay “hàm ý” vì chính các học giả Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc cũng chưa dám công khai khẳng định toàn bộ vùng nước bên trong cái gọi là đường 9 khúc – đường chữ U thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, những động thái của Trung Quốc sẽ khiến nhiều người ngộ nhận đường chữ U là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc. Họ cũng rất khôn khéo kết hợp con đường này với các khái niệm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Luật Biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố dưới dạng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Tây Sa và Nam Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Nếu như toàn bộ Biển Đông sẽ trở thành vùng nước nội thủy của Trung Quốc. Trong bài báo này, chúng tôi tìm hiểu cơ sở pháp lý quốc tế để khẳng định rằng: đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ trên Biển Đông không có cơ sở pháp luật quốc tế, chỉ thể hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.

 

Người Việt từ xa xưa đã gọi vùng biển Đông Bắc Bộ là Biển Đông(1). Phương Tây đặt trên cho Biển Đông của Việt Nam là Biển Nam Trung Hoa (tiếng Anh) vì nó nằm ở phía Nam Trung Quốc cũng như gọi vùng biển phía Nam Ấn Độ là Ấn Độ Dương, vùng biển phía Đông Mexico là Vịnh Mexico, vịnh phía Đông miền Bắc của Việt Nam là Vịnh Tonkin (Gulf of Tonkin), tức Vịnh Bắc Bộ(2), đơn giản chỉ vì dễ nhận biết.

Các bản đồ mà chính người Trung Quốc vẽ từ hàng trăm năm trước chưa hề thấy xuất hiện tên gọi biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc đã lợi dụng các gọi tên của phương Tây để nhập nhằng “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Các bản đồ lãnh thổ Trung Quốc của người nước ngoài cùng thời cũng vẽ và giải thích giống với người Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ XVII của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc Công ty Đông Ấn – Hà Lan cũng có lời giải thích rất rõ: “Nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía Bắc đến vĩ độ 42 độ”(3).

Ngày 21/02/1992, Trung Quốc đã ra quy định Biển Đông thuộc lãnh hải tỉnh Hải Nam, theo bản đồ với những “đường cắt khúc 9 đoạn” chiếm hầu hết Biển Đông, thâu tóm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tất nhiên, đường chữ U này không phải gần đây mới xuất hiện, mà thừa hưởng từ thời Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch. “Đường lưỡi bò” xuất hiện tại Trung Quốc trên một bản đồ do một cá nhân vẽ ra, có 11 đoạn, được Trung Hoa Dân quốc sử dụng trong một số tài liệu(4). Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, cũng đưa “đường lưỡi bò” vào một số tài liệu không chính thức, khi đó “đường lưỡi bò” chỉ có 09 đoạn(5). Trong suốt thời gian qua, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có ý kiến chính thức nào về “đường lưỡi bò”. Vấn đề thứ hai theo Yann Huei Song thì mặc dù “đường lưỡi bò” đã xuất hiện trên các bản đồ xuất bản ở Trung Hoa lục địa từ năm 1949, nhưng chưa bảo giờ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa yêu sách chính thức các vùng nước nằm trong đường này như các vùng nước lịch sử. Đại diện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã không tuyên bố như vậy trong Hội nghị Công ước Luật Biển lần III [11]. Theo luật pháp quốc tế, các hành vi mà quốc gia thể hiện phải mang tính công khai ý chí thực thi chủ quyền trên lãnh thổ đó. Những hành vi bí mật không thể tạo nên cơ sở cho quyền lịch sử, ít nhất các quốc gia khác phải có cơ hội được biết những gì đang diễn ra.

Đường lưỡi bò không phải là con đường có tính ổn định và xác định. Từ 11 đoạn, năm 1953, Trung Quốc đã phải bỏ đi hai đoạn trong Vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý. Tính chất không liên tục của con đường này được các tác giả Trung Quốc giải thích là để cho “những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”. Đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là sự ổn định và dứt khoát. “Đường lưới bò” không thể hiện được đặc tính đó, thêm nữa, vị trí của nó lại không được xác định tọa độ rõ ràng, vì thế khó có thể coi là một đường biên giới được.

Con đường đứt khúc 9 đoạn này mâu thuẫn ngay với quan điểm chính thức của Trung Quốc đã nêu trong Tuyên bố ngày 04/9/1958 về các vùng biển Trung Quốc: “Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố: 1. Bề rộng lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho tất cả lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa và các đảo ven bờ, cũng như Đài Loan và các đảo phụ cận, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa quần đảo và tất cả các đảo thuộc Trung Quốc được tách rời khỏi lục địa và các đảo ven bờ bởi biển cả”.

Bằng tuyên bố này, Trung Quốc công nhận rằng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải các vùng nước lịch sử. Trong Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1992, Trung Quốc cũng chỉ nêu đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý xung quanh những vùng đất yêu sách chủ quyền và vùng tiếp giáp 12 hải lý dành cho thuế quan và các mục đích tương tự chứ không xác định “vùng nước lịch sử”.

Nhân đây cũng cần nhấn mạnh tới việc Trung Quốc thường nhắc tới Công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Sự thật cho thấy, Công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà Trung Quốc viện dẫn, theo chúng tôi, thực ra có lợi cho Việt Nam chứ không phải cho phía Trung Quốc. Đó là bởi:

Một là, trong Công hàm này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chí tuyên bố ủng hộ đối với Tuyên bố hải phận (lãnh hải) 12 hải lý của Trung Quốc(6), không liên quan gì đến Hoàng Sa và Trường Sa.

Hai là, việc Trung Quốc vẽ bản đồ có hình lưỡi bò trên Biển Đông đương nhiên phủ nhận Tuyên bố chính thức của Trung Quốc về lãnh hải 12 hải lý, hay nói cách khác việc Tuyên bố chính thức về lãnh hải 12 hải lý đã phủ nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ba là, xét về mặt pháp luật quốc tế, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thời điểm năm 1957 không phải là một quốc gia trong cuộc tranh chấp đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp hai quần đảo này gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippine. Theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về chấp dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, Việt Nam tạm thời bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17. Lãnh thổ Việt Nam phía nam vĩ tuyến 17 bao gồm cả các hải đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới sự kiểm soát của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải được xem như lời tuyên bố của một bên thứ ba, không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp. Pháp luật thời La Mã cổ đại có nguyên tắc: “Không ai có thể cho người khác hơn cái mà mình có” liên quan đến khái niệm tặng - cho xuất phát từ chế định sở hữu. Một người không có quyền sở hữu đối với vật, cho dù người đó đang thực hiện quyền chiếm hữu và quyền ử dụng thì vẫn không thể có quyền định đoạt. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc sở hữu của Việt Nam nhưng lại đang thuộc quyền quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Giả thiết khi đó Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tuyên bố nhượng bộ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thì tuyên bố đó cũng không có giá trị pháp lý.

Rõ ràng là Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 chỉ có lợi cho phía Việt Nam, không hề có lợi cho phía Trung Quốc xét từ góc độ pháp luật quốc tế. Tuyên bố đó chỉ có ý nghĩa khẳng định việc Trung Quốc có lãnh hải 12 hải lý và đương nhiên giờ đây là bằng chứng hùng hồn phủ định đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ trên Biển Đông. Nếu tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc được đưa ra giải quyết tại Toàn án quốc tế của Liên hiệp quốc thì Tòa án cũng không thừa nhận tuyên bố đơn phương là nguồn của pháp luật quốc tế. Điều 38 Quy chế Tòa án quốc tế không liệt kê những lời tuyên bố đơn phương trong danh sách những nguồn gốc của pháp luật quốc tế.

II. Đường lưỡi bò trên Biển Đông và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982

Trung Quốc đã chính thức trình lên Liên hiệp quốc bản đồ “đường lưỡi bò” vào năm 2009. Việt Nam và các nước liên quan đã phản đối sự phi lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế của “đường lưỡi bò” này. Vậy đường lưỡi bò này có giá trị pháp lý hay không theo Công ước năm 1982 về Luật Biển?

Như mọi người đều biết, năm 1982, sau 15 năm đàm phán, các nước tham gia vòng đàm phán thứ ba của Liên hiệp quốc về Luật Biển đã hoàn tất Công ước về Luật Biển quốc tế. Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc được thông qua tại Montego Bay của Jamaica vào ngày 10/12/1982. Công ước đã có hiệu lực và hiện nay có 161 thành viên tham gia, trong đó có các nước ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippine, Indonesia, Singapore, Brunei. Công ước quy định các quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chiều rộng của các vùng biển này được tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của quốc gia ven biển. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định rất rõ quy chế pháp lý của từng vùng biển.

- Đường cơ sở (Base line)

Đây là đường dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Theo Công ước Luật Biển 1982, có hai loại đường cơ sở: Đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng. Đường cơ sở thông thường “… là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận”. (Điều 5, Công ước Luật Biển 1982). Đường cơ sở thẳng là đường cơ sở nối liền ở các điểm thích hợp và được áp dụng “ở những nơi nào đường bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc bờ biển”, hoặc “ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và do những điều kiện tự nhiên khác” (Điều 7, Công ước Luật Biển 1982). Đường cơ sở thẳng vạch phải đi theo xu hướng chung của bờ biển.

- Nội thủy (Internal Waters)

Điều 8 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định: nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải. Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.

- Lãnh hải (Territorial Sea)

Lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài đường cơ sở. Chiều rộng của lãnh hải của quốc gia ven biển chỉ có 03 hải lý. Theo điều 3 của Công ước Luật Biển năm 1982 thì chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý.

- Vùng tiếp giáp lãnh hải (Contiguous Zone)

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài và sát với lãnh hải. Chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải cũng không quá 12 hải lý. Quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa việc vi phạm các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, nhập cư hay y tế trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

- Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone)

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì chiều rộng tối đa lãnh hải là 12 hải lý, nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế chỉ có 188 hải lý, tính từ ranh giới phía ngoài của lãnh hải). Theo điều 56 của Công ước Luật Biển năm 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.

- Thềm lục địa (Continental Shelf)

Thềm lục địa của quốc gia ven biển là phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển. Điều 76 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định rất rõ ràng: Thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m. Điều 77 của Công ước Luật Biển 1982 quy định: trong thềm lục địa của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình.

Điều cần nhấn mạnh là, một mặt các quốc gia ven biển được hưởng các quyền tương ứng như đã nêu trên đối với các vùng biển của mình, nhưng mặt khác họ cũng có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển khác.

 

Là một quốc gia tham gia Công ước Luật Biển năm 1982 về Luật Biển, Trung Quốc phải có nghĩa vụ tuân thủ Công ước này trên cơ sở của một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại “Pacta Sunt Servanda” – “các cam kết quốc tế cần phải được tuân thủ nghiêm chỉnh và có thiện chí”. Trung Quốc có thể giải thích với thế giới về đường lưỡi bò như thế nào nếu chiếu theo Công ước về Luật Biển mà Trung Quốc đã phê chuẩn?

Cho đến ngày 07/05/2009, Chính phủ Trung Quốc và Chính quyền Đài Loan đều chưa có giải thích gì về “đường lưỡi bò” trong Biển Đông(7). Theo các tác giả Trung Quốc, đường chữ U lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ các đảo trong biển Nam Trung Hoa – The Location Map of the South China Sea Islands (Nanhai zhudao weizhi tu) do Fu Jiaojin, Wang Xiguan biên soạt và được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ Trung Quốc xuất bản vào năm 1947(8).

Theo chúng tôi, đường đứt khúc 9 đoạn – “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ trên Biển Đông không được xác định rõ cả về cơ sở pháp lý lẫn tọa độ địa lý, đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ không chỉ của các nước liên quan mà còn là sự thách thức đối với quyền lợi hàng hải, hàng không… của cộng đồng quốc tế. Đường này không dựa trên cơ sở các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Vùng nước trong “đường lưỡi bò” không phải là nội thủy, lãnh hải hay đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật Biển năm 1982, xâm hại các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác đã được quy định trong Công ước về Luật Biển. Điều 47 Công ước quy định: quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liên các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nửa nổi nửa chìm của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô phải ở giữa tỷ số 1/1 và 9/1. Diện tích mà hệ đường cơ sở này của Trung Quốc bao lấy một khu vực rộng 17.000km2, trong khi tổng diện tích các đảo nổi của quần đảo Hoàng Sa là 10km2. Ngoài ra, Trung Quốc sử dụng ở đây đều không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng. Các đảo này lại cách xa nhau quá 24 hải lý, không có lý do gì có thể nối các đoạn đường cơ sở như vậy. Do vậy, bất kỳ một vùng biển nào mà Trung Quốc tuyên bố bao quanh vùng biển của các mỏm đá, bãi san hô này về mặt kỹ thuật đều trái với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Tuyên bố về đường cơ sở ngày 15/05/1996 của Trung Quốc áp dụng đối với cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho thấy việc Trung Quốc yêu sách một vùng nội thủy nằm trong một vùng nước lịch sử có cùng chế độ nội thủy là một mâu thuẫn lớn trong lập trường của họ. Lập trường này của Trung Quốc cũng mâu thuẫn ngay với chính các tuyên bố của Trung Quốc về việc tàu chiến của Mỹ đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trong vụ va chạm ngày 08/03/2009(9).

Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn xa lạ với thực tiễn quốc tế, không có tiền lệ, không có cơ sở pháp lý quốc tế, trái với những quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã phê chuẩn, xâm hại thô bạo quyền và lợi ích của Việt Nam và các vùng nước ven Biển Đông. Vì vậy, các quốc gia, các học giả trên thế giới đều bác bỏ đường lưỡi bò phi lý, bác bỏ tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đoàn Khánh Hùng, Nghiên cứu Trung Quốc số 11 (123) - 2011

CHÚ THÍCH:

(1) Trong ca dao cổ của người Việt đã có nhiều câu liên quan đến Biển Đông “Thuận vợ thuận chồng tát Bể Đông cũng cạn”, “Công tra như núi ngất trời – Nghĩa mẹ như nước ngời ngời Biển Đông”, “Trèo lên trái núi Thiên Thai – Thấy đối chim phượng ăn ngoài Biển Đông”, “Dã tràng se cát Biển Đông – Nhạc lòng mà chẳng nên công cán gì”…

(2) Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân chia Vịnh Bắc Bộ.

(3) Valencia, Sharing the resources of the South China Sea, Martinus Nijhoff publisher, 1977, p. 26.

 (4) Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thực chất ban đầu, người nào đó vẽ ra đường lưỡi bò 11 đoạn để thể hiện bản đồ địa chất, không liên quan gì đến vấn đề chủ quyền trên biển.

(5) Hai đoạn nằm trong Vịnh Bắc Bộ bị bỏ đi vì nhìn rất vô lý.

(6) Điều này phù hợp với Công ước Giơ-ne-vơ năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải. Công hàm không hề nhắc tới Trường Sa và Hoàng Sa.

(7) Các học giả Trung Quốc cũng không có sự thống nhất trong việc giải thích về đường lưỡi bò: Giáo sư Gao Zhiguo, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển biển, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho rằng đường này yêu sách sở hữu đảo nằm bên trong hơn là một đường biên giới biển. Ông nhận xét: “Nghiên cứu kỹ các tài liệu Trung Quốc cho thấy: Trung Quốc chưa bao giờ yêu sách toàn bộ cột nước của biển Nam Trung Hoa mà chỉ có các đảo và vùng nước xung quanh các đảo năm trogn đường này” (Gao Zhiguo, “The South China Sea: From Conflict to the Cooperation”, Ocean Development and International Law, vol. 25 (1994): 346; Pan Shiying cho rằng con đường này đã tồn tại nửa thế kỷ nay, không quốc gia nào phản đối và vì vậy đã tạo ra một danh nghĩa lịch sử cho Trung Quốc, là con đường biên giới quốc gia. Trung Quốc yêu sách chủ quyền không chỉ các đảo, đá của bốn quần đảo Đông Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (bãi ngầm Macclefield) và Nam Sa (Trường Sa) mà toàn bộ vùng nước trong đường chữ U đó (Pan Shiying, “The petropolitics of the Nansha islands – China’s indisputable legal case” (Chính trị dầu mỏ của các đảo Nam Sa – lập luận pháp lý không thể tranh cãi của Trung Quốc), Economic Information & Agency, July 1996. Còn Zou Keyuan cho rằng, yêu sách của Trung Quốc không nên xem như yêu sách vùng nước lịch sử theo nghĩa truyền thống mà giống như một dạng yêu sách các quyền chủ quyền và quyền tài phán lịch sử chứ không phải là yêu sách chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối. Nói cách khác, đây là sự ngụy biện liên hệ đường lưỡi bò với các khái niệm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Luật Biển hiện đại (Yann Huei Song, “China’s “Historic waters” in the South China sea: An analysis from Taiwan”, American Asian Review, vol. 12, N.4, Winter, 1994, p. 83-101).

(8) Li Jinmin & Li Dexia, “The dotted line on the Chinese map of the South China sea: A note”, Ocean Development & International Law, 34:287-295, 2003, p. 287-288.

(9) Xem thêm: Nguyễn Hồng Thao – Đường lưỡi bò và những lý lẽ kiểu “chỉ có ở Trung Quốc” – Tạp chí Nghiên cứu quốc tế (Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao), 12/2009.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.