Vấn đề quần đảo Trường Sa ở Biển Đông: triển vọng và giải pháp
12 Tháng Mười Hai 2011 10:04 SA GMT+7
Tác giả: Vladimir Deforzhevich Martrukov. Học vị: Phó tiến sĩ sử học. Nơi bảo vệ luận án: Moskva. Chuyên ngành: Lịch sử quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại.

PHẦN MỞ ĐẦU

Chương I. Vấn đề quần đảo Spratly (Trường Sa).

Chương II. Lập trường của các bên tranh chấp

Trung Quốc.

Việt Nam.

Philippines.

Malaysia và Brunei.

Chương III. Hoạt động ngoại giao xung quanh các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong những năm 90 của thế kỷ 20.

Thúc đẩy tiến trình đàm phán.

Đảo đá ngầm Mischief  - điểm bước ngoặt trong quan hệ Philippine-Trung Quốc. (Tên VN là Đá Vành Khăn)

Quan hệ ngoại giao song phương Philippines-Trung Quốc.

Nỗ lực của Philippines nhằm quốc tế hóa vấn đề.

Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông.

Chương IV. Cán cân lực lượng ở khu vực và những “điểm nóng” tiềm tàng.

Tình hình tại khu vực cuối những năm 90.

Tương quan lực lượng tại Đông Nam Á.

Nhật Bản trong tư cách người bảo đảm ổn định.

Chương V. Quan điểm của các bên liên quan trong giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa và khả năng diễn biến tình hình trong tương lai gần.

Quan điểm của Trung Quốc về giải quyết vấn đề Trường Sa.

Các biện pháp củng cố lòng tin: quan điểm của Manila.

ASEAN và các cường quốc bên ngoài.

PHẦN MỞ ĐẦU

Khó có thể phủ nhận thực tế là bức tranh thế giới trong 10-15 năm qua đã thay đổi căn bản. Các nước mới đây là thủ lĩnh hiển nhiên và có uy tín cao trên vũ đài quốc tế, nay đã mất đi sức mạnh. Trên vũ đài chính trị đã xuất hiện những đấu thủ mới, các quá trình hợp tác liên khu vực, xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, các nhóm kinh tế hùng mạnh mới bắt đầu hình thành và có ảnh hưởng ngày càng lớn đến vận mệnh của toàn thể cộng đồng thế giới. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là bằng chứng hùng hồn nhất khẳng định xu thế này, khi mà trong suốt một thời gian dài khu vực này đã đứng bên lề nền chính trị thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một trong những đặc điểm của thế giới đa cực. Nếu như gần đây các nước khu vực này không có ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ quốc tế, thì vào cuối thế kỷ 20 Trung Quốc và Nhật Bản dựa vào sức mạnh kinh tế của mình, đã khẳng định vai trò tự chủ của mình trong hệ thống chính trị thế giới, và như vậy đã xóa bỏ kịch bản thế giới đơn cực của Mỹ.

Sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của các nước khác ở Đông Nam Á cũng làm tăng lên rất nhiều ảnh hưởng của họ đến nền chính trị thế giới. Tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện để các nước khu vực này dần xích lại gần nhau, mở rộng hội nhập khu vực, xuất hiện các tổ chức chính trị và kinh tế mới. Phải nhất trí rằng các xu thế chiến lược về kinh tế cũng như chính trị đang tạo ra những lạc quan nhất định. Tình hình tại khu vực ASEAN sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trong các năm 1997-1998 cũng đã được cải thiện đáng kể.

Mặc dù vậy, nhiều vấn đề xuất hiện do khủng hoảng đã không được giải quyết hoặc mới giải quyết một phần. Vì thế chưa thể khẳng định khủng hoảng đã được khắc phục hoàn toàn và nó sẽ không tái diễn trong tương lai. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế và tài chính trong thời gian qua đã cho phép các nước Đông Nam Á nối lại các chương trình bị tạm ngừng về hiện đại hóa không quân và hải quân. Tiềm lực quân sự ngày càng tăng nhờ có thêm những loại vũ khí hiện đại, đang tạo ra những nguy cơ quân sự mới và có thể làm cho tình hình trở nên phức tạp. Vùng biển ở khu vực nhất định sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi các bên xung đột lãnh thổ sở hữu các tầu ngầm và tầu chiến hiện đại.

Có thể nói rằng, khu vực này đang đứng trước một cuộc chạy đua vũ trang chưa từng thấy, được nuôi dưỡng bởi khả năng chi những khoản tiền lớm để mua vũ khí và một phần bởi việc chuyển giao các công nghệ lưỡng dụng giữa các khu vực và toàn cầu. Song, đáng tiếc là vấn đề kiểm soát vũ trang vẫn nằm ở cuối danh mục các ưu tiên của ban lãnh đạo chính trị các nước Đông Nam Á.

Điều này không thể không gây lo ngại khi nhớ rằng các cuộc xung đột lớn liên quan đến những vấn đề an ninh trong khu vực đến nay vẫn chưa được giải quyết, thậm chí thỉnh thoảng lại giống như một cuộc đối đầu gay gắt, rất gần với đối đầu quân sự công khai. Những điểm nóng bất ổn như vậy trong khu vực là cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan và các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông (danh mục các “điểm nóng” tiềm tàng trong khu vực còn có thể kéo dài thêm nhiều nữa).

Điều quan trọng là phải lưu ý rằng xung đột vũ trang tại bất cứ khu vực nào đều nhất định gây hậu quả cho kinh tế và an ninh không chỉ của khu vực đó, mà cho toàn thế giới. Leo thang căng thẳng tại các khu vực nan giải này có thể dẫn đến đối đầu không thể lường trước về mức độ, thời hạn và cường độ. Hiện nay không còn ai nghi ngờ gì về điều này.

Thí dụ, khi bàn về xu thế lâu dài phát triển hệ thống quan hệ quốc tế (cho thời gian 40-50 năm tới) dưới góc độ thay đổi vị thế của các chủ thể trong hệ thống này, nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nga A.Kokoshin nhấn mạnh là đến những năm 2025-2030 Trung Quốc sẽ trở thành “siêu cường quốc bậc 2”, có khả năng thực hiện chính sách tích cực không chỉ ở châu Á-Thái Bình Dương, mà cả ở cấp độ toàn cầu. Nói về những xung đột vũ trang lớn có khả năng nhiều nhất xảy ra trong những năm 2000-2025, ông cho rằng rất có thể xảy ra xung đột vũ trang liên quan đến những xu thế li khai ngày càng mạnh tại Đài Loan. Không chỉ những tuyên bố chính thức của ban lãnh đạo Trung Quốc trong những năm 1999-2000, mà cả những chuẩn bị thực tế của Trung Quốc cho thấy rằng ban lãnh đạo của nước láng giếng châu Á lớn này sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực quy mô lớn để thực hiện quyền của mình và được thế giới công nhận đối với Đài Loan, mặc dù, theo ông Kokoshin, nhiều khả năng hơn là ban lãnh đạo Bắc Kinh sẽ tích cực sử dụng các biện pháp gây sức ép quân sự và tâm lí mà không trực tiếp sử dụng sức mạnh quân sự theo cung cách và tinh thần các luận thuyết Trung Hoa cổ về chính sách quân sự và nghệ thuật quân sự từng hiện hữu trong tư duy quân sự chính trị của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

A.Kokoshin nhấn mạnh: Nhiều điều cho thấy rằng sau khi giải quyết vấn đề Đài Loan, có khả năng ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ đưa vào chương trình nghị sự việc giải quyết vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đẩo Trường Sa, Senkaku và nhiều lãnh thổ tranh chấp khác.

Mỗi xung đột trong số này đều có thể gây ra những hậu quả to lớn trong lĩnh vực y sinh và sinh thái ở các khu vực khác nhau trên thế giới, kể cả trên lãnh thổ LB Nga, đồng thời có thể làm sụp đổ nên kinh tế toàn cầu tương tự như cuộc Đại suy thoái hồi cuối những năm 20-30 của thế kỉ XX.

Một số sự kiện đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình bảo đảm an ninh trong khu vực. Trước hết, đó là Công ước LHQ năm 1982 về Luật biển bắt đầu có hiệu lực từ năm 1994, trong đó khẳng định các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với đặc khu kinh tế rộng 200 hải lí, nhưng không nói gì về vùng lãnh hải lịch sử và các đòi hỏi chồng chéo ở các vùng biển, quần đảo. Tất cả các bên liên quan, không trừ một ai, ngay lập tức sử dụng các quyền có được làm cơ sở cho những yêu sách của mình. Thứ hai, đó là việc chấm dứt chiến tranh Lạnh, phá vỡ trật tự thế giới lưỡng cực tồn tại trước đó và xuất hiện trật tự thế giới mới, chưa rõ ràng và đang dần định hình.

Nhân tố thứ 3 và không kém phần quan trọng – đó là việc không có cơ cấu đa phương bảo đảm một cách hiệu quả ổn định và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Xin nhắc lại là từ năm 1994, ở khu vực này có hoạt động của Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) và Hội đồng hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên ARF là một cơ cấu đối thoại trên cơ sở nguyên tắc đồng thuận, và tất cả các quyết định được thông qua trong cơ cấu này không phải là bắt buôc thực hiện đối với các nước thành viên, chúng chỉ mang tính chất khuyến nghị. Ngoài ra, những tổ chức này phần nhiều phụ thuộc vào sự thống nhất chính trị của ASEAN và sự ổn định quan hệ trong tam giác chiến lược Trung Quốc-Nhật Bản-Mỹ. Vì quan hệ chưa rõ ràng dứt khoát của ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản cũng như quan hệ chưa xác định giữa các nhân tố có ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tương lai thể chế hóa các diễn đàn này chưa hoàn toàn rõ ràng, đặc biệt điều này liên quan đến hiệu quả của ngoại giao phòng ngừa, giải quyết và quản lí xung đột. Mặc dù các quá trình này đang tiến triển và ngày càng có vai trò quan trọng hơn, việc biến chúng thành những cơ cấu đa phương đứng trên các quốc gia nhằm giải quyết các xung đột tiềm tàng là nhiệm vụ của tương lai khá xa.

Tình hình đang trở nên căng thẳng vì  trên thực tế Trung Quốc là một bên trực tiếp và rất tích cực trong các cuộc xung đột ở Biển Đông. Cũng không loại trừ khả năng có cả Mỹ với tư cách là đồng minh của Đài Loan và Philippines cũng sẽ tham gia vào cuộc tranh chấp ở khu vực này. Như vậy, có thể thấy rõ khả năng xảy ra đụng độ giữa 2 cường quốc hạt nhân. Nếu không thể nhanh chóng dập tắt các xung đột ở cấp độ khu vực này, chúng có thể biến thành khủng hoảng toàn cầu. Tính đến bản chất tổng hợp và thay đổi khá nhanh chóng của bàn cờ chiến lược Đông Nam Á có thể hiểu việc ngăn ngừa các cuộc xung đột như vậy là nhu cầu bức xúc đối với các nước khu vực, cũng như các cường quốc hàng đầu thế giới trong những năm tới.

Có thể cho rằng hình thái chiến lược tương lai của Đông Nam Á phần nhiều sẽ được xác định bởi các yếu tố như tình hình thay đổi trên thế giới; những thay đổi mang tính chất cách mạng trong lĩnh vực quân sự; mối lo ngại của các nước chủ chốt trong khu vực trước những vấn đề nội bộ của mỗi nước; lợi ích của các nước ngoài khu vực; sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng về kinh tế và chính trị trong nội bộ khu vực và giữa các khu vực.

Trong bối cảnh này, tính đến yếu tố tất yếu của tiến trình toàn cầu hóa và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của tiến trình này đối với chính sách kinh tế và an ninh, các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước EU nhất định sẽ cần nhận về mình trách nhiệm ngoại giao và chính trị lớn hơn trước. Bởi vì, không thể củng cố an ninh khu vực (cũng có nghĩa là an ninh toàn thế giới) trong khuôn khổ một nhóm chính trị hoặc kinh tế nào đó của các nước, mà đòi hỏi phải có hợp tác quốc tế rộng rãi.

Diễn biến tình hình trong lĩnh vực bảo đảm an ninh ở Đông Nam Á và tác động của nó đến tình hình chung của quan hệ quốc tế ở châu Á-Thái Bình Dương, theo chúng tôi là một trong những vấn đề khoa học quan trọng nhất. Hơn nữa, việc giải quyết nó là mối quan tâm tất yếu đối với thực tiễn chính trị của nước Nga khi mà lợi ích quốc gia của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương những năm qua đã trở nên rõ nét hơn. Mối quan tâm của Nga đến việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á trong quy mô khu vực cũng như ở từng nước mang tính chất lâu dài. Đồng thời, ảnh hưởng chính trị tích cực và sự hiện diện của Liên Xô, sau này là Nga tại khu vực này của thế giới luôn luôn thua kém phương Tây không chỉ do những khác biệt chính trị và tư tưởng, mà trước hết là vì không có mối quân tâm kinh tế lẫn nhau.

Tuy nhiên, các quá trình toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ đang làm cho thế giới gắn bó và phụ thuộc nhau nhiều hơn. Hiện nay, nước Nga đang tích cực hợp tác với các nước khu vực cả trong khuôn khổ hợp tác song phương, cũng như trong khuôn khổ Diến đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đồng thời cả 2 bên đều thấy rõ sự cần thiết phải hợp tác.

Sự cần thiết về kinh tế là phạm trù rộng hơn, chứ không chỉ đơn giản là phụ thuộc khi mà những điều kiện mới đang nổi lên rõ ràng và cấp thiết hơn trước. Và sau khi Nga tìm được vị trí của mình trong cơ cấu kinh tế khu vực, những vấn đề duy trì ổn định ở đây sẽ chiếm vị trí quan trọng trong danh sách các ưu tiên của chính sách đối ngoại Nga.

Vì những nguyên nhân khách quan, tình hình ở Đông Nam Á có tác động đến việc bảo đảm an ninh của Nga, trước tiên thông qua ảnh hưởng đến tình hình chung ở châu Á – Thái Bình Dương và đến việc duy trì cân bằng lợi ích của các nước lớn tại khu vực này. Các nước Đông Nam Á không phải là mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Đồng thời Nga cũng như các cường quốc thế giới khác, hết sức quan tâm đến việc duy trì chế độ tự do hàng hải qua khu vực Đông Nam vì đây là tuyến đường biển huyết mạch nối liền các phần lãnh thổ châu Âu và châu Á của Nga. Rõ ràng là, để bảo đảm cán cân lực lượng thuận lợi cho Nga ở châu Á – Thái Bình Dương và củng cố vị trí của mình, nước Nga cần phải tiếp tục tăng cường nỗ lực nhằm xây dựng quan hệ hợp tác với các nước khu vực này, đồng thời xác định rõ ràng hơn những mục tiêu trong chính sách của Nga ở Đông Nam Á trong định hướng chung ở châu Á – Thái Bình Dương.

Để vạch ra đường lối chính trị đối ngoại có khôn khéo và cân bằng giúp khôi phục và củng cố ảnh hưởng đã mất đi đáng kể của Nga ở khu vực quan trọng này, cần phải hiểu rõ ràng và đầy đủ tình hình chung ở khu vực, mối quan hệ giữa các nước, cũng như các vấn đề ảnh hưởng đến sự hình thành và diễn biến của những quan hệ đó.

Trên cơ sở những điều nói trên, mục đích chính của công trình này là nghiên cứu và phân tích vấn đề quần đảo Trường Sa, mà cho đến nay nó là mối đe dọa ổn định ở Đông Nam Á, cũng như triển vọng giải quyết vấn đề đó. Chính điều này quyết định những nhiệm vụ, mà qua đó tác giả cố gắng đạt đến những mục đích của bản luận án này:

1. Trình bày ở mức tổng hợp nhất có thể về lịch sử xung đột, kể từ khi xuất hiện cho đến nay;

2. Soi rọi lập trường của các bên tích cực nhất, lí lẽ làm căn cứ cho những đòi hỏi của các nước và quan điểm của họ đối với tình hình và các biện pháp giải quyết vấn đề;

3. Trình bày lập trường của các cường quốc ngoài khu vực quan tâm đến giải quyết tranh chấp;

4. Đưa ra dự báo diễn biến tình hình trong tương lai.

Tất cả những điều này sẽ cho phép tránh được cách nhìn đơn phương, đánh giá khách quan về những điểm mạnh và yếu trong luận cứ của các bên xung đột, hiểu được logic chính trị của các đối phương, đưa ra những giả định về kịch bản có thể có cho diễn biến tình hình trong tương lai.

Trong việc chuẩn bị luận án này có sử dụng khá rộng rãi các nguồn tin và tư liệu công bố trong nước cũng như ở nước ngoài. Trước hết là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 - văn kiện pháp lý cơ bản để giải quyết mối quan hệ các nước trong lĩnh vực này của pháp quyền quốc tế. Tuy nhiên, như sẽ nói dưới đây, Công ước không quy định về quy chế pháp lí của các vùng biển mở, mà Biển Đông thuộc về loại này. Trong văn kiện chỉ có những khuyến nghị chung chung cho các nước ven bờ hãy cùng nhau hợp tác khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như mời các nước khác tham gia hợp tác khi thấy cần thiết.

Tác giả cũng đã tìm đến các tư liệu chính thức của Bộ Ngoại giao các nước có tranh chấp, trong đó trình bày lập trường chính thức của các nước về vấn đề Trường Sa. Trong số đó rất đáng quan tâm đến tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các quần đảo Tây Sa và Nam Sa” (tên Trung Quốc của Hoàng Sa - Parasels và Trường Sa - Spratly) tháng 1-1980. Để chứng minh quyền là người phát hiện của mình, phía Trung Quốc đưa ra trích đoạn các cuốn sách “Nam Châu dị vật chí” và “Phù Nam truyện” được viết vào thế kỷ 3 sau Công nguyên. Mặc dù các nguồn này không nói trực tiếp đến Trường Sa, nhưng trong đó cũng kể đến các khu vực hiện nay được biết đến là Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng đáng chú ý không kém dưới góc độ lịch sử là các bằng chứmg khẳng định quyền khai phá được Bộ Ngoại giao đưa ra trong tuyên bố ngày 27/9/1979 “Chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” và sau đó được khẳng định lại vào tháng 01/1980. Trong văn kiện đó đã đưa ra bằng chứng khẳng định quyền của người Việt Nam và bản đồ biển thế kỷ 15, trên đó những lãnh thổ kể trên được khẳng định là của Việt Nam.

Trong bản luận án có sử dụng tuyên bố của chính phủ các nước tham gia xung đột, tư liệu của các hội nghị ARF, báo cáo của các đại biểu tham gia các cuộc hội thảo quốc tế về bảo đảm an ninh ở Đông Nam Á, các văn kiện chính thức về vấn đề giải quyết xung đột ở Biển Đông được thông qua trong khuôn khổ ASEAN cũng như trong khuôn khổ quan hệ đối thoại của các nước ASEAN với Trung Quốc. Những văn kiện này đáng được quan tâm dưới góc độ tìm hiểu những nhiệm vụ đặt ra đối với các nước ASEAN và hiểu các nước này dự định bảo vệ lợi ích của mình như thế nào.

Một số lượng lớn tư liệu cơ sở lập luận có trong các tài liệu và báo cáo của Diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington (Honolulu, Hawaii). Những tư liệu này cho biết ý kiến của các nhà phân tích hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bảo đảm an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trong luận án có sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học của những tác giả Nga có các công trình trực tiếp xem xét những khía cạnh khác nhau của quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á. Ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện luận án này cũng thuộc về những công trình và bài viết của các tác giả O.A.Arin, E.P.Bazhanov, A.A.Volokhova, G.G.Kadymov, A.A.Kokoshin, V.F.Li, N.P.Maletin, Yu.A.Plekhanov, P.A.Razvin, A.A.Rogozhin, V.V.Samoilenko, T.I.Sulitskaia, V.F.Urliapov, V.P.Feđotov, A.M.Khazanov, M.A.Khaldin.

Ngoài ra, những tuyển tập của Viện các vấn đề quốc tế thuộc Học viện ngoại giao Nga nói về các vấn đề an ninh và kiến tạo hòa bình ở châu Á – Thía Bình Dương có tác dụng to lớn cho việc nghiên cứu đề tài của luận án thuộc về. Thí dụ, trong tập “Các vấn đề bảo đảm an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương” có nêu chi tiết các vấn đề lí luận và biện pháp bảo đảm an ninh toàn cầu, khu vực, tiểu vùng và quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Nhiều tác giả xuất phát từ quan điểm cho rằng trong bối cảnh chuyển tiếp từ thế giới lưỡng cực sang thế giới đa cực đã thay đổi đáng kể bản thân nội dung việc bảo đảm an ninh. Ngoài các nguy cơ truyền thống, loài người còn phải chống chọi với những mối nguy cơ nghiêm trọng mới, trước kia chưa từng có. Các bước tiến triển trong tình hình địa chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương được xem xét có tính đến những lợi ích quốc gia của Nga trong khu vực. Như trong tập tư liệu này nhấn mạnh, việc tìm kiếm các mô hình an ninh đa phương và lựa chọn các ưu tiên chiến lược nhất định nào đó đang vấp phải những phức tạp do hậu quả của chiến tranh Lạnh, do tính chất không rõ ràng và không ổn định của thời kỳ quá độ. Có đề nghị đưa ra là phải phân tích chi tiết các nhân tố khách quan và chủ quan, cả hỗ trợ, cả cản trở việc khẳng định những nguyên tắc mới sau đối đầu trong đời sống quốc tế ở khu vực. Cũng có khẳng định cho rằng, việc không còn đối đầu lưỡng cực không có nghĩa là các nguy cơ đe dọa từ bên ngoài đối với các quốc gia trong khu vực hoàn toàn biến mất. Một số nguy cơ đe dọa trong số đó chỉ có thể khắc phục trên cơ sở hợp tác và kiến tạo hòa bình đa phương.

Trong cuốn sách “Chính sách đối ngoại và ngoại giao các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương” có xem xét các phương hướng cơ bản trong chiến lược chính trị đối ngoại của các nước châu Á – Thái Bình Dương từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Xem xét diễn biến thay đổi phức tạp và đầy mâu thuẫn của cán cân lực lượng địa chính trị trong khu vực, các tác giả dành sự quan tâm to lớn đến các nhân tố thúc đảy hiện đại hóa xã hội các nước Đông Á, cũng như các vấn đề hình thành hệ thống khu vực mới của an ninh quốc tế. Trong đó cũng nói về vai trò của châu Á – Thái Bình Dương trong hệ thống an ninh quốc gia Nga.

Những đánh giá chi tiết các hiện tượng và xu thế chủ yếu của thời đại là đề tài công trình của E.P.Bazhanov “Những ưu tiên của Nga trong thế giới đang thay đổi”. Trong đó tác giả đưa ra nhiều khuyến nghị liên quan đến chiến lược của Nga trong thế giới nhiều diễn biến, lập trường của Nga về các vấn đề toàn cầu và khu vực.

Cuốn sách “Châu Á-Thái Bình Dương: huyền thoại, ảo tưởng và thực tiễn” của tác giả O.A.Arin cũng rất đáng chú ý. Công trình này có đặc điểm lần đầu tiên trong nước cũng như ở nước ngoài có người nêu lên nghi ngờ về bản thân khái niệm “khu vực châu Á – Thái Bình Dương” trong bối cảnh phân tích toàn bộ các vấn đề thời cuộc và tranh chấp của Đông Á. Về mỗi vấn đề trong số đó tác giả đưa ra những luận điểm của mình không trùng hợp với quan điểm và thái độ chung. Trong sách cũng nghiên cứu các cơ sở lý luận của lợi ích quốc gia của Mỹ, TQ, Nhật Bản và Nga kèm theo chính sách thực sự của các quốc gia này tại khu vực đang được xem xét.

Nghiên cứu diễn biến phát triển tình hình trong lĩnh vực an ninh ở Đông Nam Á và tác động của nó đến trạng thái chung của quan hệ quốc tế ở châu Á-TBD, vấn đề bảo đảm lợi ích quốc gia của Nga ở khu vực này cũng là đề tài của các tập chuyên khảo và công trình của Viện phương Đông, Viện Viễn Đông, Trung tâm châu Á của Viện nghiên cứu kinh tế thế giới và chính trị quốc tế.

Người viết luận án có sử dụng trong tinh thần phê phán những bài viết của các tác giả nước ngoài. Trước hết đó là của các nhà nghiên cứu chính trị như A. San Paolo-Baviera, M.Valencia, Chzhi Guoshin, B.Lim, F.Umbach. Tất cả họ với lập trường khác nhau xem xét vấn đề những lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, cố gắng chứng minh đòi hỏi của các quốc gia này khác đối với quần đảo Trường Sa, đưa ra phương án của mình để quốc gia vấn đề, dự đoán diễn biến tình hình trong tương lai.

Tác giả cũng sử dụng rộng rãi những tư liệu về đề tài này được công bố trên báo chí Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Việt Nam, Trung Quốc. Những nguồn không kém quan trọng là tư liệu của nhiều báo chí, như “International Herald Tribune”, “Far Eastern Economic Review”, “Asian Defense Journal”, “Asia Week” và các báo khác. Mặc dù có những định kiến nhất định do nguồn gốc dân tộc của các tác giả,  những bài báo được sử dụng là một nguồn tư liệu phong phú, giúp hiểu rõ tình hình xung quanh cuộc xung đột.

Về cấu trúc luận án được chia thành phần mở đầu, 5 chương, kết luận và phụ lục.

Trong Chương 1 tác giả đưa ra đánh giá chung về tình hình hiện nay ở khu vực, đề cập đến những khía cạnh lịch sử chính trị của vấn đề các lãnh thổ tranh chấp, những nguyên nhân chủ yếu của xung đột có tính chất địa chính trị, quân sự chiến lược, công pháp quốc tế và kinh tế, khẳng định tính chất bức xúc và quan trọng của vấn đề không chỉ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà cả đối với toàn thế giới. Cũng đề cập đến những nguyên nhân làm phức tạp việc giải quyết vấn đề Trường Sa. Tác giả cũng đưa ra tóm tắt các sự kiện lịch sử cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ XX, soi sáng diễn biến tình hình xung quanh quần đảo và sự chuyển biến lập trường của các bên liên quan.

Trong Chương 2 có sử dụng rộng rãi các nguồn tư liệu để trình bầy chi tiết lập trưởng của các bên hữu quan. Mối quan tâm đáng kể ở đây thuộc về việc phân tích các nguồn tin và tư liệu được lấy làm cơ sở cho lập trường chính thức của Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia trong vấn đề về các lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông. Chương này cho phép hình dung khá đầy đủ tiền sử của những mâu thuẫn hiện nay trong bối cảnh lịch sử chính trị. Trong chương này có thể thấy diễn tiến của vấn đề, từ xưa cho đến hiện nay.

Lập trường của Trung Quốc với tính chất là nhân vật chủ yếu trong cuộc xung đột này được giới thiệu đầy đủ hơn dưới góc độ lịch sử. Chính quyền Trung Quốc đã thu thập cơ sở tư liệu lịch sử rộng lớn tối đa lo để bảo đảm cho những tham vọng của mình. Hiển nhiên, sự hiện diện của số lượng lớn như vậy những chứng cứ khẳng định tham vọng lãnh thổ của mình là có lợi cho phía Trung Quốc và theo họ làm cho các bên khác không có được cơ sở cho những đòi hỏi đưa ra. Song, vấn đề là ở chỗ Đài Loan, cho đến nay là một nhà nước độc lập, cũng đưa ra đòi hỏi đối với Trường Sa hoàn toàn giống với đòi hỏi của TQ. Điều này gây phức tạp đáng kể cho tình hình chung và trong chừng mực nhất định phá hoại lập trường của Trung Quốc.

Ngoài ra, cả Việt Nam cũng có những bằng chứng thuyết phục là các tư liệu lịch sử, bản đồ, kết quả các nghiên cứu khảo cổ được các nhà khoa học Việt Nam tiến hành ở các đảo của quần đảo Trường Sa.

Trong bối cảnh này cần phải nhắc đến cả Philippines, nước cũng đưa ra những bằng chứng lịch sử khẳng định quyền của họ đối với các đảo. Song Manila sử dụng phần lớn là những tư liệu thuộc về nửa sau của thế kỉ vừa qua.

Đồng thời, khi xem xét khách quan, tất cả những bằng chứng này không mang tính chất quyết định khi xác định chủ quyền quốc gia đối với quần đảo Trường Sa. Bởi vì Biển Đông từ thời xa xưa đã là cửa ngõ nhộn nhịp của các tuyến đường biển, hiển nhiên là trong thời gian nhiều thế kỉ ngư dân và lái buôn cả Trung Quốc, cả Việt Nam, cả Philippines đều đã nhiều lần ghé vào các đảo này, dựng trên đó những chỗ trú tạm, đền chùa, để lại đây dấu vết sự hiện diện của mình. Vì thế tất cả các quốc gia này có cơ sở như nhau để khẳng định mình từ xưa đã làm chủ quần đảo Trường Sa và vì thế luận chứng này không thể được coi là có tính quyết định.

Chương 3 là phần tổng hợp chi tiết theo thứ tự thời gian diễn biến tình hình trong giai đoạn từ đầu thập kỷ 90 đến nay. Ngoài các sự kiện ở khu vực Trường Sa, còn đề cập cả đến hành động của các nước nhằm lập luận cho chủ quyền của mình đối với quần đảo. Trong chương này cũng theo dõi diễn biến thay đổi trong lập trường của các bên vì nguyên nhân điều kiện thay đổi. Các bên dần dần đi đến sự hiểu biết là đầu tiên cần phải có quá trình đàm phán tích cực với tính chất là biện pháp đúng đắn duy nhất để giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ. Sau khi vấp phải thực tế là tất cả các bên đều coi vấn đề chủ quyền của mình đối với quần đảo là không thể tranh cãi và không phải thảo luận, các bên quyết định để sang một bên vấn đề chủ quyền và tìm kiếm thỏa thuận cùng có lợi để khai thác tài nguyên của khu vực. Tuy nhiên, các sự kiện tiếp diễn cho thấy rằng những ý định tốt đẹp vẫn chỉ là những ý định. Dù các cuộc đàm phán đôi bên diễn ra như thế nào, mỗi bên đều nhất thiết nhắc nhở bên kia về “chủ quyền không thể tranh cãi” của mình. Tất nhiên tất cả những điều này không góp phần làm lành mạnh tình hình xung quanh quần đảo Trường Sa.

Trong luận án này cũng dành sự chú ý khá lớn cho quan hệ Philippines – Trung Quốc và các sự kiện chính diễn ra trong khoảng thời gian được nói đến. Manila thực sự lo ngại trước những hành động của Bắc Kinh nhằm tăng cường mở rộng sự hiện diện quân sự và kinh tế của họ ở khu vực Trường Sa. Năm 1992 Manila đã khởi xướng thông qua tuyên bố của ngoại trưởng các nước ASEAN với tên gọi “Tuyên bố Manila về Biển Đông”, trong đó kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột. Song, điểm bước ngoặt trong chính sách của Manila về vấn đề đòi hỏi đối với Trường Sa là việc Trung Quốc chiếm thêm một đảo ngầm nữa là đảo dá ngầm Mischief  (Đá Vành Khăn) nằm ngay sát biên giới Philippines. Sự kiện này làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ Philippines – Trung Quốc. Manila kêu gọi các nước ASEAN cùng hành động chống “sự chiếm đóng lan tỏa của TQ”, song không nhận được sự ủng hộ đặc biệt.

Lập trường thụ động của các nước ASEAN vì nguyên nhân không muốn đối đầu công khai với người láng giềng hùng mạnh đã thúc đẩy ban lãnh đạo Philippines có những nỗ lực ngoại giao tích cực để quốc tế hóa vấn đề, lôi kéo vào đây các nước bên ngoài.

Sau khi đạt được việc thảo luận vấn đề này trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh ASEAN và nhận được sự ủng hộ nhất định từ phía Mỹ, Manila đề xướng để các nước ASEAN biên soạn dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Dự kiến là việc thông qua bộ quy tắc sẽ củng cố lòng tin và giảm căng thẳng xung quanh Trường Sa, đồng thời ngăn chặn “sự chiếm đóng lan tỏa” của TQ đối với các đảo. Nhưng các sự kiện tiếp theo cho thấy là văn bản này không giải quyết được vấn đề, ngoài ra còn có thể thấy cả những bất đồng nghiêm trọng trong vấn đề này giữa bản thân các nước ASEAN.

Trong Chương 4 xem xét bản chất quan hệ của các nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, các vấn đề cán cân lực lượng trong khu vực diễn ra vào thời điểm này, đánh giá lập trường của các cường quốc lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương với tư cách là các nhân vật chiến lược khu vực; quan điểm của các nước ASEAN đối với cán cân lực lượng quân sự và đánh giá của các nước ASEAN về những cường quốc này trong tư cách là sự bảo đảm cho ổn định khu vực. Phân tích khả năng can thiệp tích cực hơn của Mỹ vào việc giải quyết xung đột, mức độ sẵn sàng của Mỹ chống Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc thực hiện các hoạt động quân sự hoặc tiến hành những hoạt động đơn phương nào đó để hạn chế tự do tầu thuyền qua lại ở Biển Đông. Có những đánh giá của bản thân ban lãnh đạo quân đội TQ về khả năng diễn biến tình hình trong trường hợp có giải pháp quân sự cho vấn đề. Phân tích khả năng của Nhật Bản nhận về mình vai trò đi đầu trong việc bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực, tức là thay thế Mỹ ở vai trò này.

Chương 5 phân tích những con đường có thể để giải quyết xung đột, lập trường của các bên hữu quan chủ yếu, cách nhìn của họ về việc giải quyết vấn đề xuất phát từ lợi ích chính trị và kinh tế của mình. Điểm quan hệ hợp tác quân sự của các nước Đông Nam Á với Mỹ trong thời gian hiện nay. Tác giả cũng đưa ra dự đoán về khả năng diễn biến tình hình trong tương lai gần.

Trong phần kết luận có đưa ra khẳng định rằng không nên chờ đợi là Bộ quy tắc ứng xử khu vực sẽ là đóng góp quyết định vào việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong quá khứ Trung Quốc đã kí các bộ luật ứng xử đôi bên với Philippines (tháng 8-1995) và Việt Nam (tháng 11-1995), nhưng các văn kiện này không ngăn cản ban lãnh đạo Trung Quốc mở rộng hạ tầng cơ sở tại các hòn đảo tranh chấp. Ngoài ra, bộ luật được đề nghị là tuyên bố về những ý định chứ không phải là văn kiện bắt buộc các bên tham gia phải theo đúng các điều khoản ghi trong đó.

Đồng thời điều không phải nghi ngờ là đối đầu vũ trang là không thể chấp nhận được đối với các bên. Các trò chơi quân sự không chỉ là mạo hiểm, mà còn tiêu tốn nhiều tiền của. Hơn nữa, các hoạt động chuẩn bị quân sự của một bên nhất định sẽ làm cho các bên khác có những hành động đáp trả. Còn những nước không có đủ tiền cho những khoản chi quân sự như vậy sẽ tìm kiếm các nước thứ 3 để tham gia vào cuộc tranh chấp. Tất cả những điều này nhất định sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng.

Trong tương lai gần, theo chúng tôi, ít có khả năng tình hình xung quanh quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng nghiêm trọng, mà điều này ẩn chứa những hậu quả lâu dài. Chắc rằng tất cả các bên trong cuộc tranh chấp, không trừ ai, sẽ cố gắng duy trì nguyên trạng, đưa ra những tuyên bố kêu gọi hợp tác vì lợi ích chung, còn trong thực tế vẫn tiếp tục có những hành động không công khai để bảo đảm lợi ích của mình ở khu vực này.

Theo suy nghĩ của tác giả luận án, công cụ có thể giảm đáng kể nguy cơ cuộc xung đột ngầm trở thành xung đột công khai là cùng nhau khai thác kinh tế các vùng lãnh thổ tranh chấp. Tuy nhiên việc xác định cơ chế để tất cả các bên có thể chấp nhận là nhiệm vụ hoàn toàn không phải đơn giản. Để đạt được thỏa thuận như vậy các bên phải nhất trí về phạm vi và khuôn khổ hợp tác, cũng như công thức thích ứng để giải quyết các khiếu nại. Công thức này phải không gây ảnh hưởng, không động chạm đến lợi ích của các bên khác. Cũng cần phải lập ra cơ cấu giải quyết các tình huống xung đột có thể nảy sinh trong quá trình khai thác kinh tế khu vực tranh chấp. Cuối cùng, các bên cần phải có ý chí chính trị để tham gia thỏa thuận và thực hiện các điều khoản trong đó.

Tại giai đoạn hiện nay ý nghĩa tích cực thuộc về quan điểm chung trong các xung đột khu vực được thông qua tại các cuộc gặp của ARF. Trong đó đề ra 3 giai đoạn: xác định và thực hiện các biện pháp tin cậy, thành lập các cơ cấu ngoại giao phòng ngừa, các biện pháp nhất trí nhằm giải quyết từng cuộc xung đột cụ thể. Khái niệm “ngoại giao phòng ngừa” có nghĩa là toàn bộ các biện pháp nhằm không cho phép xung đột lan rộng thành đụng độ công khai và giải quyết dứt khoát vấn đề này bằng cách đạt đến sự nhất trí chính trị giữa các bên xung đột.

KẾT LUẬN

Như có thể thấy, sự căng thẳng và các xung đột ở Biển Đông xuất phát từ những vấn đề không được giải quyết về chủ quyền, quyền chủ quyền và kiểm soát các nguồn tài nguyên biển, nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên khoáng. Tất cả đều công nhận rằng khi các tranh chấp này chưa được giải quyết, Biển Đông vẫn sẽ là một trong những “điểm nóng” tiềm tàng trong thế kỷ XXI. Việc không thể giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình và hậu quả là xung đột quân sự với hai hoặc nhiều bên tham gia, sẽ có những hậu quả không chỉ đối với khu vực, mà đối với toàn thế giới, cả dưới góc độ kinh tế, cũng như về mặt chính trị. Như tuyên bố của tổng thống Philippines F.Ramos trong phát biểu khai mạc Hội nghị an ninh khu vực tại Manila năm 1996: “các vấn đề bảo đảm an ninh ở Đông Á gắn liền với các vấn đề kinh tế, bởi vì trong kỷ nguyên phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sự bất ổn chính trị ở bất kỳ nơi nào trong khu vực nhất định sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của mỗi nước”.

Đối với tất cả các nước, tình hình sự việc như vậy là không thể chấp nhận. Trò chơi chiến tranh không chỉ mạo hiểm, mà còn hao tiền tốn của. Hơn nữa, các hoạt động chuẩn bị quân sự của một bên nhất định sẽ làm cho các bên khác có những hành động đáp trả. Còn những nước không có đủ tiền cho những khoản chi quân sự như vậy sẽ tìm kiếm các nước thứ 3 để tham gia vào cuộc tranh chấp. Tất cả những điều này nhất định sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng. Đây là một trong những nguyên nhân tại sao Trung Quốc tích cực phản đối việc Thượng viện Philippines phê chuẩn hiệp định mới về các căn cứ quân sự với Mỹ. Theo Trung Quốc, điều này (khả năng lôi kéo vào cuộc tranh chấp) chỉ có lợi cho Mỹ, chứ hoàn toàn không phải cho Philippines.

Vấn đề gây cản trở việc giải quyết tranh chấp xung quanh Trường Sa là việc các bên không gác lại yêu sách về chủ quyền. Dù là Trung Quốc, Việt Nam hay Philippines, tất cả đều coi vấn đề chủ quyền của mình đối với quần đảo là không phải thảo luận và không thể tranh cãi. Trung Quốc và Philippines thường tuyên bố về ý dịnh gạt sang một bên vấn đề chủ quyền và tìm kiếm thỏa thuận cùng có lợi để khai thác tài nguyên của khu vực. Tuy nhiên thực tế cho thấy tất cả chỉ là tuyên bố trên lời nói. Mỗi khi tiến hành đàm phán đôi bên, mỗi bên nhất thiết nhắc nhở bên kia về “chủ quyền không thể tranh cãi” của mình. Chủ quyền – đó là vấn đề chủ yếu không cho phép đạt được thỏa thuận trong vấn đề này.

Hiển nhiên các nhân tố nội bộ ảnh hưởng đến lập trường của các bên tranh chấp. Thí dụ, ở Philippines việc ủng hộ đòi hỏi và đả kích các bên khác là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc, chính quyền và vai trò thủ lĩnh. Như vậy, trong các cuộc bầu cử địa phương hoặc toàn quốc, những đề nghị về ngân sách trong điều khoản hiện đại hóa quân đội và chiến dịch của chính phủ nhằm thúc giục Thượng viện phê chuẩn các hiệp định với Mỹ – tất cả đó là đóng góp vào việc sau đó trung thành với đường lối cứng rắn với các bên khác, đặc biệt với Trung Quốc. Không có nghi ngờ về việc Philippines vẫn sẽ khăng khăng với những đòi hỏi của mình khi còn cảm nhận thấy sau lưng có sự ủng hộ của Mỹ. Từ khi bắt đầu chiến dịch chống khủng bố, mà Mỹ phát động sau các sự kiện ngày 11/9/2001, sự ủng hộ này trở nên đáng kể hơn, bởi vì ở Philippines đã phát hiện thấy những tổ chức khủng bố nằm trong tầm ngắm của Mỹ.

Tại Việt Nam, do nhu cầu cao trong nước về nhiên liệu hóa thạch, nổi trội hơn là xu thế đàm phán đôi bên và nhiều bên về khai thác các mỏ ở vùng thềm lục địa. Đối với ban lãnh đạo Việt Nam, xung đột quân sự nào đó là tuyệt đối không có lợi, và như vậy từ phía Hà Nội sẽ không có những động thái mạnh mẽ nào đó.

Malaysia trong khi không làm ầm ĩ về những hành động của mình và không cố gắng thu hút mối quan tâm đến các đảo tranh chấp, rõ ràng đang cố gắng khẳng định vị trí của mình tại các lãnh thổ tranh chấp và có lẽ sẽ tiếp tục chiến thuật này trong thời gian tới. Có thể Kuala-Lumpur sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của ASEAN  trong vấn đề này, nhưng chỉ khi trực tiếp vấp phải sự bành trướng của Trung Quốc.

Trung Quốc có khả năng sử dụng sức mạnh quân sự của mình trong việc giải quyết xung đột, nhưng cho đến nay những ưu tiên quốc gia của họ vẫn là hiện đại hóa kinh tế. Như kế hoạch của ban lãnh đạo Bắc Kinh, quá trình náy sẽ kéo dài ít nhất 15 năm (tất nhiên với điều kiện mọi việc diễn ra đúng dự kiến và không có bất ngờ tai hại nào đối với siêu cường quốc đang hình thành). Trung Quốc có thể tìm cách thúc đẩy giải quyết nhanh chóng vấn đề khi bị thiếu hụt nghiêm trọng dầu mỏ, mà như đã biết, nó là nhiên liệu cho tăng trưởng kinh tế. Đơn giản là do sức ép của hoàn cảnh khách quan Trung Quốc sẽ phải giải quyết vấn đề các lãnh thổ tranh chấp trong tương lai không xa.

Đồng thời, hiện nay chủ đề nhạy cảm hơn nhiều đối với Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Chắc rằng nó sẽ được giải quyết trước tiên. Bởi vậy, hiện nay Trung Quốc lựa chọn cùng phát triển các khu vực tranh chấp với tính chất là những bước đi logic để củng cố niềm tin, mặc dù vẫn không từ bỏ việc lặng lẽ tăng cường bành trướng ở Biển Đông.

Cho đến nay, vì tất cả các bên tranh chấp đều hiểu rõ mối nguy hiểm liên quan đến việc giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự, họ bác bỏ việc sử dụng vũ lực và chủ trương giải pháp chính trị. Song, cố gắng giải quyết vấn đề bằng đàm phán không chỉ phụ thuộc vào khả năng của những người đàm phán, mà còn vào ý chí chính trị của các bên có sẵn sàng thông qua những công thức cùng chấp nhận hay không. Hiển nhiên, có thể thấy rõ những tiến triển đáng kể từ phía các bên tranh chấp, song vì những nguyên nhân nêu trên, còn lâu mới có thể giải quyết dứt điểm vấn đề này. Trong tương lai không xa, theo chúng tôi, không nên chờ đợi tình hình căng thẳng lên gay gắt xung quanh quần đảo Trường Sa, mà điều này chứa đựng những hậu quả lâu dài. Chắc rằng tất cả các bên, không loại trừ ai, sẽ cố gắng duy trì hiện trạng, đưa ra những lời kêu gọi hợp tác vì lợi ích chung, đồng thời tiếp tục những hành động không công khai để bảo đảm lợi ích của mình ở khu vực này.

Hiển nhiên, giải pháp cho vấn đề quần đảo Trường Sa có thể xuất phát hoàn toàn từ chính các bên tranh chấp, với điều kiện họ có thiện chí và cố  gắng hành động trong tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Tất cả các bên đều mong muốn đạt đến giải pháp hòa bình cho vấn đề này. Bản chất phụ thuộc lẫn nhau của kinh tế khu vực làm tăng lên đáng kể nguy cơ hậu quả của xung đột tiềm tàng đối với tất cả các nước Đông Nam Á, dù đó là các bên tranh chấp hoặc đơn giản là một nước trong khu vực. Xung đột vũ trang không đáp ứng lợi ích lâu dài của các nước khu vực, và theo chúng tôi, bị thiệt hại nhiều nhất chính là Trung Quốc.

Giải pháp cho vấn đề chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại giữa tất cả các bên hữu quan, vạch ra các biện pháp cho phép tránh xung đột, tiếp tục thực hiện các biện pháp để củng cố lòng tin./.

vnsea.net 

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
CƠN MƠ BIỂN
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.