Thực tiễn xây dựng pháp luật về Biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương
24 Tháng Sáu 2012 10:46 SA GMT+7
Các nước ven biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có một lịch sử sử dụng biển và đại dương lâu đời. Các nước này cũng có một vai trò lớn trong việc xây dựng chế độ pháp lý quốc tế điều chỉnh các hoạt động liên quan đến biển và đại dương, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, họ cùng có một thực tiễn hết sức phong phú trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy phạm pháp luật quốc gia liên quan đến quy chế pháp lý và hoạt động trong các vùng biển của họ.

Các nước ven biển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất quan tâm đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biển của mình. Cho đến nay tuyệt đại đa số các nước ven biển trong khu vực đã lần lượt thông qua các đạo luật để xác định quy chế pháp lý của nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng như điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển đó. Các nước ven biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất đa dạng. Không chỉ có các quốc gia lục địa mà còn có một loạt các quốc gia quần đảo. Bên cạnh những quốc gia với diện tích khiêm tốn và dân số từ mấy chục nghìn đến mấy trăm nghìn là những quốc gia có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn triệu người. Nhiều nước ven biển là những nước đang phát triển nhưng cũng có những nước phát triển có khả năng tiềm lực khai thác đáy đại dương. Vì vậy, hệ thống pháp luật về biển của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng hết sức đa dạng.

ĐA DẠNG TỪ CÁCH THỨC XÂY DỰNG LUẬT

Tuân thủ các quy định trong các cam kết quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 cũng như các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, hàng năm các nước ven biển thông báo cho Liên hợp quốc về các hoạt động lập pháp liên quan đến biển của họ. Các thông tin này được Ban Thư ký Liên hợp quốc công bố rộng rãi và cập nhật thường xuyên. Thông tin của Ban Thư ký Liên hợp quốc cho thấy thực tiễn ban hành luật về biển của các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất khác nhau. Xét từ cách thức ban hành các quy phạm pháp quy về biển, người ta có thể phân thành hai nhóm khác nhau. Nhóm nước thứ nhất đi theo hướng ban hành một luật chung điều chỉnh quy chế pháp lý của tất cả các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Thuộc nhóm này có Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Mi-an-ma, I-ran, Y-ê-men, Ti-mo Lex-te, Sri-Lanca, quần đảo Xô-lô-môn, Xa-moa, Ki-ri-ba-ti v.v... Để minh hoạ, chỉ xin nêu một số ví dụ. Năm 1976 Pa-ki-xtan ban hành Luật về lãnh hải và các vùng biển. Năm 1976, Ấn Độ ban hành Luật về lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và các vùng biển khác. Năm 1976, Xri-Lan ca ban hành Luật về các vùng biển. Năm 1977, Y-ê-men ban hành Luật về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.Năm 1977, Mi-an-ma ban hành Luật về lãnh hải và các vùng biển (được sửa đổi năm 2008). Năm 1978, quần đảo Xô-lô-môn ban hành Luật xác định các vùng biển. Năm 1993, I-ran ban hành Luật về các vùng biển. Năm 2002, Ti-mo Lex-te ban hành Luật về biên giới biển v.v...

Nhóm nước thứ hai không ban hành một luật chung cho các vùng biển mà thông qua nhiều luật khác nhau (thậm chí có nước có đến 4 luật khác nhau). Thuộc nhóm này có nhiều nước ven Biển Đông như In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Bru-nây. Năm 1966, Ma-lai-xi-a thông qua Luật về thềm lục địa (sau đó được sửa đổi vào các năm 2000, 2008) và năm 1984 thông qua Luật về vùng đặc quyền kinh tế. Năm 1981 Thái Lan thông qua Tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế, năm 1988 thông qua hai Tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế ở biển Andaman và trong Vịnh Thái Lan và năm 1995 thông qua Tuyên bố về vùng tiếp giáp. Năm 1983 In-đô-nê-xi-a thông qua Luật về vùng đặc quyền kinh tế và năm 1996 thông qua Luật về lãnh hải, vùng nước quần đảo và nội thủy. Năm 1998 Trung Quốc thông qua Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và năm 2009 thông qua Luật bảo vệ hải đảo v.v…Nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu-di-lân, Phi-gi, Pa-pua Niu-ghi-nê, Síp, Li-băng v.v…cũng ban hành các văn bản pháp luật khác nhau đối với từng vùng biển. Síp thông qua Luật về lãnh hải năm 1964, Luật về thềm lục địa năm 1974, Luật về vùng tiếp giáp năm 2004 và Luật về vùng đặc quyền kinh tế năm 2004. Nhật Bản ban hành Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1977 (sửa đổi năm 1993) và Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1996. Hàn Quốc ban hành Luật về lãnh hải năm 1977 (năm 1996 sửa đổi thành Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp) và Luật về vùng đặc quyền kinh tế vào năm 1996. Phi-gi thông qua Luật về thềm lục địa năm 1970 và Luật về các vùng biển (thực chất là vùng đặc quyền kinh tế) năm 1977 v.v…

Ngoài hai nhóm nước nói trên có một số nước (rất ít) chưa ban hành các văn bản luật riêng về các vùng biển. Điển hình nhất là các nước đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương. Các nước này đưa các quy định về biển vào trong các đạo luật cơ bản của họ. Luật quốc gia của Pa-lau sửa đổi năm 2003 có 7 điều nói về lãnh hải, nội thủy, vùng đặc quyền kinh tế. Đạo luật của Liên bang Mi-crô-nê-dia sửa đổi năm 1988 cũng có các quy định về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam cũng nằm trong số này vì cho đến nay vẫn chưa ban hành luật về biển của mình.

ĐẾN ĐA DẠNG VỀ NỘI DUNG CỦA LUẬT

Điểm đồng cơ bản trong các văn bản pháp luật của các nước ven biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tập trung quy định về phạm vi và chế độ pháp lý của lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Điều này dễ hiểu vì điều quan trọng nhất đối với mỗi quốc gia ven biển chính là phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của họ. Do quy chế pháp lý của các vùng biển theo Công ước Luật Biển năm 1982 khác với quy chế theo các Công ước 1958 nên những nước đã ban hành các văn bản pháp quy vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX đã tiến hành thông qua các văn bản mới để bổ sung, sửa đổi. Mục đích của việc này chính là để các quy định nội luật về biển phù hợp với các cam kết theo Công ước Luật Biển năm 1982.

Các văn bản pháp luật của các nước trong khu vực xác định rõ lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý kể từ đường cơ sở và vùng biển này hoàn toàn thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, mức độ thể hiện nội hàm của vùng lãnh hải có sự khác nhau giữa luật pháp của các nước. Luật của nhiều nước quy định rõ ràng về quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải. Đặc biệt luật quy định thế nào là đi qua không gây hại và liệt kê những hành vi bị coi là vi phạm quyền đi qua không gây hại. Các quy định này tương tự các quy định của Điều 18 Công ước Luật Biển năm 1982. Bên cạnh đó, luật của một số nước chỉ nhắc một câu về quyền đi qua không gây hại mà không đề cập cụ thể về các hành vi bị coi là gây hại. Về vùng tiếp giáp, luật của nhiều nước có đề cập ngắn gọn như quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, nhưng luật một số nước lại không nhắc đến vùng biển này.

Luật của các nước ven biển châu Á - Thái Bình Dương quy định vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải và thềm lục địa rộng tối thiếu 200 hải lý. Các quốc gia ven biển thực hiện quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Luật của nhiều nước quy định rất rõ nội hàm của quyền chủ quyền và quyền tài phán. Đó là việc các nước thực hiện quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác quản lý tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; thực hiện quyền tài phán về việc lắp đặt, sử dụng thiết bị, công trình và đảo nhân tạo, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Luật của một số nước khác không quy định cụ thể như vậy.

Nét đang chú ý khác là văn bản các luật về biển của các nước trong khu vực đều rất ngắn, bất kể đó là luật chung cho mọi vùng biển hay là luật cho từng vùng biển. Có một số trường hợp chỉ có 3 đến 7 điều (ví dụ, Luật năm 1996 về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Nhật Bản có 4 điều và Luật năm 1996 về vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc có 5 điều). Nhiều trường hợp có khoảng trên dưới 20 điều (ví dụ, Luật năm 1976 về lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và các vùng biển khác của Ấn Độ có 16 điều; Luật năm 1993 về các vùng biển của I-ran có 23 điều; Luật năm 1977 và được sửa đổi năm 2008 về lãnh hải và các vùng biển của Mi-an-ma có 25 điều).

Về sự khác biệt, luật pháp về biển của các nước châu Á - Thái Bình Dương cũng có một số điểm khác biệt cả trong nội dung điều chỉnh cũng như bố cục văn bản. Một là, phần lớn các luật về biển không quy định chế tài xử lý vi phạm các quy định quản lý biển. Tuy nhiên, một số luật có quy định cụ thể về chế tài xử lý (có nước phạt tù, có nước phạt tiền, có nước cả phạt tù và phạt tiền). Hai là, liên quan việc giải quyết tranh chấp biển, thông thường các luật về biển của các nước không quy định về khía cạnh này. Tuy nhiên, một số luật có đề cập chung là sẽ giải quyết các tranh chấp qua thương lượng với các nước có liên quan. Một số luật lại nêu rất chi tiết về việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn với các nước tiếp giáp hoặc đối diện. Ba là, phần lớn luật của các nước đi thẳng vào nội dung, nhưng luật một số nước có phần giải thích từ ngữ (đảo, tài nguyên sinh vật, tài nguyên phi sinh vật, nghiên cứu khoa học v.v…). Bốn là, về bố cục của các luật, phần lớn các luật về biển của các nước trong khu vực không chia thành các chương, phần. Theo các chuyên gia pháp lý, lý do là vì số lượng các điều khoản ít, nên không cần thiết phải chia thành các chương, phần. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số luật tuy số lượng điều không nhiều, nhưng vẫn được chia thành chương hoặc phần (ví dụ, Luật về vùng đặc quyền kinh tế năm 1983 và Luật về lãnh hải, vùng nước quần đảo và nội thủy năm 1996 của In-đô-nê-xi-a).

Tóm lại, thực tiễn xây dựng luật về biển của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giống như một bức tranh muôn hình, muôn vẻ. Thời điểm ban hành các luật về biển của các nước có khác nhau. Phạm vi điều chỉnh của các luật này cũng không đồng nhất. Mỗi nước có sự lý giải riêng về cách xây dựng văn bản luật về biển của mình. Mỗi nước tự quyết định về nội dung và hình thức các văn bản pháp quy liên quan biển, đảo của mình. Bên cạnh đó, thực tiễn ban hành luật của khu vực cũng như của các nước khác trên thế giới cho thấy mấy điểm hết sức quan trọng và cần lưu ý. Một là, để điều chỉnh các hoạt động liên quan trong các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của mình, các nước ven biển nhất thiết phải có luật về biển. Hai là, các nước ven biển tự do lựa chọn hình thức văn bản, lựa chọn phạm vi các khía cạnh để đề cập trong văn bản luật của mình. Ba là, các quy định của nội luật về biển của các quốc gia ven biển nhất thiết phải phù hợp các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 nói riêng và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế nói chung vì các quy định đó là tiêu chuẩn chung mà cộng đồng quốc tế đã cùng nhau tạo dựng lên. Bốn là, thực tiễn pháp luật về biển của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là những kinh nghiệm rất bổ ích cho những quốc gia đang trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biển của mình như nước ta./.

Luật gia An Huyền

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.