Trung Quốc và "lá bài" UNCLOS
Sunday, July 08, 2012 8:05 AM GMT+7
Diễn giải một cách sai lệch những điều khoản được ghi trong luật sao cho có lợi nhất cho mình là điều mà Trung Quốc đang làm. "Lá bài" Luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS) là một trong những ví dụ tiêu biểu.

Trung Quốc, với sự thèm khát tài nguyên cũng như với sức mạnh của một cường quốc đang trỗi dậy, đã và đang tiến hành những bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền và lãnh thổ của mình. Ngoài các kiểu “sức mạnh cứng” thường thấy từ quân sự, bán quân sự cho đến ngoại giao và kinh tế, Bắc Kinh còn sử dụng các định chế pháp luật như một thứ “quyền lực mềm” nhằm nâng cao tiếng nói cũng như tính “hợp pháp” của mình tại các khu vực tranh chấp.

 Mơ hồ “vùng nước lịch sử”

Một trong những cơ sở chính để Trung Quốc có thể xác định chủ quyền của mình tại các vùng tranh chấp đó chính là khái niệm về “vùng nước lịch sử”. Khái niệm này không được đề cập trong UNCLOS, tuy nhiên nó được xác định thông qua thông lệ cũng như tập quán quốc tế. Theo đó, “vùng nước lịch sử” có các đặc điểm như sau: 1. Là vùng biển có cấu tạo địa lý đặc biệt, ăn sâu vào đất liền hoặc là một bộ phận gắn liền với lục địa; 2. Ở cách xa đường hàng hải quốc tế; 3. Có ý nghĩa quan trọng đặc biệt về chiến lược, quốc phòng, an ninh, kinh tế,… đối với quốc gia ven biển; 4. Về mặt lịch sử, quốc gia ven biển đã chiếm hữu, khai thác, sử dụng từ lâu đời mà không có nước nào phản đối. Chế độ pháp lý của vùng nước lịch sử là tương đương với chế độ pháp lý của nội thủy.

Các “vùng nước lịch sử” mà Việt Nam đã xác định từ trước đến nay đều tuân theo các quy tắc pháp lý này. Việt Nam hiện tại có hai “vùng nước lịch sử”. Thứ nhất chính là phần Vịnh Bắc Bộ thuộc phía Việt Nam và thứ hai là vùng nước nằm giữa bờ biển đảo Phú Quốc và quần đảo Thổ Chu của Việt Nam với bờ biển tỉnh Kampot và nhóm đảo Polovai của Campuchia. Trên thực tế, việc Trung Quốc miêu tả toàn bộ biển Đông, hay nói cách khác “đường lưỡi bò” là vùng nước lịch sử của Trung Quốc là không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế.

Bắc Kinh đã dựa vào Điều 4 ở trên. Theo Phó phòng Chính sách Đối ngoại thuộc Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zhenhua thì “những hòn đảo trong khu vực đã có người Trung Quốc sinh sống từ thời Đông Hán (năm 23 tới năm 220 sau Công nguyên)” và rằng “người Trung Quốc đã thiết lập một kiểu chính phủ “giống với hiện tại” từ thời Tống (năm 420 tới năm 478 sau Công nguyên) “như là một bằng chứng cho chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc” đối với những khu vực mà nước này yêu sách tại biển Đông. “Các quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi Nam Sa) đã nằm dưới quyền tài phán của khu vực hành chính mà nay thành tỉnh Quảng Đông”. Về chi tiết “không có nước nào phản đối”, Bắc Kinh cho rằng từ năm 1947 và qua suốt những năm của thập niên 1960, không có quốc gia nào, bao gồm cả Hoa Kỳ, “từng nêu câu hỏi hoặc nghi ngờ về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Với những luận điệu trên đây, về thực chất Trung Quốc vẫn không có bất cứ một dẫn chứng cụ thể nào để chứng minh cho lập luận của mình, đặc biệt là về dẫn chứng lịch sử. Họ dựa vào những câu nói trong các tác phẩm lịch sử cổ để lại. Tuy nhiên, ngôn từ trong những tác phẩm đó rất mơ hồ và nhiều khi cũng bị làm cho sai lệch về ý nghĩa hay thêm thắt câu chữ, khiến cho người không am hiểu dễ bị lầm tưởng. Về viện dẫn không có nước nào phản đối, trên thực tế, ngày từ Hội nghị San Francisco tháng 9-1951, không một quốc gia tham gia hội nghị nào đồng ý trao trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc cả và kể từ khi “đường lưỡi bò” được Bắc Kinh đưa ra thì ngay sau đó Việt Nam và một số nước ASEAN như Philippines và Indonesia đều đã gửi công hàm phản đối lên Liên Hiệp Quốc. Điều này trái ngược hoàn toàn với viện dẫn trước đó của Trung Quốc. Ngoài ra, khái niệm “vùng nước lịch sử” cũng hoàn toàn không nằm trong các khái niệm của UNCLOS mà Trung Quốc đã tham gia.

UNCLOS diễn dịch “kiểu Trung Quốc”

Không chỉ đưa ra các tuyên bố đầy mâu thuẫn và không có cơ sở vững chắc, Trung Quốc còn tận dụng những kẽ hở và sự không rõ ràng trong UNCLOS để tuyên bố chủ quyền của mình. Theo những nội dung quy định trong UNCLOS về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Việt Nam cũng như các nước khác đã thông qua, nếu các quốc gia khác muốn thực hiện “quyền đi lại không gây hại” trên lãnh hải của quốc gia ven biển thì cần xin phép, còn đối với EEZ thì các quốc gia khác được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, cùng một số quyền hợp pháp khác theo đúng quy định của UNCLOS mà không cần phải xin phép, trừ các hành động không được cho phép theo luật định như khai thác tài nguyên hay nghiên cứu khoa học...

Tuy nhiên, trong tham vọng bành trướng của mình, Trung Quốc đã cố tình yêu sách về chủ quyền với EEZ như đối với lãnh hải. Cụ thể, Trung Quốc đã tước đi quyền tự do hàng hải của các quốc gia khác trên vùng đặc quyền kinh tế rộng 880.000 km2 của nước này khi tuyên bố các quốc gia khác cần phải xin phép Trung Quốc để được thực hiện “quyền tự do hàng hải” qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Đây là hành động vi phạm các điều luật của UNCLOS một cách nghiêm trọng và là nguyên nhân của vụ va chạm giữa tàu Impeccable của Mỹ và tàu Trung Quốc vào năm 2009.

Trong khi yêu sách về chủ quyền với EEZ đã xâm phạm tới quyền tự do hàng hải của các nước khác thì việc Trung Quốc cố tình diễn giải sai lệch về chế độ các đảo lại đe dọa cướp đi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia khác tại biển Đông. Cùng với việc tuyên bố chủ quyền với các đảo và quần đảo trong “vùng nước lịch sử”, Trung Quốc còn yêu sách cho tất cả đảo, đá và quần đảo của mình có đầy đủ chế độ của lãnh thổ đất liền.

Theo đó, tất cả đảo, đá và quần đảo của Trung Quốc đều có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế EEZ mà không phân biệt đảo, đá đó phù hợp quy định chế độ đảo của UNCLOS hay không. Theo UNCLOS, chỉ những đảo phù hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng mới được hưởng chế độ pháp lý của đảo như lãnh thổ đất liền. Còn về quần đảo thì UNCLOS không diễn giải. Nhưng điểm đáng lo ngại ở đây là nếu trong vùng đặc quyền kinh tế của các đảo đó có một đảo khác thì đảo này sẽ thuộc chủ quyền của Trung Quốc và lại tiếp tục được hưởng chế độ pháp lý đảo như lãnh thổ đất liền. Việc “nối chủ quyền” này đã dẫn tới kết quả là không chỉ những đảo của các nước khác nằm trong khu vực 200 hải lý xung quanh các đảo của Trung Quốc sẽ bị Trung Quốc coi là đảo của mình một cách trắng trợn, hơn thế nữa ranh giới “đường lưỡi bò” cũng sẽ được mở rộng hơn 80% biển Đông và thậm chí chỉ cách một số bờ biển của các nước Philippines, Việt Nam… vài chục kilomet.

Cùng với yêu sách chủ quyền trên EEZ như ở trên thì sau này, nếu Trung Quốc chiếm được biển Đông thì các yêu sách này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các nước khác. Lúc đó, bất cứ một quốc gia nào đi qua biển Đông sẽ phải xin phép Trung Quốc và biết đâu, với tham vọng vô bờ bến của mình, Trung Quốc sẽ còn thu phí hàng hải trên biển Đông. Không chỉ dừng lại ở đó, nếu Trung Quốc và các nước trong khu vực xung đột thì thậm chí Trung Quốc có thể cấm các nước này lưu thông qua EEZ của mình và biển Đông sẽ bị khóa chặt. Các tuyến giao thông hàng hải của Việt Nam và các nước khác qua biển Đông sẽ phải đóng cửa và thậm chí là cả đường hàng không.

Trung Quốc có thể diễn giải sai lệch về chế độ các đảo là do Điều 121 của UNCLOS chỉ quy định về đảo chứ không có quy định về quần đảo. Thứ hai là do sự thiếu thống nhất của các nước về việc xác định thế nào là bãi đá và thế nào là đảo. Có thể thấy rằng có nhiều điểm mâu thuẫn giữa chính luật nội địa của Trung Quốc và luật pháp quốc tế, cũng như giữa những tuyên bố và hành động của Bắc Kinh.

Học giả TRƯƠNG THỬ QUANG, Chủ tịch Hội đồng Học thuật - Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc, GS Viện KHXH Trung Quốc:

"Đường lưỡi bò" là phi lý! (*)

Đường chín đoạn không hề có chỗ dựa (căn cứ) về pháp luật! Trong nước có các nhà luật học, cả các đồng nghiệp ở Đài Loan cũng có chung nhận thức như thế. Hồi đó, các nước ven bờ có nước còn chưa độc lập, nó chỉ do Trung Quốc đơn phương tuyên bố mà thôi.

Tôi cho rằng vấn đề chủ yếu nhất trong nội hàm của “Công ước Biển LHQ” là phân định và bố cục lại vùng biển, để mỗi quốc gia ven biển đều có thể có 200 hải lý (hoặc vùng biển tương đối rộng rãi), Thềm lục địa và vùng biển kinh tế thuận tiện cho các nước khai thác, sử dụng và quản lý biển, để toàn nhân loại đều hướng tới con đường cùng nhau giàu có.

Đó cần phải là căn cứ cơ bản để chúng ta và các nước xung quanh giải quyết tranh chấp Nam Hải. Nước ta là quốc gia đã ký Công ước Biển LHQ thì chúng ta cần phải xử lý mọi việc theo tinh thần Công ước, tỏ cho thiên hạ thấy sự thành tín của mình.

TS (Trích tại Hội thảo Tranh chấp biển Đông, chủ quyền quốc gia và  quy tắc quốc tế ngày 14-6)

S.T.L (Theo PL TPHCM)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.