Công ước Luật biển năm 1982 - Hiến chương của thế giới về Biển và Đại dương
Monday, July 16, 2012 7:43 PM GMT+7
Thành công lớn của Hội nghị Luật Biển lần thứ III là đã thông qua Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc với 320 điều và 9 phụ lục. Công ước được mở ra cho các quốc gia ký vào ngày 10-12-1982. Cũng ngay trong ngày đó, Phi-gi trở thành thành viên đầu tiên của Công ước. Tính đến ngày 5-6-2012 Công ước có 162 thành viên từ khắp châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại dương. Trong số các nước ven Biển Đông đã có 8 nước tham gia Công ước là Việt Nam, Trung Quốc, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xing-ga-po, Bru-nây và Thái Lan.

Kể từ khi được thành lập cho đến nay, Liên hợp quốc đã dành sự ưu tiên đặc biệt cho hoạt động pháp điển hoá và phát triển tiến bộ các quy phạm và nguyên tắc của ngành luật biển quốc tế. Bằng chứng là Liên hợp quốc đã tổ chức 3 Hội nghị lớn và quan trọng về luật biển. Hội nghị Luật Biển lần thứ I được tổ chức tại Giơ-ne-vơ vào năm 1958 và thông qua 4 Công ước, cụ thể là Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp, Công ước về biển cả, Công ước về đánh cá và bảo tồn tài nguyên sinh vật ở biển cả và Công ước về Thềm lục địa. Tiếp đó, Hội nghị Luật Biển lần thứ II cũng được tổ chức tại Giơ-ne-vơ vào năm 1960 với mục đích thống nhất về chiều rộng của lãnh hải. Do lập trường của các nhóm nước khác nhau, nên Hội nghị đã không đạt được mục tiêu đề ra. Hội nghị Luật Biển lần thứ III chủ yếu được tổ chức tại Nữu Uớc và Giơ-ne-vơ với hai giai đoạn khác nhau: giai đoạn trù bị từ năm 1967 đến năm 1973 và giai đoạn chính thức từ năm 1973 đến năm 1982.

Thành công lớn của Hội nghị Luật Biển lần thứ III là đã thông qua Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc với 320 điều và 9 phụ lục. Công ước được mở ra cho các quốc gia ký vào ngày 10-12-1982. Cũng ngay trong ngày đó, Phi-gi trở thành thành viên đầu tiên của Công ước. Tính đến ngày 5-6-2012 Công ước có 162 thành viên từ khắp châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại dương. Trong số các nước ven Biển Đông đã có 8 nước tham gia Công ước là Việt Nam, Trung Quốc, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xing-ga-po, Bru-nây và Thái Lan.

Công ước Luật Biển năm 1982 được coi là Hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương bởi vì đã xác định một cách toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế. Đồng thời Công ước cũng quy định thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến hoạt động ở biển và đại dương như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy đại dương, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa và Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước. Đặc biệt liên quan đến các tranh chấp có thể nảy sinh giữa các thành viên, Công ước Luật Biển năm 1982 đòi hỏi các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước bằng các biện pháp hoà bình theo đúng quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời nêu rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính triệt để. Đáng chú ý là Công ước được thông qua như là một giải pháp cả gói, cho nên các quốc gia không được phép bảo lưu khi tham gia Công ước.

1. Quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển theo Công ước Luật Biển năm 1982

Theo Công ước Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chiều rộng của các vùng biển này được tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của quốc gia ven biển.

Nội thủy toàn bộ vùng biển tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở của quốc gia ven biển. Trong vùng nội thuỷ của mình, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.

Lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài đường cơ sở của quốc gia ven biển. Theo luật biển vào những năm 50 của thế kỷ XX trở về trước, lãnh hải của quốc gia ven biển chỉ rộng 03 hải lý, tức khoảng 5,7km. Tại Hội nghị Luật Biển lần thứ II của Liên hợp quốc, một số nước tiếp tục ủng hộ quan điểm lãnh hải 3 hải lý, nhưng một số nước khác chủ trương mở rộng lãnh hải đến 12 hải lý. Tại Hội nghị Luật Biển lần thứ III các nước đã đạt nhận thức chung, do đó Công ước Luật Biển năm 1982 đã xác định chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lý. Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời ở trên lãnh hải, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

Tuy nhiên, tính chủ quyền ở đây không được tuyệt đối như trong nội thủy bởi vì trong lãnh hải của quốc gia ven biển tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền đi qua không gây hại (tàu bay bay trên vùng trời vẫn phải xin phép). Công ước cũng đề ra những quy định rất cụ thể đối với việc đi qua không gây hại như không được đe doạ hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển, hoặc dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc; hoặc tuyên truyền, thu thập thông tin gây hại cho quốc phòng, an ninh của quốc gia ven biển v.v…

Quốc gia ven biển có quyền ban hành các quy định để kiểm soát và giám sát tàu thuyền nước ngoài thực hiện việc đi qua trong lãnh hải của mình trong một số vấn đề (an toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển; bảo vệ các thiết bị, công trình, hệ thống đảm bảo hàng hải; bảo vệ tuyến dây cáp và ống dẫn ở biển; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; ngăn ngừa vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển liên quan đến đánh bắt hải sản; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; và ngăn ngừa các vi phạm về hải quan, thuế khóa, xuất, nhập cảnh, y tế) và quy định hành lang để tàu thuyền đi qua.

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển đặc thù nằm ở trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Vùng này cũng có chiều rộng 12 hải lý kể từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Có thể nói, vùng này như là một vùng đệm mà ở đó, các quốc gia ven biển có quyền thực hiện sự kiểm soát cần thiết nhằm mục đich ngăn ngừa và trừng trị các vi phạm xảy ra trong lãnh hải của quốc gia đó. Ngoài khía cạnh này ra, quy chế của vùng này hoàn toàn như phần còn lại của vùng đặc quyền kinh tế.

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý, nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Vùng đặc quyền kinh tế là một chế định pháp lý hoàn toàn mới. Mãi cho đến những năm 50 của thế kỷ XX hoàn toàn không có chế định này. Lúc đó các quốc gia ven biển chỉ có lãnh hải 3 hải lý. Ngoài lãnh hải 3 hải lý là vùng biển quốc tế. Với việc ra đời của vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển của quốc gia ven biển được mở rộng và vùng biển quốc tế bị thu hẹp đáng kể.

Khác với nội thuỷ và lãnh hải, quốc gia ven biển không có chủ quyền mà chỉ có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó cũng như đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Hiện nay, tài nguyên thiên nhiên chính trong vùng đặc quyền kinh tế mà các quốc gia ven biển đang quan tâm và đẩy mạnh thăm dò, khai thác là tôm, cá. Đối với số lượng tôm, cá mà quốc gia ven biển không đánh bắt hết thì có thể cho phép các quốc gia khác đánh bắt (nhưng họ phải trả lệ phí và tuân thủ các quy định của quốc gia ven biển). Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.

Bên cạnh đó, Công ước Luật Biển năm 1982 cũng quy định rõ ở trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, các quốc gia khác có một số quyền như quyền tự do hàng hải và quyền tự do hàng không ở vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển.

Thềm lục địa đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển với chiều rộng tối thiểu là 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Theo Công ước, quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý kể từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2500m (đường nối liền các điểm có độ sâu 2500m). Điều kiện để có thể mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý là quốc gia ven biển phải trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Thực hiện quyền này, các quốc gia ven biển đã trình lên Liên hợp quốc 60 Báo cáo quốc gia khác nhau, trong đó có 5 Báo cáo chung - do 2 hoặc 3, 4 nước cùng làm Báo cáo đối với một khu vực cụ thể. Ngày 6-5-2009, Đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc cùng với Đại diện Thường trực Ma-lai-xi-a trình Liên hợp quốc Báo cáo chung của Việt Nam và Ma-lai-xi-a về xác định ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở Nam Biển Đông. Tiếp đó, ngày 7-5-2009, Đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đã trình tiếp Báo cáo riêng của Việt Nam về xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở khu vực phía Bắc.

Công ước Luật Biển năm 1982 quy định trong thềm lục địa của mình, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đó. Hiện nay, các nước ven biển tập trung thăm dò, khai thác nguồn lợi dầu khí để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế. Trong tương lai, ngoài dầu và khí, các nước sẽ thăm dò và khai thác các tài nguyên khác như quặng sắt, đồng, chì, thiếc v.v.. Đặc biệt, khoản 2 Điều 77 của Công ước nhấn mạnh quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia ven biển không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây, nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Như vậy, các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 về phạm vi cũng như quy chế pháp lý các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển rất rõ ràng và minh bạch. Phù hợp với quy định của Công ước, các quốc gia ven biển có các quyền hợp pháp và chính đáng đối với mỗi vùng biển của mình. Khi thực hiện các quyền đó của mình, mỗi quốc gia ven biển có nghĩa vụ tôn trọng các quyền tương tự của các quốc gia ven biển khác. Đó là yêu cầu khách quan của trật tự pháp lý trên biển mà cộng đồng quốc tế đã cùng nhau xây dựng nên. Các quyền và nghĩa vụ theo các cam kết quốc tế luôn luôn phải song hành.

2. Quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế theo Công ước Luật Biển năm 1982

Vùng biển quốc tế: theo luật biển quốc tế trước đây thì vùng biển quốc tế rất rộng, tức là toàn bộ các khu vực biển nằm ngoài lãnh hải 3 hải lý của quốc gia ven biển. Với sự ra đời của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, phạm vi vùng biển quốc tế bị thu hẹp đáng kể. Theo Công ước Luật Biển năm 1982, vùng biển quốc tế là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển. Ở vùng biển quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp và ống ngầm, tự do đánh bắt cá và tự do nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền tự do này, các quốc gia phải tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như phải tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Luật Biển năm 1982 như bảo vệ môi trường biển, bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, an toàn hàng hải, hợp tác trấn áp cướp biển v.v…Công ước quy định vùng biển quốc tế được sử dụng vì mục đích hoà bình và không nước nào được phép đòi một khu vực nào đó của vùng biển quốc tế thuộc chủ quyền của mình.

Đáy biển quốc tế (hay còn gọi là đáy đại dương) là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định đáy biển quốc tế là di sản chung của nhân loại và không một quốc gia nào có quyền đòi hỏi chủ quyền hay các quyền chủ quyền ở đáy biển quốc tế, kể cả tài nguyên ở đó. Đây cũng là những quy định mới trong luật biển quốc tế hiện đại. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định: khác với vùng biển quốc tế, ở đáy biển quốc tế các quốc gia không có quyền tự do khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến đáy biển quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 đã quy định thành lập một tổ chức quốc tế mới là Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương.

Quy chế nói trên về đáy biển quốc tế là kết quả đấu tranh kiên trì của các nước đang phát triển. Theo luật biển quốc tế trước đây quy chế pháp lý của đáy biển cũng là quy chế tự do, tương tự như vùng biển quốc tế. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, các nước đang phát triển đã nỗ lực để cộng đồng quốc tế đi tới quy chế pháp lý này. Trong khi đó, một số nước nước công nghiệp phát triển, hoàn toàn không ủng hộ việc có một quy chế pháp lý như vậy. Do đó, vào những năm 90 của thế kỷ 20, trong khuôn khổ tham khảo không chính thức dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các nước đã tiến hành thương lượng về nội dung của phần XI. Kết quả thương lượng đó dẫn đến sự ra đời của Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước. Theo đó, một số điều khoản của Công ước Luật Biển năm 1982 liên quan quy chế pháp lý của đáy biển quốc tế đã có thay đổi nhất định để đáp ứng yêu cầu của các nước phát triển.

3. Các cơ chế quốc tế để thực thi các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982

a) Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 họp thường niên để thảo luận việc thực hiện Công ước, bầu các cơ chế liên quan như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, xem xét và đánh gía hoạt động của các cơ chế đó. Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở Nữu Ước vào khoảng tháng 6 hàng năm. Các quyết định được Hội nghị thông qua bằng đa số phiếu.

b) Tòa án quốc tế về Luật Biển có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan giải thích và thực hiện Công ước Luật Biển năm 1982. Trụ sở của Toà án đặt tại Hăm-buốc (Đức). Tòa có 21 thẩm phán với nhiệm kỳ 09 năm (có thể được bầu lại). Các thẩm phán của Tòa án được Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 bầu bằng bỏ phiếu kín. Cho đến nay các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 đã trình 19 vụ việc lên Toà án quốc tế về Luật Biển, trong đó 18 vụ liên quan tranh chấp giữa các quốc gia và 1 vụ Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương xin ý kiến tư vấn của Tòa. Dư luận cho rằng về lâu về dài các quốc gia sẽ đưa nhiều vụ việc tranh chấp ra Tòa nhiều hơn vì Tòa án này có một số ưu thế nhất định so với các cơ chế tư pháp quốc tế khác.

c) Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy đại dương có chức năng thay mặt toàn thể cộng đồng quốc tế quản lý đáy biển quốc tế (cấp phép thăm dò tài nguyên ở đó, định ra các chính sách thăm dò khai thác, phân chia thu nhập từ việc khai thác tài nguyên ở đáy biển quốc tế cho cộng đồng quốc tế v.v…). Các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 là thành viên đương nhiên của Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương. Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương đóng tại King-xtơn (Gia-mai-ca). Các cơ quan chính của Cơ quan Quyền lực bao gồm Đại hội đồng với đại diện tất cả các quốc gia thành viên (tương tự như Đại hội đồng Liên hợp quốc), Hội đồng với 36 thành viên (nhiệm kỳ 4 năm) và Ban Thư ký do Tổng Thư ký đứng đầu.

d) Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa được trao chức năng xem xét các Báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa quá 200 hải lý, sau đó ra khuyến nghị đối với các Báo cáo. Uỷ ban có 21 thành viên được Hội nghị các thành viên Công ước bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Sau khi Uỷ ban có khuyến nghị, các quốc gia ven biển ấn định ranh giới thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý của mình. Tính đến ngày 5-6-2012, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa đã nhận được 60 Báo cáo quốc gia về thềm lục địa quá 200 hải lý, trong đó có Báo cáo chung giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a về khu vực thềm lục địa phía Nam Biển Đông và Báo cáo riêng của nước ta về thềm lục địa phía Bắc. Hàng năm Uỷ ban tiến hành các kỳ họp tại trụ sở Liên hợp quốc ở Nữu Ước. Do nội dung các Báo cáo phức tạp và công việc xem xét các Báo cáo thuộc dạng mới, nên đến nay mặc dù đã rất cố gắng, nhưng Uỷ ban mới ra khuyến nghị đối với 17 Báo cáo. Với tiến độ như vậy, dự kiến phải khoảng hai chục năm nữa Uỷ ban mới ra được kết luận về tất cả các Báo cáo quốc gia. Vì thế, trong mấy năm gần đây các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 đang cố gắng thương lượng để tìm các biện pháp thúc đẩy tiến độ công việc của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa.

4. Việt Nam và Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc

a. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng về dự thảo Công ước Luật Biển năm 1982. Việt Nam đánh giá cao việc Hội nghị lần thứ III của Liên hợp quốc về Luật Biển thông qua Công ước Luật Biển năm 1982. Trong quá trình thương lượng tại Hội nghị, sự tập hợp lực lượng và sự đấu tranh về nội dung của dự thảo Công ước diễn ra từ góc độ các nhóm nước khác nhau: nhóm nước ven biển và nhóm nước không có biển, nhóm nước đang phát triển và nhóm nước phát triển, nhóm nước nghèo và nhóm nước có tiềm lực hải quân hùng mạnh v.v…Lợi ích và quan tâm của các nhóm nước đối với quy chế pháp lý các vùng biển rất khác nhau và nhiều lúc rất mâu thuẩn. Vì vậy, các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 không thể thỏa mãn tất cả các yêu sách mà các nhóm nước đặt ra, nhưng về tổng thể đã dung hoà yêu cầu và quan tâm của các nhóm.

Sau khi Công ước Luật Biển năm 1982 được thông qua, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước và ngày 23-6-1994, Quốc hội nước ta đã quyết định phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Từ khi trở thành thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982, nước ta đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế theo Công ước. Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương và thành viên của Hội đồng Cơ quan Quyền lực. Tại các diễn đàn liên quan, Nhà nước ta luôn khẳng định trong hoạt động sử dụng biển các quốc gia phải tuân thủ đúng các quy định trong Công ước, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo Công ước. Là một quốc gia ven Biển Đông, Nhà nước ta triển khai nhiều hoạt động khai thác các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của mình để xây dựng và phát triển đất nước. Trong khi tiến hành các hoạt động ở Biển Đông, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của Công ước, tôn trọng quyền của các quốc gia khác ven Biển Đông cũng như các quốc gia khác theo đúng các quy định của Công ước. Đồng thời Nhà nước ta cũng yêu cầu các quốc gia ven Biển Đông và các quốc gia khác tôn trọng các quyền lợi chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông. Trong thực tế, có lúc đã xảy ra một số vụ việc xâm hại nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhà nước ta đã kiên quyết đấu tranh ở các cấp qua đường ngoại giao và dư luận cũng như trên thực địa để bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

b. Việt Nam nhận thức rõ ràng rằng trong việc sử dụng biển và áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982 việc nảy sinh các bất đồng và tranh chấp giữa các quốc gia là điều khó tránh. Cách thức duy nhất để giải quyết những sự khác biệt và các tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến giải thích và thực hiện các quy định của Công ước chính là sử dụng các biện pháp hoà bình theo pháp luật quốc tế quy định. Giải quyết các tranh chấp biển bằng các biện pháp hoà bình vừa là nghĩa vụ của các thành viên Liên hợp quốc theo quy định của Hiến chương và vừa là nghĩa vụ theo Công ước Luật Biển năm 1982.

Chính vì vậy, Nghị quyết của Quốc hội nước ta về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 tuyên bố rõ Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì hoà bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.

Với chủ trương nhất quán và xuyên suốt đó, Nhà nước ta đã căn cứ vào các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 tiến hành đàm phán với các nước láng giềng về các vấn đề liên quan Biển Đông. Thời gian qua ta và một số nước láng giềng liên quan như Thái Lan, Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a đã giải quyết dứt điểm một số tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn. Năm 1997 ta và Thái Lan ký Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Thái Lan. Năm 2000 ta và Trung Quốc ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. Năm 2003 ta và In-đô-nê-xi-a ký Hiệp định phân định thềm lục địa của hai nước ở phía Nam Biển Đông. Sau khi có hiệu lực, các hiệp định này đã được lưu chiểu tại Liên hợp quốc theo đúng quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Phù hợp với nghĩa vụ theo Công ước Luật Biển năm 1982 và các cam kết theo Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông, Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hành động theo chủ trương tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982; đồng thời yêu cầu kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ nghĩa vụ này. Lập trường đó của Nhà nước Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế/.

Luật gia Hạnh Duy

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.