Nhanh chóng thực thi Luật Biển (II)
06 Tháng Tám 2012 5:01 SA GMT+7
Luật Biển Việt Nam vừa được công bố không chỉ là công cụ pháp lý để bảo vệ vùng biển thuộc lãnh hải của Việt Nam mà còn là công cụ pháp lý quan trọng để Việt Nam vươn ra biển trong tương lai không xa. Biển, đảo là vấn đề quan trọng đối với nước ta, một đất nước có bờ biển dài tới 3.260 km (không kể các đảo). Vì vậy, cần nhanh chóng thực thi Luật Biển để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như khai thác được những nguồn lợi từ biển.
Công cụ pháp lý quan trọng thực thi nhiệm vụ quản lý biển

Luật Biển Việt Nam được ban hành là một công cụ pháp lý hết sức quan trọng, trước hết cho các cơ quan Nhà nước Việt Nam dựa vào đó để tiến hành quản lý các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình. Việc thông qua Luật Biển Việt Nam là một quy trình lập pháp cần thiết, bởi vì đó là quy trình nội luật hóa Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam đã ký từ năm 1982 và đã phê chuẩn từ năm 1994. Luật Biển của chúng ta đã quy định rất rõ các vùng biển của Việt Nam, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với các vùng nội thủy và lãnh hải, thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên vùng biển Việt Nam.

Việc Luật Biển Việt Nam được thông qua lần này một lần nữa khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với các đảo trên Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà tại một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam ban hành trước đây đã từng khẳng định. Đó cũng là điều hết sức quan trọng nói lên quyết tâm mang tính pháp lý chứ không chỉ dừng lại ở những khẳng định chính trị đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Luật Biển Việt Nam cũng nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam là giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế. Luật Biển Việt Nam được ban hành cũng thể hiện Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Trên thực tế, đến nay, trên cơ sở đó,Việt Nam đã đàm phán giải quyết được một số tranh chấp với các nước láng giềng dựa vào luật. Ví dụ, năm 1997, ta cùng Thái Lan phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, năm 2000 ta cùng Trung Quốc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ, năm 2003 ta cùng Indonesia phân định thềm lục địa…

Vươn ra biển, khai thác tốt những nguồn lợi từ biển

Chúng ta đều biết, trong các hoạt động trên biển, một nội dung hết sức cốt lõi, hết sức quan trọng là các định chế nhằm xử lý mọi quan hệ xẩy ra trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển. Các quốc gia hiện nay hướng ra biển là cũng nhằm mục đích khai thác nguồn lợi từ biển để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Ngay trong Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 thì hơn một nửa nội dung đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến kinh tế biển. Đó là một nội dung cực kỳ quan trọng còn cần phải được cụ thể hóa hơn nữa trong Luật Biển Việt Nam.

Một điều rất đáng quan tâm trong Luật đó là các quy định về phạm vi và quy chế của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Chúng ta phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục để mọi tổ chức và người dân Việt Nam hiểu một cách sâu sắc rằng từng vùng biển đều có quy chế riêng và đều có những hành xử khác nhau; quyền hạn, nghĩa vụ của các tổ chức, lực lượng, công dân khi hoạt động trong các vùng biển đó cũng rất khác nhau…..

Ngoài ra, một vấn đề mà chúng ta cũng phải quan tâm để bổ sung, điều chỉnh là hiệu lực của các đảo, quần đảo trong việc xác định phạm vi biển của chúng. Luật Biển Việt Nam đã xác định nguyên tắc rằng: các đảo nhỏ không thích hợp cho đời sống con người và không có đời sống kinh tế riêng thì không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đó là điều rất quan trọng để chúng ta hiểu rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà hiện nay Trung Quốc áp đặt một đường cơ sở bao trùm cả quần đảo như một quốc gia quần đảo là hoàn toàn trái với quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và đường biên giới biển hình "lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra là một đường hoàn toàn không dựa vào bất kỳ một tiêu chí nào trong luật pháp và thực tiễn quốc tế. Vì vậy, việc Luật Biển Việt Nam ra đời sẽ là công cụ hữu hiệu để người dân cũng như quốc gia dựa vào đó để đẩy mạnh kinh tế biển cũng như bảo vệ vùng biển trời của Tổ quốc.

Cần cơ quan đặc trách giải quyết các vấn đề liên quan đến biển, đảo

Để Luật Biển có hiệu lực và phát huy tác dụng trong đời sống thực tế hiện nay, trước hết và tối cần thiết là phải rà soát lại cơ chế đảm bảo thi hành. Cơ chế đó không thể chỉ để cho các bộ, ngành, địa phương triển khai theo chức trách nhiệm vụ như hiện nay mà cần phải có một cơ chế, một tổ chức quản lý tập trung, điều phối. Bởi vì quản lý biển là một lĩnh vực rất rộng lớn và phức tạp, là một lĩnh vực đa ngành, ở đây còn có cả các yếu tố quốc tế. Từ trước đến nay chúng ta có giao cho nhiều cơ quan nhưng đang tản mát và không tập trung, khiến cho chúng ta vẫn thường lúng túng trong các ứng xử mỗi khi có tình huống bất ngờ xảy ra, đặc biệt là trong tình hình tranh chấp phức tạp đang diễn ra hiện nay ở Biển Đông.

Biển, đảo là một vấn đề hết sức rộng lớn và có vai trò quan trọng trong hiện tại cũng như tương lai, vì vậy, có lẽ nên phải tính đến một cơ quan quản lý nhà nước đặc trách riêng để đứng ra quản lý và phát triển biển đảo. Nếu có tổ chức như vậy chúng ta sẽ chủ động hơn rất nhiều cả về mặt chiến lược phát triển kinh tế biển một cách vững chắc và phù hợp với sức của chúng ta, làm đòn bẩy cho quá trình phát triển về mọi mặt của Việt Nam chúng ta. Chúng ta cũng cần phải củng cố, tăng cường sức mạnh của các lực lương chấp pháp trên biển của chúng ta, kể cả về trang thiết bị lẫn kiến thức pháp lý, thủ tục và quy trình xử lý các vụ vi phạm theo đúng quy định của pháp luật ….Cũng cần phải xem xét khả năng của hệ thống tư pháp của chúng ta trong việc xét xử các vụ vi pham phức tạp trên biển. Có lẽ đây là một nội dung rất mới mẻ và khá phức tạp. Dù khó như vậy, tình hình thực tế hiện nay không còn cho phép chúng ta chần chừ được nữa. Đừng chỉ nghĩ rằng chúng ta thêm một cơ quan nữa thì càng cồng kềnh. Có thể có những bộ phận nào đó cần phải gạt đi nhưng biển, đảo của chúng ta xứng đáng có một cơ quan đặc trách riêng để quản lý và phát triển tương xứng với tầm vóc của nó.
Luật gia Trần Công Trục
(Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ)
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.