Thực thi Luật Biển một cách vững chắc (III)
Monday, August 06, 2012 5:28 PM GMT+7
Luật Biển Việt Nam đã được ban hành, có hiệu lực từ 1-1-2013. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền các vùng biển quốc gia. Tính dân tộc đã được thể hiện ở tầm cao mới qua việc ra được Luật Biển trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông ngày càng phức tạp.
Ban hành Luật Biển Việt Nam là bước đi quan trọng
Khi mới thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (năm 2008), hệ thống chính sách quản lý tổng hợp biển gần như con số không. Rất khó cho các nhà quản lý nếu không có một "Luật Mẹ” để làm cơ sở ban hành các đạo luật nhỏ hơn hoặc các văn bản chính sách dưới luật. Rất mừng là Luật Biển Việt Nam – đạo "Luật Mẹ” đã được ban hành. Luật Biển Việt Nam có một giá trị pháp lý to lớn, như một "UNCLOS con”- tức Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, ở cấp quốc gia.
 
Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều. Điều 1, chương 1 của Luật Biển Việt Nam nêu rõ phạm vi điều chỉnh của luật là đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển, đảo.
 
Việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Luật là sự tiếp nối lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề này, đã được nêu rõ trong Nghị quyết năm 1994 của Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Luật Biên giới quốc gia năm 2003.
 
Chương 2 gồm 14 điều quy định về việc xác định đường cơ sở, chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (nội thủy, lãnh hải) và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của ta (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo.
 
Chương 3 gồm có 20 điều quy định về nội hàm của việc đi qua không gây hại, nghĩa vụ khi thực hiện quyền này, quy định tuyến hàng hải và phân luồng giao thông. Trong chương này, đề cập đến 13 hành vi bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh khi tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải Việt Nam (Khoản 3, Điều 23)…
 
Chương 4 có 5 điều quy định các nguyên tắc phát triển biển, các ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển, vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển.
 
Chương 5 có 3 điều quy định về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển.
 
Chương 6 có 4 điều quy định về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm, biện pháp bảo đảm tố tụng, xử lý vi phạm, biện pháp đối với đối tượng là người nước ngoài... nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, đúng pháp luật giữa các cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm Luật Biển Việt Nam.
 
Chương 7 ghi rõ Luật Biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Chính phủ sẽ ban hành những quy định hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao ở trong Luật.
 
Điểm thành công của Luật Biển Việt Nam là đã chi tiết hóa được các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 thành các điều khoản để có thể áp dụng trên các vùng biển của Việt Nam. Quan trọng nhất là Luật này xác định được các vùng biển và quy chế pháp lý cho từng vùng.
 
Luật Biển là tiền đề, hành lang pháp lý quan trọng nhưng để đưa Luật vào cuộc sống Việt Nam cần lực lượng chấp pháp - trong khi ở thời điểm hiện tại, sức mạnh của lực lượng này của chúng ta chưa thể bao quát hết 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế được quy định trong Luật. Vì thế, Việt Nam phải chú trọng nâng cao năng lực để bao quát vùng biển của mình. Đồng thời phải phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, kết hợp chỉ đạo điều hành thể hiện tính kiên quyết thực thi pháp luật, Luật mới đi vào cuộc sống.
 
Cụ thể hóa "Luật Mẹ” bằng các "Luật con”
Mừng vì đã có "Luật Mẹ,” song Việt Nam tiếp tục phải ra những đạo luật nhỏ hơn để thực hiện triệt để quyền làm chủ cũng như tiến ra biển một cách vững chắc, bởi đơn giản là chủ quyền biển đảo chỉ được khẳng định tốt khi chúng ta khai thác có hiệu quả và kiểm soát được các vùng biển của mình ngoài hiện trường.
 
Xây dựng khung pháp lý để quản lý biển và hải đảo là câu chuyện dài, không thể hoàn thiện một sớm một chiều nhưng phải làm càng sớm càng tốt. Hiện đã có không ít văn bản chính sách và pháp luật về quản lý nhà nước theo ngành (thủy sản, hàng hải, dầu khí, du lịch, các cơ quan chấp pháp trên biển khác…) và chắc chắn để thống nhất quản lý nhà nước về biển, phải ban hành hệ thống chính sách quản lý biển tổng hợp và nguyên tắc quản lý biển theo không gian, cùng với việc điều chỉnh ít nhiều các văn bản quản lý biển theo ngành nói trên cho phù hợp, bám sát tình hình thực tế, có như thế mới bảo đảm được lợi ích quốc gia, hài hòa lợi ích ngành và người lao động. Trước mắt cần đẩy nhanh việc xây dựng Luật Tài nguyên và Môi trường biển để cụ thể hóa vấn đề quản lý khai thác, sử dụng biển, đảo và bảo vệ môi trường biển đã ghi trong Luật Biển Việt Nam. Các luật tiếp theo nên xây dựng là: Luật Quản lý tổng hợp vùng bờ biển, Luật về Khu bảo tồn biển, Luật Sử dụng hải đảo (vì trong biển bạc mỗi đảo là một "thỏi vàng đen” và là một "cột mốc chủ quyền” quốc gia trên biển), Luật Bảo vệ môi trường biển,…
 
Nước ta có các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chúng thuộc về các mảng không gian biển khơi, vịnh, vùng biển ven bờ (vùng ven bờ) và nhỏ hơn là các mảng không gian của các vũng biển ven bờ (bay),…với các đặc trưng và tiềm năng phát triển khác nhau. Từ cách tiếp cận quản lý tổng hợp để tiến tới thống nhất quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phải coi biển và các mảng không gian trong nó là hệ thống tài nguyên chia sẻ, sử dụng cho nhiều ngành (đa ngành). Cho nên quy hoạch không gian biển được xem là một nội dung trong quy hoạch khai thác sử dụng biển, đảo (không gian biển). Trên cơ sở quy hoạch sử dụng không gian như vậy, sẽ tiến hành xác định "chế độ pháp lý” cho các mảng không gian được phân chia cho các ngành, người sử dụng để bảo đảm mức độ tuân thủ quy hoạch cao nhất, để giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành và tối ưu hóa lợi ích kinh tế, trong khi vẫn bảo toàn được chức năng sinh thái và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững ở vùng quy hoạch.
 
Thêm nữa, giá trị của không gian biển không chỉ là con tôm, con cá và nguồn tài nguyên không tái tạo như dầu khí… mà biển còn là không gian sinh tồn của dân tộc ta.
 
Luật Biển là điểm tựa vững chắc để tiến ra biển
Vùng biển khơi rộng lớn ở phía ngoài là không gian phát triển các hoạt động hàng hải và khai thác dầu khí ở thềm lục địa, đồng thời sẽ là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế biển sôi động hơn khi nước ta là quốc gia hội nhập quốc tế, đáp ứng khá tốt yêu cầu với tư cách là thành viên của Liên Hợp Quốc, thành viên của UNCLOS 1982 thành viên WTO… Ta cần tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách để sẵn sàng hội nhập quốc tế hiệu quả trong lĩnh vực biển vì dấu ấn hội nhập và hợp tác quốc tế đối với biển vẫn còn mờ.
 
Trong bối cảnh nước ta đã chính thức bước vào "sân chơi quốc tế”, cũng phải chuẩn bị đội hình và công nghệ để sớm tham gia hưởng lợi từ không gian đại dương, "lấy đại dương nuôi đất liền”. Chính sách biển của nước ta một mặt, phải có tác động điều chỉnh hành vi phát triển của các ngành kinh tế biển, tạo ra một trật tự pháp lý ổn định trên vùng biển quốc gia; mặt khác, phải hỗ trợ khả năng hội nhập quốc tế, trước hết phải phù hợp với tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
 
Đảm bảo độc lập, chủ quyền là yêu cầu tiên quyết nhưng như thế không có nghĩa là "đóng cửa biển”! Khi đã có Luật Biển, nếu có được chính sách tạo ra được điểm hài hòa về lợi ích, chúng ta nhất định sẽ có những đối tác tốt, đối tác mạnh, giúp chúng ta làm giàu. Chúng ta cần những cơ chế chính sách tốt, khôn ngoan, khơi dậy được những tiềm năng sẵn có chứ không phải chỉ "dựa vào tiền”. Ta có cả một vùng biển rộng với vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào…, phải thực sự hội nhập, giống như khi bạn đứng ngoài nhìn dòng giao thông đông đúc kia rất ngại nhưng khi hòa vào dòng lưu thông đó, ta cũng sẽ thông minh ra, tìm ra cách đi riêng. Mà lợi ích trên Biển Đông thì không chỉ của các nước bên bờ Biển Đông!
 
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.