Trung Quốc sử dụng có chiến lược kinh phí khoa học cho nghiên cứu về Luật quốc tế
Saturday, November 25, 2017 7:37 PM GMT+7
Trong số nhiều chủ đề được chính phủ Trung Quốc tài trợ và khuyến khích, đứng đầu là luật kinh tế quốc tế, thứ hai là các vấn đề liên quan tới luật biển và thứ ba là luật môi trường quốc tế. Và Trung Quốc thường khuyến khích các học giả phát triển cách tiếp cận theo hướng chủ nghĩa dân tộc.


 

Nhiều báo cáo đã tập trung vào việc chính phủ Trung Quốc sử dụng các biện pháp kiểm duyệt để kiểm soát một số quan điểm học thuật nhất định trong giới trí thức nước này, từ các học giả trong nước cho đến báo chí nước ngoài. Nhưng Trung Quốc đã sử dụng những "củ cà rốt" (biện pháp khuyến khích) thay vì "cây gậy" (các biện pháp trừng phạt) như thế nào? Đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng trở nên quan trọng trên trường quốc tế, rất cần quan tâm đến việc chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích giới học giả luật quốc tế nghiên cứu những chủ đề nào thông qua việc sử dụng nguồn kinh phí khoa học một cách chiến lược.

Khi tôi tiến hành so sánh các học giả luật quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau trong cuốn sách “Liệu luật quốc tế có thực sự có tính quốc tế”  (Is International Law International), cách mà các học giả luật quốc tế tập trung vào các tiểu lĩnh vực/lĩnh vực nhỏ là một vấn đề đáng chú ý. Ví dụ, tại Mỹ, các luật sư về luật quốc tế thường tập trung vào các lĩnh vực như luật ngoại giao, sử dụng luật quốc tế trong các tòa án nội địa, luật nhân quyền, luật hình sự quốc tế, sử dụng vũ lực và luật nhân đạo quốc tế. Có một số luật sư về luật thương mại quốc tế nhưng không có nhiều nhiều luật sư về hiệp định đầu tư quốc tế. Các trường đại học hàng đầu của Mỹ lại hoàn toàn thiếu vắng các chuyên gia về luật biển. Trái lại, nhiều học giả về luật quốc tế tại các trường luật danh giá của Trung Quốc thì lại rất tập trung vào các lĩnh vực như luật kinh tế quốc tế và luật biển.

Cách thức sử dụng có chiến lược các nguồn kinh phí khoa học của chính phủ Trung Quốc phần nào cho thấy trọng tâm trong nghiên cứu học thuật pháp lý của Trung Quốc. Có ba nguồn chính hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu pháp lý của Trung Quốc: Quỹ Khoa học Xã hội Quốc gia (NSSFC), Quỹ Hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Quỹ Hỗ trợ của Bộ Tư pháp. Quỹ NSSFC là một ví dụ có thể nghiên cứu được vì Quỹ này thường đưa ra các thông báo thường niên và một danh sách gợi ý các chủ đề nghiên cứu về các đề xuất nghiên cứu có thể được tài trợ. Trang The People’s Daily báo cáo rằng giới chức trách Trung Quốc có ý định sử dụng Quỹ NSSFC để hỗ trợ cho các nghiên cứu chiến lược về phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc.[1] Phó chủ nhiệm Ủy Ban Thông tin của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc (thường được gọi là Ban Tuyên truyền), ông Wang Xiaohui, cho biêt các kết quả từ việc nghiên cứu này có thể được sử dụng hữu hiệu trong quá trình đưa ra các quyết định của  chính phủ

Sử dụng các thông tin tìm được trên mạng, tác giả đã tổng hợp được một danh sách các chủ đề luật quốc tế bao gồm các chủ đề nghiên cứu được NSSFC gợi ý từ năm 2009 đến 2014[2], và danh sách các đề xuất nghiên cứu được tài trợ từ năm 2007-2014[3] (về nội dung đầy đủ của các chủ đề này, bao gồm cả các bản dịch, và cách thức mà tôi lựa chọn và phân loại các chủ đề, xin tham khảo phụ lục D trong cuốn sách mà tôi đã đề cập ở trên). Bảng 1 thể hiện các chủ đề được khuyến nghị, và Bảng 2 thể hiện các chủ đề được tài trợ trên thực tế. Theo như các số liệu này, chính phủ Trung Quốc khuyến khích các học giả luật quốc tế tập trung nghiên cứu vào các lĩnh vực nhất định liên quan tới lợi ích quốc gia, bao gồm chủ yếu là luật kinh tế quốc tế và luật biển quốc tế.  Và trong phạm vi các chủ đề này, chính phủ Trung Quốc thường khuyến khích các học giả phát triển cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc trong các nghiên cứu của mình.

Bảng 1: Trung Quốc: Các chủ đề nghiên cứu được khuyến nghị trong năm 2009- 2014

Bảng 2: Trung Quốc: Các đề xuất nghiên cứu được tài trợ trong năm 2007-2014

Luật kinh tế quốc tế chiếm một phần lớn trong cả các chủ đề nghiên cứu được khuyến nghị và các đề xuất nghiên cứu được tài trợ. Theo như quan sát của David Shambaugh, các động lực kinh tế là một đặc điểm nổi bật trong các chính sách ngoại giao Trung Quốc. Trên thực tế, luật quốc tế không bao gồm một chủ đề thống nhất duy nhất. Thay vào đó, luật quốc tế được chia làm ba lĩnh vực: luật công pháp quốc tế, luật tư pháp quốc tế, luật kinh tế quốc tế. Sự tập trung chủ yếu vào lĩnh vực luật kinh tế quốc tế của Trung Quốc không đáng ngạc nhiên khi xét đến việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO vào năm 2001, Trung Quốc dính líu tới nhiều vụ giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO, và các nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc xây dựng năng lực trong lĩnh vực kinh tế quốc tế. Trung Quốc cũng đứng thứ hai trọng việc ký kết các hiệp định đầu tư quốc tế trên thế giới, và các công ty Trung Quốc, bao gồm các công ty nhà nước, đang bắt đầu đưa ra các cáo buộc chống lại các quốc gia nước ngoài, trong khi chính phủ Trung Quốc cũng là đối tượng của các cáo buộc theo các cơ chế giải quyết tranh chấp của các hiệp định đầu tư. Mặc dù vấn đề thương mại chiếm đa số trong các chủ đề về luật kinh tế quốc tế, các vấn đề đầu tư cũng đang được gia tăng chú ý trong thời gian gần đây.

Đứng thứ hai trong các chủ đề nghiên cứu được khuyến nghị và được đề xuất tài trợ của chính phủ Trung Quốc là các vấn đề liên quan tới luật biển, hướng vào chủ nghĩa dân tộc nhằm đảm bảo lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Danh sách các chủ đề được khuyến nghị bao gồm: “Các nghiên cứu về việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông thuộc phạm vi quyền tài phán của Trung Quốc” và các đề xuất nghiên cứu được tài trợ bao gồm: “Nghiên cứu pháp lý về việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông và Cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan” và  “Nghiên cứu về chiến lược pháp lý bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa [nguyên gốc Nam Sa] dưới những hoàn cảnh mới”. Như một học giả Trung Quốc đã từng giải thích với tôi, các chủ đề nghiên cứu được khuyến nghị đôi lúc chỉ mang tính ngắn hạn bởi vì những chủ đề này có mục đích hướng vào các nhu cầu cấp bách của Trung Quốc hơn là đặt ra các kế hoạch cho các vấn đề tiềm tàng trong tương lai. Số lượng các đề xuất nghiên cứu được tài trợ liên quan tới Biển Đông tăng từ 0 năm 2009 đến 6 hoặc 7 trong năm 2014 vì vấn đề này trở nên quan trọng sau năm 2010, đặc biệt sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo quy định của UNCLOS vào năm 2013.

Luật môi trường quốc tế cũng là một vấn đề quan trọng trong chính sách tài trợ của Trung Quốc, đồng bộ với những nỗ lực của Trung Quốc về vấn đề này trên trường quốc tế. Trung Quốc lập luận rằng các quốc gia phát triển nên chịu trách nhiệm chính đối với vấn đề bảo vệ môi trường, bởi vì trình độ công nghiệp hóa cao hơn đồng nghĩa với việc mức độ quốc gia góp phần gây ra thay đổi khí hậu cũng không tương đồng với nhau, và trong khi đó, nguồn lực của các quốc gia phát triển cho phép đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để giảm thiểu thiệt hại về môi trường. Mặc dù Trung Quốc chấp nhận các mục tiêu không ràng buộc về cắt giảm khí thải, Trung Quốc mạnh mẽ ủng hộ hướng tiếp cận “trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt” đối với việc xử lý biến đổi khí hậu, và do đó đã tài trợ nhiều đề xuất về các chủ đề như “Vấn đề Bình đẳng trong Xây dựng Trật tự Mới cho Luật Quốc tế về Khí hậu”.

Sự thờ ơ của Trung Quốc đối với những chủ đề khác cũng nói lên nhiều điều. Những chủ đề chính trong nghiên cứu luật quốc tế ở những quốc gia khác như Mỹ, như luật quốc tế ở tòa án quốc gia, sử dụng vũ lực, luật hình sự quốc tế và luật nhân đạo quốc tế lại không nhận được nhiều sự chú ý ở Trung Quốc. Luật nhân quyền quốc tế mặc dù có được quan tâm, nhưng không phải là trọng tâm. Số lượng đề xuất về nhân quyền được Trung Quốc tài trợ cũng gần bằng với số lượng đề xuất về lợi ích của Trung Quốc ở Bắc Cực và Nam Cực, và chỉ cao hơn các đề xuất được tài trợ về giải quyết tranh chấp quốc tế, bảo vệ lợi ích, công dân và di sản văn hóa ở nước ngoài. Một số đề xuất được tài trợ đã cho thấy một số quan ngại về quan hệ giữa Trung Quốc và các cơ chế nhân quyền quốc tế, như Ủy ban Nhân quyền LHQ.

Thông qua việc sử dụng một cách chiến lược nguồn kinh phí, cũng như các biện pháp khác, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách tăng cường nghiên cứu về các lĩnh vực luật quốc tế và các vấn đề có liên quan trực tiếp tới lợi ích quốc gia của mình. Theo lời một học giả luật quốc tế Trung Quốc nổi tiếng, nếu nhìn vào những chủ đề này, “ta sẽ biết tiền được đổ đi đâu”, và từ đó, sẽ biết được “các học giả sẽ viết như thế nào”. Những nguồn động lực này không chỉ ảnh hưởng tới các học giả đã được nhận tài trợ, mà còn cả những học giả đang hình thành đề cương nghiên cứu với mong muốn được nhận tài trợ, được thăng quan tiến chức hoặc mong muốn đạt được những chứng nhận thành công về mặt học thuật. Ở nhiều trường luật, việc được cấp NSSFC hoặc các nguồn tài trợ nghiên cứu chính phủ khác là một điều kiện tiên quyết để đăng ký làm giáo sư và là một yếu tố quan trọng để đạt được những giải thưởng nhất định, ví dụ như giải thưởng trong "Kế hoạch Hỗ trợ các Tài năng Xuất chúng trong Thế kỷ Mới" của Bộ Giáo dục.

Chiến lược này cũng khuyến khích các học giả luật quốc tế của Trung Quốc phân tích các vấn đề từ góc nhìn làm thế nào để bảo vệ tốt nhất lợi ích của Trung Quốc. Ví dụ điển hình là những chủ đề đã được tài trợ về Bắc Cực và Nam Cực như: “Nghiên cứu về các Vấn đề Pháp lý trên các Tuyến đường Vận chuyển ở Bắc Cực và Lợi ích Quốc gia của Trung Quốc”, “Nghiên cứu Pháp lý Quốc tế về Lợi ích của Trung Quốc ở Bắc Cực”, “Nghiên cứu về Các tuyến đường Vận chuyển của Trung Quốc và việc Xây dựng ‘một Cường quốc Biển’”, “Nghiên cứu về Xây dựng một Trật tự Pháp lý Quốc tế ở Bắc Cực và sự Mở rộng của Lợi ích của Trung Quốc”, “Nghiên cứu về Kế hoạch Pháp lý của Trung Quốc nhằm Tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực”, “Nghiên cứu về các vấn đề pháp lý liên quan đến hàng hải ở Bắc cực từ góc nhìn của lợi ích Trung Quốc”, và “Nghiên cứu về Bảo vệ pháp lý đối với lợi ích của Trung Quốc ở Nam Cực”. Cả chủ đề lẫn quan điểm của các nghiên cứu này đều phản ánh rất rõ ràng một xu hướng nhất định.

Một kết quả có thể có được từ chiến lược sử dụng nguồn vốn tài trợ nghiên cứu này chính là việc Trung Quốc phát triển được một nhóm đáng kể các nhà nghiên cứu luật quốc tế trong các lĩnh vực như luật kinh tế quốc tế hoặc luật biển. Trung Quốc cũng đã đang tài trợ cho học giả của mình học sau đại học ở các nước phương Tây và đăng bài trên các tạp chí nước ngoài và tạp chí quốc tế. Do đó, khi những vấn đề mà Trung Quốc đặc biệt quan tâm nảy sinh – như tính hợp pháp của việc Tòa trọng tài theo UNCLOS quyết định có thẩm quyền trong vụ kiện Biển Đông – Trung Quốc có thể kêu gọi nhiều chuyên gia pháp lý có trình độ cao để viết về những vấn đề này, và hơn nữa là viết bằng tiếng Anh để có thể tiếp cận được các độc giả nước ngoài.

Trái lại, những vấn đề này lại không nhận được sự quan tâm tương tự của các học giả khác, ví dụ như các học giả luật của Mỹ. Ví dụ, đa số các trường luật hàng đầu của Mỹ đã không nhận nhiều chuyên gia luật quốc tế với chuyên môn về luật biển trong nhiều thế hệ gần đây, mặc dù đây là một vấn đề rất quan trọng. Có lẽ xu hướng này sẽ thay đổi khi luật biển được coi là một vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng. Nhưng những hậu quả – mà đôi khi là đối lập – có thể xảy ra từ các hướng tiếp cận khác nhau của giới học giả về luật quốc tế ở các quốc gia khác nhau vẫn rất đáng được quan tâm, đặc biệt là khi ta có thể nhìn thấy sự chênh lệch giữa hướng tiếp cận của một cường quốc khu vực đang lên, như Trung Quốc, và một cường quốc quốc tế đang yếu đi, như Mỹ.

Anthea Roberts là Phó Giáo sư tại Trường Luật pháp và Quản trị Quốc tế (RegNet) thuộc Đại học Quốc gia Úc. Bà có chuyên môn về các lĩnh vực công pháp quốc tế, luật kinh tế quốc tế, và luật so sánh. Bà là tác giả cuốn sách Is International Law International? Bài viết được đăng trên Lawfareblog.

Hà Anh (dịch)

Thanh Hải (hiệu đính)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.