Quy chế pháp lý quốc tế đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia ven biển từ lý luận đến thực tiễn
Thursday, December 22, 2011 5:13 AM GMT+7
Không gian mà con người sinh sống trên trái đất chủ yếu gồm ba phần cơ bản: Đất, biển, trời. Lãnh thổ của quốc gia trên đất liền, bao gồm đất liền, đảo, sông, suối, hồ nội địa, vùng trời phía trên và lòng đất bên dưới nằm trong phạm vi các đường biên giới quốc gia xác định qua thực tế quản lý hay điều ước quốc tế. Đường biên giới trên đất liền của các quốc gia về cơ bản được coi là bền vững và bất khả xâm phạm, mặc dù trên thực tế vẫn đang diễn ra các loại tranh chấp và có sự biến động đường biên giới giữa nhiều quốc gia ở một số khu vực trên phạm vi toàn thế giới.
Giới hạn về độ cao của vùng trời thuộc lãnh thổ quốc gia cũng như độ sâu của lòng đất bên dưới tuy không được xác định rõ ràng, chính xác là bao nhiêu cây số nhưng với khả năng kỹ thuật của nhân loại hiện nay, mỗi quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện chủ quyền của mình trong những phạm vi nhất định tới giới hạn tối đa là vành đai khí quyển nằm dưới quỹ đạo địa tĩnh và tới độ sâu cho phép thuộc bề dày của vỏ trái đất ở bên dưới phần lãnh thổ của mình.

Riêng đối với vùng biển, trong thời gian gần đây đã có rất nhiều sự thay đổi về chất đối với phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển hay còn gọi là quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc quốc gia ven biển, vùng biển thuộc về đại dương cũng như phần đáy và lòng đất dưới đáy đại dương không thuộc bất kỳ một quốc gia nào. Tuy nhiên, biển vẫn còn tồn tại bởi sự điều chỉnh của một nguyên tắc cơ bản của Luật Biển quốc tế đó là mỗi quốc gia ven biển đều phải thừa nhận, có bờ biển mới có biển.

1. Khái quát quá trình phát triển của Luật Biển quốc tế

Giai đoạn thứ nhất, từ xa xưa cho đến giữa thế kỷ XX, các quốc gia ven biển chỉ có vùng biển hẹp (lãnh hải) quy định chiều rộng lãnh hải tùy thuộc vào tuyên bố pháp lý của các quốc gia, nhưng thời điểm lúc bấy giờ đại đa số các quốc gia ven biển, các cường quốc về hàng hải đều quy định chiều rộng của lãnh hải là 3 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852m). Phía ngoài ranh giới lãnh hải 3 hải lý đều là biển quốc tế, ở đó mọi cá nhân, tổ chức, tàu thuyền của các quốc gia dù có biển hay không có biển đều được hưởng quyền tự do biển cả. Hầu như không một quốc gia nào chia biển với bất kỳ một quốc gia nào, đường biên giới biển trong lãnh hải giữa các nước thường được hình thành và tôn trọng theo tập quán quốc tế và thông lệ quốc tế.

Giai đoạn thứ hai, từ năm 1958 đến năm 1994, các quốc gia ven biển có lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải rộng không quá 12 hải lý, có vùng thềm lục địa trải dài dưới biển ra không quá độ sâu 200m nước (theo các công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1958). Các quốc gia ven biển láng giềng, kế cận hay đối diện nhau, căn cứ vào luật, tự mình quy định phạm vi hoặc ranh giới vùng biển quốc gia điều đó đã dẫn đến hậu quẩ tất yếu có sự chồng lấn và tranh chấp về biển đảo. Luật Biển quốc tế lúc đó quy định các quốc gia có vùng biển chồng lấn phải cùng nhau giải quyết vạch đường biên giới biển (bao gồm biên giới biển trong lãnh hải, ranh giới biển trong vùng tiếp giáp và thềm lục địa) trong vùng chồng lấn.

Nguyên tắc hoạch định biên giới biển lúc đó là qua đàm phán, thương lượng hòa bình dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế và thường áp dụng nguyên tắc đường trung tuyến.

Giai đoạn thứ ba, từ năm 1994 đến nay, đây là giai đoạn có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của con người cả về lý luận và thực tiễn khoa học pháp lý quốc tế về biển. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển mới đã được các quốc gia ký kết vào năm 1982 và các quốc gia hữu quan phê chuẩn vào ngày 16 tháng 11 năm 1994, thời điểm đó Công ước 1982 bắt đầu có hiệu lực pháp luật quốc tế về biển. Việt Nam phê chuẩn Công ước 1982 vào năm 1994.

Theo quy định của Công ước 1982, các quốc gia ven biển, hải đảo, đảo, quần đảo có năm vùng biển: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa. Cùng với sự ra đời của Công ước 1982, trên thế giới các quốc gia sẽ phải cùng nhau vạch khoảng 412 đường ranh giới mới trên biển. Như vậy, dưới góc độ lý luận quy phạm pháp luật quốc tế về biển, theo các quy định của Công ước 1982, phạm vi vùng biển của Việt Nam được mở rộng ra một cách đáng kể, từ vài chục nghìn km2 lên đến gần một triệu km2 với năm vùng biển có phạm vi và chế độ pháp lý khác nhau. Nước Việt Nam không còn thuần túy có hình dạng hình chữ “S” nữa mà mở rộng ra hướng biển, không chỉ có biên giới chung với Trung Quốc, Campuchia mà cả với hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonexia, Thái Lan, Brunei.

Thế nhưng trên thực tế không chỉ riêng Việt Nam khi mở rộng chủ quyền vùng biển của mình theo quy định của Luật Biển quốc tế, mà hầu hết các quốc gia biển đều gặp phải sự chồng lấn về các vùng biển, và dẫn đến là có sự tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia về biển đảo. Điều này đòi hỏi các quốc gia hữu quan phải thực sự tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế về phân định biển cũng như tôn trọng các điều ước quốc tế song phương và đa phương về phân định biển, thỏa thuận khai thác chung, v.v… đã có hiệu lực thi hành mà các bên đã cam kết thực hiện.

2. Quy chế pháp lý quốc tế về các vùng biển

Để xác định các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đòi hỏi các quốc gia ven biển, quần đảo, đảo trước tiên phải xác định đường cơ sở theo đúng quy định của Công ước 1982 về xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của các vùng biển của mình phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế. Đường cơ sở là đường cơ bản, quốc gia ven biển có thể đơn phương xác định dùng làm căn cứ để tính chiều rộng lãnh hải và các vùng biển khác.

Theo quy định của Công ước 1982 cũng như theo tập quán quốc tế và thông lệ quốc tế các quốc gia ven biển có hai cách để xác định đường cơ sở phụ thuộc vào điều kiện vị trí địa lý của mỗi quốc gia. Theo Công ước 1982 có hai cách xác định đường cơ sở như sau:

Thứ nhất, đường cơ sở thông thường là đường cơ sở mà các quốc gia ven biển, đảo, quần đảo sử dụng ngấn nước thủy triều thấp nhất ven bờ biển hoặc đảo để xác định và được đánh dấu bằng các tọa độ địa lý, các tọa độ được in trên các hải đồ quốc gia.

Thứ hai, đường cơ sở thẳng là đường cơ sở mà các quốc gia ven biển, đảo, quần đảo nối liền các điểm hoặc đảo nhô ra nhất của bờ biển lục địa hoặc đảo. Đường cơ sở thẳng được áp dụng khi bờ biển quốc gia ven biển bị chia cắt hoặc có chuỗi đảo gắn liền và chạy dọc theo bờ biển. Các điểm được đánh dấu bằng tọa độ và in trên các hải đồ quốc gia.

Việt Nam là một trong những quốc gia ven biển, bờ biển Việt Nam có chuỗi đảo chạy dọc theo bờ biển nên Việt Nam đã áp dụng phương pháp xác định đường cơ sở thẳng, điều này phù hợp với Luật Biển quốc tế và tập quán quốc tế. Năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố xác định đường cơ sở thẳng ven biển Việt Nam, gồm 10 đoạn nối 11 điểm (trừ phần trong vịnh Bắc Bộ và vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia do trong bối cảnh lúc đó Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia đang tiến hành đàm phán phân định biển). Việt Nam cũng không vạch đường cơ sở cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì hai quần đảo này không được hưởng quy chế quốc gia quần đảo theo Điều 46 của Công ước Luật Biển năm 1982.

2.1 Vùng nội thủy: Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vùng nội thủy là vùng biển nằm ở phía trong của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Vùng nước thuộc nội thủy có chế độ pháp lý như lãnh thổ trên đất liền. Tuy nhiên, chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với nội thủy vẫn có sự khác biệt đối với chủ quyền trên lãnh thổ đất liền, vì các quốc gia ven biển thực hiện quyền lực của mình trên vùng nước nội thủy không phải đối với các cá nhân mà là đối với tàu thuyền – cộng đồng có tổ chức và đáp ứng các quy tắc riêng biệt.

Vùng nước nội thủy bao gồm: Các vùng nước cảng biển, các vũng tàu, cửa sông, các vịnh, các vùng nước nằm giữa lãnh thổ đất liền và đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Trong vùng nước nội thủy, các quốc gia được quyền tự do thông thương của tàu thuyền thương mại vào các cảng biển quốc tế và các quy định đối với tàu thuyền nước ngoài, các quốc gia ven biển có thẩm quyền tài phán dân sự và thẩm quyền tài phán hình sự.

Mặc dù lý luận về luật pháp quốc tế quy định chế độ pháp lý của vùng nội thủy là rất nghiêm, mọi phương tiện hoạt động của các tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển này đều bị giám sát nghiêm ngặt, tuy nhiên trong xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa các hoạt động thông thương diễn ra một cách mạnh mẽ và tạo điều kiện cho nền kinh tế của các quốc gia ven biển phát triển nhanh, nên một số quốc gia đã có hướng mở thông thoáng hơn, như rút ngắn thời gian xin phép, và cho phép số lượng tàu thuyền ra vào nhiều hơn. Đây là những bước đi cơ bản phù hợp trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nên kinh tế quốc tế.

2.2 Lãnh hải: Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở, có chế độ pháp lý tương tự như lãnh thổ trên đất liền. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển. Trong lãnh hải, tàu thuyền của các quốc gia khác được hưởng quyền qua lại không gây hại và thường đi theo tuyến phân luồng giao thông biển của các quốc gia ven biển, đảo, quần đảo quy định. Trong lãnh hải có những nội dung cần chú ý là: Bản chấp pháp lý của lãnh hải, chiều rộng lãnh hải, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, quyền đi qua không gây hại về vấn đề phân định lãnh hải. 

Xét về bản chất pháp lý: Thuật ngữ lãnh hải là sự kết hợp thành công giữa hai từ lãnh thổ và biển. Lãnh hải là một vùng biển đệm giữa một bên là lãnh thổ do quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ, ngoại trừ quyền “đi qua không gây hại” của tàu thuyền nước ngoài theo nguyên tắc của Luật Biển quốc tế đó là tự do hàng hải.

Luật Biển quốc tế coi lãnh hải như một “lãnh thổ chìm”, của một bộ phận hữu cơ của lãnh thổ quốc gia ven biển, trên đó quốc gia ven biển có quyền thực hiện thẩm quyền riêng biệt về phòng thủ quốc gia, về cảnh sát, thuế quan, đánh cá, khai thác tài nguyên thiên nhiên, đấu tranh chống ô nhiễm môi trường biển, như quốc gia đó tiến hành trên lãnh thổ của mình. Các Điều 2 của Công ước Giơnevơ năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp, cũng như Điều 2 của Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển ghi rõ “Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình, … đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải”. Tuy nhiên, việc đồng hóa lãnh hải thành lãnh thổ không phải là tuyệt đối. Chủ quyền dành cho quốc gia ven biển trên lãnh hải không phải là tuyệt đối như trên các vùng nước nội thủy, do sự thừa nhận quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải.

Chiều rộng lãnh hải: Hai hội nghị đầu tiên của Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế đã thất bại trong việc thống nhất hóa chiều rộng của lãnh hải. Trước khi Công ước Luật Biển năm 1982 ra đời, tập quán quốc tế áp dụng chiều rộng lãnh hải là ba hải lý. Sau này, Điều 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã đi đến thống nhất rằng, các quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải không vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, hiện nay, đã có trên 116 quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo ra tuyên bố chiều rộng lãnh hải là 12 hải lý.

Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải: Việc xác định bề rộng thực tế và rãnh giới ngoài của lãnh hải phụ thuộc vào việc vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Thông thường đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải được căn theo ngấn nước thủy triều thấp nhất. Các đảo cách ven bờ có thể được chọn làm điểm cơ sở để vạch đường cơ sở lãnh hảil. Đường cơ sở lãnh hải là ranh giới trong của lãnh hải.

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định, đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngân nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển. Công ước cũng đã đưa ra ba điều kiện để áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng đó là: ở những nơi bờ biển khúc khủy, bị khóe sâu và lồi lỏm, ở những nơi có một chuỗi đảo chạy qua, ở những nơi có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như sự hiện diện của các châu thổ. Nhưng đường cơ sở thẳng vạch ra này phai đi theo xu hướng chung của bờ biển và không được cách xa bờ.

Như vậy, ranh giới ngoài của lãnh hải là đường chạy song song với đường cơ sở và chách đều đường cơ sở một khoảng cách 12 hải lý theo quy định của Luật Biển quốc tế. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới gia trên biển của các quốc gia ven biển.

Từ thực tiễn hơn ba thập kỷ triển khai và thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển đối với các quốc gia hữu quan, ngoài quy chế quốc tế về lãnh hải, hầu hết các quốc gia ven biển cũng đã tiến hành xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật quốc gia, quy định chế độ pháp lý ở vùng biển lãnh hải theo hướng tự do hàng hải quốc tế và tạo điều kiện cho các phương tiện nước ngoài lưu thông trên biển được thuận lợi hơn, nhằm đẩy mạnh dịch vụ vận tải biển quốc tế, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới.

2.3 Vùng tiếp giáp lãnh hải: Vùng tiếp giáp là vùng biển rộng 12 hải lý tiếp giáp với lãnh hải và tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Trong vùng tiếp giáp, các quốc gia ven biển có quyền quy định biện pháp ngăn ngừa và trừng trị các hành vi vi phạm đối với luật lệ về nhập cư, thuế khóa, y tế xảy ra trong lãnh thổ hay lãnh hải của mình.

Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958, Điều 24 quy định quốc gia ven biển có quyền tiến hành các hoạt động kiểm soát cần thiết tại vùng tiếp giáp, nhằm: Ngăn ngừa những hành vi vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình. Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 33 nhắc lại nội dung trên nhưng đã nhấn mạnh về bản chấp pháp lý, vùng tiếp giáp lãnh hải được quy định bởi Công ước năm 1958 là một phần của biển cả. Còn vùng tiếp giáp lãnh hải được quy định bởi Công ước năm 1982 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, có quy chế pháp lý của một vùng sui generic (đặc biệt), không phải là một vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và cũng không phải là vùng biển có quy chế tự do biển cả.

Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, Điều 303 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đã mở rộng quyền của quốc gia ven biển đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ. Mọi sự trục vớt các hiện vật này từ đáy biển thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải mà không được phép của quốc gia ven biển đều được coi là vi phạm xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của quốc gia đó.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia ven biển đều thừa nhận vùng biển tiếp giáp lãnh hải thuộc quyền chủ quyền quốc gia, tức là quốc gia ven biển chỉ có một số quyền lực tối cao nhất định chứ không phải là hoàn toàn. Đây là xu thế chung của thế giới hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho giao thông, vận tải biển phát triển thuận lợi và thông qua đó các quốc gia ven biển có thể thu một khoản lợi nhuận lớn từ việc xây dựng khu vực cung cấp hậu cần ở gần vùng biển tiếp giáp lãnh hải, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nhiên liệu và dịch vụ phụ trợ khác cho các phương tiện hoạt động trên biển dài ngày.

2.4 Vùng đặc quyền kinh tế: Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (trừ lãnh hải thì chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế là 188 hải lý). Trong vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh tế nhằm khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên đó, có quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, xây dựng và lắp đặt các công trình và thiết bị nhân tạo. Các quốc gia khác có quyền tự do bay, tự do hàng hải, đặt dây cáp và đường ống dẫn ngầm.

Như vậy, vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, được đặt dưới một chế độ pháp lý riêng, theo đó các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển cũng như các quyền và các quyền tự do của quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước năm 1982 điều chỉnh.

Xét về bản chất pháp lý, vùng đặc quyền kinh tế là một chế định pháp lý mới, riêng biệt, lần đầu tiên được ghi nhận trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc biệt, trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế, được quy định bởi Công ước năm 1982, mà không chia sẻ với các quốc gia khác.

Xét về chế độ pháp lý, trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có các quyền sau: Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhau nhằm thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

Các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước năm 1982 quy định: Trong vùng đặc quyền kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, đều được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp và đường ống dẫn ngầm, cũng như quyền tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp tác về mặt quốc tế, gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này và phù hợp với các quy định khác của Công ước, nhất là trong khuôn khổ việc khai thác các tàu thuyền, phương tiện bay và dây cáp, ống dẫn ngầm.

Quốc gia ven biển quản lý các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế. Đối với các tài nguyên không sinh vật, các quốc gia ven biển tự khai thác hoặc cho phép quốc gia khác khai thác cho mình, đặt dưới quyền kiểm soát của mình.

Đối với tài nguyên sinh vật, quốc gia ven biển tự định ra tổng khối lượng có thể đánh bắt được, tự đánh giá khả năng thực tế của mình trong việc khai thác các tài nguyên sinh vật biển và ấn định số dư của quốc gia ven biển cho phép các quốc gia khác, thông qua các điều ước hoặc những thỏa thuận liên quan, khai thác số dư của khối lượng cho phép đánh bắt này, có ưu tiên cho các quốc gia không có biển hoặc các quốc gia bất lợi về mặt địa lý. Ngoài ra, các quốc gia ven biển có nghĩa vụ thi hành các biện pháp thích hợp về bảo tồn và quản lý, nhằm làm cho việc duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình khỏi bị ảnh hưởng do khai thác quá mức. Công ước Luật Biển năm 1982 có ghi nhận một loạt điều khoản cụ thể quy định các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác trong việc bảo tồn các loài sinh vật biển cụ thể như: Các loài cá di cư xa, các loài có vú ở biển, các đàn cá vào sông sinh sản, các loài cá ra biển sinh sản, các loài định cư.

2.5 Thềm lục địa: Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới dáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường thẳng sâu 2.500m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, với điều kiện tuân thủ các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong Công ước Luật Biển năm 1982 và phù hợp với các kiến nghị của Ủy ban ranh giới thềm lục địa được thành lập trên cơ sở của Công ước.

Về mặt chế độ pháp lý của thềm lục địa, quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Những quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa của mình là những đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển này không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa (bao gồm tài nguyên không sinh vật và các tài nguyên sinh vật thuộc loài định cư), thì không một quốc gia nào có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của các quốc gia đó.

Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào. Tất cả các quốc gia đều có quyền lắp đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt dây cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thỏa thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của ống dẫn hoặc cáp. Khi quốc gia ven biển tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải thì phải có một khoản đóng góp theo quy định của Công ước 1982.

Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước ở phía trên hay của vùng trời trên vùng nước này. Việc các quốc gia ven biển thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền và các tự do khác của các quốc gia khác đã được Công ước năm 1982 thừa nhận, cũng không được cản trở việc thực hiện các quyền này một cách không thể biện bạch được. Mặt khác các quốc gia ven biển có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ vào mục địch gì.

Kết luận

Công ước 1982 đã xây dựng một khung pháp lý tương đối công bằng cho các hoạt động trên biển. Đánh giá tổng quát, quá trình phát triển của Luật Biển quốc tế, trong đó Công ước 1982 đã mang lại nhiều điểm lợi thế cho các quốc gia đang phát triển, các quốc gia ven biển đặc biệt là đối với các quốc gia trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Các quy định của Công ước 1982 không chỉ dừng lại trong khuôn Công ước 1982, mà được phát triển và hoàn thiện liên tục thông qua các điều ước quốc tế cụ thể về các hoạt động thực tiễn của các quốc gia có biển hay không có biển.

Quá trình thực thi Công ước 1982 đòi hỏi các quốc gia ven biển đặc biệt là các quốc gia đang có tranh chấp về biển, đảo cần tuân thủ thực thi các chế độ pháp lý của các vùng biển theo đúng quy chế của Luật Biển quốc tế, đặc biệt là Công ước 1982 về các vùng biển. Tuyệt đối, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo như: Nga và Nhật Bản về quần đảo Kuril, Nhật Bản và Trung Quốc về hòn đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên vùng biển Hoa Đông, Triều Tiên và Hàn Quốc trên vùng biển Hoàng Hải, và các quốc gia hữu quan trong khu vực Biển Đông,v.v… không được có các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình. Như hành động tập trận, khai thác tài nguyên, tuần tra đơn phương và ra các văn bản pháp lý tuyên bố chủ quyền trong các vùng biển đang có tranh chấp trái với luật pháp quốc tế và không được các quốc gia hữu quan khác thừa nhận./.

 Th.s Nguyễn Thanh Minh
Cục cảnh sát Biển Việt Nam, Bộ Quốc phòng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công ước Giơnevơ năm 1958 về Luật Biển.

2. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

3. United Nations, Oceans: The source of life. United Nations Convention on the Law of the Sea, 2­­0­­th Anniversary (1982 – 2002).

4. Nguyễn Hồng Thao, “Maritime delimitation and Fishery Cooperation in the Tonkin Gulf”, Ocea Developmen & International Law (American) 2005, Vol.36, No.1/2005.

5. Mark J Valencia, Malaysia and the Law of the Sea, Institute of Strategic and International Studies (ISIS) Malaysia, 1991.

6. Nguyễn Thanh Minh: Các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh ở khu vực Biển trong bối cảnh hiện nay. Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, tháng 8 – 2011.
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.