Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam
Monday, March 05, 2012 6:26 PM GMT+7
Ngày 28/3/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa X đã thông qua Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, sau đó Chủ tịch nước Trần Đứcc Lương đã ban Lệnh số 3-L/CTN ngày 07/4/1998 công bố pháp lệnh quan trọng này. Để cung cấp cho bạn đọc hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Vnsea.net đăng tải toàn văn Pháp lệnh này để quý vị tham khảo.

CHỦ TỊCH NƯỚC

 

LỆNH của Chủ tịch nước số 3-L/CTN ngày 7/4/1998 công bố Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

 

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

 

Căn cứ vào Điều 78 của Luật Tổ chức Quốc hội;

 

Căn cứ vào Điều 51 của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật,

 

NAY CÔNG BỐ:

 

Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

 

Đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa X, thông qua ngày 28 tháng 3 năm 1998.

 

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

 

TRẦN ĐỨC LƯƠNG

-------------------------------------------------------------------------

 

PHÁP LỆNH

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và an ninh, trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;

 

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

 

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội Khóa IX, kỳ họp thứ 5 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982;

 

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội Khóa X, kỳ họp thứ 2 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 1998;

 

Pháp lệnh này quy định về Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1: Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động theo quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

 

Điều 2: Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là một trong các lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ.

 

Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức, quản lý và điều hành mọi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Điều 3: Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động từ đường cơ sở ra đến ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; chủ trì phối hợp với các lực lượng hữu quan khác để thực hiện nhiệm vụ.

 

Trong vùng nội thủy và các cảng biển, khi có yêu cầu, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, Công an nhân dân, các lực lượng Hải quan, Giao thông vận tải, Thủy sản, Dầu khí và các lực lượng khác để thực hiện nhiệm vụ.

 

Quy chế phối hợp hoạt động và phân định vùng, trách nhiệm cụ thể giữa các lực lượng do Chính phủ quy định.

 

Điều 4: Cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân có trách nhiệm cộng tác, giúp đỡ Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ.

 

CHƯƠNG II

TRÁCH NHIỆM, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

 

Điều 5: Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cần thiết, nắm vững các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

 

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình để gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 

Điều 6: Trên vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; giữ gìn an ninh, trật tự an toàn; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vận chuyển trái phép người và vận chuyển trái phép hàng hóa, vũ khí, chất nổ, chất ma túy và các chất kích thích; chống các hành vi buôn lậu, cướp biển và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

 

Điều 7: Trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán; phòng, chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh chống các hành vi cướp biển, vận chuyển nô lệ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy và các chất kích thích.

 

Điều 8: Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện việc hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia để góp phần vào việc giữ gìn an ninh, trật tự, hòa bình và ổn định trên các vùng biển trong khu vực và quốc tế.

 

Điều 9: Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ thu thập, xử lý kịp thời và thông báo cho các cơ quan chức năng các thông tin cần thiết; phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tải sản của người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; tham gia tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục các sự cố trên biển; phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các hải đảo, vùng biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quyền chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Điều 10: Khi phát hiện người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có quyền kiểm tra, kiểm soát; nếu có hành vi vi phạm thì quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, buộc người và phương tiện đó phải chấm dứt hành vi vi phạm, rời khỏi vùng nước đang hoạt động hoặc rời khỏi vùng biển Việt Nam; bắt, giữ người và phương tiện phạm pháp quả tang, lập biên bản và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Điều 11: Trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không chịu tuân theo hiệu lệnh, chống đối và cố tình bỏ chạy thì Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có quyền cưỡng chế, thực hiện quyền truy đuổi hoặc các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

 

Điều 12: Trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng thì Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được quyền huy động người, phương tiện của các tổ chức và cá nhân Việt Nam, nhưng phải hoàn trả ngay khi tình thế cấp thiết chấm dứt. Trong trường hợp các phương tiện được huy động bị hư hỏng hoặc bị mất thì đơn vị Cảnh sát biển có trách nhiệm bồi thường, người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc bị chết thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước.

 

Trong tình thế cấp thiết, nếu không huy động được người, phương tiện của các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc đã huy động nhưng vẫn chưa giải quyết được tình thế này, thì Lực lượng Cảnh sát biển có thể yêu cầu người, phương tiện nước ngoài hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam giúp đỡ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

 

Điều 13: Lực lượng Cảnh sát biển được nổ súng trong các trường hợp sau đây:

 

1.        Khi người vi phạm dùng vũ khí chống trả, dùng các biện pháp khác trực tiếp đe dọa tính mạng và an toàn phương tiện của Cảnh sát biển;

 

2.        Khi truy đuổi người và phương tiện có hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu không dùng vũ khí thì người và phương tiện đó có thể chạy thoát.

 

3.        Để bảo vệ công dân khi bị người khác trực tiếp đe dọa tính mạng.

 

Trong các trường hợp được nổ súng quy định tại điều này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển chỉ được bắn vào đối tượng sau khi đã ra lệnh cho họ dừng lại hoặc nổ súng cảnh cáo mà không có kết quả, trừ trường hợp cấp bách; đối với những trường hợp phức tạp, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh quốc gia thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

 

Điều 14: Khi thi hành nhiệm vụ, Lực lượng Cảnh sát biển có quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.

 

Việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

 

Thẩm quyền của Lực lượng Cảnh sát biển trong việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt đối với từng loại hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định.

 

Chương III

TỔ CHỨC CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

 

Điều 15: Tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do Chính phủ quy định.

 

Biên chế, trang bị cụ thể của Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

 

Điều 16: Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân quốc phòng (gọi chung là cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển).

 

Điều 17: Việc bổ nhiệm, cách chức, giáng chức; phong, thăng , giáng và tước cấp bậc quân hàm đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển được thực hiện như sau:

 

1.        Đối với sĩ quan thực hiện theo Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;

 

2.        Đối với quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện theo Luật nghĩa vụ quân sự;

 

3.        Đối với công nhân quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18: Chế độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện theo các văn bản pháp luật quy định đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và các quy định khác của pháp luật.

 

Điều 19: Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có cờ hiệu, phù hiệu và sắc phục riêng do Chính phủ quy định.

 

Khi làm nhiệm vụ, tàu thuyền và phương tiện khác của Lực lượng Cảnh sát biển phải treo quốc kỳ và cờ hiệu Cảnh sát biển; cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển phải mặc trang phục và mang phù hiệu Cảnh sát biển.

 

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

 

Điều 20: Nội dung quản lý nhà nước đối với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam gồm:

 

1.        Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về Lực lượng Cảnh sát biển;

 

2.        Quy định hệ thống tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy Lực lượng Cảnh sát biển;

 

3.        Quy định và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển;

 

4.        Quy định và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Lực lượng Cảnh sát biển;

 

5.        Kiểm tra, thanh tra các hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển;

 

Điều 21:

 

1.        Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

 

2.        Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

 

3.        Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện để Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ.

 

4.        Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện để Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ.

 

5.        Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Chương V

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CẢNH SÁT BIỂN

 

Điều 22: Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển được hưởng các chế độ, chính sách như đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Điều 23: Kinh phí tổ chức, xây dựng và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

 

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

 

Điều 24: Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển có thành tích trong công tác, chiến đấu thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

 

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển vi phạm kỷ luật thì bị xử lý theo Điều lệnh kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Điều 25: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh, trật tự an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, giúp đỡ Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

 

Người nào có hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh, trật tự an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, gây cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 26: Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1998.

 

Điều 27: Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

 

T.M. Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

 

NÔNG ĐỨC MẠNH

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.