Các kịch bản xung đột Ukraine trong "Mùa Đông khắc nghiệt nhất lịch sử"
03 Tháng Mười Một 2022 7:18 CH GMT+7
Quân đội Nga và Ukraine được dự đoán sẽ thay đổi chiến thuật và tiếp tục giáng đòn mạnh vào đối phương, trong bối cảnh cả hai bên đều gặp khó khăn khi mùa đông khắc nghiệt nhất lịch sử đến gần.

Mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử

Mùa đông tại Ukraine đang đến gần. Khi nhiệt độ giảm xuống, kéo theo những cơn mưa lạnh, biến những con đường và cánh đồng thành bùn lầy. Điều này ảnh hưởng không chỉ tới các binh sĩ mà còn thiết bị quân sự trên chiến trường. Ngoài ra, hiện tượng tuyết rơi và đóng băng sẽ làm cứng mặt đất, khiến việc chiến đấu trở nên khó khăn hơn.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào các vị trí của Nga ở chiến tuyến vùng Mykolaiv ngày 28/10 (Ảnh: Reuters).

Trong những ngày mùa đông sắp tới, cả quân đội Nga và Ukraine đều phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần của các binh sĩ, làm giảm hiệu quả của các loại vũ khí và các cảm biến thu thập thông tin tình báo, đồng thời gây khó khăn về hậu cần.

"Chiến tranh trên bộ (vào mùa đông) nói chung sẽ rất khó khăn. Để thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn, nhiệt độ -15 độ C sẽ là thách thức cho cả hai bên", Mykola Bieliesko Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, cho biết, đồng thời nhận định cuộc chiến vào mùa đông sẽ thách thức gấp đôi.

Việc Nga gần đây tiến hành một loạt cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraine, bao gồm các trạm điện và hệ thống sưởi ấm, đã làm hao hụt tinh thần chiến đấu của người Ukraine. Nga cũng cắt giảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu, dường như với mục đích rằng sự lạnh giá vào mùa đông sẽ khiến người dân ở các quốc gia trong khu vực này thuyết phục các chính phủ giảm hỗ trợ cho Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Đức hôm 24/10, Yuri Vitrenko, người đứng đầu tập đoàn năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz, cho biết "khoảng 40% nhà máy điện tại Ukraine đã bị phá hủy" do các cuộc không kích gần đây của Nga.

"Năm nay sẽ là mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử của chúng tôi. Chúng tôi dự kiến sẽ mất điện liên tục và gặp các vấn đề về khí đốt", ông Vitrenko tuyên bố, đồng thời nói rằng Moscow cũng tấn công các nhà máy lọc dầu của Ukraine.

Các kịch bản xung đột Ukraine trong mùa đông khắc nghiệt nhất lịch sử - 2

Bản đồ chiến sự tại Ukraine tính đến tháng 10/2022 (Ảnh: Institute for the Study of War).

Ông Dmytro Orlov, thị trưởng thành phố Enerhodar ở đông nam Ukraine, cho biết Enerhodar đang đứng trên bờ vực của thảm họa nhân đạo vì các cuộc pháo kích liên tục của Nga đã phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự và lưới điện. Enerhodar là nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu.

Ben Barry, chuyên gia về tác chiến trên bộ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng đến cả hai bên và có khả năng làm chậm nhịp độ xung đột. "Nhưng nếu một trong hai bên vẫn muốn giao tranh, họ có thể tiếp tục chiến đấu", chuyên gia Barry nhận định.

Ukraine đã kêu gọi các nước phương Tây hỗ trợ nguồn cung cho mùa đông. Lầu Năm Góc thông báo quân đội Mỹ đã cung cấp hàng chục nghìn thiết bị chống rét cho Ukraine. Ngoài ra, hàng nghìn mặt hàng đang được Canada, Bulgaria và các nước thành viên NATO khác gửi tới Kiev. Hàng loạt biển hiệu ở Kiev và các thành phố khác của Ukraine kêu gọi người dân quyên góp tiền để "giữ ấm cho lực lượng vũ trang".

"Chúng tôi đã tập trung chuẩn bị rất nhiều trang phục mùa đông, cũng như những thiết bị có thể hoạt động trong suốt mùa đông, máy phát điện, lều và tất cả những thứ quan trọng để cho phép lực lượng Ukraine chiến đấu trong suốt mùa đông", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO để thảo luận về sự hỗ trợ cho Ukraine.

Trong khi đó, Nga tiếp tục đưa quân tiếp viện tới chiến trường Ukraine, trong đó chủ yếu là binh sĩ nhập ngũ trong đợt huy động lực lượng quy mô lớn được triển khai vào cuối tháng 9. Các video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy các trại huấn luyện, nơi các sĩ quan giới thiệu cho tân binh những thiết bị sử dụng trong thời tiết mùa đông.

Các kịch bản xung đột Ukraine trong mùa đông khắc nghiệt nhất lịch sử - 3

Lính cứu hỏa dập lửa sau cuộc pháo kích vào một kho chứa dầu ở thị trấn Shakhtarsk (Shakhtyorsk) gần Donetsk, miền Đông Ukraine ngày 27/10 (Ảnh: Reuters).

Các quan chức phương Tây cho rằng Ukraine có thể sẽ được trang bị tốt hơn so với Nga trong mùa đông này, nhờ nguồn cung từ phương Tây. Tuy nhiên, bất kỳ bước tiến nào của Ukraine đều có thể bị chậm lại do điều kiện thời tiết lạnh giá. Các nhà phân tích phương Tây nhận định Nga có ít cơ hội tiến công hơn, nhưng có thể dễ dàng hơn trong việc bảo vệ các vùng lãnh thổ mà nước này đã kiểm soát tại Ukraine.

Chỉ huy một đơn vị của lực lượng vũ trang Ukraine ở miền Đông cho biết, mùa đông sẽ khiến binh sĩ Ukraine khó ngụy trang hơn trên chiến trường.

Trận chiến ở miền Đông Ukraine phần lớn là cuộc chiến pháo binh. Quân đội Ukraine khai hỏa, sau đó nhanh chóng di chuyển đến một địa điểm khác, vì tin rằng nhiều khả năng Nga sẽ tấn công vào vị trí mà đạn được bắn ra. Khi có băng tuyết, máy bay không người lái của Nga sẽ phát hiện dấu vết các phương tiện của Ukraine và có thể xác định vị trí mà các binh sĩ di chuyển đến. Nếu các binh sĩ Ukraine đốt lửa để sưởi ấm, họ càng dễ bị phát hiện, đồng thời cây rụng lá cũng khiến Nga dễ phát hiện mục tiêu của đối phương.

"Chúng tôi không thể chiến đấu như cách chúng tôi từng làm vào mùa xuân và mùa hè. Việc ngụy trang khó hơn nhiều. Các chiến lược và phương pháp mới sẽ được đưa ra và chúng tôi sẽ chiến đấu theo thực tế mới", chuyên gia Bielieskov nói.

Theo Đại tá Petro Chernyk, chuyên gia về quân sự Ukraine, tình hình chiến sự trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Ông Chernyk cho biết, nếu nhiệt độ không đủ thấp, băng tuyết trên chiến trường sẽ không đủ cứng để các phương tiện cơ giới có thể di chuyển. Khi đó, cả Nga và Ukraine sẽ chuyển sang chiến thuật xung đột với sự yểm trợ của pháo binh, thay vì sử dụng xe tăng và các xe bọc thép chở quân với tần suất dày đặc như hiện tại. Ngược lại, nếu nhiệt độ xuống dưới -20 độ C, nền đất đóng băng sẽ trở nên đủ cứng, khi đó cường độ tác chiến của cả Nga và Ukraine sẽ được giữ nguyên như bây giờ.

Các kịch bản diễn biến xung đột

Nhà phân tích Ajay Singh đã nêu 4 kịch bản cho cuộc xung đột Nga - Ukraine dựa trên những diễn biến quân sự gần đây trong bối cảnh mùa đông lạnh giá đang tới gần.

Các kịch bản xung đột Ukraine trong mùa đông khắc nghiệt nhất lịch sử - 4

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga được phóng trong cuộc tập trận do lực lượng hạt nhân chiến lược Nga tổ chức hồi tháng 10 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Kịch bản thứ nhất: Nga phát động chiến dịch tiến công mới để đạt được mục tiêu quân sự

Sau nhiều tháng giao tranh liên tục, Nga đã kiểm soát phần lớn vùng Donbass ở miền Đông và các khu vực miền Nam Ukraine, bao gồm hầu hết tỉnh Lugansk, Donetsk và gần như toàn bộ đường bờ biển dọc theo Biển Azov. Mặc dù các cuộc phản công của Ukraine đã đẩy lùi Nga khỏi một số vùng lãnh thổ, nhưng Moscow vẫn kiểm soát 15% lãnh thổ Ukraine.

Tuy nguồn lực cho chiến dịch của Nga bị suy yếu, nhưng Moscow vẫn sở hữu lực lượng quân sự mạnh. Nga có thể củng cố và phát động một cuộc tiến công mới với sự tham gia của các tân binh hoặc điều động khoảng 200.000 lính nghĩa vụ được huy động gần đây. Nga có thể tìm cách giành lại các khu vực đã mất quyền kiểm soát ở Donbass, quay trở lại tiến công theo hướng Kharkov ở phía đông bắc. Nga cũng có thể tiến công về phía Nam theo hướng Odessa, một cảng quan trọng trên Biển Đen mà Ukraine vẫn đang kiểm soát. Việc giành được cảng này sẽ chặn mọi đường ra biển của Ukraine và giúp Nga triển khai chiến dịch xa hơn về phía tây tới Moldova. Tại đây, Nga có thể giành quyền kiểm soát khu vực Transnistria nói tiếng Nga giống như cách Nga từng kiểm soát vùng Donbass. Nếu thực hiện thành công chiến lược này, Nga sẽ đạt được mục đích ban đầu là kiểm soát một vùng đất trải dài 200km từ Kharkov đến Odessa, cô lập Ukraine hoàn toàn khỏi biển, biến Ukraine trở thành đất liền và phụ thuộc vào Nga đối với mọi hoạt động thương mại trong tương lai.

Nga cũng có thể tiến hành một cuộc tiến công mới từ Belarus về phía thủ đô Kiev, dọc theo trục mà Moscow từng triển khai trong những ngày đầu của cuộc chiến và tấn công vào trung tâm đầu não của Ukraine. Xét cho cùng, Belarus vẫn là một đồng minh thân cận của Nga và quân đội Nga đang được bố trí trên lãnh thổ Belarus. Một cuộc tiến công của Nga về phía Kiev, ngay cả khi không hoàn toàn thành công, vẫn có thể khiến Ukraine phải chuyển hướng chiến dịch của họ khỏi miền Đông và miền Nam, đồng thời cho phép Nga giữ vững quyền kiểm soát tại các khu vực này và đẩy Ukraine vào thế phòng thủ.

Kịch bản thứ hai: Ukraine phản công thành công, đẩy lùi Nga khỏi lãnh thổ

Chiến dịch phản công của Ukraine thời gian qua đã giành được những thành tựu đáng kể ở cả miền Đông và miền Nam. Với nguồn cung vũ khí được bổ sung từ phương Tây và lực lượng dự bị mới được huấn luyện, Ukraine có thể sẽ tiếp tục tiến công để giành lại các thành phố đã mất quyền kiểm soát như Kherson, Melitopol, Zaporizhzhia và "viên ngọc quý" Mariupol ở miền Nam. Trong trường hợp này, Ukraine có thể đẩy lùi Nga về Crimea, nhưng việc đánh bật Moscow khỏi bán đảo miền Nam này gần như không thể.

Ukraine có thể tiếp tục các cuộc tiến công để giành lại các khu vực đã mất quyền kiểm soát ở Donbass, bằng cách mở một chiến dịch "gọng kìm" từ miền Nam ở Mariupol và từ miền Bắc ở Kharkov. Tuy nhiên, chiến dịch của Ukraine để giành lại những vùng lãnh thổ này có thể chậm chạp và khó khăn, vì các vị trí của Nga ở đây đều được vũ trang tốt. Mặc dù vậy, Ukraine vẫn có thể làm tiêu hao các lực lượng Nga bằng các cuộc tấn công tầm xa.

Nếu Ukraine đạt được những thành tựu mang tính quyết định ở miền Nam và miền Đông, Kiev thậm chí có thể tiến gần tới biên giới của Nga. Khi đó, Ukraine có thể đe dọa tấn công các căn cứ của Nga tại Smolensk và Belgorod, cản trở việc tiếp tế cho lực lượng quân đội Nga bên trong lãnh thổ Ukraine. Với kịch bản này, mục tiêu của Ukraine nhằm đưa Nga trở lại ranh giới trước năm 2014 (thời điểm Nga sáp nhập Crimea) sẽ trở nên khả thi hơn. Tất nhiên, điều này sẽ kích động đòn đáp trả quy mô lớn từ Nga, dưới hình thức tấn công tên lửa và không kích trên khắp lãnh thổ Ukraine. Nhiều ý kiến cho rằng Nga thậm chí có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng Moscow đã bác bỏ khả năng này. Việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ làm thay đổi toàn bộ cục diện của cuộc chiến.

Trong trường hợp Ukraine chiếm ưu thế trong cuộc xung đột với Nga, hai bên có thể tính đến giải pháp thương lượng. Theo đó, Nga sẽ rút quân khỏi Ukraine, nhưng vẫn giữ lại Crimea. Ukraine từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO và trì hoãn ý định gia nhập Liên minh châu Âu (EU), từ đó mở ra một lối thoát cho cuộc xung đột và chấm dứt chiến tranh.

Các kịch bản xung đột Ukraine trong mùa đông khắc nghiệt nhất lịch sử - 5

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua video trực tuyến tại hội nghị về tái thiết Ukraine sau chiến tranh ở Berlin, Đức ngày 25/10 (Ảnh: Reuters).

Kịch bản thứ ba: Cuộc chiến Nga - Ukraine trở thành xung đột đóng băng kéo dài, không bên nào có thể thay đổi hiện trạng

Theo kịch bản này, cả Nga và Ukraine đều giữ vững các vị trí mà họ kiểm soát, tạo thành Đường ranh giới.

Mặc dù Ukraine tuyên bố đẩy lùi Nga khỏi một số khu vực trong chiến dịch phản công, song Moscow vẫn kiểm soát các khu vực dọc tuyến sông Seversky Donets ở phía đông và sông Dnieper ở phía nam. Tại các khu vực này, Nga có các vị trí phòng thủ tốt, được củng cố vững chắc và có thể duy trì kiểm soát lâu dài.

Ở bờ tây của các con sông trên, Ukraine cũng củng cố các vị trí mà nước này đang kiểm soát để ngăn cản những bước tiến xa hơn của Nga theo hướng đông hoặc hướng nam. Tình trạng bế tắc có thể xảy ra dọc theo phòng tuyến do quân đội Nga và Ukraine kiểm soát, cùng với đó, các cuộc giao tranh cường độ thấp có thể tiếp tục diễn ra.

Kịch bản tương tự cũng từng diễn ra ở Donbass từ năm 2014. Phe ly khai và lực lượng Ukraine đã kiểm soát các vị trí phòng thủ đối diện nhau dọc theo một giới tuyến được gọi là Đường ranh giới. Các cuộc giao tranh cường độ thấp, pháo kích và không kích đã diễn ra trong suốt 8 năm qua, nhưng giới tuyến ở Donbass phần lớn vẫn không thay đổi. Một giới tuyến tương tự có thể sẽ được thiết lập dọc ranh giới các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập. Do Ukraine không bao giờ thừa nhận những vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga, nên các cuộc giao tranh sẽ tiếp diễn, nhưng không bên nào thực sự có thể thay đổi hiện trạng. Giới tuyến này sẽ trở thành ranh giới phân chia không chỉ giữa Nga và Ukraine, mà còn giữa Nga và phần còn lại của châu Âu.

Kịch bản thứ tư: Xung đột Nga - NATO bùng phát

Ukraine mong muốn gia nhập NATO và kịch bản này sẽ đưa liên minh quân sự hiện diện trước ngưỡng cửa của Nga. Tuy vậy, Ukraine dường như không thể gia nhập NATO trong tương lai gần.

Nếu Ukraine gia nhập liên minh, NATO sẽ can dự trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga theo Điều 5 của hiến chương NATO, trong đó quy định rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào quốc gia thành viên của NATO đều được coi là một cuộc tấn công vào cả khối. NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng việc cung cấp vũ khí và viện trợ, đồng nghĩa với việc xung đột tiếp tục diễn ra. Nga cũng không muốn một cuộc đối đầu trực tiếp với NATO, nhưng vẫn có nguy cơ nổ ra xung đột giữa hai bên, từ đó dẫn đến một cuộc xung đột ở châu Âu, hoặc thậm chí một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Việc Nga vượt qua "lằn ranh đỏ" có thể lôi kéo NATO vào cuộc xung đột. Lằn ranh đó có thể là việc Nga sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân, thậm chí có thể là một cuộc tấn công khốc liệt vào mục tiêu dân sự. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo bất kỳ hành động nào của Nga nhằm sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine đều dẫn đến "hậu quả nghiêm trọng" cho Moscow.

Tổng thống Vladimir Putin ngụ ý có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu "toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Putin "có lẽ không phải là một lời nói suông, mà có thể trở thành sự thật". Phương Tây nhận định mối đe dọa hạt nhân ở Ukraine tăng lên gần đây, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập 4 vùng ly khai của Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6/10 cảnh báo, thế giới đang đối mặt với mối đe dọa hạt nhân lớn nhất kể từ năm 1962. 

Việc Nga sử dụng bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ lôi kéo NATO vào cuộc xung đột và có nguy cơ bùng phát thành Thế chiến 3. Ngay cả một cuộc tấn công vô tình của Nga vào lãnh thổ của một nước thành viên NATO cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến xung đột. Ví dụ, nếu Nga chủ ý phóng tên lửa vào thành phố Lviv của Ukraine, nơi có kho viện trợ của phương Tây và chỉ cách biên giới Ba Lan 20km, nhưng tên lửa này lại rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, kịch bản này có thể được coi là một cuộc tấn công vào một thành viên NATO và lôi kéo tất cả các nước vào cuộc. Ngoài ra, với kịch bản Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, bất kỳ cuộc đối đầu vô tình nào giữa các lực lượng không quân hoặc hải quân trên Biển Baltic đều có thể trở thành nguyên nhân bùng phát xung đột. Trong môi trường "căng như dây đàn" như hiện nay, chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể nhanh chóng vượt tầm kiểm soát của các bên.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.