Trung Quốc có sử dụng vũ lực hay cưỡng bức ở Biển Đông hay không? - Tầm quan trọng của từ ngữ
31 Tháng Bảy 2018 9:22 SA GMT+7
Vì sao việc định nghĩa hành vi sử dụng vũ lực có ý nghĩa quan trọng trong luật quốc tế? Và việc nhận định các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là hành vi sử dụng vũ lực theo nghĩa của Điều 2(4) Hiến chương Liên Hợp Quốc có tác động như thế nào về mặt pháp lý?

Trong những năm gần đây, căng thẳng trên Biển Đông liên tục gia tăng do các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc[1] nhằm tạo cơ sở xây dựng một chuỗi các căn cứ quân sự hoàn chỉnh[2]. Các căn cứ quân sự này được trang bị các đường băng, các thiết bị chiến tranh điện tử, các tên lửa đối hạm và tên lửa phòng không tầm xa.[3]

Ngày 3 tháng 6 năm 2018, Bộ trưởng quốc phòng ba nước Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ ra thông cáo chung, truyền đạt “sự phản đối mạnh mẽ” của chính phủ các nước này đối với “việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng bức cũng như hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng, và việc sử dụng các thực thể tranh chấp cho mục đích quân sự tại Biển Đông.”[4]

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, James Mattis cáo buộc Trung Quốc sử dụng quân đội để “đe dọa và cưỡng bức”, và cảnh báo Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu tiếp tục hành động như vậy.[5]

Cách lựa chọn từ ngữ đặc biệt của Mattis, nhất là từ “cưỡng bức” (coercive), để mô tả hành động của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa không phải là ngẫu nhiên. Ngược lại, mục đích “cưỡng bức” của Trung Quốc là một trong những tiêu chí mà theo đó hành động của một quốc gia có thể bị coi là vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trong luật quốc tế, như được quy định trong Điều 2(4) Hiến chương Liên Hợp Quốc. Theo giáo sư Olivier Corten, chuyên gia nghiên cứu vấn đề sử dụng vũ lực, ý định cưỡng bức phản ánh mục đích hoặc sự tác động rõ ràng của việc “áp đặt lên ý chí của một quốc gia khác” để buộc quốc gia này chấp nhận một hiện trạng mới.[6]

Mục đích cưỡng bức trở nên đặc biệt có ý nghĩa trong các tình huống triển khai quân đội và chiếm đóng một lãnh thổ đang bị tranh chấp mà không cần tham chiến, như trong các vụ, vụ Ấn Độ chiếm Goa chớp nhoáng trong năm 1961[7], vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014[8],   và vụ Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất triển khai quân đến và chiếm đóng đảo Yemeni của Socotra mà không dùng đến bạo lực năm 2018.[9]

Trong vụ Bức tường Israel năm 2004, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) kết luận việc xây dựng tường an ninh của Israel trong lãnh thổ Palestine chiếm đóng tương đương với việc chiếm hữu lãnh thổ bằng vũ lực, trái với Điều 2(4) Hiến chương Liên Hợp Quốc.[10] Măc dù Israel khẳng định rằng việc xây dựng tường an ninh chỉ mang tính tạm thời, nhưng Tòa ICJ lập luận rằng, “việc xây dựng bức tường đã tạo nên một tình huống “đã rồi” (fait accompli) mà trên cơ sở đó có thể tạo ra một hiện trạng vĩnh viễn” - như đã được chứng minh – “có tác dụng tương đương với việc sáp nhập lãnh thổ trên thực tế”.

Trong năm 2015, Tòa ICJ đã không ra phán quyết về việc liệu Nicaragua có sử dụng vũ lực trong việc gửi quân đến vùng biển tranh chấp với Costa Rica hay không[11], thẩm phán Patrick Robinson đưa ra ý kiến riêng về vấn đề này. Ông cho rằng “không phát súng nào cần phải được bắn, không loại vũ khí hạng nặng nào cần phải được sử dụng và không cần phải có người nào bị thiệt mạng trước khi một quốc gia có thể bị kết luận là vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực.”[12] Tuy nhiên, thẩm phán cũng lập luận rằng “ý định và mục đích” và các “động cơ” của quốc gia đi xâm chiếm là một trong những yếu tố liên quan có thể được cân nhắc khi Tòa xem xét liệu việc xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực bị tranh chấp có thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 2(4) hay không, ngay cả khi đối đầu vũ trang không thực sự xảy ra.

Trong trường hợp trên, “sự hiện diện kéo dài” của các doanh trại và nhân viên quân sự của Nicaragua cùng với việc nước này từ chối rút quân khỏi lãnh thổ bị tranh chấp và việc “chĩa vũ khí” vào các máy bay của Costa Rica rõ ràng đã thể hiển mục đích cưỡng bức của Nicaragua, cụ thể là “sẵn sàng sử dụng vũ lực bất cứ khi nào Nicaragua thấy cần thiết”, như một phương tiện để “thách thức các quyền chủ quyền của Costa Rica”. Theo thẩm phán Robinson, hoàn toàn có thể kết luận hành động của Nicaragua là sử dụng vũ lực vi phạm Điều 2(4) Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Vì vậy, dù Trung Quốc có đảm bảo nước này “sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”[13] thì các hoạt động cải tạo đảo và liên tục xây dựng căn cứ quân sự trong các lãnh thổ bị tranh chấp cũng sẽ tạo nên một tình thế “việc đã rồi” (fait accompli) trên thực địa, đồng thời ép buộc các bên yêu sách khác chấp nhận một hiện trạng mới.[14] Điều này rõ ràng là hành động mở rộng lãnh thổ bất hợp pháp thông qua sử dụng vu lực trái với luật quốc tế. Bằng cách quân sự hóa các đảo bị tranh chấp, Trung Quốc ép buộc các đối thủ của mình không có lựa chọn nào khác phải chấp nhận hiện trạng lãnh thổ mới, nếu không họ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh nhiều tổn thất với một cường quốc, có vị trí chiến lược trong khu vực.[15]

Ngay cả sau khi Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 tuyên bố các yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông là vô căn cứ, Trung Quốc vẫn tiếp tục và từng bước mở rộng lãnh thổ trong khu vực. Theo Giáo sư  M. Taylor Fravel, nhà chính trị học hàng đầu, việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ “cốt để tỏ rõ quan điểm cứng rắn của nước này về lãnh thổ và răn đe các đối thủ trong tất cả các tranh chấp khác.”[16]

Cho nên vấn đề đặt ra là, vì sao việc định nghĩa hành vi sử dụng vũ lực có ý nghĩa quan trọng trong luật quốc tế? Và việc nhận định các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là hành vi sử dụng vũ lực theo nghĩa của Điều 2(4) Hiến chương Liên Hợp Quốc có tác động như thế nào về mặt pháp lý?

Thứ nhất, đánh giá các hành động của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa là sử dụng vũ lực theo luật quốc tế sẽ mở ra khả năng cho các nước khác thực hiện vũ trang tự vệ để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc, tự vệ chỉ có thể được coi là chính đáng khi có tấn công vũ trang xảy ra. Khái niệm “tấn công vũ trang” được Tòa ICJ làm rõ trong vụ Nicaragua kiện Hoa Kỳ, là một trong “những hình thức sử dụng vũ lực nghiêm trọng nhất” và được phân biệt với “các hình thức sử dụng vũ lực khác ít nghiêm trọng hơn”.[17]

Có thể nói việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc hiện vẫn đang ở quy mô rất nhỏ để có thể bị coi là “tấn công vũ trang” theo nghĩa pháp lý. Tuy nhiên việc sử dụng vũ lực như vậy lại là một phần của các hành động vũ trang tiệm tiến, mà khi dồn lại sẽ dẫn tới chuyển đổi lãnh thổ chiến lược có lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, dù các cuộc triển khai quân đơn lẻ chưa đủ nghiêm trọng để được coi là một cuộc tấn công vũ trang, nhưng khi xem xét một cách tổng thể thì những hành động này có thể bị kết luận là tấn công vũ trang theo nghĩa của Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc (thuyết “tích lũy sự kiện”).

Thứ hai, nếu hành động của Trung Quốc bị quy kết là sử dụng vũ lực, các bên thứ ba sẽ có cơ hội thực hiện các biện pháp đối kháng. Hầu hết quốc gia đều đồng thuận rằng, cấm sử dụng vũ lực là một nghĩa vụ erga omnes (một nghĩa vụ trong công pháp quốc tế mà quốc gia phải thực hiện đối với “toàn thể cộng đồng quốc tế”).[18] Trong trường hợp xảy ra vi phạm nghĩa vụ erga omnes, tất cả các quốc gia khác có quyền dùng biện pháp phi vũ lực để chấm dứt vi phạm, như thể họ bị xâm phạm một cách trực tiếp bởi hành vi sử dụng vũ lực trước đó.

Có nhiều ví dụ khác nhau trong thực tiễn cho thấy các quốc gia có thể đáp trả các vi phạm nghĩa vụ erga omnes bằng cách sử dụng những biện pháp đối kháng hợp pháp, như: các biện pháp trừng phạt Hoa Kỳ sử dụng đối với Liên Xô cũ vì Hoa Kỳ cho rằng việc Liên Xô đóng quân dọc biên giới Ba Lan đã đe dọa hòa bình thế giới[19]; các biện pháp trừng phạt  của Cộng đồng châu Âu sử dụng đối với Argentina vì cho rằng Argentina đã xâm lược vũ trang quần đảo Falkland, hành động xâm lược này cũng bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án là “vi phạm hòa bình”[20]; và các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đối với Nga vì Nga sáp nhập Crimea và can thiệp vào miền Đông Ukraine.[21]

Theo đó, nếu việc Trung Quốc chiếm đóng và đơn phương triển khai lực lượng vũ trang trên quần đảo Trường Sa được coi là sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia yêu sách khác, và do đó vi phạm nghĩa vụ “erga omnes”, thì các nước thứ ba dù không bị ảnh hưởng vẫn có thể yêu cầu Trung Quốc thực hiện trách nhiệm quốc tế của mình. Vi phạm nghĩa vụ erga omnes sẽ cho phép các quốc gia khác ngoài các bên yêu sách trong khu vực Biển Đông (như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan) sử dụng một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên vẫn còn phải chờ xem liệu có quốc gia nào sẵn sàng sử dụng các biện pháp đối phó trên hay không.

Tiến sĩ Constantinos Yiallourides là thành viên nghiên cứu của Arthur Watts, chuyên nghiên cứu Luật Quốc tế về Tranh chấp Lãnh thổ tại Viện Luật Quốc tế và So sánh của Anh quốc (BIICL) và là tác giả chính của nghiên cứu “Sử dụng vũ lực liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ” được công bố vào tháng Bảy năm 2018. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Tăng Thảo (dịch)

Thanh Hải (hiệu đính)



[1] South China Sea Images reveal impact on coral of Beijing's military bases’, https://www.theguardian.com/world/ng-interactive/2015/sep/17/south-china-sea-images-reveal-impact-on-coral-of-beijings-military-bases, truy cập ngày 17/07/2018.

[2] Spratly Islands military bases revealed’, https://www.spatialsource.com.au/gis-data/satellite-images-reveal-completed-military-bases-spratly-islands, truy cập ngày 17/07/2018.

[3] Steven Stashwick, ‘China Deploys Long-Range Anti-Ship and Anti-Air Missiles to Spratly Islands For First Time’, https://thediplomat.com/2018/05/china-deploys-long-range-anti-ship-and-anti-air-missiles-to-spratly-islands-for-first-time/, truy cập ngày 17/07/2018.

[4] Joint Statement - Australia—Japan—United States Defence Ministers Meeting’, 3 June 2018, Australian Government Department of Defence, https://www.minister.defence.gov.au/minister/marise-payne/statements/joint-statement-australia-japan-united-states-defence-ministers, truy cập ngày 17/07/2018.

[5] Telegraph Reporters, ‘US Defense Secretary Mattis accuses China of 'intimidation and coercion' in South China Sea’, https://www.telegraph.co.uk/news/2018/06/02/us-defense-secretary-mattis-accuses-china-intimidation-coercion/, truy cập ngày 17/07/2018.

[6] Olivier Corten (2012), The Law Against War The Prohibition on the Use of Force in Contemporary International Law, Hart Publishing, trang 77.

[7] Indian Occupation of Portuguese Territories in India - Invasion of Goa, Daman, and Diu - Incorporation in Indian Union’, Keesing's Record of World Events,  http://web.stanford.edu/group/tomzgroup/pmwiki/uploads/1074-1962-03-KS-a-RCW.pdf, truy cập ngày 17/07/2018.

[8] Jeffrey Mankoff, ‘Russia's Latest Land Grab How Putin Won Crimea and Lost Ukraine’, https://www.foreignaffairs.com/articles/russian-federation/2014-04-17/russias-latest-land-grab, truy cập ngày 17/07/2018.

[9] Al Jazeera News (2018), ‘UAE forces 'occupy' sea and airports on Yemen's Socotra’, https://www.aljazeera.com/news/2018/05/uae-forces-occupy-sea-airports-yemen-socotra-180504181423573.html, truy cập ngày 17/7/2018.

[10] Legal Consequences of the Construction of a Wall in The Occcrpied Palestinian Territory, Advisory Opinion, 9 July 2004,I.C.J. Reports 2004, p. 136, trang 5.

[11] Thomas Escritt (2015), ‘Nicaragua must compensate Costa Rica for territory violations: court’, https://www.reuters.com/article/us-costa-rica-nicaragua-court-idUSKBN0TZ2D420151216, truy cập ngày 17/07/2018.

[12] Certain Activities carried out by Nicaragua in the Border Area, Separate Opinion of Judge Robinson, 16 December 2015, đoạn 43, http://www.icj-cij.org/files/case-related/152/18862.pdf, truy cập ngày 17/07/2018.

[13] ‘China ‘will not use force’ in South China Sea disutes’, https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-pacific-13759253, truy cập ngày 17/07/2018.

[14] Andrew Chubb (2015), ‘The South China Sea: Defining the 'Status Quo'’,  https://thediplomat.com/2015/06/the-south-china-sea-defining-the-status-quo/, truy cập ngày 17/07/2018.

[15] Brahma Chellaney (2011), ‘By camouflaging stealth aggression as defence, China offers a Hobson's choice of suffering territorial loss or facing a costly war’, https://www.thenational.ae/opinion/comment/by-camouflaging-stealth-aggression-as-defence-china-offers-a-hobson-s-choice-of-suffering-territorial-loss-or-facing-a-costly-war-1.742608, truy cập ngày 17/07/2018.

[16] M. Taylor Fravel (2007), Power Shifts and Escalation: Explaining China's Use of Force in Territorial Disputes, International Security, Vol. 32, Issue 3, Winter 2007/2008, p.44-83.

[17] Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua, Judgment. I.C.J. Reports 1986, p. 14, đoạn 211,  http://www.icj-cij.org/files/case-related/70/070-19860627-JUD-01-00-EN.pdf, truy cập ngày 17/07/2018.

[18] Jochen A Frowein (2008), ‘Obligations erga omnes’, in Max Planck Encyclopedia of Public International Law, http://opil.ouplaw.com/abstract/10.1093/law:epil/9780199231690/law-9780199231690-e1400?prd=EPIL, truy cập ngày 17/07/2018.

[19] Lee Lescaze (1981), ‘Reagan Takes Economic Action Against Poland’, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/archive/politics/1981/12/24/reagan-takes-economic-action-against-poland/77d14879-cc44-4682-bc3f-5717c70bc845/?noredirect=on&utm_term=.7c307049cb74, truy cập ngày 17/07/2018.

[20] R.W. Apple JR.(1982), Europeans Ending Argentine Imports In Falkland Crisis, The New York Times, https://www.nytimes.com/1982/04/11/world/europeans-ending-argentine-imports-in-falkland-crisis.html, truy cập ngày 18/07/2018.

[21] Ukraine crisis: Russia and sanctions’, https://www.bbc.co.uk/news/world-europe-26672800, truy cập ngày 17/07/2018.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.