Trường Sa những ngày đầu giải phóng
Wednesday, May 01, 2019 8:03 PM GMT+7
Ngày 13/4/1975, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Sau đó, lần lượt các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa Lớn được giải phóng. 9 giờ ngày 29/4/1975, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đảo Trường Sa Lớn, kết thúc chiến dịch giải phóng Trường Sa mang mật danh C75.

Tôi may mắn được là phóng viên dưới quyền Đại tá Đặng Trung Hội 8 năm, qua cả hai thời kỳ ông là Trưởng Đại diện miền Trung - Tây Nguyên của Báo Quân đội nhân dân và Báo Năng lượng Mới. Trước khi chuyển sang làm báo, ông là một chiến sĩ đặc công nước, cả tuổi trẻ của ông gắn bó với rừng núi, với Trường Sa, với chiến trường Campuchia khốc liệt... Sinh thời, ông thường kể với tôi, khoảng thời gian đi giải phóng Trường Sa và quân quản 1 tháng tại đó là những ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời ông.

Nhiệm vụ mang mật danh C75

Đại tá Đặng Trung Hội quê ở miền biển Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Năm 1972, khi chưa tròn 17 tuổi, chàng trai miền biển đã khai thêm tuổi để nhập ngũ. Rồi ông được huấn luyện đặc công nước tại Hải Phòng. Ông từng kể với tôi rằng, khi huấn luyện, tiểu đội của ông từng phải bơi từ bến Bính (Hải Phòng) ra tận Quảng Yên (Quảng Ninh); rồi lần khác bơi từ Cát Bà (Hải Phòng) ra Hạ Long (Quảng Ninh). Vừa bơi vừa ngụy trang bằng bèo, ẩn mình dưới nước, mang theo đầy đủ quân tư trang và một quả mìn rùa nặng khoảng 30kg. Sau huấn luyện, năm 1974, ông được điều về làm Trung đội phó, thuộc Tiểu đoàn đặc công nước 471 (Quân khu 5).

Tại đơn vị này, ông và đồng đội lập nhiều chiến công lẫy lừng như đánh cầu Nam Ô, đánh trạm radar Sơn Trà, phá kho xăng Liên Chiểu... Tháng 4/1975, khi các đồng đội tốc chiến tốc thắng trên khắp các mặt trận để tiến về Sài Gòn thì ông và những chiến sĩ đặc công nước khác âm thầm đi giải phóng Trường Sa. Ông kể, đi giải phóng Trường Sa khi ấy gồm 3 lực lượng: Đội 1 Đoàn đặc công nước 126, biên đội tàu không số Đoàn 125 Hải quân và 42 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn đặc công nước 471.

Đại tá Đặng Trung Hội kể, ngay sau khi Đà Nẵng được giải phóng ngày 29/3/1975, Tiểu đoàn đặc công nước 471 di chuyển ngay từ rừng Nam Hải Vân tới cảng Tiên Sa để bảo vệ và quân quản tại cảng. 10 ngày sau, những chiến sĩ này nhận nhiệm vụ phối hợp với Đoàn 126 đặc công nước đi giải phóng Trường Sa. Đây là nhiệm vụ tuyệt mật, mang mật danh C75.

Đêm 10/4/1975, 42 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn đặc công nước 471 lặng lẽ ôm quân tư trang, súng đạn lên tàu đi giải phóng Trường Sa. Đây là 3 con tàu thuộc biên đội tàu không số, lần lượt mang các số hiệu trong văn bản bí mật là 673, 674, 675. 3 giờ sáng, 3 con tàu lặng lẽ rời cảng, biến vào màn đêm tối đen trên biển.

Nhiệm vụ này vô cùng bí mật, những người trên tàu phải đóng giả làm ngư dân, hành nghề chài lưới. Trong hành trình dài gần 1.000km (gần 500 hải lý), nhiều lần họ phải đối mặt với tàu chiến, với trực thăng địch. Thế nhưng, với sự nhập vai hoàn hảo, tất cả mọi người đều làm tốt nhiệm vụ đóng giả ngư dân của mình, không gây nghi ngờ gì cho quân địch.

Theo lời kể của Đại tá Đặng Trung Hội, khi đến quần đảo Trường Sa, phương án tấn công giải phóng quần đảo được đưa ra bàn, các chỉ huy biên đội thống nhất mục tiêu tấn công đầu tiên sẽ là đảo Song Tử Tây.

19 giờ 30 phút ngày 13/4/1975, các tàu tấn công đảo Song Tử Tây. Hai tàu 674 và 675 làm nhiệm vụ cảnh giới, án ngữ trước đảo, tàu 673 lặng lẽ tiến vào, đưa bộ đội tiếp cận đảo. Khi tiếp cận đảo, tất cả chiến sĩ lên thuyền cao su âm thầm lên đảo. Sau khi gỡ được mìn gài ở hàng rào bảo vệ ngoài đảo, các chiến sĩ gắn bộc phá ống thổi tung lớp hàng rào rồi tiến công. Quân địch trên đảo chống trả quyết liệt, nhưng chỉ sau 30 phút, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt 6 tên địch, bắt sống 33 tên.

Sau đó, lần lượt các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa Lớn được quân ta giải phóng. 9 giờ ngày 29/4/1975, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đảo Trường Sa Lớn, kết thúc chiến dịch giải phóng Trường Sa mang mật danh C75.

Nắng gió Trường Sa

Sau khi giải phóng Trường Sa, Đại tá Đặng Trung Hội cùng đồng đội ở lại quân quản 1 tháng trên quần đảo thân yêu này. Trong khoảng thời gian đó, nhiều câu chuyện được ông ghi nhận và thú thực, nếu không phải nghe ông kể, tôi không tin là chuyện có thật.

truong sa nhung ngay dau giai phong

Đại tá Đặng Trung Hội đọc văn tế các chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa trong một buổi gặp mặt của Tiểu đoàn Đặc công nước 471

Ông kể rằng, Trường Sa là quần đảo bão tố, gió cát hắt rát mặt mày. Thời điểm mới giải phóng, cây cối trên Trường Sa rất ít, trên đảo cũng chỉ có vài cái nhà tôn thấp lè tè. Bữa cơm ăn vội trên đảo mà không đóng kín cửa thì gió hắt cát đầy mâm cơm. Rồi chuyện từng đàn hải âu tranh ăn với người, bay kín đặc trên đầu, có những lúc chủ động tấn công lính đảo.

Khi ấy, tại vùng biển gần bờ quanh quần đảo Trường Sa, các loài sinh vật biển nhiều vô kể. Ông kể rằng, có anh bộ đội quê không phải miền biển, khi đứng gác đêm thì báo động toàn đơn vị vì “xe tăng cá nhân của địch đổ bộ”. Nhưng thật ra là vích biển lên bờ đẻ trứng. “Khoảng 30 con vích biển to bằng cái nong nằm đẻ trứng ở bãi cát dưới chân sóng. Chúng to và nặng đến nỗi, cả tiểu đội mới vần được một con”, ông viết trong một cuốn sách của mình.

Thời điểm đó, nước ngọt trên đảo vô cùng khan hiếm. Một ngày, lính đảo chỉ được cấp 1 lít nước ngọt. Nước ngọt chỉ được dùng vào việc uống và nấu ăn. Vài ba ngày, lính đảo mới được tắm một lần. “Nói là tắm cho sang, nhưng thật ra là nhúng khăn lau người”, ông kể với giọng hài hước.

Đại tá Đặng Trung Hội là người ít nói, không bao giờ kể dài về công trạng của mình. Những câu chuyện trên tôi được nghe trong những bữa cơm, những chuyến công tác... khi có ai nhắc đến Trường Sa thì ông kể một câu chuyện góp vui. Những câu chuyện ấy, tôi cóp nhặt lại trong suốt quá trình được làm phóng viên dưới quyền ông.

Tháng 3/2019, ông rời cõi tạm trần gian vì bệnh trọng, để lại bao niềm tiếc thương cho đồng đội, đồng nghiệp, người thân, bạn bè. Tuy ông không còn, nhưng những câu chuyện kể của ông là những hình dung xác thực nhất về chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975 và về cuộc sống ở quần đảo này ở thời điểm đó.

Trường Sa là quần đảo bão tố, gió cát hắt rát mặt mày. Thời điểm mới giải phóng, cây cối trên Trường Sa rất ít, trên đảo cũng chỉ có vài cái nhà tôn thấp lè tè. Bữa cơm ăn vội trên đảo mà không đóng kín cửa thì gió hắt cát đầy mâm cơm. Rồi chuyện từng đàn hải âu tranh ăn với người, bay kín đặc trên đầu...

Theo Petrotimes.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.