35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên (Hà Giang): Nằm lại núi đồi Vị Xuyên
12 Tháng Bảy 2019 1:30 SA GMT+7
Ngày 12.7 hằng năm cũng được coi là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên.

12.7.1984 mở đầu chiến dịch mang mật danh “MB-84” nhằm phản kích lấy lại các điểm cao bị quân Trung Quốc đánh chiếm trên mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Ngày 12.7 hằng năm cũng được coi là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên.

Súng nổ ngày mùng 3 tết

Sau thời gian vừa huấn luyện vừa làm kinh tế, tháng 11.1977, anh Trịnh Thành Tuyên ở H.Yên Sơn (Tuyên Quang) cùng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 122, Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh Hà Tuyên (nay là BCHQS Hà Giang) lên xã Thanh Thủy, H.Vị Xuyên (Hà Giang) làm đường. Đầu 1978, đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chốt dọc biên giới Xín Chải, Thanh Đức. “Đêm mùng 3 Tết âm lịch 1979, tổ tuần biên của Đại đội 9 chạm trán một trung đội lính Trung Quốc trên đồi Cây Xanh, điểm cao 1427. Ta hy sinh một chiến sĩ”, anh Tuyên nói và hồi tưởng: “Sáng 17.2.1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công trên tuyến biên giới phía bắc nước ta. Ở Hà Tuyên (nay là Hà Giang), chúng tràn sang lấn chiếm vào hướng chốt giữ của Tiểu đoàn 3 và gọi pháo binh yểm trợ, chiếm các điểm cao 1800a, 1785, 1800b, 1688...”.

5 ngày sau, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 122) chiếm lại các chốt dọc biên giới Vị Xuyên khiến phía Trung Quốc điên cuồng tìm mọi cách tái chiếm. Buổi sáng 11.3.1979, anh Tuyên đi cùng chỉ huy kiểm tra các chốt, cũng chính là lúc phía Trung Quốc mở đợt tấn công quy mô lớn chiếm các điểm cao do đơn vị phụ trách.

35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên (Hà Giang): Nằm lại núi đồi Vị Xuyên1

Bộ đội ta chốt giữ trên khu vực Bốn Hầm, 1987. ẢNH: THUẬN HÓA

Giữ suối Thanh Thủy

Thiếu tướng Hoàng Văn Toái, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2, nguyên Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Hà Giang, nhớ lại thời điểm là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14, Sư đoàn 313 của Quân khu 2: Tháng 3.1984, quân tình nguyện VN cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc truy quét lớn quân Khmer Đỏ. Ở biên giới phía bắc, Trung Quốc ráo riết chuẩn bị lấn chiếm lãnh thổ VN. Trên tuyến biên giới Hà Tuyên, địch tập trung nhiều sư đoàn áp sát Vị Xuyên, Yên Minh. Từ ngày 2 - 27.4.1984, phía Trung Quốc bắn hơn 11.000 viên đạn pháo sang Hà Tuyên. Sáng 28.4.1984 trên hướng Vị Xuyên, chúng bắn gần 12.000 viên đạn pháo chi viện cho bộ binh tiến công các điểm phòng ngự của ta ở phía bắc suối Thanh Thủy. Do tương quan lực lượng quá lớn, cuối ngày 30.4.1984, Trung Quốc đã đẩy bộ đội ta khỏi các điểm cao 1545, 1509, 772, 685, 226, 233 và bình độ 300 - 400. Phía ta, Trung đoàn 122 (thuộc Sư đoàn 313) bị tổn thất nặng, phải lui về phòng ngự ở các vị trí thấp hơn.

Chiều 30.4.1984, Trung đoàn trưởng Hoàng Văn Toái nhận lệnh: “Lập tức chiếm lĩnh trận địa phòng ngự, không để địch lấn chiếm sang phía nam suối Thanh Thủy”. Rạng sáng 1.5.1984, Trung đoàn 14 bám nắm các vị trí bắc suối Thanh Thủy; điểm nào đối phương chưa chiếm thì dâng đội hình lên chốt giữ (đồi Cô Ích, đồi Đá Pháp, đồn biên phòng cũ, lô cốt Gốc Gạo)... Thời điểm này, lính Trung Quốc đã chiếm giữ đỉnh A5, khiến đội hình 2 bên nằm xen kẽ nhau. Bộ đội phải bố trí phòng ngự vòng tròn khép kín, tăng cường cải tạo hang hốc thành trận địa vững chắc, không để đối phương đánh chiếm.

Giành giữ 233

Cuối tháng 5.1984, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 quyết định tập trung xây dựng lại trận địa phòng ngự; củng cố các đơn vị, từng bước đánh lấy lại các điểm tựa đã mất. Thiếu tướng Hoàng Đan, phái viên của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN, lên tận Vị Xuyên trực tiếp chỉ đạo rút kinh nghiệm cách đánh. Chiều 2.6.1984, Ban Chỉ huy Trung đoàn 14 (Sư đoàn 313) quyết tâm chiếm lại điểm cao chiến lược 233.

Rạng sáng 12.6.1984, pháo binh ta bắn trùm lên các điểm cao 233, 226 yểm trợ cho bộ binh vận động đánh chiếm mục tiêu. Tuy nhiên, khi bộ đội vừa rời khỏi vị trí xuất phát tiến công thì bị hỏa lực địch bắn trùm vào đội hình, gây tổn thất lớn. Mãi đến chiều tối, ở hướng chủ yếu mới chiếm được 2 công sự bê tông cách đỉnh 233 khoảng 50 m. Ở hướng thứ yếu nhiều vật cản, không đủ bộc phá để mở cửa, đội hình ùn lại bị thương vong nhiều... “Lệnh của trên là chuyển vào thế trận phòng ngự. Toàn Trung đoàn 14 của tôi dàn ra phòng ngự, hoạt động tác chiến chủ yếu là giữ vững các mục tiêu đã chiếm kết hợp tập kích hỏa lực, bắn tỉa. Công tác đảm bảo cho bộ đội vô cùng khó khăn, việc tiếp tế cơm, nước lên chốt phải đi vào mờ sáng và chiều tối”, thiếu tướng Toái nhớ lại và trầm giọng: “Đúng 1 tháng sau (11.7.1984), chúng tôi mới bàn giao trận địa cho Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) để chuẩn bị tiến công vào hôm sau”.

Hôm sau là 12.7.1984 - ngày mở đầu chiến dịch mang mật danh “MB-84” với mục đích phản kích để lấy lại các điểm cao bị quân Trung Quốc đánh chiếm. Ngày 12.7.1984 cũng in dấu trong tâm trí mọi cán bộ chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên và bây giờ, ngày 12.7 hằng năm được coi là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên. (còn tiếp)

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng các anh hùng liệt sĩ tại Vị Xuyên

 

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng các anh hùng liệt sĩ tại Vị Xuyên

Chiều 11.7, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Giáo hội Phật giáo VN, Hội Cựu chiến binh VN, T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN đã đến dâng hương, dâng vòng hoa, viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (ảnh). Tối cùng ngày, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, T.Ư Giáo hội Phật giáo VN cùng tỉnh Hà Giang tổ chức đại lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ, cầu quốc thái dân an.

Nghĩa trang Vị Xuyên hiện có 1.797 ngôi mộ liệt sĩ và một mộ liệt sĩ tập thể cùng 330 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Trong số đó, có hơn 1.500 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc (1979 - 1989). Tới nay, sau gần 40 năm, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên chưa được quy tập.

Tin, ảnh: Lê Hiệp - Lưu Gia

Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên, các sư đoàn trực tiếp chiến đấu là: 312, 313, 314, 356, 316, 325, 31, 3; các trung đoàn thuộc Quân khu 1, Quân khu Thủ đô, Đặc khu Quảng Ninh, các binh chủng của Bộ và Quân khu 2 (pháo binh, công binh, thông tin, hóa học, phòng không, đặc công) và các trung đoàn, tiểu đoàn, dân quân tự vệ tỉnh Hà Tuyên, Trung đoàn 754 Sơn La... Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh, phần lớn trên dưới 20 tuổi và hàng ngàn người bị thương. Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.

Tóm tắt diễn biến chiến sự mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên

- Từ 2.4 - 28.4.1984: Địch tập trung pháo binh bắn phá khu vực Vị Xuyên, từ điểm cao 1545 đến điểm cao 1030.

- Từ 28.4 - 30.4.1984: Địch bắn pháo để chi viện cho bộ binh tấn công đánh chiếm các điểm cao 226, 233, bình độ 300 - 400, 1509, 772, 685. Trong 2 ngày địch đã chiếm được 226, 233, 772, 1509, bình độ 300 - 400, E1, 685 và lấn vào lãnh thổ VN khoảng 2 km.

- Ngày 15.5.1984: Địch mở đợt tiến công phía đông sông Lô và sau đó đã chiếm được các điểm cao 1030, Si Cà Lá, 1250, đài 2, M13 (như vậy, từ 28.4 đến 16.5.1984, địch chiếm 18 điểm, triển khai phòng ngự chốt giữ 29 điểm trên lãnh thổ VN. Trong đó có khu 1509, 772, Si Cà Lá 1030, 1250 Núi Bạc).

- Ngày 12.7.1984: Ta nổ súng tiến công giành lại các chốt bị chiếm đóng. Tuy đã chiến đấu rất quyết liệt nhưng đợt tiến công của ta đã không thành công.

- Bộ Tư lệnh mặt trận mở đợt tấn công vây lấn từ 18.11.1984 đến 18.1.1985. Dù chưa khôi phục hoàn toàn khu vực A5, 300 - 400, 685 nhưng ta đã giành được một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát địch.

- Trong 2 năm 1985 - 1986: Địch tiếp tục mở nhiều đợt tiến công lấn chiếm trận địa của ta. Chiến sự diễn ra khá quyết liệt, có những nơi như ở Bốn Hầm, ta và địch giành giật nhau tới 38 lần, điểm cao 685 tới 41 lần, đồi Cô Ích tới 45 lần.

- Từ năm 1987 trở đi: Chiến sự ở mặt trận Vị Xuyên dần lắng xuống. Từ năm 1989, địch giảm bắn pháo và rút khỏi một số điểm phía bắc suối Thanh Thủy.

- Ngày 13.3.1989: Địch rút khỏi 20 điểm chiếm đóng và đến tháng 9.1989, địch rút khỏi 9 điểm còn lại.

(Theo đại tá Bùi Thuận Hóa, nguyên Trưởng phòng, Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị)

Theo thanhnien.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.