Biển Đông: 'Khẩu chiến' Mỹ-Trung có thể khơi mào xung đột
Saturday, May 02, 2020 7:52 PM GMT+7
(PLO)- Các động thái của Trung Quốc khiến lo ngại từ phía Mỹ gia tăng, trong bối cảnh quan hệ hai nước vốn đã không êm đẹp từ hai năm nay vì thương chiến, đại dịch.

Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc (TQ), hôm 30-4 có bài viết cáo buộc “Mỹ đẩy mạnh bá quyền ở biển Đông giữa đại dịch”. Đây là một trong những động thái mới nhất của chính quyền Bắc Kinh trên mặt trận “khẩu chiến” với Mỹ liên quan đến những căng thẳng diễn ra ở biển Đông những tháng gần đây, phần lớn là do TQ khơi mào.

Hải quân Mỹ ở biển Đông. Ảnh: US NAVY

Hải quân Mỹ ở biển Đông. Ảnh: US NAVY

Trung Quốc đang nhìn Mỹ thế nào?

Chỉ trích từ phía Bắc Kinh hôm 30-4 diễn ra khi Mỹ tiếp tục điều quân đến biển Đông, thách thức yêu sách phi pháp của TQ. Cùng ngày, truyền thông quốc tế đưa tin Mỹ triển khai hai máy bay ném bom B-1B Lancer đến biển Đông. Một ngày trước đó (29-4), hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hills đến gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Đáng chú ý, hôm 28-4, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ đến gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị TQ chiếm trái phép). Tại đây, phía TQ tuyên bố đã “giám sát”, “cảnh báo” và “trục xuất” tàu của Mỹ vì “xâm nhập bất hợp pháp” vùng biển của TQ.

Ngược lại, hải quân Mỹ khẳng định việc tuần tra không gặp bất kỳ trở ngại nào từ quân đội TQ. Con tàu USS Barry trong tháng 4 cũng hai lần qua eo biển Đài Loan, thể hiện cam kết của Mỹ với đồng minh Đài Loan. Cả hai lần tàu này đều bị hải quân TQ bám theo.

Phía TQ cũng chỉ trích việc Mỹ hôm 21-4 đã cử tàu chiến tấn công đổ bộ USS America, theo cùng là hai tàu chiến khác, đã đến biển Đông. Cũng trong khoảng thời gian này, hải quân Mỹ và Úc đã tiến hành các hoạt động tập trận ở biển Đông, ngay sau khi phía TQ tuyên bố lập quận đảo, cập nhật tên chính thức cho 80 thực thể, đâm chìm tàu cá của Việt Nam... ở vùng biển quan trọng này.

Biển Đông: 'Khẩu chiến' Mỹ-Trung có thể khơi mào xung đột - ảnh 1

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 28-4. Ảnh: GETTY

“Ngay cả khi dịch virus Corona đầy chết chóc đang lan rộng khắp thế giới và trật tự kinh tế, chính trị quốc tế dự kiến sẽ được điều chỉnh đáng kể, Washington dường như đang quyết tâm can thiệp vào vùng biển này” – tờ Thời báo Hoàn cầu viết.

Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản TQ cũng đặt hoài nghi với Washington, rằng “các động thái gần đây của Mỹ tại biển Đông trông có vẻ quái lạ, cả ở góc độ năng lực hoạt động (của hải quân Mỹ hiện nay) lẫn nhu cầu thực tế về mặt an ninh tại vùng biển này”.

Theo lý giải của báo TQ, “quân đội Mỹ tại Tây Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Các báo cáo cho thấy có hơn 40 tàu chiến của hải quân Mỹ có binh lính bị nhiễm bệnh.” Thời báo Hoàn cầu gọi “TQ là kẻ thù chỉ xuất hiện trong sự tưởng tượng của Mỹ”, ám chỉ Washington đã sai lầm khi xem Bắc Kinh là địch thủ.

“TQ đã hạn chế sự can dự vào biển Đông kể từ cuối tháng 1, vì Bắc Kinh tập trung nỗ lực vào việc kiềm chế dịch bệnh, tái thiết lại hoạt động sản xuất và việc làm và tham gia vào việc hỗ trợ quốc tế” - Tờ Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh.

Báo TQ còn cáo buộc Mỹ vừa muốn theo đuổi “quyền lãnh đạo khu vực”, vừa muốn “ổn định mối quan hệ với các đồng minh, đối tác tại châu Á-Thái Bình Dương” thông qua việc can dự quá đáng vào biển Đông trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Bắc Kinh không quên chỉ trích Mỹ cắt viện trợ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không hỗ trợ Liên minh châu Âu (EU) chống dịch. Khái quát mối quan hệ Mỹ-TQ, báo TQ cho rằng: Chính quyền Mỹ từ thời cựu Tổng thống Barack Obama đã “thổi phồng cái gọi là mối đe dọa TQ ở biển Đông” và hiện tại chính quyền Tổng thống Trump đã tiếp tục “đẩy mọi việc đi quá xa”.

“Vấn đề biển Đông cần được đặt ra ngoài cuộc cạnh tranh Mỹ-TQ để ngăn chặn tình trạng mâu thuẫn hai nước có thể leo thang ngoài tầm kiểm soát. Hi vọng rằng lãnh đạo hai nước có thể tạo ra sự đồng thuận chiến lược để tránh chạy đua vũ trang có thể xảy ra…” – Thời báo Hoàn cầu kết luận đầy khiêu khích.

Biển Đông: 'Khẩu chiến' Mỹ-Trung có thể khơi mào xung đột - ảnh 2

Người dân Philippines phản đối cách hành xử phạm pháp của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: AFP

Mỹ đang nghĩ gì về Trung Quốc?

Trên bình diện biển Đông, không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ công khai chống lại TQ. Ý tưởng “cùng nhau tìm đến thỏa thuận hòa bình” dường như đã phá sản, chí ít là từ khi TQ bồi lấp, nhân tạo hóa, quân sự hóa các thực thể tại biển Đông thành các tiền đồn nguy hiểm. Rõ ràng, hải quân, không quân và tàu thuyền dân sự của Mỹ sẽ gặp nhiều rủi ro khi đi qua biển Đông nếu Washington không bày tỏ thái độ cứng rắn trước một Bắc Kinh không ngừng “gặm nhấm” tại đây.

Trong lúc hải quân Mỹ gặp khó khăn vì đại dịch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát đi thông điệp vào giữa tháng 4 vừa qua rằng: “Những đối thủ nào mà nghĩ rằng đây là lúc thách thức Mỹ: Các người đã mắc sai lầm nguy hiểm”. Phát ngôn này được cho là nhằm vào TQ. Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích Bắc Kinh cố tình leo thang căng thẳng ở biển Đông trong khi thế giới đang bận rộn đối phó đại dịch.

Trong cuộc “khẩu chiến” với TQ, dường như Mỹ đang chiếm ưu thế. Thứ nhất, Mỹ không ngừng khẳng định sự hiện diện của hải quân Mỹ tại biển Đông là “bình thường”, “có kế hoạch” và “phù hợp luật pháp quốc tế”. Mỹ muốn chứng minh năng lực và cam kết một Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do bằng cách dùng nhiều phương án thay thế về hải quân tiến vào biển Đông, ngay cả khi đại dịch đang ảnh hưởng một bộ phận quân đội.

Biển Đông: 'Khẩu chiến' Mỹ-Trung có thể khơi mào xung đột - ảnh 3

Đầu tháng 4-2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Phía Việt Nam lên tiếng phản đối, yêu cầu bồi thường.(Ảnh minh họa tàu cá Việt Nam tại cảng Lý Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: TẤN VIỆT

Ngoài ra, không như TQ rêu rao, Mỹ và rất nhiều nước đều nhìn thấy TQ không hề “ngừng hành động ở biển Đông từ tháng 1-2020”. Bằng chứng là: TQ đưa vào hoạt động trạm nghiên cứu trái phép, đâm chìm tàu cá Việt Nam, chĩa súng radar vào tàu hải quân Philippines, đưa tàu Địa chất hải dương 8 vào quấy phá hoạt động kinh tế một số nước. Bắc Kinh còn lập hai chính quyền quận đảo cho “TP Tam Sa”, cập nhật tên chính thức 80 thực thể ở biển Đông. Những việc phi pháp này bị tất cả các nước lên án, chỉ trích.

Trong khi TQ cho rằng “Mỹ can dự quá đáng” ở biển Đông, nước này chưa chỉ ra được sự bất hợp pháp của Washington tại khu vực chiếu theo các quy định quốc tế. Tuần tra tự do hàng hải, tập trận hay các tuyên bố chỉ trích của Mỹ nhằm vào TQ cho đến nay đều xuất phát từ những động thái phạm pháp, đe dọa, bắt nạt cụ thể của TQ tại khu vực.

Trái lại, ít nhất phía Mỹ khẳng định TQ không tuân thủ Phán quyết Tòa Trọng tài 2016, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Bắc Kinh đã là thành viên. Cạnh đó, Mỹ chỉ ra được TQ đâm chìm tàu cá Philippines, Việt Nam; thăm dò tài nguyên, đánh bắt cá phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác; hay đơn phương "quân sự hóa", "thể chế hóa" và thay đổi hiện trạng một cách nghiêm trọng biển Đông. Tất cả, TQ đều đuối lý. 

Truyền thông quốc tế cũng là một cách cơ bản để đo đếm thái độ dư luận quốc tế đối với hành xử của hai bên. Trong khi chỉ có truyền thông nhà nước TQ chỉ trích Mỹ và các nước khu vực biển Đông thì truyền thông của hầu hết các quốc gia quan tâm đến biển Đông đều chỉ ra bằng chứng cho thấy TQ “thừa nước đục thả câu” tại vùng biển này. Cái sai của TQ là không thể biện bạch, đổ lỗi.

Biển Đông: 'Khẩu chiến' Mỹ-Trung có thể khơi mào xung đột - ảnh 4

Tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên gây hấn ở biển Đông. Ảnh: GETTY IMAGES

Giọt nước tràn ly với ông Trump?

Đến nay, nếu chạy theo các phát ngôn của Tổng thống Donald Trump, thật khó để biết Nhà Trắng đang nghĩ gì về TQ. Ông Trump không ít lần “khen ngợi” người đồng cấp TQ Tập Cận Bình, ngay cả trong vấn đề Triều Tiên, thương mại hay cả vấn đề chống dịch COVID-19. Dẫu vậy, cũng nhiều lần người đứng đầu Nhà Trắng chỉ trích TQ cũng trong những câu chuyện tương tự.

Từ một doanh nhân đến tổng thống Mỹ, nhiều chuyên gia nhận định ông Trump theo đuổi kiểu cầm quyền “thỏa thuận” hay “chốt hợp đồng”. Nói cách khác, không có ai là đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ cần “chốt hợp đồng”, “đạt thỏa thuận” có lợi là được.

Điều này phần nào thể hiện qua quan hệ Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mexico, EU... khi ông Trump lần lượt “đạt thỏa thuận”, chí ít là mang về những lợi ích mang tính “tiền tươi thóc thật”. Tổng thống Trump dường như không quan trọng cái gọi là “trách nhiệm quốc tế” hay “trách nhiệm trong quan hệ đồng minh”. Vì vậy, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã sắp xếp lại quan hệ với các nước, tổ chức quốc tế, sau đó không ngại làm mích lòng các nước, miễn là nước Mỹ giảm chi tiền túi.   

Tiếc là TQ không giống như bất kỳ bên thương thuyết nào mà ông Trump từng trải qua. Khi nền sản xuất của Mỹ phụ thuộc lớn vào TQ, cùng với đó là tính đặc thù của nền chính trị giúp TQ có sức mặc cả “bớt một thêm hai” với Mỹ. Cuộc chiến tranh thương mại kéo dài, có lúc tưởng chừng Mỹ thắng nhưng rồi TQ lại nhanh chóng lấy lại thế cân bằng. TQ bị tổn thương nhưng chưa thất bại, Mỹ cũng đạt một số thành quả nhưng mọi thứ không như ông Trump kỳ vọng. Có thể nói Bắc Kinh là một đối thủ khó đối phó.

Hồi giữa tháng 4, trong một cuộc nói chuyện với Thượng nghị sĩ Kevin Cramer của bang North Dakota liên quan một nhà máy chế biến thịt lợn tại Nam Dakota, sở hữu bởi doanh nghiệp TQ, xuất hiện dịch COVID-19, ông Trump nói: “Tôi đã cảm thấy mệt mỏi TQ rồi đấy”, theo The New York Times.

Điều đó có thể phản ánh ông Trump đã ngao ngán sau hàng loạt cuộc tấn công mà chưa “trị” được TQ, nhưng nó cũng có thể được hiểu theo một khía cạnh khác: Sự kiên nhẫn của Nhà Trắng đang cạn dần trước cách hành xử của Bắc Kinh. Tuy nhiên, với cá tính của ông Trump thì việc “bó tay” trước Bắc Kinh là điều dường như không thể xảy ra, nhất là khi bên cạnh ông Trump vẫn còn nhiều quan chức và đội ngũ cố vấn có tư tưởng “diều hâu TQ”.

Chưa có chỉ dấu rõ ràng để cho rằng xung đột vũ trang sẽ nổ ra ở biển Đông, cho dù những va chạm nhất thời và sự hiện diện gia tăng của tàu chiến, trong đó có cả tàu sân bay, của cả hai phía là rõ ràng. Đã có lúc phía Mỹ tố cáo phía TQ "hành xử không an toàn và thiếu chuyên nghiệp trên biển". 

Thậm chí, Thời báo Hoàn cầu hôm 30-4 còn nhận định Bản ghi nhớ chung giữa Mỹ và TQ về các quy tắc ứng xử an toàn trong các vụ đụng độ trên biển và trên không (năm 2014) đã không còn đáp ứng được nhu cầu của hai nước trong việc ngăn chặn xung đột ở khu vực. Giới quan sát cũng cho rằng Bản ghi nhớ không đủ sức phòng chống các va chạm và xung đột Mỹ-Trung trên biển Đông trong bối cảnh hiện nay. 

Truyền thông nhà nước TQ gần đây còn "chê" năng lực và khả năng tác chiến của hải quân Mỹ suy yếu, khó đáp ứng được một cuộc chiến tranh tại khu vực sau khi bị đại dịch tấn công. Các động thái leo thang gần đây của TQ cũng được cho là thăm dò phản ứng của Washington để từ đó Bắc Kinh tính toán các nước cờ xâm chiếm chiến lược ở khu vực.

Tuy nhiên, một cuộc chiến vũ trang chắc chắn sẽ khiến cả hai đều phải trả giá “chưa thể lường trước”. Thay vào đó, xung đột Mỹ-Trung có thể xảy ra theo cách khác.

Việc Mỹ sẽ tung ra các đòn trừng phạt mạnh hơn, ví dụ như gợi ý tấn công TQ “từ mặt trận quân sự đến mặt trận ngoại giao, pháp lý... với sự tham gia từ khu vực đến khu vực tư nhân của Mỹ (và đồng minh, đối tác)” cũng là một gợi ý khả dĩ mà Washington có thể cân nhắc.

Thậm chí, việc liên minh với các nước điều tra TQ liên quan đại dịch COVID-19 cũng là đòn khả dĩ mà Nhà Trắng có thể khiến Bắc Kinh lao đao thời gian tới. Hiện ngoài Mỹ thì Úc cũng lên tiếng điều tra nguồn gốc COVID-19, trong khi Bắc Kinh bày tỏ lo lắng và không ngừng phản đối. Thậm chí, phía Đức còn cho hay Bắc Kinh tìm cách thuyết phục các quan chức Berlin "nói tốt cho chiến dịch chống dịch của TQ". Điều đó cũng đủ thấy lo ngại của Bắc Kinh nếu bị thế giới quay lưng hoặc tấn công vì các cáo buộc TQ góp phần làm lây lan đại dịch.

Một cuộc chiến tranh thương mại mà nhiều người từng “không thể ngờ” và TQ cố gắng ngăn chặn cũng đã bùng nổ. Ở biển Đông nói riêng và khu vực nói chung, nếu Bắc Kinh leo thang bất chấp "mặt mũi và trật tự do Washington thiết lập và vận hành, "giọt nước tràn ly" sẽ khiến Mỹ và các nước có thể gia tăng đòn tấn công mà chắc chắn TQ có thể sẽ phải trả giá đắt.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.