33 năm sự kiện Gạc Ma, Trường Sa (14.3.1988 - 14.3.2021) - Gặp gỡ sau 33 năm sự kiện Gạc Ma: Bệnh xá tiền phương
Sunday, March 14, 2021 8:51 PM GMT+7
33 năm đã trôi qua kể từ ngày 14.3.1988, các cựu chiến binh tham gia đánh trận Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, mỗi khi họp mặt đều nhắc đến bác sĩ Lại Quang Tiến, Nguyễn Kim Quang...

Ở số nhà 156B Đà Nẵng (P.Lạc Viên, Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) có phòng khám nội tổng hợp của bác sĩ Lại Quang Tiến. Ít ai biết, cách đây 33 năm, bác sĩ này là bệnh xá trưởng của đảo Sinh Tồn và cứu chữa, giành lại sự sống cho rất nhiều thương binh trong trận 14.3.1988 trên vùng biển đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao.

Tàu HQ-671 đã đưa các thương binh, liệt sĩ từ Cô Lin về Sinh Tồn, chiều 14.3.1988 	 /// ẢNH: TƯ LIệU QCHQ

Tàu HQ-671 đã đưa các thương binh, liệt sĩ từ Cô Lin về Sinh Tồn, chiều 14.3.1988. ẢNH: TƯ LIỆU QCHQ

Bác sĩ trẻ trên đảo

Tháng 2.1979, Lại Quang Tiến, 18 tuổi, đang học năm cuối hệ trung học phổ thông 10/10 của Trường THPT Thái Phiên (TP.Hải Phòng), thì cán bộ Ban Chỉ huy quân sự TP.Hải Phòng về sơ tuyển thí sinh thi vào Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Đầu năm học 1979 - 1980, Tiến khoác ba lô nhập học khóa 14, Đại học Quân y.

Ngày 10.8.1985, gần 300 tân bác sĩ của khóa 14 ra trường, nhận nhiệm vụ ở khắp các đơn vị trên mọi miền Tổ quốc, biên giới, hải đảo, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia... Bác sĩ Lại Quang Tiến được phong quân hàm trung úy, điều về Quân chủng Hải quân, sau thời gian huấn luyện chuyên môn thì vào Vùng 4 Hải quân (ở Cam Ranh, Khánh Hòa), theo tàu HQ-605 ra đảo Sinh Tồn (Trường Sa) làm nhiệm vụ.

Hồi ấy, điều kiện các đảo ngoài Trường Sa rất khó khăn thiếu thốn nên nhân viên y tế được cưng quý hơn vàng. Sinh Tồn là đảo nổi cấp 1, đặt bệnh xá nên biên chế y tế tương đối đầy đủ.

“Y sĩ, y tá thì có thời hạn công tác. Xong 1 năm là được về bờ nghỉ phép, học tập huấn luyện mấy tháng rồi mới ra lại đảo. Riêng với bác sĩ, chỉ đếm trên đầu ngón tay nên việc nghỉ phép là điều xa xỉ. Cứ làm việc trên đảo liền tù tì mấy năm, cho đến khi có người ra thay”, bác sĩ Tiến kể và nhớ lại: “Tôi ra thay bác sĩ Phú, ngay lập tức được phong chức bệnh xá trưởng và ở trên đảo Sinh Tồn từ cuối năm 1985 đến cuối tháng 5.1988 mới về bờ”.

Đầu năm 1988, bác sĩ Nguyễn Kim Quang (sau là đại tá, Chủ nhiệm Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Quân y 7 - Quân khu 3) ra đảo Sinh Tồn thay cho bác sĩ Tiến. Sắp sẵn ba lô chờ lên tàu về bờ, nhưng bác sĩ Tiến nhận lệnh phải ở lại. “Lần đầu tiên có 2 bác sĩ trên 1 đảo nổi, đã thấy rất lạ. Nghe ngóng tình hình từ chỉ huy đảo và thấy tàu thuyền Trung Quốc qua lại ngày càng nhiều, tôi lờ mờ đoán có chuyện rất hệ trọng sắp xảy ra”, bác sĩ Tiến kể.

Gặp gỡ sau 33 năm sự kiện Gạc Ma: Bệnh xá tiền phương - ảnh 1

Các bác sĩ quân y ở Trường Sa phẫu thuật trong hầm, cứu chữa thương binh tháng 3.1988. ẢNH: NGUYỄN VIẾT THÁI

Trắng đêm cứu thương binh

Sáng 14.3.1988, nhóm 6 bác sĩ, y tá của đảo Sinh Tồn vừa mang chậu cơm từ nhà bếp ra gốc cây ăn sáng, thì nghe lục bục tiếng pháo ngoài khu vực Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao cách đó khoảng 10 hải lý. Chạy lên đài quan sát nhìn ống nhòm chuyên dụng TZK, thấy rõ khói bốc lên từ mấy tàu vận tải. Cả đảo Sinh Tồn báo động. Đại úy Thái Văn Khôi, đảo trưởng Sinh Tồn, gọi bác sĩ Tiến lên giao nhiệm vụ: “Chuẩn bị thuốc men, dụng cụ phẫu thuật. Trung Quốc nó đánh ta rồi. Rất nhiều thương binh đấy”.

Cuối giờ chiều 14.3.1988, chuyến xuồng đầu tiên chở thi thể trung úy Phan Hữu Doan và thương binh, bộ đội tàu HQ-605 vừa chiến đấu ở đảo Len Đao, cập vào đảo Sinh Tồn. Các nhân viên y tế của bệnh xá nhanh chóng đưa những thương binh nặng (chiến sĩ cơ điện Trần Văn Sáu, máy trưởng Uông Xuân Thọ, thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn...) vào hầm phẫu thuật. Những người bị thương nhẹ được băng bó, cầm máu và nằm trong lều lán dã chiến của bộ đội. “Nặng nhất là chiến sĩ Trần Văn Sáu bị mảnh đạn pháo cưa gần như đứt lìa cẳng chân phải, đoạn ngay đầu gối và toàn thân bị bỏng nặng. Máy trưởng Uông Xuân Thọ khi đưa lên đảo đã mê man do bị nhiều vết thương. Nguy hiểm nhất là vỡ mắt cá và mảnh đạn pháo cắt mạch máu ở cổ tay phải...”, bác sĩ Tiến nhớ lại và trầm giọng: “Gọi là bệnh xá cho oai, chứ thật ra chỉ có căn hầm dã chiến, trong có vài chiếc giường sắt. Thuốc men, dụng cụ y tế thì vừa thiếu vừa cũ kỹ. Đặc biệt, thuốc kháng sinh và đặc trị xử lý vết thương, chống nhiễm trùng... rất ít ỏi”.

“Thiếu cũng phải mổ để cứu thương binh”, bác sĩ Tiến hội ý chớp nhoáng với các nhân viên y tế và yêu cầu đưa thương binh lên bàn phẫu thuật. Trời tối nhanh, ánh sáng không đủ, bộ đội phải thay nhau ngồi lên chiếc xe đạp phát điện. Hơn 10 giờ đêm 14.3.1988, tàu HQ-671 đưa các thương binh từ Cô Lin về (thương binh trên tàu HQ-604 và đảo Gạc Ma, được xuồng của HQ-505 vớt lúc trưa), thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đi cùng, thấy các y bác sĩ mổ trong điều kiện thiếu ánh sáng, đã đề nghị: “Để tớ bơi xuồng về Cô Lin, lấy đèn trên tàu vào thắp sáng”. Bác sĩ Tiến lắc đầu: “Ra vào gần 4 tiếng, đêm tối nguy hiểm, tàu địch đang rập rình sẵn sàng bắn các mục tiêu di chuyển trên biển. Anh cứ để chúng tôi cố gắng”... Cả đêm 14.3.1988 ấy, các y bác sĩ bệnh xá đảo Sinh Tồn thức trắng và làm việc liên tục đến chiều hôm sau để cứu chữa thương bệnh binh...

Ông Uông Xuân Thọ, nguyên thượng úy máy trưởng tàu HQ-605, rưng rưng: “Tôi mê man khi được đưa lên đảo. Nếu không có kíp y bác sĩ của đảo quyết tâm phẫu thuật cứu chữa, thì chắc chắn sẽ mất cánh tay phải. Riêng thương binh Trần Văn Sáu, phải mổ tới 6 lần để nối các mạch máu, dây thần kinh ở cẳng chân. Do điều kiện y tế và các dụng cụ đặc chủng thiếu thốn nên vết thương của anh Sáu có dấu hiệu viêm nhiễm. Ngay sau đó, tàu HQ-671 đã đưa các thương binh về Cam Ranh. Tại đây, các thương binh nặng được máy bay trực thăng chở vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM). Các thương binh nhẹ được chăm sóc tại bệnh xá của Vùng 4 Hải quân (Mỹ Ca, Cam Ranh, Khánh Hòa)”.

Cuối tháng 5.1988, sau 33 tháng công tác liên tục, biền biệt ngoài đảo Sinh Tồn, bác sĩ Lại Quang Tiến mới được về bờ. Sau 3 tháng nghỉ phép, ông lại được điều ra công tác ở đảo chìm Đá Lớn trong suốt 13 tháng. Đầu năm 1990, ông kết thúc “tăng” đảo chìm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đại úy - bác sĩ Lại Quang Tiến xin ra khỏi quân đội, về TP.Hải Phòng thuê căn nhà mặt đường Đà Nẵng mở phòng khám chữa bệnh, vừa gần bà con vừa đảm đương kinh tế gia đình.

Gặp gỡ sau 33 năm sự kiện Gạc Ma: Bệnh xá tiền phương - ảnh 3

Bác sĩ Lại Quang Tiến (trái) kể lại quá trình phẫu thuật vết thương tay phải cho máy trưởng Uông Xuân Thọ (phải) tại buổi gặp gỡ chiều tối 13.3.2021. ẢNH: MAI THANH HẢI

Ước mơ hội ngộ

33 năm đã trôi qua kể từ ngày 14.3.1988, các cựu chiến binh tham gia đánh trận Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, mỗi khi họp mặt đều nhắc đến bác sĩ Lại Quang Tiến, Nguyễn Kim Quang và bảo nhau: “Nếu không có các y bác sĩ ở trạm phẫu tiền phương Sinh Tồn hôm ấy thức liên tục 2 ngày đêm cứu chữa, chúng ta nếu có sống cũng thành tàn tật”.

Riêng với bác sĩ Lại Quang Tiến thì đến giờ vẫn áy náy bởi điều kiện y tế thời điểm đó quá thiếu thốn, không đủ để cứu chữa kịp thời các thương bệnh binh. “Ngay tối 14.3.1988 tôi đã khẩn thiết đề nghị đảo trưởng Thái Văn Khôi viết điện cơ yếu đề nghị tiếp tế khẩn cấp thuốc men, huyết thanh. Ý kiến là vậy, nhưng cũng thừa hiểu là khó có thể thực hiện vì tình hình chiến sự đang nóng bỏng. Tàu bè thì nằm hết ngoài Trường Sa. Máy bay vận tải quả cảm đến mấy cũng không dám liều hạ thấp xuống Sinh Tồn vì xung quanh đảo rất nhiều tàu chiến Trung Quốc sẵn sàng nhả đạn…”, bác sĩ Tiến nhớ lại và lắc đầu: “Không ngờ, ngay hôm sau, máy bay vận tải của ta đã bay ra, lao qua đội hình tàu chiến Trung Quốc, thả hàng tiếp tế là thuốc y tế quấn trong quần áo, xuống mặt nước ven bờ đảo. Chúng tôi rất muốn gặp lại những phi công dũng cảm ngày 16.3.1988 hôm ấy”...

Tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma

Ngày14.3, tại P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), Hội Cựu chiến binh Lữ đoàn Công binh 83 (Quân chủng Hải Quân) phối hợp Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa Đà Nẵng tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu ngày 14.3.1988 bảo vệ Gạc Ma, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Tại lễ tưởng niệm, Ban tổ chức đã dựng mô hình tàu hải quân số hiệu HQ-604 tham gia trận chiến đấu ngày 14.3.1988, chở các bài vị ghi họ tên, năm sinh và quê quán của 64 liệt sĩ...; các cựu chiến binh, người thân các liệt sĩ dâng hương, cùng thả vòng hoa xuống biển Đà Nẵng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ...

(còn tiếp)

Theo thanhnien.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.