Xanh hóa Trường Sa
Wednesday, June 04, 2014 5:51 AM GMT+7
“Chương trình Trường Sa xanh ra đời nhằm mục đích huy động mọi nguồn lực vật chất, tinh thần, kiến thức khoa học để cải tạo thổ nhưỡng, trồng các loại hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây tạo bóng mát, cây chắn sóng, rau xanh... góp phần biến các đảo và điểm đảo ngày càng xanh, đẹp hơn”.

 Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đặng Quốc Toàn (bìa trái) cùng các đại biểu trồng cây trong lễ phát động Trường Sa xanh - Ảnh: DƯ HẢI

Đó là phát biểu của nhà báo Bùi Thanh tại lễ phát động “Trường Sa xanh” - chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Quân chủng hải quân thực hiện tại quần đảo Trường Sa chiều 03/06.

Nỗ lực cải tạo môi trường

Chiều 03/06, đoàn công tác số 14 “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” thăm và làm việc tại đảo Trường Sa, “thủ phủ” của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đoàn thực hiện lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thắp hương tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm chùa Trường Sa, tặng quà cho quân và dân trên đảo. Ngay sau đó, 198 thành viên của đoàn cùng quân và dân trên đảo Trường Sa tham gia lễ phát động chương trình “Trường Sa xanh” nhằm cải tạo môi trường, sinh thái tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa quanh năm sóng gió. 

Mang thùng rác ra đảo

Cứ mỗi sáng sớm, trên boong tàu HQ571, ông lại cặm cụi nhặt từng cọng rác, làm sạch boong tàu. Ông là Đinh Trọng Cảnh, giám đốc Công ty Huy Hoàng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Ông Cảnh cho biết công ty ông là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên chuyên về thu gom và tái chế rác tại tỉnh Lạng Sơn. Ra thăm quần đảo Trường Sa lần này, ông Cảnh mang theo món quà đặc biệt: 70 thùng rác. “Mang thùng rác ra tặng các đảo, tôi muốn góp phần giữ cho đảo thêm xanh, sạch đẹp, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, môi sinh cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và những ai tới thăm đảo” - ông Cảnh nói.

Thượng úy Trần Quốc Huyên, một cán bộ trên đảo, cho biết đảo Trường Sa trước đây phổ biến là các loại cây phong ba, bão táp, bàng vuông. Quân và dân trên đảo có nhiều nỗ lực trong việc xanh hóa đảo bằng các loại cây khác như cây bàng ta, dừa, tra. Chính các loại cây này đã cải thiện, giữ cho đảo luôn xanh tốt.

Theo anh Trần Nhật Trường (31 tuổi, một người dân sinh sống tại đảo Trường Sa Lớn), mỗi hộ dân khi ra đảo đều có trách nhiệm trồng và chăm sóc hai cây xanh. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt nên cây phát triển chậm. Chị Đoàn Thị Trịnh (45 tuổi, một hộ dân trên đảo Trường Sa) cho biết cây xanh, đặc biệt là cây dừa và cây tra, giữ nước rất tốt. Trước đây, tám giếng nước trên đảo đều rất lợ, hệ thống cây xanh của đảo giúp một số giếng nước được ngọt hóa 2-3 tháng trong năm.

Không phải đảo, điểm đảo nào cũng xanh tươi như đảo Trường Sa. Đoàn công tác số 14 đi qua nhiều điểm đảo, cảnh tượng chung cho thấy các cán bộ chiến sĩ vẫn phải phơi mình dưới nắng gió, phong ba bão táp biển khơi. Nhiều điểm đảo nỗ lực trồng cây xanh nhưng dường như nắng gió và vị mặn của nước biển cản trở những nỗ lực đó. Có điểm đảo thậm chí không tìm ra chỗ để trồng cây xanh, trơ trọi, phơi mình dưới nắng gió khắc nghiệt của Trường Sa.

Nối kết đất liền với biển đảo

Theo nhà báo Bùi Thanh, từ năm 2011 báo Tuổi Trẻ phát động phong trào “Góp đá xây Trường Sa” và nhận được sự ủng hộ to lớn của bạn đọc và nhân dân trong, ngoài nước. Chương trình đã xây dựng được hai ngôi nhà kiên cố cho cán bộ chiến sĩ trên đảo Đá Tây A và Đá Tây C, trao tặng một số xuồng CQ và các trang thiết bị khác trong chương trình Thắp sáng nhà giàn DK1. Tuy nhiên, ban biên tập báo Tuổi Trẻ vẫn nhận thấy rằng như thế là chưa đủ, còn nhiều việc phải làm cho Trường Sa.

“Trường Sa xanh” ra đời như một hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Ngay tại lễ phát động, 80 cây dừa, 200 cây tra được trồng tại các khu vực trên đảo Trường Sa. Thời gian tới, báo sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng hải quân trồng thêm nhiều loại cây xanh, cây ăn trái, cây chắn gió và đặc biệt là rau xanh trên các điểm đảo. Để làm được điều đó, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà khoa học nghiên cứu cải thiện điều kiện thổ nhưỡng trên các đảo, điểm đảo; đầu tư trồng những loài cây thích hợp có khả năng tạo môi trường trong lành, giữ nước.

Đại tá Nguyễn Phong Cảnh, phó chủ nhiệm Cục Chính trị Quân chủng hải quân, ghi nhận sáng kiến của báo Tuổi Trẻ đối với quân dân trên quần đảo Trường Sa. Đại tá Cảnh cho biết chương trình Trường Sa xanh thật sự là một phong trào lớn, có ý nghĩa, góp phần cải tạo môi trường thổ nhưỡng, cải thiện môi trường, tăng cường thế trận phòng thủ và nâng cao đời sống quân dân trên các đảo. Ông Cảnh tin tưởng rằng bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp và triển khai tốt chương trình Trường Sa xanh.

Thay mặt quân và dân đảo Trường Sa, trung tá Lương Xuân Giáp - chính trị viên đảo - cảm ơn sáng kiến của báo Tuổi Trẻ. Phong trào cho thấy quân dân đất liền luôn một lòng hướng về biển đảo, từ đó sẽ giúp cán bộ chiến sĩ trên đảo yên tâm công tác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của quê hương. “Thực hiện chương trình Trường Sa xanh, quân và dân đảo Trường Sa quyết tâm phấn đấu trồng cây nào sẽ sống và xanh tốt cây đó” - trung tá Lương Xuân Giáp khẳng định. 

Đại tá Đoàn Huy Tòng (phó chủ nhiệm Hậu cần hải quân):

Thể hiện sự sống, sức sống ở Trường Sa

Sự sống, sức sống thể hiện ở màu xanh. “Trường Sa xanh” chính là sự sống đó, sức sống đó, giúp bộ đội ta vơi bớt đi những khó khăn, gian khổ... Những việc chúng tôi, chúng ta làm hôm nay sẽ có ý nghĩa cho những thế hệ sau ở Trường Sa được thụ hưởng bóng mát đó, màu xanh đó.

Phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng xanh, đẹp quần đảo Trường Sa”, trong đó có chương trình “Trường Sa xanh” với mục tiêu là bảo vệ và cải thiện môi trường trên đảo, từng bước thực hiện xanh hóa, đồng thời góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong năm 2013, cán bộ chiến sĩ các đảo đã phát huy nội lực, lao động với hàng ngàn ngày công, tích cực thu gom xử lý rác thải, tận dụng chất hữu cơ để cải tạo đất trồng cây xanh. Chúng ta sẽ phủ xanh các đảo nổi trước. Chúng tôi cũng nghiên cứu ươm, chiết các chủng loại cây trồng phù hợp, quy hoạch và làm vườn cảnh, vườn hoa. Lúc đầu anh em khá lo lắng sợ hoa trong đất liền không chịu được sự khắc nghiệt ngoài đảo. Nhưng qua kiểm tra thực tế vào tháng 4 vừa rồi cho thấy cây và hoa phát triển rất tốt. Hiện anh em cán bộ chiến sĩ duy trì được vườn hoa tươi trên các đảo nổi, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho quân và dân trên đảo.

MY LĂNG ghi

TRUNG TÂN - NHẬT HUY

Theo TTO

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.