Ông Mykhailo Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ngày 3/7 đã nêu các điều kiện để Kiev có thể đàm phán với Nga.
Binh sĩ Ukraine ở Donetsk (Ảnh: Reuters).
"Ngừng bắn ngay lập tức. Rút quân khỏi Ukraine. Trao trả lại công dân bị bắt cóc. Dẫn độ tội phạm chiến tranh. Cơ chế bồi thường. Công nhận các quyền chủ quyền của Ukraine", ông Podoliak viết trên mạng xã hội Twitter.
Theo ông Podoliak, phía Nga "biết rất rõ điều kiện" do Ukraine đưa ra.
"Ông Peskov không cần phải lo lắng: thời điểm đó sẽ đến và chúng tôi sẽ thông báo bằng văn bản", cố vấn của Tổng thống Ukraine nói.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Ukraine "phải hiểu các điều kiện do Nga đưa ra, chấp thuận các điều kiện đó, nối lại đàm phán và ký thỏa thuận".
Theo ông Peskov, hiện tại, phương Tây vẫn hướng tới việc tiếp tục hành động quân sự ở Ukraine. Ông cáo buộc "các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu không để Ukraine nghĩ hoặc nói về hòa bình".
Ông Peskov nói thêm rằng "sớm hay muộn, phương Tây cũng nhận thức được vấn đề và các cuộc đàm phán sẽ được nối lại".
Người phát ngôn Điện Kremlin hôm 28/6 tuyên bố Nga sẽ kết thúc chiến dịch quân sự tại Ukraine nếu Kiev lệnh cho quân đội hạ vũ khí đầu hàng và đáp ứng mọi yêu cầu của Moscow. Tổng thống Putin trước đó nói rằng, chiến dịch quân sự của Nga sẽ kéo dài cho đến khi Moscow đạt được các mục tiêu ban đầu, trừ khi có một thỏa thuận mà các bên đều có thể chấp nhận tại các cuộc đàm phán.
Ông Peskov cho rằng, một thỏa thuận hòa bình chỉ đạt được khi Ukraine đáp ứng tất cả các điều kiện của Nga. Những điều kiện này được cho là bao gồm Ukraine cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập cho vùng Donbass ở miền Đông.
Trong khi chiến sự leo thang, các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine tiếp tục bế tắc. Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko hôm 26/6 nhấn mạnh, các cuộc đàm phán cần được tiến hành dựa trên những điều kiện mà phía Nga công bố trước, đồng thời xét đến tình hình thực tế.
Tổng thống Zelensky ngày 27/6 kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực hết sức để giúp Ukraine chấm dứt xung đột vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 3/7 dự đoán chiến dịch quân sự của Nga có thể sẽ kéo dài.
Khi được hỏi về khả năng kết thúc xung đột vào cuối năm nay như tuyên bố của Tổng thống Ukraine, ông Scholz nói: "Rất khó để đánh giá liệu điều này có thực tế hay không, bởi vì điều này được quyết định trên thực địa". Ông Scholz cũng tuyên bố phương Tây sẽ hỗ trợ Ukraine trong thời gian "lâu nhất có thể".
Hồi tháng 5, Tổng thống Zelensky tuyên bố cuộc chiến tại Ukraine sẽ chỉ kết thúc "thông qua con đường ngoại giao". Ông Zelensky cũng để ngỏ khả năng đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga để chấm dứt chiến sự.