"Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ gây ra tổn thất lớn hơn cho những quốc gia áp đặt chúng", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp dầu khí Nga hôm 8/7.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP).
Tổng thống Putin từng tuyên bố coi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga như một lời tuyên chiến kinh tế. Ông nói rằng những lời kêu gọi của phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga đã khiến thị trường toàn cầu "phát sốt" với giá dầu và khí đốt tăng vọt.
"Việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn - thậm chí thảm khốc - trên thị trường năng lượng toàn cầu", ông Putin cảnh báo.
Tổng thống Putin cho biết các công ty năng lượng của Nga nên chuẩn bị cho lệnh cấm vận dầu mỏ của EU, dự kiến có hiệu lực vào khoảng cuối năm nay.
"Chính phủ Nga đang xem xét các phương án phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt và đường ống để cung cấp dầu và các sản phẩm dầu của Nga cho các quốc gia thân thiện", ông Putin nói.
Ông Putin nói rằng chiến dịch kinh tế "chớp nhoáng" của phương Tây đã thất bại, nhưng thừa nhận nền kinh tế Nga cũng phải hứng chịu thiệt hại.
"Chúng ta nên cảm thấy tự tin vào bản thân nhưng cũng nên nhìn thấy rủi ro - rủi ro vẫn còn đó", ông Putin nói.
Tổng thống Putin hồi tháng 5 tuyên bố, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ làm tổn thương chính nền kinh tế của các nước đó, cũng như gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Nga liên tiếp hứng lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Moscow đã đáp trả các lệnh trừng phạt bằng việc yêu cầu những "quốc gia không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga nếu không sẽ bị cắt nguồn cung. Nga cho đến nay đã cắt nguồn cung khí đốt cho Hà Lan, Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch.
Sau khi EU quyết định cấm vận phần lớn dầu Nga, giới chuyên gia nhận định, động thái này khó có thể gây tổn thương đáng kể cho Moscow trong thời gian tới như châu Âu kỳ vọng. Lệnh cấm sẽ làm giảm sản lượng dầu Nga xuất sang châu Âu nhưng Moscow có thể bù đắp lại thông qua việc giá dầu thế giới tăng phi mã.
Mặt khác, Nga cũng đang tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn khách hàng, và hướng tới các đối tác lớn khác như Ấn Độ hay Trung Quốc - các quốc gia đang có nhu cầu khổng lồ về năng lượng. Châu Âu có thể tìm cách xoay xở khi không mua dầu Nga nữa, nhưng họ sẽ phải chấp nhận mức giá cao.
EU phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga khi nhập khẩu khoảng 40% nguồn cung từ Nga trong năm 2021. Một số nước như Bulgaria thậm chí phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung từ Moscow.