Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong Bộ Tài chính Mỹ hôm 12/7 đưa tin, giá dầu toàn cầu có thể sẽ tăng lên 40%, chạm mốc 140 USD mỗi thùng nếu dầu của Nga không bị áp giá trần.
Nga vẫn đang thu nguồn lợi lớn từ năng lượng do giá dầu mỏ và khí đốt tăng phi mã (Ảnh: Reuters).
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến sẽ trao đổi việc thực thi đề xuất áp giá trần lên dầu Nga của Washington với người đồng cấp Nhật Bản Shunichi Suzuki.
Quan chức Mỹ cho biết, mục tiêu của "vũ khí" giá trần này là đặt ra một mức giá tương đương với chi phí sản xuất ra dầu mỏ của Nga, để Moscow có thể tiếp tục xuất khẩu dầu, nhưng lợi nhuận họ thu về không đủ lớn để cấp ngân sách cho cuộc chiến đã kéo dài hơn 4 tháng ở Ukraine.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Ấn Độ-Thái Bình Dương với tư cách Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Yellen đang tận dụng cơ hội để kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi hơn với đề xuất áp giá trần lên dầu của Nga. Động thái này diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt dầu của Nga khi nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc - những bên đang mua mặt hàng này với giá rẻ - không tham gia vào nỗ lực của phương Tây.
Trên thực tế, với vị thế cường quốc năng lượng, Nga đã chống chịu tương đối tốt với các lệnh trừng phạt lên dầu và khí đốt của phương Tây. Thậm chí, mức giá năng lượng tăng phi mã trong thời gian qua vẫn đang mang lại lợi nhuận lớn cho Nga, trong khi phương Tây chật vật vì cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu cao dẫn tới lạm phát.
Mỹ và các đồng minh trong nhóm 7 quốc gia công nghiệp lớn hàng đầu thế giới G7 cũng như Liên minh châu Âu EU hồi tháng trước đã đồng thuận về việc sẽ xem xét để áp giá trần lên dầu Nga. Động thái này nhằm khiến Nga bị ảnh hưởng tới khoản ngân sách chi cho chiến sự. Tuy nhiên, chi tiết của việc thực thi đề xuất này vẫn đang được bàn bạc và chưa có kết luận chính thức.
Trước đó, tại hội nghị G7 vào tháng 6, các nước đã bàn phương pháp nhằm gia tăng áp lực khiến Nga phải từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine, mà không dẫn tới những hậu quả lan rộng ảnh hưởng trực tiếp tới phương Tây và toàn cầu.
Ngoài dầu mỏ, các lãnh đạo châu Âu cũng đề xuất áp giá trần cho khí đốt Nga. Mức giá trần áp lên khí đốt chảy qua đường ống của Nga được hiểu là các quốc gia châu Âu sẽ từ chối trả nhiều tiền hơn một mức được quy định cho khí tự nhiên của Moscow. Đề xuất này dựa vào giả thuyết là Nga trong thời gian ngắn hạn sẽ không kiếm được thị trường thay thế đủ lớn để bán khí đốt chảy qua đường ống như châu Âu. Vì vậy, nếu châu Âu áp giá trần, Nga sẽ có 2 phương án là hoặc mất đi lợi nhuận khổng lồ thông qua việc khóa van cấp khí đốt sang châu Âu, hoặc chấp nhận nhượng bộ bán theo mức giá trần mà phương Tây quy định.
Đức có thể không "mặn mà" với đề xuất áp giá trần lên năng lượng của Nga vì họ phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Moscow. Kịch bản Nga ngắt năng lượng cấp tới châu Âu có thể tạo ra thiệt hại nghiêm trọng cho Đức.