Ít nhất 2 máy bay ném bom B-52H Stratofortress của Mỹ đã được triển khai từ căn cứ không quân Minot, bang North Dakota, Mỹ tới căn cứ không quân Fairford ở Anh vào ngày 18/8. Đây là đợt triển khai "pháo đài bay" B-52 thứ hai của Mỹ tới căn cứ Fairford trong năm nay, sau đợt triển khai kết thúc hồi tháng 4.
Máy bay ném bom B-52 (Ảnh: Getty).
"Sức mạnh cuối cùng của chúng tôi trong khu vực hoạt động ở châu Âu là khả năng huấn luyện và tác chiến với các đồng minh và đối tác của chúng tôi", Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, Tướng James Hecker, cho biết.
Trên hành trình tới Anh, các máy bay B-52 của Mỹ đã thực hiện các hoạt động bay phối hợp cùng các máy bay quân sự của Na Uy và Thụy Điển. Các máy bay B-52 cũng bay qua khu vực đông nam châu Âu hôm 22/8, bay ở tầm thấp qua Bắc Macedonia, Albania, Montenegro và Croatia nhằm thể hiện cam kết với các đồng minh NATO.
"Mục đích của mỗi chuyến bay nhằm thể hiện cam kết và bảo đảm của Mỹ với các đồng minh NATO và đối tác tại đông nam châu Âu", lực lượng không quân Mỹ tại châu Âu thông báo.
Trong khi đó, các hoạt động quân sự của Nga xung quanh khu vực Balkan và biển Adriatic ngày càng gia tăng, từ đó mở ra hướng tiếp cận chiến lược quan trọng đến Địa Trung Hải. NATO tuần trước đã 4 lần triển khai máy bay để hộ tống các máy bay quân sự của Nga ra khỏi không phận Lithuania.
Nga từng phản đối các quyết định của NATO về việc kết nạp Bắc Macedonia vào năm 2020 và Montenegro vào năm 2017, đồng thời cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển gánh hậu quả về chính trị và quân sự nếu các nước này gia nhập NATO.
B-52 là một trong những máy bay ném bom chủ lực của Mỹ trong nhiều năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục phục vụ trong biên chế nước này tới năm 2050. Mỹ lần đầu đưa máy bay B-52 vào biên chế từ những năm 1950.
Ban đầu, B-52 được thiết kế là máy bay ném bom tầm xa, liên lục địa. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, máy bay này được nâng cấp đáng kể với hệ thống điện tử, cảm biến công nghệ cao và được trang bị tên lửa dẫn đường chính xác.
Thông tin về các chuyến bay B-52 tới "cửa ngõ" của Nga được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo, Mỹ và Anh đang lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự tại Ukraine và NATO vẫn tăng cường việc triển khai quân đội ở Đông và Trung Âu.
Mỹ hiện là nước viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine. Lầu Năm Góc hôm 8/8 thông báo gói viện trợ vũ khí mới nhất đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt và là gói viện trợ thứ 18 dành cho Ukraine.
Ukraine thời gian qua đã tích cực kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí trong bối cảnh Nga đang áp đảo về hỏa lực. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, Mỹ đang "kéo dài giai đoạn khó khăn của Ukraine bằng việc cung cấp vũ khí cho Kiev".
Nga nhiều lần cảnh báo sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tới khi nào đạt được mục tiêu và các nỗ lực hỗ trợ Ukraine từ phương Tây sẽ không khiến cho Moscow bị ảnh hưởng.