Theo Sputnik, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 29/8 cảnh báo, việc Tây Âu đang tìm cách "cai" nguồn cung năng lượng Nga, ngay cả khi họ không có nguồn thay thế, có thể dẫn tới sự sụp đổ có hệ thống khi người dân không được sưởi ấm vào mùa đông này.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (Ảnh: Hungary News).
"Tất cả những tuyên bố từ Tây Âu về vấn đề năng lượng đơn giản là không hiệu quả khi mùa đông đang tới gần. Trong khi các tuyên bố về ý thức hệ, chính trị với sự hỗ trợ hiệu quả từ các phương tiện truyền thông quốc tế có thể dễ dàng thổi phồng bong bóng che mắt mọi người, tất cả những hệ tư tưởng này sẽ không thể giữ ấm cho công dân EU khi mùa đông đến gần", ông Szijjarto lý giải.
Theo nhà ngoại giao Hungary, nước này sẽ không "rơi vào cái bẫy" như vậy. Ông cảnh báo, áp lực từ các chính phủ châu Âu sẽ chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn và trật tự thế giới hiện tại đang hướng tới "sự sụp đổ rộng khắp". Quan chức này cho rằng, nguồn năng lượng từ Nga là không thể thiếu đối với an ninh năng lượng của châu Âu, và nếu không có chúng, sự bất mãn trong xã hội có thể dẫn đến "sự sụp đổ hệ thống".
Ông Szijjarto cho biết, không chỉ Hungary không hứng thú với các cuộc trao đổi về việc trừng phạt năng lượng Nga, mà các quốc gia khác cũng âm thầm ủng hộ Budapest về vấn đề này dù không thể hiện công khai.
Trong khi Hungary đã phản đối lời kêu gọi của toàn khối về lệnh cấm vận đối với dầu và khí đốt của Nga kể từ khi ý tưởng này lần đầu xuất hiện, các quốc gia khác từng yêu cầu trừng phạt Moscow đã nhanh chóng nhận ra rằng không có nguồn năng lượng nào khác có thể thay thế nguồn cung của Nga, Ngoại trưởng Szijjarto cho biết.
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng 2, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, bao gồm lĩnh vực năng lượng vốn là "xương sống" trong nền kinh tế của Moscow. Mục tiêu của các động thái này là nhằm gây áp lực lên Nga. Tuy nhiên, Nga với vị thế của một siêu cường năng lượng, vẫn đang chống chịu được với các biện pháp trên và thậm chí còn mang về nhiều doanh thu hơn từ lĩnh vực này do giá cả tăng phi mã. Trong khi đó, châu Âu - bên phụ thuộc vào năng lượng Nga trong nhiều thập niên - đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng diện rộng, làm lạm phát tăng vọt ở nhiều nước.