Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal hôm 4/9 đã có cuộc gặp với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Hai nhà lãnh đạo đã "thảo luận về tình hình chiến sự, tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga và nhu cầu cung cấp vũ khí cho Ukraine".
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal trước cuộc hội đàm ở Berlin (Ảnh: AFP).
Thủ tướng Shmygal cũng cảm ơn Đức "vì đã sát cánh và ủng hộ Ukraine".
"Đức đã đạt được tiến bộ to lớn trong hỗ trợ về mặt vũ khí cho Ukraine", Thủ tướng Ukraine nói với truyền thông Đức trước chuyến thăm.
Tuy nhiên, ông Shmygal cũng nói rằng Ukraine cần nhiều vũ khí hơn từ Đức, trong đó có "xe tăng chiến đấu hiện đại" như Leopard 2.
Theo phát ngôn viên của Tổng thống Đức, nước này sẽ "tiếp tục đứng về phía Ukraine một cách đáng tin cậy".
Theo AFP, Thủ tướng Shmygal là quan chức cấp cao đầu tiên của Ukraine đến thăm Đức trong nhiều tháng, cho thấy bất đồng giữa Kiev - Berlin đã hạ nhiệt.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi tháng 8 tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ quân đội Ukraine trở thành một quân đội hiện đại và có đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ trong tương lai. Ukraine sẽ nhận được các vũ khí mới và hiện đại từ Đức trong một vài tuần hoặc vài tháng tới. Cụ thể, các hệ thống phòng không, đài radar và thiết bị bay không người lái trinh sát sẽ được chuyển cho Kiev".
Ông Scholz cũng cho biết Đức sẽ làm hết sức có thể để tăng cường năng lực chiến đấu cho lực lượng pháo binh và phòng không Ukraine. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Đức kêu gọi sự đồng lòng và phối hợp từ các quốc gia đồng minh phương Tây của Kiev.
Theo thống kê, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức đã cung cấp cho các lực lượng vũ trang Ukraine 3.000 bệ phóng tên lửa chống tăng vác vai Panzerfaust 3, nhiều pháo phòng không tự hành Gepard, 14.900 mìn chống tăng, 500 tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất và 2.700 tên lửa phòng không vác vai Strela.
Ngoài ra, 100 súng máy MG3, 50 hỏa tiễn xuyên phá boong-ke, 21,8 triệu đạn dược cho vũ khí hạng nhẹ, 100.000 quả lựu đạn cầm tay cùng nhiều vật tư chiến tranh khác đã được Đức viện trợ cho Ukraine. Nhiều nguồn tin còn khẳng định các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của Đức cũng sẽ sớm được chuyển đến Ukraine.
Số lượng vũ khí này đã được quân đội Ukraine sử dụng tương đối hiệu quả trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga cũng như tổ chức phản công nhằm giành lại phần lãnh thổ đã mất.
Đức đã chuyển vũ khí cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát, nhưng số lượng và tốc độ vẫn kém khá nhiều so với Mỹ và Anh - các bên viện trợ cho Kiev tích cực nhất.
Đức thừa nhận họ không thể viện trợ cho Ukraine với tốc độ nhanh như Mỹ vì nguồn lực có giới hạn. Đức cũng tuyên bố đã chuyển toàn bộ vũ khí có trong kho và cả vũ khí mới cho Ukraine.